Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2015

Quyền lực mềm: Anh hạng nhất, Trung Cộng 30



Ngô Nhân Dụng

Người dân Trung Quốc vẫn được nghe tuyên truyền của đảng Cộng Sản nói rằng nước họ đang hùng cường nhất thế giới, nếu thua chắc chỉ nhường nước Mỹ - trong hiện tại. Nhưng trong vài chục năm nữa Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ. Thật sự thì Trung Quốc hùng cường đến đâu?

Giữa Tháng Bảy 2015, một tổ chức quốc tế xếp hạng 30 quốc gia theo quyền lực mềm đã đặt Anh quốc hàng đầu (75.61 điểm), Trung Quốc hạng chót (40.85 điểm). Người Trung Quốc không biết tin này, người Việt Nam cũng không, báo chí cả hai cả hai nước đều nhất trí không muốn làm đảng Cộng Sản mất mặt.

Trong bảng xếp hạng quyền lực mềm năm nay, đứng thứ nhì là Ðức (73.89 điểm), thứ ba là Mỹ (73.68), sau đó là Pháp, rồi Canada, Úc, Thụy Sĩ, Nhật Bản. Trung Quốc đứng hạng 30, sau Mexico (42.52), Thổ Nhĩ Kỳ (42.55) và Cộng Hòa Tiệp (43.36). Hai nước Á Châu khác được nằm trong danh sách là Nam Hàn (54.32) và Singapore (52.50). Bảng xếp hạng chỉ nêu danh 30 nước, những nước không nằm trong đó tất nhiên còn yếu hơn nhiều.

Nhưng tại sao Trung Quốc lại đứng hạng thấp như vậy?

Khái niệm “quyền lực mềm” hay “sức mạnh mềm” (soft power) do Giáo Sư Joseph S. Nye Jr. đưa ra từ năm 1990 đã được giới nghiên cứu chính trị chấp nhận là một thước đo để so sánh sức mạnh các quốc gia trên thế giới. Quyền lực cứng (hard power) bao gồm sức mạnh quân sự và kinh tế. Khi anh có thể dọa nạt bằng súng hay mua chuộc bằng tiền, hiển nhiên là anh mạnh. Nhưng dù anh mạnh đến đâu, anh vẫn thua một chàng trong tay không có súng và chỉ ăn cơm với rau muống, nếu mọi người ai cũng kính trọng và muốn học hỏi và kết thân với anh chàng kia. Anh kia có thứ sức mạnh mềm mà anh không có.

Tổ chức “Soft Power 30” so sánh sức mạnh mềm của mỗi quốc gia tùy theo cách dân các nước khác nhìn họ thế nào. Thứ nhất, người ta do lường xem mọi người có thích và phục nước đó hay không. Ðặc biệt là ảnh hưởng trong các lãnh vực như văn nghệ, giải trí, thành tích thể thao, ngôn ngữ được nhiều người tập nói, cách sống được mọi người ưa thích, vân vân. Thứ hai, xem loài người có kính trọng tư cách của người dân nước đó hay không. Một nước được kính trọng khi nào người dân nước đó sống tự do và được luật pháp bảo vệ. Dân nước đó có quyền quyết định cuộc sống xã hội vả chính trị của mình, tôn trọng luật pháp và biết đối xử bình đẳng với lân bang. Lãnh vực thứ ba là đo lường quan hệ giữa nước đó với thế giới bên ngoài. Một nước được nhiều người đến du lịch, du học, và giao hảo với các nước khác thì được điểm cao. Quyền lực mềm là khả năng thu hút người dân các nước khác, nhờ pha trộn đủ các yếu tố trong ba lãnh vực trên. Người ta thường gọi quyền lực mềm là “sức hút” còn quyền lực cứng là “sức đẩy.”

Quyền lực mềm khiến cho một quốc gia có thể ảnh hưởng trên các nước khác mà không cần dùng đến binh lực hoặc sức mạnh kinh tế, là hai yếu tố thuộc loại quyền lực cứng. Joseph S. Nye nhấn mạnh rằng quyền lực mềm không phải chỉ là gây ảnh hưởng; vì người ta có thể tạo được ảnh hưởng bằng sức mạnh hay tiền tài. Nye nêu thí dụ năm 2003, chính phủ Mỹ muốn nhờ Thổ Nhĩ Kỳ cho mượn phi trường để chuyển quân trong cuộc chiến Iraq nhưng bị từ chối. Vì đối với người dân và chính phủ Thổ lúc đó, họ thấy hành động của chính phủ Mỹ không đáng kính trọng, nước Mỹ đã mất quyền lực mềm đối với dân Thổ. Ngược lại, khi chính phủ Mỹ muốn mượn phi trường và căn cứ quân sự tại Uzbekistan trong cuộc chiến Afghanistan thì được thỏa mãn. Vì cuộc chiến này được Liên Hiệp Quốc chính thức ủng hộ.

Tổng Thống Nga Vladimir Putin từng khinh rẻ nói rằng, “Anh quốc là một một hòn đảo nho nhỏ không ai thèm để ý tới.” Vậy là trong mấy năm qua Anh và Ðức thay phiên nhau dứng hạng nhất và nhì trong bảng 30 nước có quyền lực mềm cao nhất. Nga là một siêu cường về quân sự nhưng không thấy trong danh sách này, tức là quyền lực mềm còn yếu hơn cả Trung Quốc! Ông Putin không sử dụng được quyền lực mềm. Cho nên ông đã ép các nước thuộc Liên Bang Xô Viết cũ phải thân thiện với Nga, dùng vũ lực như ở Georgia, Ukraine, hay bằng hối lộ kinh tế như tại mấy nước Trung Á. Nhưng Putin càng ép bao nhiêu, người dân các nước đó càng muốn làm thân với các nước khác hơn.

Khi hiểu quyền lực mềm do đâu mà có chúng ta hiểu tại sao chính quyền Cộng Sản Trung Quốc đã làm cho quyền lực mềm của nước họ rất thấp. Thứ nhất là chế độ độc đảng. Ðảng Cộng Sản cố bám lấy độc quyền chính trị và kinh tế. Vì thế xã hội Trung Quốc không thể phát triển, sáng kiến, phát minh và ngay tinh thần kinh doanh của người dân đều thấp; không làm cho người ngoài kính trọng. Dân Trung Hoa trở nên giầu có, nhiều người nay đã thành triệu phú, tỷ tỷ phú đô la khiến người ngoài ngưỡng mộ, nhưng không người nào ở bên ngoài muốn đổi cuộc sống của mình lấy cuộc sống của một người dân Trung Hoa. Cộng Sản Trung Quốc tuyên truyền rằng họ không có tham vọng bá quyền, rằng họ muốn thân thiện với mọi nước, nhưng chẳng ai tin. Trung Cộng đã xây dựng nhiều đường sá, phi trường, khai thác hầm mỏ ở Phi châu; chính phủ nhiều nước ở đó thích nhờ Trung Quốc viện trợ vì họ không bao giờ đặt điều kiện về cải thiện nhân quyền. Nhưng các sinh viên Phi Châu vẫn muốn đi học ở các nước Âu Mỹ, các nhà điện ảnh muốn gửi phim đi dự thi ở Pháp, Mỹ hay Ðức.

Hiện nay Trung Cộng có thể gây ảnh hưởng trên nhiều quốc gia; nhưng ảnh hưởng đó còn thấp uy thế của Liên Xô trong thời Chiến Tranh Lạnh. Ngay sau khi chế độ Cộng Sản sụp đổ trên thế giới, tất cả các nước từng nằm trong
Liên Xô đều chạy đi kết thân với các nước Tây phương. Giờ đây không người dân một nước nào coi nước Nga là kiểu mẫu đáng cho nước họ noi theo cả. Sức mạnh mềm của Trung Quốc cao hơn Liên xô, nhưng cũng mang các đặc tính giống nhau.

Nước Anh đứng hạng nhất trong danh sách quyền lực mềm nhờ chế độ chính trị dân chủ lâu đời với một vị nữ hoàng khả kính, nhờ ngôn ngữ rất nhiều người muốn học, nhờ đài BBC có uy tín trung thực khách quan, và nhờ các đại học nổi tiếng. Nhưng các sản phẩm văn hóa của nước Anh cũng lôi cuốn người ta, từ các đội đá banh và cầu thủ David Beckham cho tới truyện trẻ em Harry Potter, kịch cổ điển của Shakespeare, nhạc Beatles.

Nhiều nước với dân số rất nhỏ như Israel, Thụy Ðiển, vương quốc Bỉ cũng được xếp hạng trên Trung Quốc khi so sánh quyền lực mềm. Các nước Bắc Âu được thế giới kính trọng vì xã hội công bằng, tôn trọng quyền làm người và quyền công dân, trong khi kinh tế rất phồn thịnh. Nước Pháp luôn luôn đứng hạng cao trong danh sách 30 nước, mặc dù nền kinh tế lết bết hàng chục năm nay, vì cả thế giới vẫn ngưỡng một nền văn hóa và cách sống của người Pháp.

Khác với sức mạnh quân sự hay kinh tế, sức mạnh mềm rất khó dùng quyền tập trung mà điều khiển. Vì vậy các chính quyền độc tài muốn tạo thêm sức mạnh mềm cũng hoàn toàn bất lực. Một chính quyền lại chỉ quen dùng vũ lực đe dọa ngay đối người dân nước họ, dùng tiền tài mua chuộc để nuôi cán bộ, thì rất khó tạo được sức hấp dẫn với người nước ngoài. Sức hấp dẫn của một quốc gia nằm ngoài khả năng của các chính quyền. Không thể ép người khác yêu mình, lại càng khó hơn nếu muốn ép cả thế giới thán phục mình.

Trong thời đại thông tin bùng nổ, sức mạnh mềm sẽ càng ngày càng quan trọng hơn trong khi vai trò của sức mạnh cứng giảm dần trên trường chính trị quốc tế.

Thông tin chính là một nguồn của quyền lực. Càng ngày càng nhiều người trên thế giới tiếp nhận được thông tin và truyền bá thông tin khiến ảnh hưởng của mỗi quốc gia sẽ dựa trên sức thuyết phục của họ đối với dư luận loài người, chứ không phải do sức mạnh kinh tế hay quân sự. Một quốc gia có sẵn những định chế xã hội giúp chia sẻ thông tin một cách tự do và dễ dàng sẽ khiến người dân các nước khác hướng vọng nhiều hơn. Người ta sẽ thích trao đổi và cộng tác với mình hơn; do đó sẽ cùng chia sẻ các quan niệm sống, các phương pháp giải quyết các vấn đề chung của thế giới. Cuộc chạy đua trong tương lai sẽ là thi thố xem nước nào đáng tin tưởng và đáng kính trọng hơn.

Trong vài chục năm nữa liệu Trung Quốc có thể vươn lên đứng hàng ngang ngửa với Anh, Ðức, Mỹ về sức mạnh mềm được không? Nếu dân Trung Quốc xóa bỏ chế độ độc quyền của đảng Cộng sản thì họ có hy vọng.

Sau khi chế độ độc tài Cộng Sản sụp đổ thì cũng phải đợi ít nhất một thế hệ sức mạnh mềm mới biểu lộ được để hấp dẫn loài người. Tác dụng của sức mạnh mềm bao giờ cũng chậm, phải chờ rất lâu mới thay đổi được cách nhìn của người chung quanh về một dân tộc, một quốc gia.


 http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=211144&zoneid=7#.Vb5fl8r2zCY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét