Nhiều lần đọc BBC thấy GS Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng khoa học
và đào tạo đại học quốc gia Hà Nội, bảo vệ cho sự độc quyền chính trị
của đảng cộng sản Việt Nam đến cùng, ví dụ như ông nói “Hiện chưa thấy
có cơ sở pháp lý nào để cho phép việc thành lập các chính đảng mới ở
Việt Nam, bên cạnh Đảng Cộng sản.”
Quan điểm này của ông Giang rõ
ràng là sai vì chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã công nhận: “Người dân
có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật
để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán
bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép.”
Không
có điều luật nào của Bộ luật hình sự cấm công dân lập đảng chính trị
nên công dân đương nhiên có quyền lập đảng. Hơn nữa, điều 16 Hiến pháp
2013 của đảng cộng sản cũng công nhận “Mọi người đều bình đẳng trước
pháp luật”. Nếu những công dân theo chủ nghĩa cộng sản có quyền lập đảng
cộng sản thì các công dân khác, có tư tưởng, quan điểm khác, cũng có
quyền lập đảng để sinh hoạt chính trị một cách bình đẳng với các công
dân là đảng viên cộng sản.
Do đó, GS Vũ Minh Giang nói không có
cơ sở pháp lý cho việc thành lập chính đảng là chưa đúng. Công dân Việt
Nam hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để thành lập các chính đảng.
Thế nhưng, trong lần phỏng vấn mới nhất trên VietnamNet, GS Vũ Minh
Giang lại khiến nhiều người bất ngờ vì quan điểm của ông. Ông nói:
“Như chúng ta đã biết, có những quốc gia cho rằng người có quyền lực
chính trị là quan trọng nhất khiến cho các lực lượng xã hội khác phải đi
theo và phục tùng. Người ta gọi đó là chế độ độc tài, và như chúng ta
đã thấy, chế độ độc tài nào trước sau cũng bị sụp đổ và sẽ phải
chịu sự phán xét của nhân dân và lịch sử.”
Điều 4 Hiến pháp
2013 của đảng cộng sản đã trao độc quyền chính trị cho đảng này mà
không cần thông qua bầu cử tự do và công bằng của toàn dân. Thế thì đảng
cộng sản có phải là lực lượng chính trị “khiến cho các lực lượng xã hội
khác phải đi theo và phục tùng” hay không? Và như thế thì thể chế chính
trị hiện tại có đủ điều kiện để gọi là “chế độ độc tài” hay chưa?
Và câu khẳng định của GS Vũ Minh Giang, một trong những cây lý luận
hàng đầu của đảng cộng sản, như một điềm báo cho “chế độ độc tài”: “chế
độ độc tài nào trước sau cũng bị sụp đổ và sẽ phải chịu sự phán
xét của nhân dân và lịch sử.”
Đã biết rõ như thế thì “chế độ độc tài” chỉ đang câu giờ mà thôi, tồn tại được thêm ngày nào hay ngày nấy.
Giải pháp để tránh sự sụp đổ cho chế độ chính là cứ vận dụng tư tưởng
Hồ Chí Minh trong những ngày tháng 8 cách đây 70 năm. Cụ Hồ viết:
“Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ
thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng
cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống, v.v…”
“Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những
người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng
tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng
cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia trai gái, giàu
nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, ĐẢNG PHÁI, hễ là công dân Việt
Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự
do, bình đẳng; tức là dân chủ đoàn kết”.
Cụ Hồ viết rất rõ là
trong thể chế dân chủ cộng hòa của nhân dân, không có chuyện phân biệt
“đảng phái” và “những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng
cử”. Do đó, những ai chủ trương ưu tiên cho một chính đảng được độc
quyền chính trị, chủ trương ngăn cản người muốn lo việc nước ra ứng cử
bằng cách hiệp thương của Mặt trận là những người phạm vào điều 79 của
bộ luật hình sự của đảng cộng sản: “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền
nhân dân”.
Vì chế độ “dân chủ cộng hòa” đã bị “lật đổ” để thay
bằng chế độ “cộng hòa xã hội chủ nghĩa”, trong đó ưu tiên cho một đảng,
ngăn cản người dân tự do ra ứng cử bằng hiệp thương.
Việc vi phạm
hiến pháp, pháp luật phải chấm dứt ngay. Đó cũng nhằm tránh sự sụp đổ.
Đó cũng chính là giải pháp cho Việt Nam, toàn dân, kể cả các đảng viên
cộng sản yêu nước, bắt tay nhau hiện thực hóa “nhân dân làm chủ, pháp
luật chuẩn mực”, bắt đầu từ bản hiến pháp của toàn dân.
Nếu thật
sự các lãnh đạo của đảng cộng sản coi trọng tư tưởng Hồ Chí Minh, nếu
thật sự hiểu ý nghĩa của cách mạng tháng 8, hãy hành động theo những lời
nói trên của Hồ Chí Minh.
'Căn cứ đâu để lập chính đảng mới?’
Nguồn: FB Nguyễn Tiến Trung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét