Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

Vì sao Trung Quốc hạ giá đồng tiền?



Hà Tường Cát/Người Việt

Sáng Thứ Ba, 11 Tháng Tám, Trung Quốc bất ngờ thông báo điều chỉnh 1.9% trị giá đồng nhân dân tệ đối với tỷ giá tham chiếu hàng ngày, từ 6.1162 xuống còn 6.2298 nhân dân tệ (RMB) đổi 1 dollar Mỹ (USD). Ðây là sự giảm giá RMB với mức độ mạnh nhất trong 2 thập kỷ gần đây, đồng thời chấm dứt một đợt 'neo' RMB vào USD, đã được áp dụng không chính thức kể từ tháng 3 vừa qua.

Trong thông báo, Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc (Public Bank of China = PBoC) nói rằng đây là đợt điều chỉnh mà thị trường đã chờ đợi từ lâu và động thái này sẽ giúp tỷ giá phản ánh cung cầu thực đúng hơn, do giá USD đã tăng mạnh trong thời gian qua. PBoC cũng xác định đợt điều chỉnh chỉ là duy nhất, vì đang có kế hoạch giữ RMB ổn định ở mức “hợp lý.” Theo PBoC đây là một bước đi trong công cuộc cải cách cơ chế tỷ giá của Trung Quốc, nhằm cho phép thị trường đóng vai trò lớn hơn trong việc quyết định tỷ giá, từ đó dần bỏ việc can thiệp của nhà nước.


Nhưng ngay ngày hôm sau, Thứ Tư, 12 Tháng Tám, RMB lại được giảm thêm 1.6% nữa và như vậy đang trên đà hai ngày giảm giá liên tiếp, 3.5%, mạnh nhất kể từ Tháng Giêng 1994, và tình trạng này kéo tiền tệ nhiều quốc gia Châu Á sụt giá theo. Tỷ giá như vậy là 6.3294 RMB bằng 1 USD. PBoC giải thích họ chỉ đang phản ánh sát hơn diễn biến trên thị trường, đồng thời khẳng định sẽ không hạ giá liên tục, bởi vì “Nhìn vào tình hình trong nước và quốc tế, rõ ràng không có cơ sở nào để nhận định RMB sẽ liên tục đi xuống.”

RMB của Trung Quốc - một trong những đồng tiền được kiểm soát chặt chẽ nhất trên thế giới - đã bị tổn thương trước những yếu kém của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Adarsh Sinha - chiến lược gia thuộc bộ phận nghiên cứu của ngân hàng Bank of America Merril Lynch - nhận định: “Chúng tôi dự báo nhân dân tệ sẽ giảm giá 5%-10% trong năm tới, mặc dù đồng tiền này hãy còn khá ổn định trong vài tháng sắp đến.”

Trước đây PBOC vẫn hỗ trợ đồng nhân dân tệ để có thể ngăn dòng vốn chảy ra ngoài, và khuyến khích việc sử dụng đồng nhân dân tệ trên toàn cầu trong nỗ lực tìm kiếm vị thế làm một đồng tiền dự trữ trong rỏ tiền tệ của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF). Các biện pháp can thiệp đã khiến dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm 300 tỷ USD trong 4 quý gần đây.

Trung Quốc hiện đang phải cân bằng giữa nhu cầu hỗ trợ hoạt động xuất cảng với rủi ro “chảy máu tiền mặt,” Tom Orlik, chuyên gia kinh tế trưởng châu Á của Bloomberg Intelligence, nhận định như vậy. Ông ước tính đồng nhân dân tệ giảm giá 1% (tính trên tỷ giá thực) sẽ giúp tăng trưởng xuất cảng lên thêm 1 điểm phần trăm với độ trễ là 3 tháng. Nhưng đi kèm với điều ấy sẽ là 40 tỷ USD có thể bị rút ra trên thị trường vốn. Tuy nhiên có vẻ như các lãnh đạo Trung Quốc tính toán rằng họ có thể chống đỡ rủi ro đó bằng 3,690 tỷ USD trong dự trữ ngoại hối.

Theo Financial Times biện pháp tiền tệ của Trung Quốc hiện nay là do tình hình phát triển kinh tế đang chậm lại. Tăng trưởng toàn năm chỉ được 7%, mức thấp nhất kể từ 6 năm. xuất cảng xuống 8.3% Tháng Bảy so với năm trước, quá tệ đối với dự đoán 1.5%. Trước hết, đồng tiền yếu có thể giúp xuất cảng của Trung Quốc có sức cạnh tranh hơn.

Như vậy phải chăng sẽ có cuộc chiến tiền tệ? Không nhất thiết là thế. Mục tiêu mà PB0C tuyên bố là hành động này nhằm vào cải cách kinh tế thị trường, để thị trường quyết định tỷ giá hối đoái chứ không phải định giá theo ý muốn. Tuy vậy khó để có thể nói ngay lúc này rằng đây là thắng lợi về cải cách kinh tế thị trường.

Theo CNN, cải cách tiền tệ theo định hướng thị trường sẽ là đòn bẩy hỗ trợ chiến dịch đưa đồng RMB vào nhóm những ngoại tệ mạnh mà IMF dùng để định giá tài sản dự trữ.

Chuyên gia kinh tế Alicia Herrero, ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp, nói: “Chúng tôi tin chắc PBoC không dám để đồng RMB sụt giá quá nhanh và quá mạnh vì họ cần thể hiện là vẫn đang kiểm soát tốt tình hình tiền tệ.”

Trước cuối năm nay IMF sẽ xem có thể đưa đồng nhân dân tệ vào quỹ dự trữ toàn cầu cùng với đồng dollar, đồng euro, đồng bảng Anh và đồng yen. IMF chỉ quyết định điều này một lần mỗi 5 năm. Như vậy có thể rằng việc PCoB đẩy nhanh tiến trình giải phóng, thả nổi đồng tiền, là một phần trong ý nguyện quốc tế hóa việc sử dụng RMB. Trung Quốc muốn RMB được chấp nhận làm đồng tiền thanh toán, đầu tư và dự trữ tại nhiều khu vực trên thế giới. Và nếu như vậy, việc giảm giá RMB lúc này chỉ là sự điều chỉnh một lần như PBoC giải thích, chứ chưa tới mức là hành động phá giá.

Tờ New York Times cho rằng động thái của Trung Quốc được đánh giá là một mũi tên trúng 2 đích, vừa thúc đẩy kinh tế trong nước, duy trì tăng trưởng và việc làm, vừa tăng quyền lực cho đồng RMB để củng cố vai trò toàn cầu của Trung Quốc.

Dù sao đi nữa việc hạ giá đồng RMB xuống đáy 4 năm so với USD gây tác động đến toàn thế giới. Nhiều tiền tệ Châu Á mất giá theo. Ðồng rupiah của Indonesia và ringgit của Malaysia đã xuống đáy 17 năm so với USD. Trong khi đó, các đồng dollar Australia và New Zealand xuống thấp nhất trong 6 năm.

Nhưng theo BBC dù cho các thị trường quốc tế chấn động, việc xuống giá chỉ hơn 3% chưa có tác động gì lớn và nếu như thêm nữa thì có lẽ mới ảnh hưởng thay đổi số phận của một số doanh nghiệp trong và ngoài Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, các nhà xuất cảng nhất là các công ty may mặc và xe hơi, sẽ được tăng sức cạnh tranh. Các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ có nguồn cung cấp hàng từ Trung Quốc với mức giá rẻ hơn và các công ty có sử dụng dịch vụ, sản phẩm, bộ phận thiết bị Trung Quốc cũng như vậy. Du khách nước ngoài tới Trung Quốc được lợi khi đổi tiền sang đồng nhân dân tệ.

Thật ra những lần phá giá nhỏ trong một chương trình lớn chưa có ảnh hưởng ngay lập tức tới xuất cảng. Ngân hàng DBS Bank nhận đinh là “việc phá giá thích hợp từ 10% đến 30%, và phải duy trì trong một năm thì xuất cảng mới bắt đầu cho thấy có sự thay đổi.”

Nhưng các công ty Trung Quốc có các khoản nợ bằng ngoại tệ, chẳng hạn các hãng hàng không, sẽ phải trả lãi nhiều hơn, đồng thời là chi trả nhiều tiền để mua nhiên liệu bằng đồng dollar Mỹ.

BBC cho rằng biến động tiền tệ Trung Quốc là bất lợi cho Việt Nam. Ngay lập tức Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam ra thông báo điều chỉnh nâng biên độ tỷ giá US Dollar/VN Ðồng lên gấp đôi, từ 1% lên 2%. Giá mua bán USD của các ngân hàng có thể dao động trong phạm vi từ 21,240 đồng đến 22,106 đồng. Ngân Hàng Trung Ương của Việt Nam giải thích động thái này là nhằm đảm bảo tính linh hoạt cho tỷ giá trước các tác động của thị trường quốc tế và đảm bảo cho khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Phong, một chuyên gia chứng khoán, nói với BBC: “Với đặc thù Trung Quốc là đối tác chiếm tỷ trọng thương mại lớn của Việt Nam, thì việc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ sẽ có tác động bất lợi tới nền kinh tế Việt Nam.” Theo ông việc Trung Quốc phá giá nhân dân tệ đã khiến thị trường bị bất ngờ và điều này gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến Việt Nam cũng như thế giới, nhất là về mặt kinh tế. Ông Phong giải thích: “Nếu đồng nhân dân tệ tiếp tục yếu hơn thì trong tương lai nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc sẽ nghiêm trọng hơn nữa. 12 năm trước Việt Nam chỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 15 của họ, tính đến quý 1 năm nay thì Việt Nam đã là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Trung Quốc và đây là điều rất đáng lo ngại.”

Tờ Wall Street Journal nhận xét việc Trung Quốc nhanh chóng quay ngoắt trở lại trong chính sách tiền tệ cho thấy tình hình kinh tế của nước này đang tới điểm cấp bách. Các giới chức Trung Quốc lo ngại nền kinh tế suy yếu nhanh hơn dự tính. Chủ Tịch Tập Cận Bình trong hai tháng gần đây luôn luôn nói với các viên chức địa phương rằng duy trì phát triển kinh tế là ưu tiên số một, ngắn hạn cũng như trong kế hoạch ngũ niên. Như thế cải cách là cần thiết nhưng chỉ đi sau ổn định.

Bắc Kinh đang vất vả trong sự cân nhắc giữa tăng trưởng và cải cách. Biện pháp tiền tệ vừa đưa ra chứng tỏ giới lãnh đạo Trung Quốc muốn tìm một lối khác cho tăng trưởng sau khi các giải pháp khác đều vô hiệu lực và như thế có lẽ sẽ còn những hành động quyết liệt hơn tiếp theo. Người ta chờ đợi trong những ngày tới xem đồng RMB sẽ như thế nào trong thị trường. Wall Street Journal nói rằng các phát ngôn nhân của PBoC, Bộ Thương Mại và Hội Ðồng Chính Phủ được phỏng vấn đều khước từ đưa ra lời bình luận.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét