Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

Mỹ công bố Chiến Lược An Ninh Hàng Hải Châu Á Thái Bình Dương

WASHINGTON DC (NV) – Phụ tá bộ trưởng quốc phòng Mỹ, ông David Shear, hôm Thứ Sáu công bố tài liệu mang tựa đề Chiến Lược An Ninh Hàng Hải Châu Á Thái Bình Dương, theo trang mạng The Peninsula, trong đó phác họa những nét quan trọng trong chính sách an ninh tại vùng biển của Châu Á.
      Chiến đấu cơ tối tân F22 Raptor của Mỹ. (Hình: Getty Images/Jonathan Daniel)
 
 Phát biểu trong phiên họp tại Ngũ Giác Đài ông Shear nói: “Trung Quốc từng khẳng định rằng họ đã ngưng bồi đắp các đảo ở Biển Đông nhưng chúng tôi không thấy họ đã làm đúng như lời tuyên bố.” Theo RFI, dù cũng đề cập đến biển Hoa Đông, nhưng rõ ràng là chiến lược biển mới của Mỹ đặt trọng tâm vào việc đối phó với các hành vi quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông.
The Peninsula trích dẫn tiếp báo cáo, trong đó nói, Bắc Kinh đang trong tiến trình hoàn tất một sân bay trên một trong bảy đảo nhân tạo.
Một khi phi đạo trên đảo Chữ Thập đi vào hoạt động, Trung Quốc sẽ sử dụng nó như một phi đạo thay thế của phi cơ dùng trên hàng không mẫu hạm, cho phép quân đội Trung Quốc kéo dài những cuộc hành quân với sự hiện diện của các hàng không mẫu hạm trong khu vực.
Tại những đảo bồi đắp trong quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng, họ có những cảng nước sâu cho tàu thuyền lớn cập bến.
Báo cáo tiếp: “Hạ tầng cơ sở đang xây dựng cho thấy Trung Quốc muốn thiết lập một sự hiện diện lực lượng quân sự hùng mạnh ở Biển Đông.”
Từ khi Trung Quốc bắt đầu nhận chủ quyền vùng biển đảo trên Biển Đông vào Tháng 12, 2013, tính đến Tháng Sáu, 2015, họ đã nhận hết  2,900 mẫu đất, khác với 2,000 mẫu như Hoa Kỳ ước tính trước đây.
Trong một thông cáo, bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc từng nói, họ đã “hoàn tất kế hoạch bồi đắp” vào cuối Tháng Sáu.
Rồi đến đầu Tháng Tám, Bộ Trưởng Ngoại Giao Vương Nghị lại nói, Bắc Kinh đã hoàn toàn ngưng cải tạo các đảo.
Trung Quốc cho hay các đảo bồi đắp được dùng vào các mục đích quân sự chưa xác định, cũng như giúp đỡ trong việc cứu nạn trên biển, cứu trợ thiên tai và cả trong vấn đề hàng hải.
Hỏi về khả năng Trung Quốc có thể tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, thì ông Shear đáp rằng, Hoa Kỳ hẳn sẽ bác bỏ điều đó cũng như đã từng làm như vậy đối với Biển Hoa Đông.
Theo RFI, ông Shear xác định ba trục chính trong chiến lược mới, gồm kiên trì dấn thân và tiếp tục sử dụng ngoại giao và các định chế đa phương để bảo vệ quyền tự do lưu thông và tiếp cận các vùng biển Châu Á; tập trung bảo vệ quyền tự do sử dụng các vùng biển, ngăn chặn xung đột và các hành vi cưỡng bức; phát huy việc tuân thủ pháp luật và chuẩn mực quốc tế.
Ông Shear thêm rằng, Washington sẽ duy trì một sự hiện diện quân sự cần thiết, đủ khả năng bảo vệ lợi ích của Mỹ cũng như của đồng minh và đối tác trong khu vực, chống lại các mối đe dọa tiềm tàng. Hoa Kỳ đang tăng cường lực lượng quân sự trong vùng để trở thành một lực lượng răn đe, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống.
RFI thuật tiếp lời ông David Shear, rằng Bộ Quốc phòng Mỹ không chỉ chuyển qua Châu Á các phương tiện tối tân nhất, mà lại còn trải đều các phương tiện đó trên toàn khu vực.
Phần chính là hạm đội tàu chiến tuần duyên LCS, loại chiến hạm nhỏ nhưng linh hoạt, với hỏa lực hùng hậu, được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ tại những vùng nước nông ven bờ, đặc thù của Biển Đông.
4 chiếc sẽ được triển khai ngay tại Singapore, phụ trách trực tiếp Biển Đông, 4 chiếc khác sẽ được dùng làm lực lượng dự bị, sẵn sàng tung ra khi cần thiết.
Một hàng không mẫu hạm mới, chiếc USS Ronald Reagan sẽ qua thay thế chiếc George Washington, và trong vòng năm năm sắp tới, Hải Quân Mỹ ở Thái Bình Dương sẽ có thêm chiếc tàu đổ bộ tấn công mới, USS America, trong lúc thêm hai tàu khu trục Aegis được gửi đến túc trực tại Nhật Bản.
Không quân cũng sẽ được tăng viện bằng loại chiến đấu cơ F-22 và F-35 tối tân hơn, không kể đến loại oanh tạc cơ chiến lược B-2 và B-52, và 47 phi cơ tuần thám đời mới P8-A Poseidon, có gắn thủy lôi. Lực lượng Thủy Quân Lục Chiến túc trực trong vùng cũng sẽ được trang bị trực thăng V-22.
Ngoài ra cũng sẽ có thêm các loại hỏa tiễn tối tân phóng đi từ chiến hạm hoặc phi cơ, cùng với các hỏa tiễn tầm xa có độ chính xác cao, trong đó có loại JASSM-ER và một loại hỏa tiễn hành trình chống hạm tầm xa mới.
Hôm thứ Năm, như để nhắc nhở Trung Quốc, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter một lần nữa khẳng định rằng Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự bên trong và chung quanh Biển Đông.
Ông Carter nói: “Phi cơ và chiến hạm Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, như vẫn làm ở mọi nơi khác trên thế giới”. (TP)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét