Nguyễn Hải Hoành
Phát xít Nhật trước
nguy cơ buộc phải đầu hàng
Chiến tranh Thái Bình
Dương nổ ra lúc 7 giờ 55 phút sáng ngày 7 tháng 12 năm 1941 (giờ Hawaii), khi
Nhật không tuyên chiến mà bất ngờ tập kích Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) trên đảo
Hawaii, đánh chìm và làm hỏng 19 tàu chiến và diệt 2.300 lính Mỹ.
Cú đánh trộm này gây
thiệt hại chưa từng thấy cho nước Mỹ, Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt gọi
ngày 7 tháng 12 ấy là “một ngày ô nhục”. Hành động vô liêm sỉ của chính phủ Nhật
đã kích động lòng căm phẫn sâu sắc của toàn dân Mỹ. Quốc hội Mỹ nhanh chóng nhất
trí từ bỏ lập trường biệt lập không can dự vào công việc của các nước khác,
chuyển sang chủ trương kiên quyết chống phát xít Nhật.
Ngày 8 tháng 12, Tổng
thống Mỹ Franklin Roosevelt ra trước cuộc họp Quốc hội tuyên bố Mỹ tuyên chiến
với Nhật. Ba ngày sau ông tuyên chiến với Đức và Ý.
Mỹ trở thành nước đồng
thời chiến đấu trên cả hai mặt trận châu Âu và châu Á. Nước Nhật dại dột “đánh
thức gã khổng lồ Mỹ” – như lời ta thán của chính đại tướng Tổng chỉ huy Hạm đội
Liên hiệp Nhật Yamamoto, người vạch chiến dịch tập kích Trân Châu Cảng. Viên tướng
này từng học ở Mỹ nên biết rất rõ tiềm lực kinh tế và quân sự cũng như khoa học
kỹ thuật của Mỹ, ông tin rằng Nhật không thể nào thắng nổi Mỹ. Phát biểu này
khiến ông bị giới quân phiệt Nhật gọi là “Nhật gian” và đòi xử tử.
Do giữ quan điểm mơ hồ
về quân phiệt Nhật nên trong một thời gian dài Mỹ thiếu chuẩn bị chiến đấu với
Nhật, năm 1941 trên vùng Thái Bình Dương Mỹ chỉ có 3 tàu sân bay, 9 thiết giáp
hạm, 22 tàu tuần dương và 54 tàu khu trục; trong lúc đó phía Nhật tương ứng có
10, 10, 38 và 113 tàu, vì vậy quân đội Mỹ ban đầu phải rút lui chiến thuật.
Quân đội Nhật thừa thắng
“Nam tiến”, chiếm hầu hết Đông Nam Á và nhiều cứ điểm quan trọng của Mỹ, các
thuộc địa của Anh, Pháp, Hà Lan ở Thái Bình Dương, tiến sát tới châu Úc.
Tuy thế Mỹ cũng kịp
thời giáng trả Nhật một số đòn đau, như ngày 18 tháng 4 năm 1942, phi đội máy
bay B-25 của trung tá Doolittle cất cánh từ tàu sân bay đột nhập ném bom Tokyo,
làm rung chuyển cả nước Nhật. Trong trận hải chiến tại đảo Midway hồi đầu tháng
7 cùng năm, hải quân Mỹ lần đầu tiên đánh chìm tàu sân bay Nhật, kết thúc chuỗi
trận bất bại của Nhật.
Chính phủ Mỹ nhanh
chóng tổng động viên toàn dân tham gia chiến tranh, chuyển ngành công nghiệp khổng
lồ của họ sang thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cải tiến vũ khí, tăng cường lực
lượng quân đội. Chi phí quân sự từ 4,5 tỷ USD năm 1941 tăng lên 20 tỷ năm 1942
và 38 tỷ USD năm 1943, hơn hẳn Nhật (2,0; 3,0; 4,5 tỷ USD). Số lượng và chất lượng
các loại vũ khí Mỹ đều tăng vượt bậc. Năm 1944, Mỹ sản xuất được hơn 35 nghìn
máy bay, so với 11 nghìn của Nhật. Đặc biệt Mỹ thiết kế chế tạo được nhiều thế
hệ máy bay, tàu chiến mới có tính năng tốt hơn của Nhật. Mỹ còn viện trợ rất
nhiều vũ khí và trang bị quân sự cho các nước Đồng Minh kể cả Liên Xô, theo
hình thức viện trợ cho vay-thuê (Lend-Lease aid), sau chiến tranh mới phải trả
nợ. Nếu không có nguồn vũ khí tiên tiến và số lượng cực nhiều do nước Mỹ nghiên
cứu thiết kế chế tạo và viện trợ thì chưa rõ Thế chiến II sẽ ra sao.
Nhờ đó lực lượng Mỹ dần
dần mạnh lên và từ cuối 1943 bắt đầu giành thế chủ động. Từ 1944, Mỹ phản công
toàn diện, chiếm lại các đảo Saipan (7/1944), Guam, Tinian (8/1944) thuộc quần
đảo Marianna ở phía Đông Phillippines. Sau đó Mỹ xây sân bay để từ các đảo này,
cũng như từ Trung Quốc, pháo đài bay 4 động cơ kiểu B-29 thực hiện ném bom chiến
lược chính quốc Nhật, phá huỷ các cơ sở sản xuất và căn cứ quân sự khiến cho Nhật
ngày càng thiếu vũ khí, trang bị.
Sau khi mất quần đảo
Marianna, tinh thần chiến đấu của quân Nhật sa sút hẳn, nhiều người Nhật đã
nghĩ tới thất bại. Từ khi máy bay Mỹ thường xuyên ném bom, mọi hoạt động kinh tế,
sản xuất công nghiệp và vũ khí trên chính quốc Nhật bị thiệt hại ngày càng nặng.
Trước tình hình thiếu
máy bay và tàu chiến, Bộ Thống soái Nhật quyết định áp dụng chiến thuật đánh
bom tự sát bằng máy bay, tầu ngầm mi-ni và ngư lôi người lái. Chiến thuật mới
này đã gây khó khăn và thiệt hại lớn cho Mỹ, nhưng cũng rất bất lợi cho Nhật vì
mất gần hết phi công, trong khi Nhật đang thiếu phi công và việc đào tạo một
phi công lâu hơn việc chế tạo một máy bay. Trong trận Mỹ đổ bộ lên đảo Okinawa,
Nhật dùng 193 máy bay cảm tử (Kamikaze) tấn công hạm đội Mỹ, có 169 chiếc bị
pháo phòng không và máy bay Mỹ bắn rơi, chỉ còn vài chục chiếc lao trúng mục
tiêu.
Tổng cộng đã có hơn 2.200
phi công Kamikaze chết, đây là một thiệt hại không thể bù đắp được. Sau đó máy
bay Nhật không còn có thể cất cánh được nữa, máy bay Mỹ càng tự do khống chế bầu
trời, bắn phá, ném bom bất cứ mục tiêu nào có quân đội Nhật.
Ngày ngày hàng nghìn
máy bay Mỹ bay sang 4 hòn đảo chính quốc Nhật, ném bom rải thảm xuống các đô thị,
chủ yếu dùng bom cháy nhằm gây tâm lý sợ hãi cho dân Nhật, vì hầu hết nhà ở của
người Nhật đều là nhà gỗ, dễ bắt lửa và cháy lan ra xung quanh. Mỹ thường ném
bom ban đêm, lửa cháy sáng rực trời càng gây hiệu quả tâm lý, vả lại ban đêm
khó cứu chữa, sáng ra chỉ còn lại cảnh hoang tàn trông cực kỳ bi thảm.
Hầu như toàn bộ các
nhà máy quân sự đều trúng bom, 64 đô thị thành đống tro tàn. Riêng cuộc ném bom
rải thảm Tokyo hai ngày 9 và 10 tháng 3 năm 1945 đã làm 100 nghìn người chết
cháy. Máy bay ném bom kiểu mới là siêu pháo đài bay B-29 bay rất cao, máy bay
tiêm kích Nhật (lúc đó đã bị diệt gần hết) và pháo cao xạ Nhật không với tới, từ
độ cao an toàn ấy máy bay Mỹ tha hồ yên tâm rải bom xuống mà Nhật không làm gì
được.
Ngày 7 tháng 5 năm
1945, nước Đức phát xít đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Châu Âu im tiếng súng.
Thất bại của Đức báo trước nước Nhật quân phiệt cũng sẽ nhanh chóng hứng chịu kết
cục nhục nhã như vậy.
Nhưng phát xít Nhật vẫn
điên cuồng chống trả Đồng Minh. Mặt trận châu Á-Thái Bình Dương vẫn ầm vang bom
đạn.
Tháng 6, Nội các Nhật
họp, phái chủ chiến chiếm đa số quyết tâm “Bản thổ quyết chiến” (quyết chiến
trên đất nước mình), “chiến đấu đến người Nhật cuối cùng”.
Thiên Hoàng Hirohito
im lặng trước quyết định đó. Vì thế nhân dân Nhật và thế giới tiếp tục phải đổ
máu vô ích.
Lúc này đảo Okinawa
cách đất liền 350 dặm về phía Nam đã bị Mỹ chiếm (4/1945). Trên đất Nhật, 2,25
triệu lục quân và 1,25 triệu hải quân chủ yếu lo cố thủ trước tin Mỹ sắp đổ bộ
vào Nhật. Ngoài ra còn khoảng 3,5 triệu quân Nhật đóng ở Trung Quốc, các nước Đông
Nam Á và một số đảo trên Thái Bình Dương. Nghĩa là lực lượng Nhật vẫn còn rất mạnh,
Bộ Chỉ huy Tối cao Đồng minh không thể coi thường.
Ngày 16 tháng 7 năm
1945, Mỹ thử thành công bom nguyên tử. Hôm sau, Truman, Churchill và Stalin hội
đàm tại Potsdam gần Berlin để bàn về tương lai nước Đức.
Đồng thời, Thứ trưởng
Ngoại giao Mỹ J. C. Gore và Bộ trưởng Lục quân H. L. Stimson dự thảo Tuyên ngôn
Potsdam về vấn đề ép Nhật đầu hàng vô điều kiện để chuẩn bị trình nguyên thủ Mỹ,
Anh, Trung Quốc ký (về sau Liên Xô cũng ký Tuyên ngôn này).
Ngay từ tháng 5, Gore
đã kiến nghị với Tổng thống Truman là chỉ cần Tuyên ngôn này đưa ra tiền đề Nhật
có thể được phép giữ lại chế độ Thiên Hoàng, thì chắc chắn Nhật sẽ chấp nhận đầu
hàng ngay. Thiên Hoàng là thống soái tối cao của quân đội Nhật; xưa nay hoàng tộc
Thiên Hoàng được dân Nhật coi là dòng dõi thần thánh không thể bị tiêu diệt;
Thiên Hoàng bị diệt nghĩa là nước Nhật bị diệt.
Thế nhưng hồi ấy dư
luận Mỹ và đa số quan chức trong Chính phủ Mỹ đều đòi đưa Thiên Hoàng ra xét xử
tội ác chiến tranh, phản đối giữ lại chế độ Thiên Hoàng. Stimson đành đề nghị
Truman dùng hình thức phi chính thức để truyền đạt cho phía Nhật biết ý định
nói trên của Mỹ.
Ngày 26 tháng 7,
Tuyên ngôn Potsdam chính thức công bố. Máy bay Mỹ thả xuống khắp đất Nhật hàng
triệu tờ truyền đơn in Tuyên ngôn này bằng tiếng Nhật.
Điều 13 của Tuyên
ngôn viết: “Chính phủ Nhật phải tuyên bố toàn bộ quân đội Nhật lập tức đầu hàng
vô điều kiện”, “Bất cứ sự lựa chọn nào khác đều chỉ có thể dẫn đến sự huỷ diệt
nhanh chóng và toàn diện của nước Nhật”.
Sakomizu, Chánh Văn
phòng Chính phủ Nhật nhớ lại tình hình lúc ấy:
Nhà đương cục phía ta thận trọng nghiên cứu
từng câu từng chữ của Tuyên ngôn này, và tôi xin nói thẳng ra là lúc ấy đã đi đến
kết luận ta chỉ có thể dùng nó để làm cơ sở chấm dứt chiến tranh, ngoài ra
không còn cách nào khác. Bộ trưởng Ngoại giao ta còn bàn chuyện phải chăng hội
nghị Chính phủ nên thừa nhận như vậy…
Thế nhưng Bộ trưởng Lục quân lại chủ trương
“Ta đang nhờ Liên Xô làm trung gian để điều đình [với Mỹ], nay đang chờ trả lời,
do đó nên chờ bao giờ có hồi âm thì hãy quyết định làm gì.”
Thế là mọi người quyết định chờ đợi, nói
cách khác, trước khi có hồi âm thì ta không tỏ thái độ gì về bản Tuyên ngôn
này. [Sakomizu : “Sự thật của việc ngừng
chiến”, 1989]
Chính phủ Nhật đã phạm
một sai lầm căn bản khi định nhờ Liên Xô làm trung gian đàm phán với Mỹ. Họ muốn
gì từ Liên Xô?
(Còn tiếp)
http://nghiencuuquocte.net/2015/08/10/ngay-tan-cua-phat-xit-nhat-p1/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét