Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

Khủng hoảng Malaysia hiện nay là sản phẩm của Mahathir


Biên dịch: Vũ Thị Hương Giang - Biên tập: Lê Hồng Hiệp
 

Ít nhất thì Najib Razak – vị Thủ tướng đang gặp rắc rối của Malaysia – đã đúng một điều. Mớ hỗn độn trong chính trị Malaysia hiện nay là sản phẩm của đối thủ lớn nhất của ông – Mahathir Mohamad – người đã dẫn dắt quốc gia Đông Nam Á này bằng nắm đấm sắt trong giai đoạn 1981–2003. Điều Najib không hiểu là Mahathir không hề tạo ra đống lộn xộn ấy bằng việc chỉ trích vai trò lãnh đạo của ông,[1] mà bằng chính cách Mahathir dọn đường cho Najib lên nắm quyền trong suốt những thập niên đương nhiệm của mình. Có thể Mahathir tin là ông có thể chấm dứt được cuộc khủng hoảng hiện thời bằng cách hạ bệ Najib. Nhưng lịch sử cần phán xét Mahathir chứ không phải ai khác, người chính là tác giả của cuộc suy thoái toàn quốc kéo dài và dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay.


Chắc chắn là dấu vân tay của Najib có ở khắp nơi trong mớ hổ lốn này. Nguồn cơn dẫn đến khủng hoảng là sự sụp đổ của công ty đầu tư quốc gia con cưng của Najib – 1Malaysia Development Berhad (1MDB). Việc này khiến thị trường chứng khoán và đồng nội tệ ringgit tụt dốc. Tất cả những điều đó diễn ra trong bối cảnh xuất hiện các cáo buộc khả tín về việc Najib đã hút khoản tiền khổng lồ 700 triệu USD vào tài khoản ngân hàng cá nhân của mình.

Nhưng con đường đi đến lụi tàn này bắt đầu từ Mahathir chứ không phải Najib. Chúng ta cần thấy rằng Mahathir đạt được quyền lực trong bối cảnh đầy may mắn. Kinh tế Malaysia tăng trưởng suốt nhiều thập niên nhờ sự quản lý kinh tế thận trọng của bộ máy hành chính rất có năng lực. Quản trị và thu thuế có hiệu quả còn nợ nần rất ít. Tài nguyên thiên nhiên, trong đó có dầu lửa, được quản lý một cách chuyên nghiệp. Cả một thập niên tái phân phối mạnh mẽ cho người Malay chiếm đa số đã giúp phục hồi ổn định xã hội sau các cuộc bạo loạn sắc tộc năm 1969. Đầu tư nước ngoài đổ vào ào ạt và có khả năng nảy nở hơn nữa. Mahathir chỉ huy một trong những đảng và liên minh có tính cố kết nhất thế giới (UMNO – Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất, và liên minh Mặt trận Dân tộc – Barisan Nasional hay BN). Chế độ tuy độc đoán nhưng so với các chế độ độc đoán khác thì không mang tính đàn áp cao và không bị quá chán ghét. Tóm lại, Mahathir ở thế thắng khi trở thành thủ tướng năm 1981.

Rồi nợ nần xảy ra. Bị ám ảnh với việc theo chân các lãnh đạo chú trọng công nghệ của châu Á, Mahathir bắt đầu vay mượn thật nhiều để tài trợ chính sách Hướng Đông của ông, một chương trình phát triển công nghiệp nặng do nhà nước dẫn dắt. Tư nhân hoá góp phần vào tăng trưởng nhưng những người hưởng lợi là các doanh nhân trung thành nhất (với Mahathir) chứ không phải những người tài giỏi nhất. Khi kinh tế toàn cầu suy thoái giữa những năm 1980, mạng lưới bảo trợ bắt đầu tàn lụi. UMNO chia rẽ, chủ yếu để phản ứng với phong cách cai trị mạnh tay của Mahathir. Hai đối thủ giỏi nhất của Mahathir là Tengku Razaleigh và Musa Hitam rời UMNO chủ yếu để tách khỏi chính Mahathir mặc dù họ vô cùng gắn bó với đảng. Mahathir phản ứng bằng cách phát động một chiến dịch cảnh sát dưới danh nghĩa căng thẳng sắc tộc để hăm doạ, bỏ tù các đối thủ chính trị nhằm củng cố sự kiểm soát chuyên quyền của mình.

Bởi thế, đến cuối những năm 1980, tất cả những đặc điểm quan trọng của cuộc khủng hoảng hiện nay của Malaysia thời Najib đã hiện rõ ngay dưới thời Mahathir. Chế độ ngày càng trở nên đàn áp hơn. Văn phòng thủ tướng trở thành nơi trú ngụ của chuyên quyền. Căng thẳng giữa các sắc tộc bị khơi lại để phục vụ thao túng chính trị. Nền kinh tế ngập trong nợ nần. UMNO không giữ được một vài lãnh đạo tài giỏi nhất. Đây là khởi điểm cho cuộc suy thoái toàn quốc đáng buồn của Malaysia, dưới bàn tay và sự kiểm soát của chính Mahathir.

Một thập niên sau, tất cả những hội chứng đó lại xảy ra, thậm chí còn tồi tệ hơn. Khủng hoảng Tài chính Châu Á 1997–98 đã trừng phạt Malaysia bởi những khoản nợ không bền vững bằng đồng đô-la mà nước này đã tích tụ khi Mahathir muốn một mực thúc đẩy tăng trưởng nhanh. Mahathir đổ lỗi tất cả mọi người vì cú sụp đổ đó, trừ chính bản thân ông. Ông sa thải và bỏ tù Anwar Ibrahim, chủ yếu vì ông này cả gan ám chỉ là Malaysia cần cải cách sâu hơn để phục hồi kinh tế.

Mahathir không kéo Malaysia ra khỏi khủng hoảng bằng cải cách hay điều chỉnh kinh tế, mà bằng cách vay mượn và chi tiêu mạnh hơn. Điều này thực hiện được là do Malaysia vẫn còn dựa lưng vào khoản dự trữ ngân sách tích tụ được suốt nửa thế kỷ, tính từ thời thực dân Anh. Mahathir phô trương tuyên bố rằng nhờ ông áp đặt kiểm soát vốn mà nền kinh tế được cứu vãn. Nhưng tình trạng vốn chảy ra nước ngoài đã gần như hoàn thành từ trước khi áp dụng những biện pháp kiểm soát ấy. Mahathir thực hiện chúng để vừa dễ bề đàn áp chính trị, vừa nhằm phục hồi kinh tế. Bóng ma của các vụ nổi loạn chống người Hoa ở nước Indonesia láng giềng đã được tận dụng hết sức để khiến cử tri người Hoa đứng về phe BN trong các cuộc bầu cử năm 1999.

Bởi vậy, trước thềm thiên niên kỷ mới, Malaysia đã quay cuồng trong quỹ đạo suy thoái mà chúng ta đang chứng kiến trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Tương tự Mahathir, Najib tiếp quản sự kiểm soát chuyên quyền đối với nền kinh tế và khởi động những kế hoạch vay mượn và đầu tư cẩu thả, nhất là 1MDB. Tương tự Mahathir, Najib dùng luật an ninh lỗi thời để ồ ạt đàn áp nhằm bảo vệ vị trí của mình trước các chỉ trích từ xã hội dân sự và từ chính UMNO. Tương tự Mahathir, Najib đã liều lĩnh sử dụng con bài dân tộc và tôn giáo khi vị thế ông suy yếu. Và để trọn vai đúng kiểu Mahathir, Najib giờ còn đuổi việc cả vị phó của mình, Muyhiddin Yassin, vì dám chất vấn sự đàn áp của Najib đối với truyền thông do đưa tin về vụ bê bối 1MDB. Tóm lại, Mahathir không nên trách ai ngoài bản thân vì ông đã khoanh tay nhìn Najib kéo Malaysia xuống sâu hơn nữa.

Cả Najib lẫn bất cứ ai thay thế ông đều có vẻ không thể đảo ngược được cuộc suy thoái kéo dài nhiều thập niên qua của Malaysia. Có lẽ đây chính là di sản tồi tệ nhất của Mahathir. Bằng cách đẩy ba chính trị gia thân tín có năng lực nhất ra khỏi UMNO khi họ đang ở thời kỳ tốt nhất, Mahathir bảo đảm rằng chỉ những chính trị gia tương đối nhẹ ký mới được nắm các vị trí lãnh đạo trong thể chế chính trị quyền lực nhất Malaysia (chỉ UMNO – NBT). Nếu Malaysia muốn thoát khỏi khủng hoảng để chuyển sang phục hồi, chứ không phải để suy thoái sâu hơn, thì đã đến lúc cần thực thi các cải cách kinh tế và chính trị được đề xuất trong phong trào reformasi (cải cách) cuối những năm 1990: hoặc là nhờ vào thế hệ lãnh đạo mới trong UMNO, hoặc là nhờ vào phe đối lập chính trị tuy bị đàn áp nhưng có sức bật của Malaysia.

* Dan Slater là phó giáo sư ngành khoa học chính trị tại Đại học Chicago.


http://nghiencuuquocte.net/2015/08/21/khung-hoang-malaysia-mahathir/#more-9875

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét