Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Hiroshima: 'Bức hình hiếm của sự sống'

Bức hình được chụp khi phóng viên ảnh Matsushige lấy được can đảm sau 20 phút do dự ban đầu.
 
Chỉ sau một ngày khi trái bom nguyên tử thả xuống Hiroshima, quân đội Mỹ đã điều lính tới thành phố này để tịch thu tất cả phim ảnh mà các phóng viên chụp vào buổi sáng kinh hoàng này.
Bảy năm sau khi cuộc chiến kết thúc, tức vào tháng 9/1952, công chúng Mỹ và thế giới lần đầu tiên mới được thấy những tấm hình ghi lại điều gì xảy ra trong những giờ đầu tiên sau khi bom nổ.

Một trong vài bức hiếm hoi đã ghi lại hình các nạn nhân trên cây cầu Miyuki ở thành phố này, được chụp khoảng 3 giờ sau khi bom nổ.

Bức hình của phóng viên ảnh Yoshito Matsushige, chụp gần đầu cây cầu này, cho thấy một nhóm người sống sót và ngay sát họ có những người đã chết.

Mitsuko Kouchi lúc đó 13 tuổi, đang học cấp hai, là một trong số những người trong ảnh.

 Bà Kouchi năm nay 83, tuổi. Vào ngày 08/06/1945 đang theo học cấp hai ở Hiroshima. 
 
Trong cuốn phim tài liệu của NHK phát vào tối hôm 06/08 vào tuần này tìm hiểu về những người sống sót trên cây cầu, bà Kouchi, năm nay 83 tuổi, kể lại những gì xảy ra.

“Tôi đang cùng bạn trong lớp tham gia dọn dẹp trong một khu nhà trong thành phố thì bom nổ.
“Bất chợt có gió nóng khủng khiếp ùa vào cửa sổ như bão lớn làm vỡ kính và các mảnh kính văng vào người chúng tôi, nhiều bạn tôi chết ngay tại chỗ.

“Tôi không hiểu sao tôi và một người bạn nữa lại thoát chết, chúng tôi tìm đường ra khỏi thành phố và chúng tôi phải đi qua cây cầu này mới ra khỏi khu vực có các đám cháy lớn.

 Bà Kouchi bị ám ảnh bởi tiếng kêu la của một người chị cố đánh thức người em đã chết ngay trên tay. 
 
“Khi tới cây cầu tôi đã thấy nhiều người nhảy xuống sông vì họ bị bỏng nặng, có nhiều người chết ngay bên bờ sông và cả trên dòng sông.

“Tôi đã gặp cha tôi tại cây cầu này, khi tôi đụng vào vết bỏng trên cánh tay của cha tôi thì cả mảng da bị tuột ra,” bà Kouchi nói.

Điều làm bà Kouchi bị ám ảnh và muốn nói tới ngày hôm nay là tiếng than khóc của người chị gái bế đứa em còn nhỏ của mình. (xem hình trên)

“Người chị kêu lớn “Dậy đi em, dậy đi….”, thế nhưng em bé không cất tiếng nói,” bà Kouchi kể lại.

Hai trong số 5 tấm hình phóng viên ảnh Yoshito Matsushige của Báo Chugoku, khi đó 32 tuổi, chụp khoảng 11 giờ sáng ngày 06/08/1945 tại cây cầu này cho thấy tóc của các nạn nhân bị cháy xém và một số người bôi dầu nấu ăn lên da làm giảm bớt vết bỏng.

 Phóng viên ảnh Matsushige chụp tấm cận cảnh hơn sau khi bấm máy lần đầu. (Mitsuko Kouchi đứng ngay sau người mặc quân phục). 
 
Ông Matsushige qua đời năm 2005, hưởng thọ 92 tuổi. Lúc sinh thời ông Matsushige từng nói về khoảnh khắc lưỡng lự khi bấm máy.

Khi ra làm chứng sau này, ông được dẫn lời kể lại những gì xảy ra vào buổi sáng hôm đó:

“Những vết bỏng phồng lên và da của các nạn nhân tơi tả như áo rách. Một số trẻ em bị bỏng bàn chân.

“Các em không có giầy và chạy chân đất trên đường phố đầy tàn lửa.

“Khi tôi thấy cảnh này, tôi nghĩ tôi có thể chụp và lôi máy trong túi ra. Nhưng tôi không thể bấm máy vì thấy cảnh tượng đó quá động lòng.

“Mặc dù tôi cũng là một nạn nhân của chính trái bom đó, tôi chỉ bị thương nhẹ do các mảnh kính văng vào người trong khi nhiều người quanh tôi đang hấp hối.
“Đó là cảnh tượng thật tàn bạo và tôi không nỡ lòng nào bấm máy. Có lẽ tôi đã lưỡng lự chừng 20 phút. Những người đứng đó hẳn nghĩ rằng tôi là người máu lạnh.

“Và cuối cùng tôi đã lấy được can đảm để chụp một tấm, và rồi tôi tiến thêm 4-5 mét nữa để chụp tấm thứ hai.

“Cho tới ngày hôm nay, tôi vẫn còn nhớ khi đó ống ngắm máy ảnh bị mờ đi vì nước mắt của tôi.
“Sau đó tôi đã đi vào khu vực trong thành phố là nơi bị thiệt hại nhiều nhất khoảng vài tiếng nữa. Nhưng tôi đã không thể chụp thêm một tấm nào.

“Có cả những phóng viên ảnh từ trong đơn vị quân đội và cũng có cả phóng viên từ báo khác nữa. Nhưng việc không ai trong số họ có thể chụp ảnh dường như cho thấy mức độ dã man và thảm khốc của trái bom này thế nào.

"Tôi chẳng thấy tự hào về việc mình đã chụp hình. Tôi chỉ coi đó là sự an ủi nhỏ bé đối với mình mà thôi," ông Matsushige từng nói.


 Nơi chụp ảnh trên cây cầu này hiện có để tấm ảnh lớn và chú thích để người ta nhớ lại những gì đã xảy ra.

 http://www.bbc.com/vietnamese/world/2015/08/150807_hiroshima_buc_hinh_nhung_gio_dau_khi_bom_no

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét