Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015
MỘT QUỐC GIA ... KHÔNG CHỊU PHÁT TRIỂN
Tư Thẳng
Bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế trong nước, trong khi tham gia Hội nghị kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức ngày 8/8/2015 vừa qua tại Đà Nẵng, đã thuật lại một “nhận xét vui” của một số viên chức Ngân Hàng Thế Giới: “Trên thế giới gồm nước phát triển, nước đang phát triển, nước chậm phát triển nhưng Việt Nam có lẽ là mô hình đặc biệt nhất. Đó là nước…không chịu phát triển!”
Quả thật đây là một "mô hình kỳ lạ nhất thế giới", nhưng phải nói ngay nhận xét trên không “vui” chút nào mà ngược lại, những người đang nắm quyền điều hành nền kinh tế đất nước phải cảm thấy… nhục.
Nhục vì những con số thống kê trên giấy trắng mực đen cho thấy trong vòng 20 năm qua, đầu tư nước ngoài, vốn vay ODA đổ vào Việt Nam gần 90 tỷ đô-la. Đây là một con số mơ ước cho một nước chậm phát triển vừa thoát khỏi tình trạng chiến tranh. Đó là chưa kể một lượng kiều hối khổng lồ của người Việt từ khắp nơi trên thế giới đổ về dưới mọi hình thức. Số kiều hối này mỗi năm mỗi tăng, năm 2014 đã lên đến trên 10 tỷ.
Thế nhưng với những thuận lợi hiếm có, suốt 40 năm qua nền kinh tế Việt Nam vẫn đi vào con đường èo uột, thậm chí dù được bơm rất nhiều viện trợ từ các định chế tài chánh quốc tế. Trong 20 năm là thành viên của Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á (ASEAN), với bộ máy tuyên truyền rầm rộ về những quả đấm thép, những tập đoàn kinh tế hùng mạnh, Việt Nam cho đến nay vẫn chưa ra khỏi nhóm 4 nước lạc hậu nhất của tổ chức này.
Để trả lời câu hỏi tại sao Việt Nam…không chịu phát triển, người ta có thể kể ra rất nhiều nguyên nhân trong đó trầm trọng nhất là tham nhũng. Nhưng xét cho cùng tham nhũng cũng chưa phải là nguyên nhân cốt lõi của sự tụt hậu triền miên. Bất quá nó cũng chỉ như “ngứa ghẻ” như lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng than thở trong dịp tiếp xúc với nhân dân thủ đô cách nay một năm!
Tai họa nằm ở đây. Chế độ chính trị Việt Nam lấy tư tưởng Mác-Lê làm kim chỉ nam, tôn thờ học thuyết đấu tranh giai cấp làm chân lý và cưỡng bách nhân dân Việt phải theo. Cái chân lý tối mò ấy đặt căn bản trên sự độc quyền tuyệt đối của đảng Cộng sản.
Cán bộ đảng viên học tập và thấm nhuần lý thuyết chủ nghĩa Mác: xã hội không đứng yên một chỗ mà luôn luôn vận động, thay đổi để tiến lên. Chính những mâu thuẫn và đối nghịch trong xã hội sẽ đưa đến những thay đổi và phát triển tốt hơn.
Nhưng nói thì hay, những người Cộng sản đã mâu thuẫn ngay trong hành động. Trong chính trị, đảng Cộng sản chỉ đi lên bằng một chân, không chấp nhận chia xẻ quyền lực, không công nhận sinh hoạt nghị trường. Từ lâu, Hà Nội đã lập đi lập lại nhiều lần: không chấp nhận đa nguyên đa đảng. Và mới đây nhất tại đại hội lần thứ 10 của Hội Nhà Báo quốc doanh Việt Nam ngày 9/8, ông Nguyễn Phú Trọng một lần nữa lên gân chỉ đạo báo chí nhà nước “cần tỉnh táo trước thông tin lợi dụng dân chủ đòi đa nguyên đa đảng”.
Chính trị độc quyền đi đôi với kinh tế chỉ huy, nên chỉ có thể xây dựng và lèo lái xã hội trong tinh thần bao cấp. Hiện tượng đói nghèo lạc hậu của xã hội miền Bắc khi cộng sản nắm quyền cho thấy sự sai lầm của mô hình này. Sau năm 1975, nó còn kéo dài sự què quặt dở sống dở chết cho tới năm 1986 để bước vào thời kỳ gọi là đổi mới, nhờ học được những bài học sơ đẳng về kinh tế thị trường.
Đổi mới nhưng để giữ thế độc quyền, chế độ đưa ra mô hình “kinh tế thị trường” kèm theo cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Thế nên trong 20 năm qua, thực tế cho thấy những gì Việt Nam đạt được là nhờ vào kinh tế thị trường tức kinh tế tư bản. Không thành tựu nào mang dấu ấn của kinh tế chỉ huy. Nhưng người ta luôn luôn nghe lãnh đạo cộng sản phát biểu: “Kinh tế quốc doanh là chủ đạo”.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi cho đến thế kỷ 21 Việt Nam vẫn còn lẹt đẹt chạy đua cùng Lào – Miên và Miến!
Chính vì không nhìn thấy độc quyền trong chính trị và kinh tế của lý thuyết Mác-Xít là nguyên nhân cốt lõi của sự trì trệ, lạc hậu nên Việt Nam cứ mãi mãi chấp nhận là một nước…không chịu phát triển!
Tư Thẳng
https://www.facebook.com/radiochantroimoi/posts/954016147975271:0
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét