Biên dịch: Nguyễn Hồ
Kinh Luân | Hiệu đính: Phạm Thị Thoa
Từ lâu Thái Lan đã
mang hình ảnh một đất nước ôn hòa, ổn định, đó cũng là lý do chính khiến nước
này luôn được xem như niềm hy vọng lớn cho tương lai ở khu vực Đông Nam Á, ít
nhất là đối với người Mỹ. Đất nước Thái Lan tương đối thịnh vượng, phát triển
không nhanh như nước láng giềng Trung Quốc nhưng ở tốc độ ấn tượng lên đến 7% một
năm. Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới và dẫn đầu về xuất khẩu
ổ cứng máy tính. Vấn đề bạo loạn của phiến quân Hồi giáo ở miền Nam cũng chỉ chủ
yếu giới hạn ở một phần nhỏ của đất nước. Thái Lan phần lớn đồng nhất về mặt sắc
tộc với Phật tử chiếm đa số và được cai trị bởi một vị Quốc vương được kính trọng,
tại vị đã một thời gian rất dài.
Đó là một đất nước
xinh đẹp với những dãy núi xanh tươi, đường bờ biển tuyệt đẹp và những đồng bằng
phù sa phì nhiêu do nước lũ bồi đắp. Hàng triệu du khách bị cuốn hút vì bầu
không khí quốc tế của Thái Lan hay vẻ quyến rũ của tự nhiên, chưa kể đến danh
tiếng là một điểm du lịch tình dục đối với những người có khả năng chi trả.
Nhưng trong tám năm
qua, Thái Lan nằm trong sự kìm kẹp của cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc giữa
hai phong trào quần chúng không khoan nhượng, được biết đến dưới tên gọi phe Áo
Đỏ và Áo Vàng. Hai phe chống lại nhau và sẵn sàng xuống đường bất cứ khi nào cảm
thấy bên kia đang chiếm ưu thế. Từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra, hơn một trăm người
đã bị thiệt mạng và nhiều người khác bị thương trong bạo động chính trị. Bốn
chính phủ được bầu đã bị thay thế, hai trong số đó bị lật đổ bởi đảo chính quân
sự. Cuộc đảo chính thứ hai diễn ra vào ngày 22/5 năm nay, khi Tổng Tư lệnh quân
đội Prayuth Chan-ocha đã nắm được quyền kiểm soát đất nước sau nhiều tháng rối
loạn.
Từ tháng 11 năm ngoái
đến thời điểm cuộc đảo chính, hai mươi tám người được thông báo là đã bị giết hại
do bạo động chính trị. Hai bên được ghi nhận là đã tự trang bị vũ khí và chuẩn
bị chiến đấu. Nhiều người dân ở Thái Lan cảm thấy rằng cuộc đảo chính là không
xác đáng và rằng các biện pháp khác có thể được thực hiện để lập lại trật tự.
Nhưng nhiều người khác lại ủng hộ sự tiếp quản của quân đội bởi họ tin rằng nếu
Prayuth không can thiệp, đất nước sẽ rơi vào nội chiến.
Điều gì ở đất nước
Thái Lan, đồng minh chính của Mỹ ở Đông Nam Á, đã dẫn đến một cuộc đấu tranh
quyền lực rất khốc liệt và khó chấm dứt đến vậy? Lý do thường được đưa ra là sự
hình thành của một lực lượng đông đảo kiên định, mới thức tỉnh về mặt chính trị
ở nông thôn (chủ yếu gồm những người trước đây hay hiện nay đang là nông dân trồng
lúa). Lực lượng này đe dọa giành lấy quyền lực từ giới cầm quyền lâu năm – được
gọi là giới tinh hoa Bangkok. Tầng lớp này đã thất bại trong tất cả các cuộc bầu
cử được tổ chức tại Thái Lan trong mười ba năm qua. Bị đánh bại trong các cuộc
bỏ phiếu, họ giữ quyền lực thông qua cảnh sát, can thiệp quân sự và tư pháp. Đã
có trường hợp một thủ tướng – bị tầng lớp tinh hoa và những người ủng hộ họ phản
đối – đã bị Tòa án Hiến pháp cách chức do việc ông này xuất hiện trong một
chương trình nấu ăn trên truyền hình vi
phạm quy tắc cấm (quan chức) làm việc cho các công ty tư nhân.
Nhà lãnh đạo được bầu
bị lật đổ gần đây nhất là bà Yingluck Shinawatra, em gái út của ông Thaksin
Shinawatra (tỷ phú theo chủ nghĩa dân túy được bầu vào năm 2001 và bị lật đổ
vào năm 2006), mặc dù ông được phe Áo Đỏ hỗ trợ. Nhiều tuần trước cuộc đảo
chính gần nhất, bà Yingluck đã bị tòa án tước quyền lực, dẫn đến cuộc biểu tình
của hàng ngàn người phe Áo Vàng làm tê liệt các hoạt động hàng ngày của chính
phủ. Họ muốn bãi bỏ tất cả các cuộc bầu cử dân chủ.
Nhân vật gây chia rẽ:
Thaksin Shinawatra
Nhân vật trung tâm
trong cuộc đối đầu giữa quyền lực mới và cũ là Thaksin, một ông trùm tư bản có
uy tín; việc ông thắng cử vào vị trí thủ tướng năm 2001 đánh dấu giai đoạn đầu
tiên của cuộc xung đột ở Thái Lan. Thaksin là một nhân vật năng động và hơn thế
còn có tầm nhìn rộng lớn. Ông đã tiến hành cách mạng hóa nền chính trị Thái
Lan, tập hợp một lực lượng mới từ những người dân vốn bị xem nhẹ và bị tước quyền
bầu cử ở vùng nông thôn phía Bắc và Đông Bắc. Ông đã có một cơ hội để ghi tên
mình vào lịch sử đất nước với vai trò là
người đã dẫn dắt Thái Lan vào một kỷ nguyên dân chủ thịnh vượng hơn. Nhưng
Thaksin cũng đã đi theo một khuynh hướng rất Thái Lan khi sử dụng quyền lực của
mình để làm giàu cho cá nhân. Ông từng bị cáo buộc sử dụng các phương cách mang
tính độc tài, ví dụ như chỉ định người thân và bạn bè vào các vị trí quan trọng,
từ đó hủy hoại tính độc lập của các cơ quan điều tiết quan trọng. Điều này đã tạo
cho đối thủ của Thaksin lý do chính đáng (hay chỉ là một cái cớ mỏng manh theo
quan điểm của nhiều người ủng hộ trung thành của ông) cho việc dùng đến một kiểu
hành động quần chúng để loại bỏ ông ta.
Đặc điểm thứ hai của
chính trường Thái Lan là truyền thống rõ ràng không thể xóa bỏ được về sự can
thiệp của quân đội. Quân đội Thái là một tổ chức mạnh mẽ thường được trọng vọng
trong nước và có lịch sử quan hệ căng thẳng với một số nước láng giềng. Kể từ
khi Thái Lan trở thành một chế độ quân chủ lập hiến năm 1932, hàng chục nỗ lực
đảo chính đã xảy ra và ít nhất mười hai trong số đó đã thành công. Trong những
trường hợp khác, khi quân đội không nắm quyền kiểm soát trực tiếp, họ đã sử dụng
quyền lực của mình ở hậu trường để chọn một nhà lãnh đạo dân sự lên nắm quyền.
Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, quân đội đã sử dụng biện pháp này ít nhất một
lần vào năm 2008 khi gây áp lực buộc một số thành viên Quốc hội phải rời bỏ Đảng
này theo Đảng khác, để cho Thủ tướng mới do quân đội lựa chọn đã có thể lên nắm
quyền mà không thông qua bầu cử phổ thông đầu phiếu.
Nhân tố cuối cùng là
nền quân chủ Thái Lan, với Quốc vương Bhumibol Adulyadej, người đã nắm giữ ngai
vàng trong gần bảy mươi năm và được coi là một vị Bồ Tát, hiện thân của trí tuệ
và là một vị thánh sống. Hình ảnh gần như là thần thánh của ông được những người
tìm kiếm quyền lực cho là có tầm quan trọng cốt yếu, mang lại tính chính danh,
một yếu tố thiết yếu của sự đoàn kết dân tộc. Quốc vương Bhumibol luôn hành xử
ôn hòa, khiêm nhường và chịu sự kiểm soát của nhóm những cố vấn thuộc tầng lớp
tinh hoa xung quanh ông. Ông nổi tiếng, được tôn kính – và được bảo vệ khỏi những
lời chỉ trích hay thậm chí là những chất vấn sâu bởi một một luật chống khi
quân khắt khe nhất từng có trên thế giới. Việc đặt những câu hỏi về tính chính
danh của đức vua là một hành vi phạm tội. Tuy nhiên, ông được cho là có sức khỏe
yếu, cận kề cái chết; và những dự đoán về sự ra đi của ông đã tăng thêm các các
lợi ích trong cuộc tranh giành tại Thái Lan.
Thaksin, người hiện
đang sống ở Dubai nhưng vẫn đang có những ảnh hưởng mạnh mẽ lên phe Áo Đỏ, là một
mối đe dọa đến giới cầm quyền, không chỉ vì ông đã thắng trong các cuộc bầu cử
hay vì tham nhũng, mà còn vì ông là nhân vật duy nhất tại Thái Lan không thuộc
dòng dõi hoàng gia nhưng lại có uy tín ngang ngửa với Quốc vương. Uy thế của
ông có lẽ còn lớn hơn nhiều so với Thái tử kế vị Maha Vajiralongkorn, người mà
ông Thaksin được đồn đại là đã nuôi dưỡng mối quan hệ gần gũi. Nói cách khác,
Thaksin đã đe dọa sẽ lật đổ các nhóm tinh hoa vốn có địa vị đặc quyền nhờ mối
quan hệ gần gũi với nhà vua hiện tại. Điều này giải thích lý do tại sao trong
suốt cuộc khủng hoảng chính trị trong tám năm qua thì những lời buộc tội nghiêm
trọng nhất chống lại Thaksin, cho dù chính xác hay không, là ông luôn hướng đến
mục tiêu đặt nền quân chủ dưới sự kiểm soát của mình. Ngược lại, sự khoe khoang
hãnh diện nhất của phe Áo Vàng và của các nhân vật cầm quyền ủng hộ phe này là
rằng họ giúp bảo vệ gia đình hoàng gia, và tin rằng nếu không có họ thì Thái
Lan sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ.[i]
Các khẩu hiệu của
chính quyền quân sự mới (đoạt quyền lực từ người em gái của ông Thaksin vào mùa
xuân năm ngoái) là “Trả lại hạnh phúc cho nhân dân“, điều mà họ tuyên bố rằng sẽ
đạt được từng phần bằng cách thúc đẩy hòa giải giữa hai bên của xung đột. Tướng
Prayuth, Tổng tư lệnh quân đội hoàng gia Thái Lan vào thời điểm đảo chính, một sĩ quan chuyên nghiệp với một
phong thái thẳng thắn và tự tin, có thể cố gắng xoa dịu phe Áo Đỏ bằng cách tiếp
tục một số chương trình dân túy đầu tư cho nông thôn đã được khởi xướng bởi
Thaksin hay bằng cách ngăn chặn mọi dấu hiệu bùng phát biểu tình.
Nhưng với những thù hằn
chồng chất và quá nhiều những lợi ích đối chọi, sự chia rẽ của nền chính trị
Thái có lẽ đã quá rộng và quá sâu để có thế biến mất theo lệnh một vị Tư lệnh
quân đội. Chính quyền quân sự có thể thể hiện bản thân như một lực lượng trung
lập về chính trị và phấn đấu đạt được hòa giải giữa phe Áo Đỏ và Áo Vàng, nhưng
dù sao đi nữa việc quân đội cướp đoạt quyền lực đã được nhìn nhận một cách có
lý như là một chiến thắng cho phe Áo Vàng. Nếu quân đội cố gắng đè bẹp sức mạnh
của phe Áo Đỏ thì sự yên bình đang bao trùm đất nước Thái Lan từ sau đảo chính
rất có thể sẽ phải nhường chỗ cho một vòng đối đầu kịch liệt khác. Vài tuần sau
cuộc đảo chính, một nghiên cứu của một think tank (viện nghiên cứu chính sách)
hàng đầu của Washington cho rằng “Cuộc đảo chính có thể giảm bớt những hỗn loạn
và bạo lực … trong ngắn hạn, nhưng nó sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng
này cũng như những vấn đề cốt lõi của Thái Lan.”[ii]
Thân thế và con đường
chính trị của Thaksin
Thaksin là hậu duệ một
gia đình người Thái gốc Hoa giàu có đến từ vùng gần cố đô Chiang Mai phía bắc
Thái Lan. Năm 1990, ông đã gây dựng được một gia tài kếch xù khi trở thành nhà
độc quyền viễn thông được chính phủ cấp phép. Năm 1998, ông đã lập ra một đảng
mới, được gọi là Người Thái yêu người Thái (Thai Rak Thai) làm biến đổi vĩnh viễn
chính trị Thái Lan.
Thaksin trở thành một
một ứng cử viên rất sáng tạo và nổi tiếng với những ý tưởng mới. Trong cuộc bầu
cử năm 2001, đảng của ông đã giành được nhiều ghế quốc hội nhất trong lịch sử bầu cử Thái Lan. Thaksin trở thành thủ tướng,
và ngay lập tức ông đã bắt đầu thực hiện lời hứa trong chiến dịch của mình. Ý
tưởng cơ bản của ông lấy cảm hứng từ nhà kinh tế học Peru từng đến Thái Lan
tham quan – Hernando de Soto, đó là tăng số lượng và các loại tài sản có thể được
sử dụng để thế chấp cho các khoản vay lãi suất thấp ở nông thôn. “Chủ nghĩa tư
bản cần vốn; nếu không có vốn, không có chủ nghĩa tư bản“, Thaksin nói trong một
bài phát biểu vào năm 2003. “Chúng tôi cần phải đẩy vốn vào các khu vực nông
thôn.” Ông đã tạo ra một chương trình kích thích kinh tế bao gồm các khoản tín
dụng nhỏ cho nông dân, đổ tiền mặt vào các vùng quê Thái Lan, cho vay giáo dục
với lãi suất thấp, và xây dựng một chương trình y tế quốc gia mới cho phép mọi
người được điều trị chỉ với một khoản phí rất nhỏ (30 baht Thái, chỉ khoảng một
đô la Mỹ).
Đối thủ của Thaksin
buộc tội ông đã bội chi, nhưng tốc độ tăng trưởng của Thái Lan vốn đang ở mức
thấp sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 lại nhanh chóng tăng lên tới
khoảng 7%. Chương trình của Thaksin đã đánh dấu một sự chuyển đổi trong con số
ngân sách quốc gia chi cho Bangkok, với số lượng đi về các tỉnh thành lớn hơn.
Tỷ lệ nợ trên GDP của nước này qua nhiều năm luôn dao động trong khoảng 40 đến
50%, vừa phải cho một nền kinh tế đang phát triển.
Trên khắp vùng làng
quê, nông dân cảm thấy đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo quốc gia mạnh mẽ
và năng động đã chọn mục tiêu thịnh vượng
ở khu vực nông thôn làm ưu tiên chính. Thaksin củng cố vị trí của mình bằng một
khái niệm Phật giáo có phần không chính thống trong một đất nước mà các khái niệm
Phật giáo là một phần của các cuộc thảo luận chính trị. Khuynh hướng triết học
chi phối của Phật giáo vốn gắn liền với Quốc vương luôn nhấn mạnh những gì được
gọi là nền kinh tế vừa đủ (sufficient economy): quan điểm cho rằng sự đơn giản
nhất định về kinh tế, không tham lam và chấp nhận hoàn cảnh khiêm tốn là đức hạnh;
và mong muốn có nhiều hơn là một biểu hiện của sự ảo tưởng của bản thân.
Trong các bài phát biểu
của mình, ông Thaksin đã thúc đẩy một dòng tư tưởng khác được đại diện bởi một
nhân vật đương đại mang tên Buddhadasa Bhikkhu, người nhấn mạnh nghĩa vụ cải
thiện thế giới thay vì tích trữ công đức cho thế hệ sau. Sau cuộc đảo chính chống
Thaksin năm 2006, một hiến pháp mới đề cao nền kinh tế vừa đủ như một nguyên tắc
hướng dẫn đã được thông qua trong một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc. Bất chấp
một chiến dịch tuyên truyền ủng hộ cho bản hiến pháp này, các cuộc thăm dò cho
thấy rằng nó đã bị từ chối bởi 62,8 % dân cư các tỉnh phía đông bắc.[iii]
Sự trỗi dậy của khu vực
nông thôn hiện nay – được thể hiện trong các động thái của phe Áo Đỏ – không phải
đều doThaksin. Ông đã xuất hiện vào thời điểm vùng nông thôn Thái Lan đã nhận
biết rõ hơn về thế giới bên ngoài, phức tạp hơn và đòi hỏi nhiều hơn. Trong những
năm qua, hàng chục ngàn nông dân đã đi vào làm việc tại ba mươi khu công nghiệp
sản xuất ổ đĩa cứng máy tính và các sản phẩm cao cấp khác nằm rải rác khắp nơi
trên đất nước. Nhiều ngàn người dân khác đã đến các thành phố, đặc biệt là
Bangkok, làm các công việc lái xe ôm, giúp việc, hoặc trong các ngành công nghiệp
rất phát triển là du lịch và tình dục.
Những người nhập cư
nông thôn ý thức rõ ràng về các khu trung tâm mua sắm quyến rũ nằm ngoài tầm với
kinh tế của họ, họ cũng giữ liên lạc chặt chẽ với quê hương, gửi tiền về cho
cha mẹ và con cái họ và bắt đầu bỏ phiếu trở lại. Trong một bài viết về chuyến
thăm một ngôi làng trong thời kỳ Thaksin nắm quyền, nhà nhân học đã nghiên cứu
nông thôn Thái Lan trong 60 năm – William Klausner – đã nhận xét rằng các vị trụ
trì Phật giáo truyền thống đã mất đi tầm quan trọng của mình vào tay một nhà hoạt
động chính trị ủng hộ phe Áo Đỏ. Klausner viết “Người dân nắm quan điểm chính
trị cương quyết và mạnh mẽ, hay ít nhất là những người ủng hộ Thaksin“, ước
tính rằng tỷ lệ ủng hộ Thaksin chiếm tới 95% ở một số ngôi làng.[iv]
Ở phía Bắc và Đông Bắc,
hầu hết các làng tự gọi mình là làng Áo Đỏ với một lá cờ của phe Áo Đỏ thường
tung bay trên cổng vào cùng với một tấm áp phích in hình Thaksin. Một đài phát
thanh Áo Đỏ địa phương phát sóng tin tức và các cuộc phỏng vấn Thaksin ngay cả
sau khi ông bị lật đổ và đã phải lưu vong. Mọi hoạt động này của phe Áo Đỏ đã bị
cấm bởi chính quyền quân sự.
Thaksin bị lật đổ
Thaksin đã đảm nhiệm
vị trí thủ tướng đến hết nhiệm kỳ và sau đó, trong cuộc bầu cử theo lịch trình
năm 2005, đảng Người Thái yêu người Thái của ông đã giành 375 trong số 500 ghế
Quốc hội và gây nên thất bại nặng nề cho đối thủ chính là Đảng Dân chủ. Thaksin
bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình với tư cách là viên chức dân cử quyền lực nhất
trong lịch sử Thái Lan. “Ông đã tiến
hành các nghiên cứu phù hợp và gửi đúng thông điệp cho các cử tri nông thôn“,
Pichai Chuensuksawadi, tổng biên tập của tờ Bangkok Post tiếng Anh, nói với tôi
trong lần tôi đến Thái Lan một vài năm trước đây. “Quan trọng nhất, ông đã đưa
ra [một số cải tiến] ngay sau cuộc bầu cử năm 2001. Từ đó, sự nổi tiếng của ông
tăng lên và có sự hỗ trợ cả của giới cầm quyền. Nhưng mặt khác, ông lại gây cản
trở cho các quá trình dân chủ.”
Chính “mặt khác” đó lại
là sai lầm chí mạng của Thaksin. Trong những ngày đầu, lực lượng phản đối ông gồm
các doanh nhân giàu có ở Bangkok, những người lúc này đã bắt đầu xem ông là mối
đe dọa đến lợi ích của họ. Nhưng cảm giác chống Thaksin nhanh chóng phát triển
thành một phong trào quần chúng đích thực, bao gồm các nhà báo, nhiều công chức,
người dân thuộc các nhóm ngành nghề, một vài hiệp hội lao động, các bộ phận của
quân đội và cảnh sát, và một số thành viên của gia đình hoàng gia, mặc dù họ
không công khai nói như vậy. Nhiều người trong phe đối lập này không được lợi về
kinh tế một cách rõ ràng khi Thaksin mất quyền lực. Nhưng họ xem ông như một
nhà độc tài dân cử tiềm năng, một người hùng theo khuôn mẫu Vladimir Putin, hoặc
tương tự như Hun Sen, người kiểm soát chặt chẽ nước láng giềng Campuchia mà
luôn được hợp pháp hóa bởi cuộc bầu cử được cho là tự do.
Những người viết tiểu
sử chính của ông Thaksin, Pasuk Phongpaichit và Chris Baker đã ghi lại những thủ
đoạn không minh bạch của ông.[v] Thaksin bị cáo buộc che giấu những bài báo bất
lợi cho ông và gây sức ép với các tổ chức đưa tin để trừng phạt các nhà báo làm
điều đó. Thaksin cũng đã giẫm đạp lên các quyền con người trong một chiến dịch
chống buôn bán ma túy liên quan tới hàng ngàn vụ giết người ngoài vòng pháp luật
gây ra bởi các thế lực của ông – điều mà rõ ràng không phải là một sự vi phạm
pháp luật nhỏ.
Ngoài ra Thaksin còn
có những hành động gây chú ý, thậm chí trắng trợn sử dụng vị thế chính trị của
mình để tiếp tục làm giàu cho bản thân và gia đình. Năm 2006, sau chiến thắng
vang dội tại cuộc bầu cử, gia đình ông đã bán công ty đang nắm giữ là Shin
Corporation (Shin-viết tắt của Shinawatra) cho một quỹ đầu tư quốc gia của
Singapore, tạo ra lợi nhuận gần 2 tỷ USD. Trong vụ này, Thaksin đã xoay sở để
không phải trả thuế lợi nhuận doanh nghiệp. Các tòa án nhận thấy không có hành
vi phạm tội trong giao dịch này. Tuy nhiên, vụ mua bán này cho thấy cách thức
Thaksin có thể thao túng pháp luật vì lợi ích riêng của mình, đồng thời cũng tạo
ra cơ hội cho ông trùm truyền thông Sondhi Limthongkul, một người từng ủng hộ
Thaksin, có thể giành được sự ủng hộ đông đảo trong chiến dịch chống Thaksin.
Năm 2006, Sondhi
thành lập Liên minh Nhân dân vì Dân chủ, chọn màu vàng – màu sắc của chế độ
quân chủ làm biểu tượng của liên minh. Và ngay sau đó, phe Áo Vàng bắt đầu tổ
chức một chuỗi các cuộc biểu tình đòi Thaksin từ chức. Sau một vài tháng hỗn loạn,
các cuộc biểu tình này chính là nguyên nhân dẫn đến cuộc đảo chính năm 2006,
khi Thaksin đang ở New York dự một cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Hai
năm sau, ông bị kết tội lạm dụng quyền lực trong một giao dịch liên quan đến một
vụ mua bán bất động sản ở Bangkok. Bản án hai năm tù khiến ông phải rời khỏi
Thái Lan trong năm 2008.
Ảnh hưởng lâu dài
Tuy nhiên, Thaksin vẫn
duy trì một sự hiện diện chi phối đất nước Thái Lan, đưa ra quyết định cho đảng
Người Thái yêu người Thái của mình và cho cả đảng kế thừa với tên gọi khác (ra
đời khi Người Thái yêu người Thái bị cấm hoạt động sau đảo chính 2006). Năm
2010, sau khi quân đội giám sát lễ nhậm chức của chính quyền không thông qua bầu
cử thuộc Đảng Dân chủ, 300.000 thành viên của Mặt trận Thống nhất vì Dân chủ chống
Độc tài, tên gọi chính thức mới của phe Áo Đỏ, đã chiếm đóng trung tâm thương mại
của Bangkok, gồm nhiều trung tâm mua sắm và khách sạn cao cấp tiếp giáp với khu
vực cây xanh rộng lớn của Câu lạc bộ Thể thao Hoàng gia Bangkok (Royal Bangkok
Sports Club).
Đây là biểu tượng hố
sâu ngăn cách về kinh tế và xã hội giữa các phần tử nổi dậy nông thôn có làn da
sương gió cùng giọng địa phương, và những người có làn da sáng hơn cùng giọng
nói “chuẩn” hơn đã tước quyền lực của Thaksin. Sau ba tháng, quân đội sử dụng
súng và đạn thật để đàn áp khu chiếm đóng Áo Đỏ, dọn sạch trung tâm thương mại
và giết chết khoảng tám mươi người biểu tình, mười hai binh sĩ cũng được công bố
thiệt mạng.
Các cuộc tấn công
quân sự của năm 2010 vẫn còn là một ký ức sống động và là một nỗi bất bình sâu
sắc của phe Áo Đỏ. Không có nỗ lực tương tự của cảnh sát hoặc quân đội để kiểm
soát phe Áo Vàng, ngay cả khi những hành động của họ rõ ràng không chỉ gây rối
mà còn bất hợp pháp. Trong năm 2008, phe Áo Vàng trưng dụng hàng trăm xe buýt
và chiếm sân bay Bangkok trong hơn một tuần, về cơ bản ngăn cách Thái Lan với
phần lớn thế giới bên ngoài.
Một trong số những
hành động khác là việc phe này bao vây tòa nhà Quốc hội bằng dây thép gai để
ngăn chặn thủ tướng mới được chỉ định điều hành chính phủ. Năm 2008, quân đội
cũng đã sử dụng những hành động tương tự để biện minh cho việc thiết lập một
chính phủ dân sự mới chống Thaksin. Nhưng đến năm 2011, các cuộc bầu cử được tổ
chức và như thường lệ đảng của Thaksin đã giành đa số phiếu. Bà Yingluck
Shinawatra, em gái Thaksin, người được ông đưa lên làm lãnh đạo đảng (lúc đó
mang tên Vì người Thái- Pheu Thai) đã trở thành thủ tướng.
Trong tháng 11 năm
2013, Hạ viện dưới sự kiểm soát của phe Áo Đỏ đã thông qua một đạo luật Đại xá.
Đạo luật này ân xá cho các nhà lãnh đạo Áo Vàng trong cuộc đàn áp năm 2010 chống
Áo Đỏ, nhưng nó cũng đã cho phép Thaksin trở về Thái Lan. Điều này tạo ra thêm
hàng loạt các cuộc biểu tình mạnh mẽ. Các nhóm vũ trang Áo Vàng tấn công vào một
số bộ ngành chính phủ và chiếm đóng trong nhiều tháng. Trong một nỗ lực chính
thức hiếm hoi để kiềm chế phe Áo Vàng, cảnh sát đã cố gắng để ngăn chặn phe này
chiếm đóng tòa nhà Chính phủ và văn phòng Thủ tướng. Tuy nhiên, tòa nhà này đã
bị bao vây và bà Yingluck đã được đưa đi bảo vệ tại một địa điểm bí mật.
Yingluck kêu gọi các
cuộc bầu cử mới, nhưng đảng Dân chủ đã từ chối tham gia và cử nhân viên của Đảng
phong tỏa các điểm bỏ phiếu, khiến Ủy ban bầu cử bãi bỏ kết quả bầu cử với lý
do không đủ số phiếu bầu. Trong cuộc biểu tình của mình, phe Áo Vàng chiếm cứ một
số đài truyền hình ở Bangkok và buộc các đài này phát sóng bài phát biểu của cựu
Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban, người chống Thaksin mạnh mẽ và đã trở thành
lãnh đạo phe Áo Vàng. Suthep yêu cầu Yingluck từ chức và “trả lại quyền lực cho
nhân dân” trong vòng hai ngày. Ông cũng kêu gọi bãi bỏ hệ thống bầu cử dân chủ
Thái Lan và kêu gọi chính phủ sẽ bao gồm một hội đồng do Quốc vương bổ nhiệm. Về
cơ bản, đây cũng là những gì diễn ra ở Thái Lan sau khi quân đội lên nắm quyền:
một hội đồng các bộ trưởng bổ nhiệm bởi Tướng Prayuth với các thành viên mặc đồng
phục màu trắng viền vàng, đã trình diện và được chấp thuận bởi Quốc vương vào đầu
tháng 9.
Triển vọng chính trường
Thái Lan
Hầu hết các suy đoán
về Thái Lan hiện nay đều xoay quanh tướng Prayuth và cách thức ông này xử lý khủng
hoảng ở nước này trong những tháng tới. Cho đến nay, ông đã giữ đất nước yên
bình, tuyên bố rất nhiều biện pháp lớn mới trong các chương trình phát sóng
hàng tuần và hứa hẹn rằng cuối cùng Thái Lan sẽ quay trở lại chế độ dân chủ.
Nhưng có lẽ câu hỏi quan trọng hơn là phe Áo Đỏ sẽ làm gì, và liệu họ có lại tiến
hành các cuộc biểu tình hàng loạt hay không. Phe Áo Đỏ không phải là những người
theo chủ nghĩa bất bạo động; nhiều người đã cảm thấy bị đe dọa khi phe Áo Đỏ xuống
đường ở Bangkok năm 2010. Tuy nhiên, vẫn có thể thông cảm với phe Áo Đỏ khi các
nhà lãnh đạo mà họ bầu ra trong các cuộc bầu cử tự do và công bằng đã bị tước
đoạt quyền lực mà chủ yếu là do các cuộc tấn công đông người vào chính phủ (mob
rule) vốn được tầng lớp tinh hoa cổ động và rốt cuộc được hợp thức hóa bởi quân
đội.
Về phần Thaksin, ông
là một nhân vật “lệch lạc” trên nhiều mặt, sẵn sàng sử dụng tài sản khổng lồ của
mình để giành được quyền lực. Nhưng ông ta có phải là một nhà độc tài với những
hành động tạo ra lý do chính đáng cho giới quân sự lật đổ ông hay không? Rõ
ràng là đảng đối lập từ chối tham gia bầu cử vì biết sẽ thất bại trước Thaksin.
“Lẽ ra đã phải có các giải pháp để thực thi pháp luật”, một nhà tư vấn kinh
doanh có tiếng, Apirux Wanasathop chia sẻ với tôi hồi tháng Bảy khi nói về việc
cảnh sát và quân đội từ chối lập lại trật tự ở Thái Lan bằng cách ngăn chặn các
cơn thịnh nộ của phe Áo Vàng. Trong thời gian Thaksin đang nắm quyền,
Wanasathop cho biết vị cựu Thủ tướng “vẫn phải thể hiện trách nhiệm giải trình”
trước cử tri và tòa án. “Lẽ ra nên đã kiểm soát ông ấy, nhưng ngược lại, lại chẳng
có sự kiểm soát nào áp đặt cho giới quân đội cả”
Chính quyền quân sự
đã tìm cách loại bỏ ảnh hưởng từ xa của ông Thaksin bằng cách cấm phe Áo Đỏ hoạt
động, đóng cửa các đài phát thanh Áo Đỏ, và tiếp tục theo dõi các cựu lãnh đạo
phe Áo Đỏ, những người có thể bị bỏ tù nếu lên tiếng. Trong một động thái đặc
biệt mang tính độc tài kiểu Orwell, chế độ này đã xóa tên Thaksin trong sách
giáo khoa lịch sử [vi]. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế Thái Lan đã chững
lại còn khoảng 1,5% mỗi năm; nợ nông thôn đang gia tăng và các nông dân trồng
lúa đang nợ tiền đã không thể gieo trồng vì mối đe dọa hạn hán nghiêm trọng.[vii]
Nói cách khác, như nhóm các nhà nghiên cứu hàng đầu Washington đã nhận định,
chính quyền quân sự vẫn bị đè nặng bởi
các “vấn đề cốt lõi” của Thái Lan, nghiêm trọng nhất trong đó là sự giận dữ và
chán ghét của đại bộ phận nông dân mà sự thức tỉnh của họ chính là nguyên nhân
ban đầu gây nên cuộc khủng hoảng ở đất nước này. Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên
nếu phe Áo Đỏ sẽ lại cố gắng để giành lấy quyền lực.
Nguồn: Richard
Bernstein, “Thailand: Beautiful and Bitterly Divided”, The New York Review of
Books, November 20, 2014 Issue.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét