Ngày 28 tháng 8, 2015. Đoàn người đón TNLT Trần Minh Nhật mãn hạn
tù trở về bị hành hung (1), ông Lê Đình Lượng bị đánh đập gây thương
tích (2), cựu TNLT Trương Minh Tam cũng bị hành hung (3), anh Chu Mạnh
Sơn bị đánh đổ máu đầu (4)
Tình trạng những người công khai hoạt động cho quyền con người, giúp đỡ
dân oan… bị tấn công vô cớ bởi những thành phần bất hảo, côn đồ khiến
họ phải cảnh giác và có cách tự vệ.
Vụ việc mới
Vào ba
ngày 24, 25 và 28 tháng 8 vừa qua lại có thêm những vụ việc hành hung,
đập phá nhằm vào những người công khai đấu tranh tại Việt Nam.
Cựu tù nhân lương tâm Trương Minh Tam bị đánh đập, cướp phá sau khi đến
Trại 5 Yên Định, Thanh Hóa làm việc với cán bộ để lấy lại những tài liệu
bị thu giữ khi mãn án vào tháng 10 năm ngoái. Sau cuộc làm việc và được
trả lại những giấy tờ yêu cầu, anh Trương Minh Tam ra khỏi Trại 5 Yên
Định, Thanh Hóa vào ngày 24 tháng 8 thì bị hai thanh niên tấn công hành
hung và cướp giỏ xách của anh này ném xuống suối nước sâu.
Ít
ngày sau anh cùng một số thân hữu lên Lâm Đồng thăm tù nhân lương tâm
Trần Minh Nhật mãn án tù 4 năm về nhà; vào sáng ngày 28 tháng 8 trên
đường về anh cùng một số người khác bị hành hung ngay trên xe.
An ninh giả dạng?
Một người có mặt vào sáng ngày 28 tháng 8 tại xã Nghĩa Thắng, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, anh Minh Khang cho biết:
“ Chuyến xe di chuyển theo hướng Sài Gòn bị chặn lại và bị đánh. Đánh
rất nặng tức nhắm vào vùng đầu, vùng mặt và tay chân đều bị đánh. Chuyến
xe di chuyển theo hướng Đà Lạt cũng bị côn đồ lên xe, đóng cửa và đánh
dằn mặt 3 người: một người là cựu tù nhân lương tâm Trương Minh Tạm, cựu
tù nhân lương tâm Chu Mạnh Sơn và chị Thúy Nga. Đánh vào vùng hông, mặt
và đầu rất nặng.”
Cựu tù nhân Trương Minh Tam có ý kiến về vụ việc hôm ngày 24 tháng 8 ngoài Trại 5 Yên Định, Thanh Hóa như sau:
“Cách làm của họ trong ngày hôm đó là thuê hai côn đồ theo sát tôi và
đi đến một địa điểm vắng bên dòng suối cạnh trại giam họ đã cướp toàn bộ
tài sản của tôi. Tôi khẳng định việc làm đó là do nhà cầm quyền cộng
sản dựng lên bởi vì những kẻ cướp đồ không bao giờ lại vứt đồ đi. Trong
đó tôi có một máy tính laptop và một Ipad. Hai tên cướp đó thì một tên
giữ tôi và một tên khác cướp đồ ném xuống suối cho chìm đi chứ không thu
giữ gì của tôi cả. Điều đó cho thấy đây là hành động mà nhà cầm quyền
có tính toán nhằm phi tang những tang chứng, vật chứng có thể gây khó dễ
cho họ. Bởi vì trong những thiết bị điện tử của những người hoạt động
dân chủ chúng tôi chứa khá nhiều dữ liệu và chúng cũng là một công cụ để
chúng tôi đấu tranh với nhà cầm quyền. Hiện nay tôi là người bị mất hết
tài sản không còn công cụ hoạt động.”
Tại Hà Nội vào chiều ngày
25 tháng 8, tư gia của ông Mai Xuân Dũng- một người lâu nay công khai
tham gia Nhóm Cứu Lấy Dân Oan, bị một số thanh niên đập phá từ bên
ngoài, khi trong nhà ông này đang tiếp một số dân oan đến thăm vì nghe
tin ông bị ốm.
Ông Mai Xuân Dũng đưa ra nhận định về những thành phần tấn công nhà ông như sau:
“ Tôi nghĩ tôi không có thù oán, không có mâu thuẫn với bất kỳ ai; khi
có đám côn đồ rất hung hãn và nghênh ngang sau khi đập phá gọi điện
thoại chỉ huy nhau và ngồi ngoài hàng nước. Con tôi có chụp được hình
của mấy tên côn đồ thì người nào cũng che mặt lại. Riêng hành vi che
mặt, không muốn lộ mặt ra cho thấy đó không phải là côn đồ chuyên
nghiệp. Ở Việt Nam tôi biết những người ‘côn đồ, giang hồ’ họ rất hào
hiệp, không làm trò này. Những trò này tôi xác định chỉ có an ninh
thôi.”
Sự thất bại của chính quyền?
Như nhận định của ông
Mai Xuân Dũng cũng như của cựu tù nhân lương tâm Trương Minh Tam thì họ
không hề có mâu thuẫn, thù oán với ai. Trái lại lâu nay họ chỉ làm những
công việc giúp người như mang cơm, cung cấp những vật phẩm cần thiết
cho người dân các tỉnh phải về Hà Nội khiếu kiện. Đó là việc làm của ông
Mai Xuân Dũng. Hay lên tiếng về trường hợp bị đối xử tàn tệ đối với tù
nhân Đặng Xuân Diệu trong nhà tù mà cựu tù nhân lương tâm Trương Minh
Tam nêu ra.
Bản thân anh Trương Minh Tam cho rằng hành xử của
những thành phần bất hảo mà theo anh chỉ là an ninh giả dạng là một
chứng minh về sự thất bại của chính quyền hiện nay:
“ Một người
bạn của tôi đã nói không chỉ là sự thất bại về mặt luật pháp mà đó là sự
thất bại của một chính thể. Bởi vì không một chính thể nào sử dụng bạo
lực để giải quyết những vấn đề pháp lý đối với người dân cả. Trong bất
cứ một xã hội văn minh nào con người ta cũng hành xử với nhau bằng luật
pháp; thế nhưng khi luật pháp không thể sử dụng được với nhau nữa, mà
buộc phải sử dụng tà quyền, sử dụng vũ lực, bạo lực thì đó không còn
được gọi là một xã hội, một đất nước nữa mà gọi là một trạng thái quay
trở về thời kỳ nguyên thủy, quay trở về một xã hội man rợ, một xã hội
chỉ còn có kẻ mạnh và người yếu chứ không còn là một ‘nhà nước’ nữa.
Tôi nghĩ trong thời gian sắp tới những hành vi như thế sẽ tiếp tục xảy
ra và tố cáo rõ hơn bản chất xấu xa của nhà cầm quyền. Có thể trước kia
có sự đánh đập, bắt những đồ đạc của các nhà đấu tranh một cách bạo lực…
thì họ còn tìm lý do để đổ; còn đối với người đấu tranh ôn hòa như tôi
đối với những luật lệ mà họ viết ra mà họ lại sử dụng biện pháp côn đồ
thì đó là sự thất bại hoàn toàn của một chính thể rồi.”
Biện pháp tự bảo vệ
Ông Mai Xuân Dũng cho biết khi những thanh niên bất hảo đập phá bên
ngoài tư gia ông, thì chính những người dân oan khiếu kiện đã liên lạc
với nhau để nhanh chóng đến để hỗ trợ cho ông.
Anh Trương Minh Tam thừa nhận việc đi lại một mình là sự chủ quan và nay những người đấu tranh như anh phải cảnh giác hơn nữa:
“ Đấu tranh với cái ác theo tôi không thể tránh khỏi những mất mát, đau
thương kể cả máu và xương. Do đó qua mỗi một sự vụ, chúng tôi cố gắng
nâng cao tinh thần cảnh giác của mình, thay đổi phương pháp đấu tranh
sao cho giảm thiểu thiệt hại. Nhưng chúng tôi biết vẫn sẽ có những thiệt
hại đối với mình và chúng tôi sẵn sàng tuyên chiến với nhà cầm quyền
một khi họ bước vào đường cùng trong sự khốn cùng về hành xử đối với
nhau.
Xin được nhắc lại để tránh thiệt hại về tài sản lớn đối với
tôi như vài hôm trước thì tôi nghĩ ít nhiều mình cũng có những sơ hở,
chủ quan. Sau này chúng tôi sẽ đi thành nhóm đông người hơn, hay đồ đạc
trước khi đi đến trại giam tôi phải gửi lại nơi nào đó…chứ không như vừa
rồi. Còn những biện pháp để giữ sức khỏe và tính mạng của mình thì tôi
nghĩ thường xuyên tập trung đông người đi hơn trong các vụ việc.”
Theo những nhà đấu tranh và hoạt động cho nhân quyền tại Việt Nam, tất
cả những hành động trấn áp mang tính bạo lực chỉ làm cho họ thêm cương
quyết và đoàn kết với nhau mà thôi.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/activi-turn-mr-vigilant-n-mr-united-08302015053831.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét