Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

Ngày tàn của phát xít Nhật (P3)



 Tác giả: Nguyễn Hải Hoành
 
Quyết định cuối cùng của Tổng thống Mỹ
Một tuần đã qua mà không thấy phía Nhật có phản ứng gì về Tuyên ngôn Potsdam, Tổng thống Truman vô cùng đau đầu. Ông muốn Nhật đầu hàng nhưng lại do dự chưa dám đổ quân lên đất Nhật, cho dù lúc này hàng nghìn tàu chiến và cả triệu lính Mỹ đã sẵn sàng với khí thế chiến thắng rực lửa.
Truman biết rõ đánh từ biển lên đất liền sẽ bị thương vong rất nhiều và chưa biết bao giờ mới thắng nổi 3,5 triệu quân Nhật thạo chiến cố thủ trong các công sự ngầm trên 4 đảo chính và trên các tàu chiến của nước này, chưa kể cùng từng ấy quân Nhật đóng ở các nước châu Á và các đảo Thái Bình Dương. Ngoài ra còn hàng chục triệu dân Nhật sẵn sàng xả thân vì Thiên Hoàng, họ sẽ đánh du kích đến người cuối cùng sau khi Mỹ chiếm được chính quốc Nhật. Bài toán quả thật vô cùng nan giải.
Truman nhớ lại những sự thật tàn nhẫn: trận đổ bộ đảo Iwo Jima nhỏ tý đầu năm nay, quân số Mỹ nhiều gấp 3 Nhật, thế mà cũng mất gần 40 ngày mới chiếm được đảo, 21 nghìn lính Nhật đánh đến chết gần hết, chỉ còn lại 1.038 thương binh; Mỹ thương vong 31 nghìn người.
Trận đổ bộ lên đảo Okinawa vừa rồi, với ưu thế tuyệt đối 183 nghìn lính, 1.500 tầu chiến mà cũng mất 2 tháng Mỹ mới chiếm được đảo; máy bay tự sát của Nhật lao vào tầu chiến Mỹ, lính Nhật đánh đến chết không hàng; Mỹ thương vong 48 nghìn quân.
Khi 70 nghìn quân Mỹ tấn công đảo Saipan, 40 nghìn lính Nhật trên đảo đánh đến người cuối cùng. Thương binh Nhật nổ lựu đạn tự sát không chịu để Mỹ bắt làm tù binh. Dân Nhật trên đảo dắt nhau nhảy từ vách đá cao xuống biển sâu, cha mẹ ôm con lội ra biển cho đến khi ngập nước chết. Lính Mỹ thấy thế khiếp sợ ôm mặt khóc, mất hết sức chiến đấu. Hai sĩ quan Nhật chỉ huy bảo vệ đảo là tướng Yoshitsugu Saito và phó đô đốc Chuichi Nagumo tự bắn vào đầu, không chịu hàng.
Tình hình ấy khác hẳn trận chiến Stalingrad: nguyên soái Đức Paulus khi thấy tình hình chắc chắn thua đã dẫn đầu 90 nghìn lính Đức vác cờ trắng ra hàng Hồng quân Liên Xô. Rõ ràng lính Đức không gan dạ liều chết một cách mù quáng theo tinh thần samurai như lính Nhật. Một quân đội không sợ chết quả thật là đáng sợ!
Tổng thống Truman nhớ lại phương án có tên Chiến dịch Coronet (Vương miện) tấn công chính quốc Nhật Bản do Bộ Tham mưu Liên quân Mỹ dự thảo mới trình lên ông. Phương án này ước tính thương vong của phía Mỹ trong chiến dịch Coronet sẽ là 1,2 triệu người. Một tổn thất lớn không thể tưởng tượng nổi!
Truman biết rằng nhân dân Mỹ không bao giờ cho phép Tổng thống Mỹ hy sinh con em họ nhiều như vậy. Cuối cùng Truman đành chọn cách dùng bom nguyên tử để Mỹ không cần đổ bộ lên đất Nhật mà vẫn buộc Nhật phải đầu hàng. Khi bom nguyên tử gây thương vong lớn đe dọa sự tồn vong của dân tộc Nhật, vua Nhật không thể không quyết định đầu hàng để cứu quân đội và dân chúng nước này, cũng như cứu tính mạng chính nhà vua cùng Hoàng tộc. Nhưng quyết định này rất có thể làm tên tuổi Truman bị người đời mãi mãi nguyền rủa. Ông sẽ có thể phải chịu trách nhiệm trước lịch sử là người đầu tiên sử dụng bom nguyên tử.
8 giờ 15 sáng ngày 6 tháng 8, chiếc siêu pháo đài bay kiểu B-29 có tên Enola Gay từ độ cao 10 nghìn mét thả một trái bom Urani 235 xuống Hiroshima, nơi có trụ sở Bộ Tư lệnh miền Nam và nhiều nhà máy quân sự Nhật. Bầu không khí bị đốt nóng đến 7.0000C, cả thành phố thực sự trở thành một biển lửa.
Hiroshima là một trong số ít đô thị Nhật chưa bị ném bom (nghe nói đó là Mỹ cố ý làm thế để khi ném bom nguyên tử mới theo dõi được chính xác kết quả), vì thế dân chúng nơi này khá chủ quan chưa thực sự coi trọng việc trú ẩn, nhiều người thấy báo động mà không xuống hầm. Hậu quả cực kỳ nặng nề. Hơn 140 nghìn dân thiệt mạng.
Tổng thống Truman ra tuyên bố trước toàn thế giới nói Mỹ đã ném bom nguyên tử xuống Hiroshima.
Thủ tướng Suzuki nhớ lại:
    Sự việc đã đến nước này, tôi đành quyết định: không còn cách nào khác, chỉ còn cách duy nhất là chấm dứt chiến tranh. Sau khi nghe tin thảm hoạ ở Hiroshima, cuối cùng Bệ Hạ thở dài nói: Nếu cứ tiếp tục cuộc chiến tranh không có hy vọng thắng lợi này thì sẽ chỉ gia tăng sự hy sinh của quân đội, đây là một việc bi thảm trong lịch sử văn minh của nhân loại.
    Tôi và mọi người đau khổ nhận thấy tâm trạng của Bệ Hạ vô cùng nặng nề….. Thế nhưng Chính phủ vẫn ra lệnh tổng động viên các nhà khoa học quân đội, đốc thúc họ đến Hiroshima điều tra thực địa, xác nhận bom nguyên tử là thật hay giả.
    Ngày 8 tháng 8, sự thật đã rõ: đúng là bom nguyên tử thật. Do đó ai nấy càng lo sợ uy lực của nó.
    [“Tự truyện của Suzuki”].
Thực ra, nhà vua chỉ lo cho số phận của mấy triệu lính Nhật còn lại lúc ấy chứ đâu có nghĩ gì đến sinh mạng dân chúng!
Nhưng Chính phủ Nhật chưa tin Mỹ có bom nguyên tử. Sáng hôm mồng 7, họ cử các nhà khoa học đến Hiroshima khảo sát để xác định mối hoài nghi ấy.
    Trên thực tế, sự xuất hiện bom nguyên tử hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của mọi người. Có người nghi ngờ đó là trò bịp của Mỹ, họ đề nghị trước tiên nên đến điều tra tại chỗ rồi hãy nói……
    Tối ngày 8, tiến sĩ Niko nước mắt ròng ròng báo cáo tôi: “Rất tiếc, đúng là bom nguyên tử”…. Nhận được báo cáo, Thủ tướng Suzuki chỉ thị tôi sáng mai họp ngay Nội các, ông sẽ tự nói ra ý định chấm dứt chiến tranh.
    [“Sự thật của việc ngừng chiến”, Sakomizu, Chánh Văn phòng Chính phủ Nhật]
Nhưng phái chủ chiến lại nêu ra một ý kiến mới: Mỹ chỉ có một quả bom nguyên tử thôi, chẳng có gì đáng sợ cả!
6 giờ sáng hôm mồng 9, lại có tin Liên Xô đã tuyên chiến chống Nhật. Tin ấy có nghĩa là đội quân Quan Đông của Nhật đóng tại Đông Bắc Trung Quốc đã bị Hồng quân Liên Xô tấn công.
11 giờ 2 phút cùng ngày, quả bom nguyên tử thứ 2 (bom Plutoni) rơi xuống Nagasaki. Khoảng 70 nghìn người chết. Tổng cộng hơn 200 nghìn dân Nhật bỏ mạng chỉ vì Chính phủ Nhật chần chừ chưa tiếp thu Tuyên ngôn Potsdam với lý do “chưa dự kiến đầy đủ” tình hình.
Việc Mỹ ném hai quả bom nguyên tử và Liên Xô tham chiến chống Nhật đều được giải thích bằng lý do “Nhật từ chối tiếp thu Tuyên ngôn Potsdam”. Chính phủ Nhật đã do dự, chậm trễ đưa ra quyết định trước một vấn đề vô cùng hệ trọng tới sự sống còn của dân tộc Nhật.
Tất cả chỉ vì họ muốn giữ bằng được chế độ Thiên Hoàng họ coi là thiêng liêng bất khả xâm phạm! Điều 1 Hiến pháp Minh Trị 1889 viết: “Đế quốc Đại Nhật Bản là một khối thống nhất do Thiên Hoàng cai trị”. Điều 3 viết: “Thiên Hoàng thiêng liêng bất khả xâm phạm”, và điều 4: “Thiên Hoàng là nguyên thủ đất nước, nắm toàn bộ quyền thống trị”. Vì thế mà họ chỉ lo giữ “quốc thể” (tức thể chế Thiên Hoàng).
Có nên cho Nhật giữ lại chế độ Thiên Hoàng hay không? Vấn đề hóc búa này làm cho người Mỹ đau đầu. Tổng thống Truman đã giải quyết chuyện ấy như thế nào?
(Còn tiếp)
http://nghiencuuquocte.net/2015/08/12/ngay-tan-cua-phat-xit-nhat-p3/#sthash.aqV8K9wz.dpuf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét