Ngô Nhân Dụng
Tại sao lại nói chuyện
về hai nước Botswana và Sierra Leone ở tận bên Phi Châu? Xin thú thật, bởi vì
ngày hôm qua tôi đọc bài “Kỷ niệm 50 năm Chương Trình Phát Triển Quận 8 Sài
Gòn” của Luật Sư Ðoàn Thanh Liêm. Thế rồi chuyện nọ xọ chuyện kia, kéo tôi đọc
lại mấy chương sách cũ của Daron Acemoglu, viết cùng James Robinson, Why
Nations Fail (Tại sao nhiều quốc gia thất bại). Người Việt Nam nên học những
kinh nghiệm phát triển từ các nước khác để chuẩn bị xây dựng đất nước mình sau
khi chế độ cộng sản tan rã.
Chương Trình Phát Triển
Quận 8 là một trong nhiều “kinh nghiệm phát triển” do các thanh niên miền Nam
khởi xướng để phục vụ xã hội trong khung cảnh những năm 1964, 65 ở miền Nam. Ðó
là thời gian hàng trăm đoàn thể và phong trào thanh niên bột phát cùng xuất hiện
khắp nơi, đánh dấu bằng Chương Trình Công Tác Hè 1965 hoạt động trên khắp 40 tỉnh.
Tất cả các phong trào thanh niên trong thời gian đó đều nhắm cổ động đồng bào
chung quanh mình ý thức trách nhiệm công dân, tự đứng ra lo phát triển cộng đồng
nơi mình sống.
Như anh Ðoàn Thanh
Liêm kể lại, Chương Trình Quận 8 do một số thanh niên tự nguyện làm việc, được
sự hỗ trợ của chính quyền thời đó, và được người Mỹ viện trợ phương tiện tài
chánh. Không giống các tổ chức hoạt động thanh niên độc lập khác, Chương Trình
Quận 8 chấp nhận nằm trong guồng máy chính quyền, với những người tình nguyện
làm quận trưởng, làm hiệu trưởng các trường trung học, vân vân. Sau 10 năm làm
việc, chương trình đã thành công, để lại rất nhiều cơ sở cho đồng bào sau này
còn được hưởng.
Trong cùng thời gian
đó, rất nhiều tổ chức thanh niên ở miền Nam cũng đi tìm xây dựng các “kinh nghiệm
phát triển” ở thành thị và ở thôn quê. Nhắc tới Chương Trình Quận 8 khiến tôi
chợt nhớ một tổ chức cũng nhằm mục tiêu phát triển khác là Trường Thanh Niên Phụng
Sự Xã hội, ra đời năm 1964 và bị giải tán sau Tháng Tư năm 1975. Trường Thanh
Niên Phụng Sự Chương Trình Quận 8 cùng quy tụ các thanh niên từ 20 đến 30 tuổi,
cùng nhắm mục đích giúp xã hội phát triển. Nhưng hai bên khác nhau một điểm là
Thanh Niên Phụng Sự nhắm vào nông thôn, hoạt động trên quy mô nhỏ ở từng xóm, từng
làng, không nhờ vào guồng máy chính quyền trung ương và cũng không nhận viện trợ
Mỹ. Ðây là một thí dụ cho thấy trong chế độ Cộng Hòa giới thanh niên có nhiều
cơ hội để tình nguyện phục vụ đồng bào với phương cách khác nhau; cũng vì chính
phủ Sài Gòn không chủ trương phải kiểm soát tất cả các sinh hoạt trong xã hội,
như bây giờ.
Một ý kiến căn bản của
Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã hội là các tác viên chỉ đóng vai trò “chất xúc
tác” giúp người nông dân tự phát triển, chứ không làm thay cho họ. Các tác viên
Thanh Niên Phụng Sự về sống ở các làng, từng nhóm hai, ba người, họ làm gương
cho đồng bào chung quanh bằng cuộc sống của chính mình. Họ khuyến khích mọi người
đào cầu tiêu để ngừa bệnh dịch, giúp bà con đào mương, làm đường, khơi nước vào
ruộng, làm phòng y tế nhỏ, mở lớp học cho trẻ em và giảm bớt nạn mù chữ, khuyến
khích nông dân lập hợp tác xã, các “tổ nuôi trâu,” các tổ chức tương trợ tín dụng
giống như “chơi hụi” mà trong truyền thống làng xóm Việt Nam vẫn có từ lâu đời.
Lúc đó đang thời chiến tranh, cho nên các tác viên đều là những tăng ni trẻ Phật
Giáo và những người được miễn dịch vì lý do gia cảnh hay thương tật. Trong khóa
huấn luyện thứ tư của trường mà tôi phụ trách, kết thúc năm 1974, có cả một em
là thủy quân lục chiến đã giải ngũ vì thương tích.
Một nguồn cảm hứng ảnh
hưởng tới chủ trương của Thanh Niên Phụng Sự là phong trào Sarvodaya, doVinoba
Bhave, một đệ tử của Thánh Gandhi đề xướng ở Ấn Ðộ, sau đó hoạt động rộng rãi ở
Tích Lan, bây giờ là nước Sri Lanka. Thánh Gandhi ghép hai chữ Sanskrit đặt ra
tên gọi này, sarva (tất cả) và udaya (lên cao). Mục đích quan trọng nhất là xây
dựng các tổ chức tự nguyện của chính người dân. Dần dần, với kinh nghiệm thực
hành, các tổ chức đó sẽ biến thành những định chế lâu dài, tiếp tục sống sau
khi các tác viên đi nơi khác. Tất nhiên, sau năm 1975 các hạt giống đó không
còn cơ hội nẩy mầm nữa.
Nhưng nếu chúng ta muốn
người Việt Nam sau này được phát triển về kinh tế, xã hội, giáo dục, chính trị,
thì vẫn phải theo con đường xây dựng các định chế lâu dài. Khi nhắc lại điều
này, tôi lại nhớ tới cuốn sách Why Nations Fail của Acemoglu, nhà kinh tế học gốc
Thổ Nhĩ Kỳ đang làm việc nghiên cứu và dạy dỗ ở Ðại Học MIT nước Mỹ. Ông đã
nghiên cứu các quốc gia thành công và thất bại trên con đường phát triển; đặc
biệt ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh. Bài học quan trọng nhất là nước nào
có những định chế tốt thì phát triển nhanh và bền vững; thiếu các định chế đó
thì vẫn cứ nghèo, vẫn cứ loạn, vẫn không được sống tự do dân chủ.
Một thí dụ ông nêu
lên ngay đầu sách là so sánh hai ngôi làng cùng mang tên Nogales, ở hai bên bờ
sông Rio Grande (Sông Cả, nếu muốn dịch sang tiếng Việt). Một làng thuộc tiểu
bang Arizona nước Mỹ, làng kia thuộc Quận Santa Cruz, Mexico. Làng bên Mỹ thì
trẻ em đều đi học, người lớn đa số tốt nghiệp đại học; lợi tức mỗi gia đình khoảng
30,000 đô la một năm. Làng bên Mexico thì lợi tức chỉ bằng một phần ba, và đó
là mức khá giả trong nước này; trẻ em ít được đi học còn người lớn phần nhiều
chưa học hết bậc trung học; số tội ác phạm nhiều hơn, đường sá xấu hơn, tham
nhũng tràn ngập. Trước đây cả hai cùng thuộc một làng, đến khi chính phủ Mỹ mua
vùng Texas mới chia đôi, năm 1853.
Tại sao sau một thế kỷ
rưỡi hai làng Nogales khác nhau như vậy? Vì cái làng bên Arizona sống với các định
chế kinh tế và chính trị của nước Mỹ mà Mexico không có. Kinh tế Mỹ được tự do,
chính trị thì dân chủ. Người dân không bị làm khó dễ khi muốn mở cửa hàng, đầu
tư, đi tìm việc. Họ được bỏ phiếu bầu những người cai trị mình cho nên người cầm
quyền luôn luôn thấy mình chịu trách nhiệm trước dân chúng.
Ðó là một bài học cho
các nước cần xây dựng lại nền tảng một quốc gia mới, như nước Việt Nam sẽ trải
qua khi chế độ cộng sản được thay thế bằng một thể chế tự do dân chủ.
Nhưng thí dụ về hai
làng Nogales có lẽ không lý thú bằng khi so sánh hai xứ Châu Phi là Botswana và
Sierra Leone, vì cả hai đều là những cựu thuộc địa thuộc đế quốc Anh trước khi
độc lập trong thập niên 1960. Bờ biển Sierra Leone ở Ðại Tây Dương bị Anh chiếm
làm thuộc địa từ năm 1896, sau đó xâm lấn thêm các vùng trong nội địa qua những
hiệp ước với các thủ lãnh nhiều bộ lạc khác nhau. Cùng thời gian đó, các thủ
lãnh ba bộ lạc lớn nhất trong vùng thuộc nước Botswana bây giờ sang London thỉnh
cầu Nữ hoàng Victoria đứng ra “bảo hộ” cả vùng đất nằm giữa lục địa này, vì họ
muốn chính phủ Anh ngăn chặn các đạo quân Boers và lính đánh thuê của Cecil
Rhodes đang muốn xâm lăng.
Sierra Leone được trả
độc lập năm 1961, Botswana năm 1966. Sau khi độc lập được ba năm Sierra Leone
trải qua ba cú đảo chánh, 24 năm sống dưới chế độ độc tài rồi hơn 10 năm nội
chiến từ 1991 đến 2002 vì các phe phái tham nhũng tranh nhau quyền lợi hầm mỏ,
nhiều nhất là kim cương, bô xít, titanium và vàng. Nội chiến khiến cho hai phần
ba lớp tuổi học sinh không được đi học; đến nay 2 phần 3 người lớn vẫn không biết
chữ.
Xứ Botswana thiết lập
chế độ dân chủ ngay sau khi độc lập, lần bầu tổng thống sau cùng năm 2014 là cuộc
bỏ phiếu thứ 11. Theo tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International)
thì Botswana là nước có guồng máy cai trị trong sạch nhất Châu Phi, ngang hàng
với Bồ Ðào Nha và Nam Hàn. Trên toàn thế giới, Botswana đứng hạng thứ 30 trong
số 167 quốc gia được tính điểm “Chỉ Số Dân Chủ” (Democracy Index).
Trên mặt kinh tế, năm
ngoái 6 triệu rưỡi người dân Sierra Leone có lợi tức bình quân khoảng 901 đô la
Mỹ; nhưng vì xã hội vô cùng bất bình đẳng cho nên 70% dân chúng sống dưới mức một,
hai đô la mỗi ngày. Khi được trả độc lập năm 1966 Botswana vẫn là một nước dân
nghèo nhất thế giới, với 22 người tốt nghiệp đại học, 100 người học xong trung
học. Nhưng ngày nay hơn 2 triệu dân Botswana trung bình được 10,900 đô la, tức
gần 11 ngàn đô la mỗi đầu người (Các con số tính theo phương pháp mãi lực tương
đương, PPP). Chính phủ Botswana sử dụng 21% ngân sách vào việc giáo dục, nhà nước
chỉ mới bắt đầu thu học phí từ năm 2006, nhưng các sinh viên vẫn được cấp học bổng
khi theo học một trong hơn 10 trường đại học trong nước, hoặc khi ra ngoại quốc
học những ngành trong nước không dậy.
Nguyên nhân nào khiến
Botswana có nền chính trị ổn định, dân chủ, và kinh tế thịnh vượng hơn hẳn
Sierra Leone như vậy? Câu trả lời của Daron Acemoglu và James Robinson là các định
chế khác biệt trong hai xã hội.
Người Anh không cai
trị trực tiếp Sierra Leone mà chỉ lo khai thác các tài nguyên thiên nhiên qua
việc thiết lập đường xe lửa để chở quặng mỏ ra cửa biển. Các lãnh chúa địa
phương vẫn giữ vai trò thống trị cổ truyền. Dân chúng và thủ lãnh ở hai vùng,
phía Bắc và phía Nam vẫn kình chống, giành các quyền lợi và ưu thế chính trị với
nhau. Sau khi độc lập, các gia đình thống trị ở một vùng không phân bố tài
nguyên kinh tế quốc gia đồng đều cho vùng khác, trong đó các nguồn lợi quặng mỏ
rất lớn. Họ không tương nhượng, anh này ăn thì anh kia phải nhịn. Từ đó dẫn tới
chế độ độc tài, đảo chính, nội chiến, tan nát.
Nước Botswana đi trên
một con đường khác. Người Anh cũng không can thiệp vào việc cai trị vùng đất
này, để cho thủ lãnh các bộ lạc giữ quyền hành cổ truyền. Ba bộ lạc lớn có ảnh
hưởng mạnh ở Botswana đều có một truyền thống đặc biệt là các “kgotla,” có thể
dịch là “nhà hội đồng,” giống như “đình làng” ở nước ta. Trong ngôn ngữ
Setswana có câu tục ngữ “Vua làm vua vì nhờ vào dân” (kgost ke kgost ka
morafe). Các hội đồng họp thường xuyên, cho nên các vị tù trưởng luôn luôn biết
quyền hành của mình có giới hạn, ngôi vị tù trưởng không nhất thiết do cha truyền
con nối. Có thể coi là dân Tswana đã có một truyền thống dân chủ, trước khi biết
danh từ này.
Từ khi độc lập, các vị
tổng thống đầu tiên của Botswana đã nối tiếp truyền thống đó, thiết lập các định
chế giúp cho người dân được tham gia vào các quyết định chung của từng vùng, từng
làng, và của cả quốc gia. Nhũng truyền thống khác do người Anh thiết lập rồi để
lại là quyền tư hữu và hệ thống pháp luật trong đó các quan tòa hoàn toàn độc lập
với người cầm quyền.
Daron Acemoglu thấy
ba định chế có vai trò quyết định giúp các quốc gia phát triển. Một là quyền sở
hữu được tôn trọng, để khích lệ tất cả mọi người tham dự vào đời sống kinh tế
và được hưởng các thành quả do mình tạo ra. Thứ nhì là các định chế giới hạn
quyền lực của giới thượng lưu trong xã hội, khiến họ cảm thấy chịu trách nhiệm
trước dân chúng. Thứ ba là mọi người đều có quyền bình đẳng trong cơ hội; không
tạo ra thứ “sân bóng nghiêng” ưu đãi một số người.
Botswana và Sierra
Leone khác nhau, vì Sierra Leone không có các định chế cần thiết cho việc phát
triển. Acemoglu cũng nhận ra điều này ở khắp thế giới. Sau khi các thuộc địa
giành được độc lập, những người thuộc giới thượng lưu (elite) trên mặt kinh tế
và chính trị ở các xứ đó đã sống dưới các định chế xã hội như thế nào, họ có
khuynh hướng giữ nguyên. Ở châu Mỹ La tinh, sau khi độc lập vào thế kỷ 19 giới
lãnh đạo bản xứ vẫn giữ nguyên hệ thống các luật lệ bảo vệ độc quyền kinh tế mà
thực dân Tây Ban Nha đã lập ra. Chế độ nô lệ còn tiếp tục ở Brazil cho tới năm
1886. Ở Mexico, chế độ cưỡng bách lao công còn tồn tại cho đến năm 1910. Ở
Guatemala chế độ đó còn giữ tới năm 1945. Giới lãnh đạo các nước này kế thừa
các đặc quyền của những người thực dân cũ, và giữ nguyên các định chế giúp cho
họ hưởng lợi. Nhiều đảng cách mạng đã đổ xương máu giành độc lập, sau đó họ
cũng không muốn thay đổi các định chế cũ nhờ vào đó mà những người lãnh đạo được
hưởng các đặc quyền. Một khi thiết lập chế độ độc tài rồi, họ phải bám lấy mãi
vì rất khó buông ra.
Ðây là một vấn đề cho
người Việt Nam suy nghĩ. Hiện nay nhiều thanh niên trong nước ta đang hăng hái
hoạt động thúc đẩy đất nước phát triển, mọi người trong xã hội cùng tiến lên.
Các bạn trẻ ở Việt Nam bây giờ có thể phát động những phong trào giống như các
thế hệ thanh niên năm 1965 đã làm ở miền Nam; với mục đích giúp đồng bào phát
triển, trong các đơn vị nhỏ từng làng, từng quận. Nhưng trong khi dấn thân vào
công tác đó, các bạn cần nhìn xa hơn những vấn đề ngay trước mắt. Cần phải nhận
ra tầm quan trọng của việc xây dựng các định chế lâu dài do chính người dân tự
nguyện phát khởi và tham gia vì lợi ích cho chính họ. Tất nhiên dưới chế độ độc
tài đảng trị hiện nay, khó tổ chức những Chương Trình Phát Triển Quận 8 hay Trường
Thanh Niên Phụng Sự Xã hội như ngày xưa. Nhưng khi nhiều người cùng quyết tâm
thì dù khó vẫn có cách làm được.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=213167&zoneid=7#.Vdi5hspR7CY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét