Trần Quốc
Nam - Phạm Hồng Anh
Dựa trên các thông
tin nội bộ, Mục Xuân San đã đào sâu để chạm đến những bí ẩn của nền chính trị
Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình.
Để hiểu chính sách
ngoại giao của Trung Quốc, ta cần phải hiểu được nền chính trị Trung Quốc. Ngoại
giao là một phần mở rộng của chính trị đối nội; bởi thế việc hiểu sai những
tính toán của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ dẫn đến nguy cơ diễn giải sai
hướng chính sách đối ngoại của nước này. Điều này đặc biệt đúng ở hiện tại, khi
sự tương tác giữa công tác đối nội và ngoại giao của Trung Quốc đã được tăng cường
từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình nhậm chức.
Chẳng hạn như việc
Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) được Bắc Kinh thiết lập ở Biển Hoa Đông vào
tháng 11 năm 2013, tức chỉ vài ngày sau Hội nghị Trung ương 3 của Ban chấp hành
Trung ương ĐCSTQ (khóa 18). Phiên họp quan trọng này đã đưa ra quyết định thành
lập hai cơ quan mới: Nhóm Lãnh đạo Cải cách Toàn diện và Ủy ban An ninh Quốc
gia Trung Quốc. Quyết định đó có thể được coi là khúc dạo đầu trực tiếp để thiết
lập ADIZ.
Khó có thể bàn luận về
chính sách đối ngoại của Trung Quốc mà không cân nhắc đến tình hình chính trị
trong nước; và tương tự, ta cũng không thể nói về chính trị trong nước mà bỏ
qua nhân tố Tập Cận Bình. Ở nước ngoài, ông Tập là chủ đề của những lời phỏng đoán
vô tận. Trong bài phân tích này, tôi sẽ cố gắng giải đáp năm câu hỏi lớn về
chính trị đối nội của Trung Quốc, dựa trên những gì tôi nghiệm ra từ nghề làm
báo và quá trình quan sát lâu năm về sự phát triển của nước này.
Câu hỏi thứ nhất: Tập
Cận Bình và Lý Khắc Cường là đối thủ hay đối tác?
Câu hỏi này dấy lên bởi
nhiều người nhận thấy thực tế rằng so với lượng thông tin tuyên truyền ồ ạt về
Tập Cận Bình tại Trung Quốc, thì Lý Khắc Cường nhận được sự chú ý ít hơn nhiều.
Sự khác biệt này càng rõ rệt khi so sánh với Ôn Gia Bảo, người tiền nhiệm của
Lý Khắc Cường và là nhân vật được giới truyền thông mến mộ.
Thủ tướng đầu tiên của
Trung Quốc, Chu Ân Lai là một người danh tiếng – thậm chí ông còn được biết tới
nhiều hơn cả Mao Trạch Đông. Kể từ thời Chu Ân Lai, từ “thủ tướng” bắt đầu mang
ý nghĩa đặc biệt ở Trung Quốc. Gần như mọi người dân Trung Quốc đều hy vọng vị
thủ tướng đương nhiệm có được khả năng, sự quyến rũ và tính cách kiên quyết của
Chu Ân Lai – điều này tạo áp lực lớn lên giới lãnh đạo chóp bu ở nước này.
Như nhiều nhà quan
sát khác, tôi cũng đã từng nghĩ rằng có một sự cạnh tranh bí mật hay thậm chí
là một “cuộc chiến truyền thông” giữa ông Tập và ông Lý. Tôi bối rối trước những
câu chuyện bề mặt do truyền thông thêu dệt. Song tôi nhận ra rằng Tập Cận Bình
và Lý Khắc Cường về cơ bản chính là đối tác của nhau, họ có thiện chí hợp tác
vượt lên trên những bất đồng giữa hai bên.
Sau khi Chủ tịch Tập
nhậm chức, ĐCSTQ tăng cường nỗ lực “điều hành quốc gia thông qua các nhóm công
tác”, thành lập các cơ quan quan trọng như Nhóm Lãnh đạo Trung ương về Thông
tin hóa và An ninh mạng, và Nhóm Lãnh đạo Cải cách Quân sự, bên cạnh Nhóm Lãnh
đạo Cải cách Toàn diện và Ủy ban An ninh Quốc gia Trung Quốc đã được nhắc đến ở
phần trên. Lý Khắc Cường là người điều hành đứng thứ hai trong hầu hết các nhóm
công tác này – một ngoại lệ đáng lưu ý là cả các nhóm liên quan đến quân sự.
Quyền hạn của ông Lý không những không bị hạn chế, mà dường như còn vượt ra
ngoài cả lĩnh vực kinh tế. Điều đó cho thấy Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường cùng
chia sẻ một sự hiểu biết ngầm, không chỉ trong vấn đề cải cách và kinh tế mà
trong hầu hết tất cả các lĩnh vực.
Tại Hội thảo Internet
toàn cầu lần thứ nhất được tổ chức ở Trung Quốc gần đây, ông Lý đã phát biểu
thay mặt Chủ tịch Tập đang công du nước ngoài. Điều này khẳng định vị thế người
đứng thứ hai của Lý Khắc Cường tại Nhóm Lãnh đạo Trung ương về Thông tin hóa và
An ninh mạng. Bởi lẽ đó, mới đây ông Lý đã tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei
Shoigu khi Tập Cận Bình không có mặt ở Bắc Kinh.
Vậy phải giải thích sự
khác biệt trong chú ý của truyền thông ra sao? Theo lời của một quan chức chính
phủ Trung Quốc, giới lãnh đạo nước này đã đồng thuận rằng việc làm nổi bật quyền
thế của Tập Cận Bình là cần thiết – nhằm đáp lại mong muốn của người dân về một
“người anh hùng” có thể giải quyết các vấn đề nan giải Trung Quốc phải đối mặt
khi thực hiện các nỗ lực cải cách và chống tham nhũng. Ngoài ra, tôi nghĩ Lý Khắc
Cường có thể đơn giản là một người có tính cách khiêm nhường hơn người tiền nhiệm
Ôn Gia Bảo, cũng giống như Hồ Cẩm Đào, người có phong cách ít nổi bật hơn người
kế nhiệm của mình – Tập Cận Bình.
Câu hỏi thứ hai: ai
là cố vấn khả tín nhất của Tập Cận Bình?
Câu trả lời ở đây thường
chỉ là phỏng đoán. Một số khả năng gồm có: Lý Hi (Li Xi), đồng môn của Tập Cận
Bình và hiện đang là Chủ tịch tỉnh Liêu Ninh; Đinh Tiết Tường (Ding Xuexiang),
thư ký của Chủ tịch Tập đồng thời là Phó chánh Văn phòng Ủy Ban Trung ương
ĐCSTQ; hay Vương Hổ Ninh, người đứng đầu Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Trung
ương ĐCSTQ. Mỗi người trong số họ đều thỏa mãn những yêu cầu cần thiết [để trở
thành người đáng tin cậy bên cạnh Tập Cận Bình].
Tuy nhiên, gần đây Tập
Cận Bình vừa công bố các biện pháp quan trọng liên quan đến chống tham nhũng,
tuyên huấn, lực lượng vũ trang và an ninh. Công bố này đưa thêm một vài gợi ý để
đoán biết những người thân tín của ông Tập. Theo quan điểm của tôi, các đồng
chí của Tập Cận Bình bao gồm Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), Bí thư Ủy ban Kiểm tra
Kỷ luật trực thuộc Ủy Ban Trung ương; Lỗ Vĩ (Lu Wei), người chỉ đạo Văn phòng của
Nhóm Lãnh đạo Trung ương về Thông tin hóa và An ninh mạng; Tướng Lưu Nguyên
(Liu Yuan) và Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), Chánh Văn phòng Ủy Ban Trung ương
(cũng là người chịu trách nhiệm về hoạt động của Ủy Ban An ninh Quốc gia Trung
Quốc).
Vai trò của Vương Kỳ
Sơn đã quá rõ ràng. Nếu không có ông ta, các chiến dịch chống tham nhũng ở
Trung Quốc sẽ chững lại, và công chúng đã không dành nhiều kỳ vọng cho Tập Cận
Bình đến vậy.
Lỗ Vĩ là một người điều
hành ít nổi bật, trẻ và có năng lực. Sau nhiều năm làm việc tại Tân Hoa Xã, Lỗ
đảm nhiệm công tác tuyên truyền tại Bắc Kinh. Gần đây, ông nắm quyền điều hành
mạng internet của toàn Trung Quốc. Dưới sự điều hành của Lỗ Vĩ, hình ảnh của Tập
Cận Bình đã được phác họa thành người-của-công-chúng trên mạng internet. Và những
“Tiếng nói lớn” (Big Vs) – những người bất đồng chính kiến có ảnh hưởng nhất
trên mạng tiểu blog của Trung Quốc, đã bị buộc im lặng, và đây chính là điều
chính phủ cần. Có rất nhiều lý do để tin rằng Lỗ đã giành được sự đánh giá cao
của ông Tập.
Lưu Nguyên là trợ thủ
đắc lực của Tập Cận Bình trong quân đội. Mặc dù chính phủ Trung Quốc chưa bao
giờ tiết lộ mối quan hệ giữa hai người, truyền thông Hồng Kông cho biết ông Tập
đã ủng hộ Lưu trong cuộc chiến chống Từ Tài Hậu (Xu Caihou), Phó Chủ tịch Quân ủy
Trung ương Trung Quốc. Thậm chí còn có tin đồn rằng Lưu Nguyên sẽ đóng một vai
trò quan trọng trong Ùy ban giám sát kỷ luật của Giải phóng Quân Trung Quốc (PLA). Cả Tập Cận Bình và Lưu
Nguyên đều là con cái các nguyên lão của Đảng, tức họ cùng là “hạt giống đỏ” và
trung thành với Trung Quốc và ĐCSTQ.
Cuối cùng, Lật Chiến
Thư chịu trách nhiệm hoạch định toàn bộ các hoạt động mà Tập Cận Bình tham dự,
và đảm bảo an toàn cá nhân của Chủ tịch Tập. Lật Chiến Thư luôn nằm trong đoàn
tháp tùng Tập Cận Bình trong các chuyến thăm nước ngoài, một bằng chứng rõ ràng
về tầm quan trọng của nhân vật này.
Câu hỏi thứ ba: Liệu
Tập có gặp phải sự chống đối chính trị thực sự nào không?
Trái với nền chính trị
phương Tây, ĐCSTQ không hé lộ chuyện phe cánh trong nội bộ Đảng, một nguyên tắc
từ thời Mao Trạch Đông. Bất cứ phe phái nào quá lộ liễu đều nhanh chóng bị dán
nhãn “chủ nghĩa bè phái” và trở thành mục tiêu bị phê phán. Nói cách khác, trên
lý thuyết thì một đảng viên (ở bất kỳ cấp nào) chỉ được phép trung thành với
toàn thể Đảng chứ không phải với một cá nhân nào đó.
Thế nên nhìn từ bên
ngoài, các quan chức cấp cao của Đảng không bao giờ để lộ dấu hiệu bất hòa.
Công chúng hoàn toàn không hề biết về sự sụp đổ của Bạc Hy Lai (Bo Xilai) cho đến
tận tháng Ba năm 2012, khi Phiên họp Đại hội đại biểu Nhân dân hàng năm kết thúc.
Đến khi Ôn Gia Bảo chỉ trích “mô hình Trùng Khánh” của Bạc tại buổi họp báo thì
người dân mới nhận ra thời của Bạc đã hết. Vụ việc Bạc Hy Lai bị xử như một
phiên tòa hình sự. Mặc dù hầu hết mọi người tin rằng sự ngã ngựa của Bạc can hệ tới cuộc đấu đá chính
trị, song không ai có thể đưa ra bằng chứng vững vàng chứng minh rằng Bạc là đối
thủ chính trị với Tập.
Tuy vậy, chắc chắn rằng
Tập Cận Bình phải đối mặt với sự phản kháng và chống đối thật sự. Một lần ông Tập
đã công khai phát biểu: “Công cuộc cải cách bước vào thời kỳ khó khăn và chạm đến
vùng tối nhất” và “Tình hình chống tham nhũng vẫn còn phức tạp và nghiêm trọng”
– đây là các dấu hiệu cho thấy những chiến dịch này đang vấp phải một cuộc
tranh đấu chính trị đầy cam go.
Đó chính là lý do tại
sao chính phủ Trung Quốc gây dựng quyền uy của Tập Cận Bình qua các phương tiện
truyền thông – bởi ông Tập cần sự đoàn kết trong Đảng cũng như sự ủng hộ của quần
chúng. Một quan chức Trung Quốc nói với tôi, “Họ [phe đối lập] rất cứng rắn,
cho nên Chủ tịch Tập phải cứng rắn hơn họ”.
Vậy ai ở phe đối lập?
Chỉ cần tìm “những con hổ lớn” – và Tập Cận Bình sẽ không để họ yên.
Câu hỏi thứ tư: Tập Cận
Bình có thực sự hy vọng sẽ vượt qua các lãnh đạo tiền nhiệm và trở thành một
“kiến trúc sư mới”?
Việc ví Tập Cận Bình
như là “tân kiến trúc sư” của Trung Quốc là một phát minh của giới truyền
thông. Cả Tập lẫn báo chí chính thức đều không thừa nhận cụm từ này. Danh hiệu
này chỉ xuất hiện trên trang web của tờ Nhân dân Nhật báo. Nếu ĐCSTQ thực sự muốn
ca ngợi Chủ tịch nước là “tân kiến trúc sư”, họ sẽ chạy một tiêu đề lớn trên tờ
(báo giấy) Nhân dân Nhật báo.
Hai năm trước, Hồ An
Cương (Hu Angang) – giáo sư tại Đại học Thanh Hoa, đã viết một bài báo trên tờ
Nhân dân Nhật báo nói rằng Trung Quốc áp dụng một “hệ thống lãnh đạo tập thể”,
một cái gì đó khác với cả hai hệ thống dân chủ của phương Tây và truyền thống
trung ương tập quyền của Cộng sản. Trong hệ thống của Trung Quốc, quyền lực được
chia sẻ giữa các ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Các quyết định về các vấn
đề chính được đưa ra bằng cách lấy biểu quyết. Ý kiến táo bạo này của Hồ An
Cương đã được cấp cao thừa nhận.
Chúng ta có thể coi sự
xuất hiện của cụm từ “tân kiến trúc sư” như cách chính phủ thăm dò phản ứng của
công chúng. Đây là thời điểm tốt cho các phương tiện truyền thông khác tiếp tục
truyền bá danh xưng này, bởi không những không gặp rủi ro gì mà còn vô cùng hữu
ích – sự ra đời một “khái niệm mới” về Tập Cận Bình sẽ thu hút sự chú ý từ mọi
nơi trên thế giới.
Điều quan trọng cần
phải nhớ là ông Tập chỉ mới nhậm chức được hai năm, và ông ta còn ít nhất tám
năm cầm quyền nữa. Trong giai đoạn này, ông Tập sẽ phải là một kiến trúc sư có
đầu óc sắc sảo, trong khi dần thâu tóm quyền lực mà trước đây nằm trong tay các
ủy viên thường trực khác. Song không có dấu hiệu cho thấy ông Tập sẽ lật đổ “hệ
thống lãnh đạo tập thể” bằng cách tước đi quyền bình đẳng tham gia quá trình ra
quyết định của các ủy viên thường trực khác trong Bộ Chính trị. Tập Cận Bình sẽ
không thể phá vỡ hoàn toàn cơ cấu chính trị ở tầng đỉnh của ĐCSTQ – vốn đã hoàn
thiện trong 20 năm qua kể từ thời Giang Trạch Dân.
Tôi chắc chắn rằng Tập
Cận Bình là một người ý thức được vai trò lịch sử của mình, và những gì ông ta
làm không chỉ có giá trị đối với Trung Quốc hôm nay, mà còn hữu ích cho sự phát
triển trong tương lai của Trung Quốc. Trung Quốc cần phải thay đổi, và Tập Cận
Bình đã được lịch sử lựa chọn để thúc đẩy cải cách và chống tham nhũng. Điều cốt
yếu là có người đứng ra thực hiện.
Một quan chức Trung
Quốc đồng ý với quan điểm này, ông nói rằng Tập Cận Bình sẽ đóng vai người hùng
giúp Trung Quốc phát triển êm đẹp hơn, an toàn hơn và ít rủi ro hơn. Theo quan
chức này, sẽ mất ít nhất năm năm để định danh “kiến trúc sư mới” được chính thức
chấp nhận.
Câu hỏi thứ năm: người
dân Trung Quốc nghĩ gì về Tập Cận Bình?
Hãy nghĩ đến Putin: Bất
chấp sức ép và trừng phạt của phương Tây, ông ta vẫn nhận được tỉ lệ ủng hộ
cao. Khi gặp Putin hồi năm ngoái, Tập Cận Bình nhận ra mình và Putin có tính
cách giống nhau. Và một số hành động của Chủ tịch Tập nhận được sự ủng hộ ở Trung
Quốc tương tự như Putin ở Nga.
Hầu hết người dân
Trung Quốc ủng hộ Tập Cận Bình bởi họ nhìn nhận ông là một nhà lãnh đạo kiểu
khác – ông giới thiệu vị phu nhân duyên dáng của mình tại các hoạt động ngoại
giao; ông cho phép internet đăng các hình hoạt họa về mình; ông Tập có sự kiên
quyết khi lật đổ các ủy viên Bộ Chính trị khác; và Tập Cận Bình đã sẵn sàng để
tỏ ra cứng rắn với Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Cùng với sự phát triển
nhanh chóng của nền kinh tế, những mong muốn của người Trung Quốc đang thay đổi.
Họ mưu cầu hội nhập quốc tế và sự công nhận từ quốc tế. Tập Cận Bình đang thỏa
mãn nhu cầu tâm lý này đồng thời đáp ứng các nhu cầu về kinh tế. Dưới thời Chủ
tịch Tập, Trung Quốc và ngay cả người dân Trung Quốc có vẻ đã khác so với trước
kia.
Một số người có thể
lo ngại Tập Cận Bình đang khôi phục lại tệ “sùng bái cá nhân” từ thời Mao Trạch
Đông. Một quan chức chính phủ mà tôi trò chuyện đã bác bỏ điều vô lý này. Ông
cho rằng truyền thông ngày nay đã làm phức tạp hóa chuyện này. Ngày nay người
dân có quyền tự do lựa chọn giữa rất nhiều ý tưởng phóng khoáng và đa dạng; do
đó không thể có chỗ cho tệ sùng bái cá nhân. Quan chức này khẳng định với tôi
là không ai trong chính phủ muốn phục hồi hiện tượng này, nhưng nó lại là yếu tố
cần thiết để tạo dựng quyền uy cho Tập Cận Bình.
Rõ ràng gần đây các
phương tiện truyền thông đã hơi quá đà trong các chiến dịch tuyên truyền cho Tập
Cận Bình. Thế giới có xu hướng diễn dịch quá mức những thông tin này, với khả
năng tính toán sai lầm về sự phát triển của Trung Quốc trong tương lai. Thậm
chí điều này có thể ru ngủ bản thân ông Tập vào một cảm giác an toàn giả tạo. Để
tránh kết cục như vậy đòi hỏi cần có một tư duy khách quan về các vấn đề đối nội
và đối ngoại.
**
Mộc Xuân San (Mu
Chunshan) là một nhà báo tại Bắc Kinh. Trước đây ông từng làm cho một dự án của
Bộ Giáo dục nghiên cứu ảnh hưởng của truyền thông nước ngoài lên việc tạo dựng
hình ảnh Trung Quốc.
http://nghiencuuquocte.net/2015/01/13/giai-dap-5-cau-hoi-ve-tap-can-binh
Nguồn: Mu Chunshan,
“Five questions about Xi Jinping, answered“, The Diplomat, 9/12/2014.
/#more-5336
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét