Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Quốc vương Thái Lan chỉ là con tốt của giới tinh hoa?



Tác giả: David Eimer | Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Một cuốn sách mới khẳng định giới tinh hoa Thái Lan từ lâu đã thao túng hoàng gia vì lợi ích riêng của họ, để mặc người dân trong giá lạnh.

Thái Lan đã bị cuốn vào vòng xoáy của hết cơn khủng hoảng chính trị này đến cơn khủng hoảng chính trị khác trong suốt tám năm qua. Thủ tướng bị lật đổ bởi các tòa án, các cuộc biểu tình chống lại chính quyền không qua bầu cử dẫn đến bạo lực đẫm máu kéo dài nhiều tuần trên đường phố Bangkok trong năm 2010, và đã có hai cuộc đảo chính quân sự, với cuộc đảo chính gần đây nhất diễn ra vào tháng Năm.

Giờ đây, cũng giống như nước láng giềng Myanmar đang nổi lên sau nhiều thập kỷ bị cai trị bởi nền độc tài quân sự, Thái Lan, đất nước dựa nhiều vào du lịch, cũng đang được điều hành bởi một chính quyền quân sự mang cái tên nghe đậm chất Orwell:[1] Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO).


Tệ hơn nữa đối với một quốc gia luôn tự hào về việc được gọi là “Đất nước của những Nụ cười,” Thái Lan đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết. Các tầng lớp trung lưu đô thị, sĩ quan quân đội cấp cao, phe công chức thủ cựu và lãnh đạo doanh nghiệp đang đối đầu với dân thường Thái Lan, những người chỉ có thể đứng nhìn chính phủ Pheu Thai họ bầu ra bị lật đổ bởi các tướng lĩnh quân đội. Làm thế nào mà một đất nước từng được coi là hình mẫu về sự ổn định và tăng trưởng kinh tế của các nước Đông Nam Á khác lại ra nông nỗi này?

Cuốn sách mới của Andrew MacGregor Marshall đổ lỗi một phần cho một người ở Thái Lan mà không ai được gắn ông với chính trị, hoặc thậm chí là bàn tán công khai về ông: Quốc vương Bhumibol Adulyadej. Sau 68 năm ngự trên ngai vàng, ông là vị vua tại vị lâu nhất thế giới. Hình ảnh của ông có ở khắp mọi nơi của Thái Lan, từ biển quảng cáo tại các sân bay cho tới các bức tường trong những hộp đêm ở Pattaya, bằng chứng rõ ràng nhất cho việc ông được các thần dân của mình tôn kính gần như một vị thần ra sao.

Dù thế, đối với Marshall, Bhumibol chẳng hơn một con bù nhìn của giới tinh hoa quân sự và kinh doanh là mấy. Cuốn sách với nhiều tiết lộ mới của Marshall lập luận rằng nhà vua được nâng lên vị trí cao quý của ông một cách có chủ đích để các tầng lớp cầm quyền truyền thống có thể tiếp tục nắm giữ quyền lực trong khi từ chối dân chủ đúng nghĩa cho người dân Thái Lan.

Gây nhiều tranh cãi hơn nữa, Marshall tin rằng cuộc khủng hoảng chính trị những năm gần đây có liên quan mật thiết đến câu hỏi ai sẽ kế vị vị quốc vương 86 tuổi già yếu mà phần lớn thời gian trong năm năm qua ông nằm tại bệnh viện. Người kế vị chính thức của Bhumibol là Thái tử Vajiralongkorn, được chú ý nhiều ở Thái Lan lẫn nước ngoài bởi hình ảnh ăn chơi hơn là vị thế thái tử của ông.

Vajiralongkorn cũng nổi tiếng bởi mối quan hệ với Thaksin Shinawatra, nhà tài phiệt và cựu Thủ tướng lưu vong với những chính sách theo chủ nghĩa dân túy đã khiến ông trở thành anh hùng đối với người nghèo ở nông thôn, nhưng lại bị phe bảo thủ thù ghét bởi các cách thức bị cáo buộc là tham nhũng và độc tài của ông. Luận đề của Marshall cho rằng, viễn cảnh vương triều tiếp theo gần gũi với người đàn ông vốn đã trao quyền cho một bộ phận cử tri mà giới tinh hoa Thái Lan từ lâu đã phớt lờ là điều không thể tưởng tượng được. Họ muốn nhìn thấy em gái của thái tử, Công chúa Sirindhorn, kế vị ngai vàng.

Luận đề được viết với văn phong rõ ràng, mạch lạc của Marshall gây chấn động mạnh, đặc biệt là khi Thái Lan có một số luật lệ về tội khi quân nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Chỉ cần nói chuyện hay viết về nhà vua, hoàng hậu Sirikit, hoặc thái tử – chưa tính đến việc chỉ trích quyền lực hay vai trò của nhà vua trong chính trường Thái Lan và xã hội – có thể dẫn đến một án phạt tù. Hai mươi hai người đang bị giam giữ chờ xét xử tội khi quân.

Không ai biết sức mạnh của pháp luật về tội khi quân rõ hơn Marshall. Vị nhà báo người Scotland 43 tuổi từng làm việc 17 năm cho Reuters này đã từ chức vào tháng 6 năm 2011 sau khi cơ quan này từ chối xuất bản một loạt các bài báo của ông về chế độ quân chủ ở Thái Lan. Phần lớn thông tin cho những câu chuyện này đến từ hàng trăm điện tín ngoại giao Mỹ bị rò rỉ qua Wikileaks. Dẫu cho có vợ là người Thái, Marshall đã không thể quay lại Thái Lan kể từ đó.

Marshall tiết lộ việc Bhumibol đã nhu nhược và cơ bản là không có quyền lực đến thế nào trong suốt triều đại của ông. Từ năm 1950 trở đi, ý tưởng về một bậc quốc phụ chăm lo cho vương quốc của mình với một thái độ nhân từ đã được quân đội đặc biệt thúc đẩy. Họ làm vậy với sự khuyến khích tích cực từ Washington, nước coi Thái Lan là một bức tường thành ở Đông Nam Á để chống lại những người cộng sản ở Việt Nam, Lào và Trung Quốc láng giềng.

Kiểu tuyên truyền này vẫn tiếp tục đến ngày hôm nay. Kể từ cuộc đảo chính tháng Năm, NCPO đã bắt giữ hàng chục đối thủ của mình mà không cần xét ​​xử, mạnh tay hơn trong việc đàn áp tự do báo chí và truyền thông xã hội, trong khi cấm các cuộc tụ họp công cộng nhiều hơn năm người. Lời biện minh cho những hành động đàn áp này của họ là vì lợi ích của nhà vua, một ví dụ nữa về việc Bhumibol đã bị thâu nạp (về phe quân đội) trong cuộc chiến quyết định người điều hành Thái Lan ra sao.

Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, đây là một cuộc nội chiến về mọi mặt, chỉ trừ tên gọi.

Kể từ khi đảng chính trị đầu tiên của Thaksin, đảng Thai Rak Thai (Người Thái yêu người Thái), giành được một chiến thắng giòn giã trong cuộc bầu cử năm 2001, ông trùm viễn thông đã được coi là mối đe dọa lớn nhất của phe bảo thủ Thái Lan. Thaksin là chính trị gia cấp cao đầu tiên nhận ra rằng chỉ riêng số lượng nông dân ở Đông bắc đất nước đã đủ đảm bảo họ nắm giữ chìa khóa quyết định ai là người nắm quyền lâu dài. Ông thay đổi các chính sách của mình để đáp ứng nhu cầu của họ, qua đó khiến cho đảng Dân chủ đối lập – đảng truyền thống của giai cấp tinh hoa cầm quyền – gần như không thể nào đắc cử.

Tuy nhiên, các tầng lớp trung lưu đô thị bị chấn động bởi những cáo buộc tham nhũng tràn lan đặc trưng cho những năm Thaksin nắm quyền, trong khi những người ôn hòa lại khó chịu bởi thái độ coi thường nền pháp quyền của ông. Khi Thaksin phát động một cuộc chiến chống ma túy vào đầu năm 2003, gần 2.500 người đã thiệt mạng chỉ trong ba tháng.

Đáng lo ngại hơn với hoàng gia là mối quan hệ ngày càng thân thiết của Thaksin với Vajiralongkorn. Ông được cho là đã cho thái tử vay tiền, do đó nhận lại thái độ thù địch của nhà vua. Điều đó chẳng mấy quan trọng đối với Thaksin – chừng nào ông còn giữ chức thủ tướng và thái tử còn là người thừa kế chính thức. Ralph Boyce Leo, Đại sứ Mỹ tại Thái Lan từ năm 2004 đến năm 2007, đã nói trong một bức điện tín, “nhà vua không tồn tại mãi mãi và Thaksin từ lâu đã đầu tư vào tương lai của thái tử.”

Cuộc đảo chính năm 2006 được tổ chức nhằm kết thúc sự thống trị Thaksin trong chính trường Thái Lan. Nhưng chính phủ được lập nên bởi quân đội chỉ làm trầm trọng thêm sự chia rẽ chính trị của đất nước. Phe chống Thaksin được gọi là phe “áo vàng,” một màu từ lâu đã gắn liền với nhà vua, trong khi phe ủng hộ ông được gọi là phe “áo đỏ.” Đụng độ tại Bangkok vào năm 2010 giữa các phe nhóm đối đầu và quân đội khiến ít nhất 90 người thiệt mạng.

Việc quân đội tiếp quản chính quyền cũng không chấm dứt được ảnh hưởng của Thaksin. Dù cuối cùng nó khiến ông phải sống lưu vong để tránh những cáo trạng về tội tham nhũng, và đảng Thai Rak Thai bị tòa án cấm hoạt động chính trị, nhưng Thaksin lại phục hồi ảnh hưởng một cách nhanh chóng. Một đảng mới, Pheu Thai (Vì nước Thái), được thành lập và chiến thắng cuộc bầu cử năm 2011, với em gái của ông Thaksin, Yingluck Shinawatra, làm thủ tướng.

Cuộc đảo chính tháng Năm đã đặt dấu chấm hết cho quyền lực của đảng Pheu Thái, nhưng tương lai của Thái Lan là hết sức vô định, và đối với Marshall, điều này sẽ tiếp tục như vậy cho đến khi nhà vua qua đời. Ngay cả lúc đó, khả năng xảy ra tranh chấp về quyền kế vị sẽ là một cú sốc lớn đối với người dân vốn đã quen với việc có Vua Bhumibol trên ngai vàng.

Dù cuốn sách của Marshall sẽ hoàn hảo hơn nếu có thêm thảo luận về sự chống đối ngày một gia tăng của những người dân thường đối với phe cầm quyền thủ cựu – di sản lâu dài nhất của Thaksin trong việc chính trị hóa một phần dân số vốn bàng quan chỉ trong một thập kỷ – nhưng nó vẫn là một bản phân tích kịp thời về hệ thống chính quyền rối loạn của Thái Lan.

Đó cũng là một cuốn sách dũng cảm. Đất nước của những Nụ cười từ lâu đã khéo che đậy những mặt kém hấp dẫn của mình trước công chúng, cho dù đó là cuộc nổi dậy đang diễn ra ở miền Nam đưa người Hồi giáo gốc Malay chống lại nhà nước Phật giáo Thái Lan, hay việc bóc lột các công nhân nhập cư. Marshall đưa ra một sự thật khó nghe về vai trò chính trị của hoàng gia ở một đất nước mà từ lâu nó đã được phép miễn trừ những lời chỉ trích. Và đó chính là một thành tựu độc đáo của cuốn sách.

Đây là bài điểm cuốn sách có tên A Kingdom in Crisis: Thailand’s Struggle for Democracy in the Twenty-First Century (Vương quốc trong cơn khủng hoảng: Cuộc đấu tranh vì dân chủ của Thái Lan trong thế kỷ 21) của tác giả Andrew MacGregor Marshall, Nhà xuất bản Zed Books.


http://nghiencuuquocte.net/2014/11/01/quoc-vuong-thai-lan/#more-4162

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét