Ngô Đình Nhu (1910-1963)
TRỤ MÀ KHÔNG TRỤ
Phật dạy "TRỤ MÀ
KHÔNG TRỤ". Thâm ý cao siêu của lời dạy trên bao trùm khắp vũ trụ. Sự tiến
hóa của nhân loại đều căn cứ trên nguyên tắc nằm trong lời dạy trên. Có trụ mới
có vị trí để mà tiến. Nhưng khi vị trí đã mất tác dụng, mà vẫn cứ cố bám để trụ
vào đó thì mọi tiến hóa lại chấm dứt, và những kết quả đã thu hoạch được lại có
thể bị mất.
Phải trụ vào cho đúng
lúc mới tiến được. Và phải không trụ vào cho đúng lúc mới bảo đảm được vừa những
thắng lợi đã chiếm, vừa con đường tiến cho tương lai.
TRỤ MÀ KHÔNG TRỤ là một
chân lý thể hiện trong những sự việc vĩ đại của loài người, cũng như trong các
sự việc nhỏ nhặt của cá nhân trong đời sống thường ngày.
Nhiều Cộng Đồng đã
phôi thai được một nền văn minh vì nhờ trong một lúc nào đó, các nhà lãnh đạo
đã ý thức được một cách sung mãn những vị trí cần phải trụ vào. Nhưng sau đó hoặc
vì sự thiếu lãnh đạo, hoặc vì thử thách, do hoàn cảnh bên ngoài đưa đến, vượt
qua mức độ mà sinh lực của Cộng Đồng có thể ứng phó nổi, nên Cộng Đồng vẫn tiếp
tục trụ vào một vị trí không còn là sinh lộ nữa. Do đó, nền văn minh vừa mới
phôi thai, đã ngừng phát triển và lâu ngày thành cằn cỗi và chết dần như cây
khô.
Các Dân Tộc Da Đỏ ở Bắc
Mỹ đã phôi thai một nền văn minh trụ vào sự thích nghi hóa đời sống thường ngày
với vũ trụ thiên nhiên bao quanh mình. Ví dụ, thay vì tìm cách chế áo dầy hoặc
cách xây nhà cửa giữ được sức nóng để chống lại với giá lạnh của mùa Đông, người
Da Đỏ lại chủ trương huấn luyện cơ thể từ lúc nhỏ để chịu đựng được các thời tiết.
Thái độ của người Da
Đỏ là một thái độ tùng phục, cố gắng thích nghi hóa cơ thể với vũ trụ thiên
nhiên. Thái độ mặc áo và xây nhà là một thái độ dùng phương tiện thiên nhiên để
chế ngự thiên nhiên.
Vì đã lựa chọn con đường
như vậy cho nên nền văn minh phôi thai của người Da Đỏ đã đào tạo được một loại
người mà sức chịu đựng đối với thiên nhiên lên đến một mức độ phi thường. Và sự
thông cảm của họ với thiên nhiên vượt đến một trình độ ít có.
Trên lĩnh vực này,
người Da Đỏ đã khiến tất cả mọi người đều thán phục. Và người mà ông Baden
Powell, nhà sáng lập ra phong trào hướng đạo thế giới, lấy làm mẫu là người Da
Đỏ.
Tuy nhiên, sức chịu đựng
của con người có giới hạn, sức mạnh của thiên nhiên lại vô bờ bến. Tự trụ mình vào
công cuộc phi thường rèn luyện cơ thể để chống lại với thiên nhiên, người Da Đỏ
đã dấn thân vào một con đường không có lối thoát.
Các nhà lãnh đạo Da Đỏ
không nhìn thấy sự bế tắc đó nên không lúc nào nghĩ cần phải chấm dứt sự trụ
vào đó. Vì vậy cho nên, vừa mới phôi thai, nền văn minh Da Đỏ đã ngưng phát triển
và lần lần cằn cỗi.
Theo những tài liệu
khảo cổ mà chúng ta được biết tới ngày nay thì các Dân Tộc ở chung quanh Bắc Cực
và các Dân Tộc ở trên các Quần Đảo ở Thái Bình Dương đều lâm vào một tình trạng
tương tự. Tự trụ vào công cuộc mang sức chịu đựng của con người để chống lại
thiên nhiên. Lúc đầu khi trụ vào vị trí đó, Cộng Đồng phôi thai được một nền
văn minh. Nhưng khi vị trí không còn thích nghi nữa, Cộng Đồng không biết thoát
ra đúng lúc. Lỗi lầm đó đã đưa Cộng Đồng đến chỗ chết.
Ví dụ dưới đậy lại
còn rõ rệt hơn nữa.
Luân lý Khổng Mạnh đã
tạo cho Cộng Đồng Dân Tộc Trung Hoa, một trật tự xã hội bền vững với thời gian,
một cách chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Suốt trong mấy ngàn năm, trật
tự xã hội kiên cố, do luân lý Khổng Mạnh tạo nên, không có cuộc chấn động nào
lay chuyển nổi. Nhờ trật tự xã hội vô cùng vững chắc đó, văn minh Trung Hoa
phát triển đến tột độ và soi sáng khắp cả một bầu trời. Các triều đại Trung
Hoa, kể cả các triều đại Hán Tộc và các triều đại ngoại lai, Mông Cổ và Mãn
Thanh, đều bị chinh phục bởi sức kiên cố của trật tự xã hội của Khổng Mạnh. Các
nhà lãnh đạo đều trụ vào đó và gia công xây đắp cho trật tự Khổng Mạnh càng
thêm vững chắc.
Vì vậy mà cho đến khi nền văn minh Trung Hoa,
vì quá trụ vào trật tự xã hội Khổng Mạnh, nên sinh lực phát triển đã suy đi,
không một nhà lãnh đạo nào nhìn thấy. Mài miệt trong sự thán phục một trật tự
xã hội đã cằn cỗi và thành đá, không một nhà lãnh đạo nào nhìn thấy nền văn
minh Trung Hoa đã ngưng phát triển. Nếu không bị sự tấn công của Tây phương, có
lẽ đến ngày nay, Trung Hoa còn ngon giấc triền miên trong cái trật tự xã hội Khổng
Mạnh của mình. Trụ vào trật tự xã hội Khổng Mạnh để phát triển nền văn minh.
Nhưng chính cũng vì trụ vào đó quá mức độ thời gian, nên văn minh đã ngưng phát
triển.
Thâm ý của lời Phật dạy
"Trụ mà không trụ" là bao quát như vậy đó.
Nhưng trong đời sống
của cá nhân, lời dạy "trụ mà không trụ" cũng chi phối sâu xa đến các
hành vi thông thường.
Trong sách Gia Ngữ có
chép lại đại khái như sau:
Thầy Tử Hạ một hôm hỏi
Đức Khổng Tử: "Đức Khổng Tử sánh với những người học trò như Nhan Hồi, Tử
Cống và Tử Lộ thì sao ?
Đức Khổng Tử trả lời:
"Nhan Hồi thủ tín hơn ta. Tử Cống thuyết khách hơn ta. Tử Lộ chiến trận
hơn ta".
Thầy Tử Hạ lại hỏi:
"Thế vì sao Nhan Hồi, Tử Cống và Tử Lộ lại tôn Đức Khổng Tử làm thầy
?"
Đức Khổng Tử trả lời:
"Vì Nhan Hồi thủ tín mà không biết phản tín. Tử Cống hay biện thuyết mà bất
cập tảo biện. Tử Lộ biết dũng mà không biết khiếp, biết cương mà không biết
nhu".
Thầy Nhan Hồi biết trụ
vào chữ tín mà không biết không trụ vào chữ tín.
Thầy Tử Cống biết trụ
vào biện thuyết mà không biết không trụ vào biện thuyết.
Thầy Tử Lộ biết trụ
vào dũng mà không biết không trụ vào dũng.
Đức Khổng Tử vượt lên
trên hết tất cả vì trong mọi trường hợp, ngài biết trụ vào đúng lúc và biết
không trụ vào đúng lúc.
Phải biết trụ để có vị
trí phát triển, nhưng phải biết không trụ để bảo đảm cho phát triển tiếp tục.
Sự phát triển của văn
minh Tây phương đến mức độ bao trùm khắp nhân loại và khắp các lĩnh vực của đời
sống, như chúng ta mục kích ngày nay, là một sự kiện chưa từng có trong lịch sử
nhân loại. Sinh lực đó bắt nguồn từ chỗ người Tây phương đã thấu triệt nguyên tắc
"Trụ mà không trụ" và đã đưa nó lên thành một lợi khí khoa học và sắc
bén để tìm hiểu vũ trụ. Trong bất cứ ngành nào của kỹ thuật Tây phương, lịch sử
phát triển của ngành đó đều mang dấu vết của nguyên tắc "Trụ mà không trụ".
Ví dụ dưới đây là thông thường nhất.
Khi quang học mới
phôi thai, tất cả các nhà vật lý học Tây phương lúc bấy giờ, Descartes, Fermat,
Malus, Huygens đều trụ vào thuyết "ánh sáng phát quang theo đường thẳng"
để khảo sát, thí nghiệm và tìm ra những định luật của quang học hình học. Quang
học hình học, như chúng ta đã biết, là những bậc thang đầu tiên và vô cùng quan
trọng của quang học.
Nhưng, những thế hệ
các Nhà Vật Lý Học sau đó, mục kích nhiều hiện tượng quang học mà thuyết
"ánh sáng phát quang theo đường thẳng" không làm sao giải thích được.
Fresnel, Young và Newton, mặc dầu vẫn công nhận sự nghiệp di sản của quang học
hình học, đã nhìn thấy đúng lúc giới hạn của thuyết "ánh sáng phát quang
theo đường thẳng" và nhận thức đã đến lúc không nên trụ vào đó nữa.
Nếu không trụ vào đó
nữa, tất nhiên phải trụ vào một vị trí khác để tiếp tục phát triển Quang Học.
Do đó, thế hệ các Nhà Quang Học này trụ vào thuyết "ánh sáng phát quang
theo làn sóng" để khảo cứu thí nghiệm và cuối cùng phát minh những định luật
mới về quang học vừa bao quát, vừa phong phú hơn. Tất cả sự nghiệp quang học ba
động đều xây dựng trên thuyết mới này.
Giả sử thế hệ các nhà
vật lý học đầu tiên không trụ vào thuyết "ánh sáng phát quang theo đường
thẳng" thì sự nghiệp quang học hình học không bao giờ thành hình, và những
bậc thang đầu tiên đó của ngành quang học, không bao giờ được xây dựng lên và sự
phát triển của quang học không được manh nha.
Nhờ những bậc thang đầu
tiên đó, thế hệ các Nhà Vật Lý Học sau mới vói tay lên được đến các hiện tượng
lạ lùng đối với thuyết "ánh sáng phát quang theo đường thẳng". Nhưng,
giả sử các Nhà Vật Lý Học của thế hệ này không đập phá được sự trụ vào thuyết
"đường thẳng’ thì sự phát triển của quang học đã ngừng ở đó và lâu ngày sẽ
cằn cỗi mà chết dần.
Nhưng trong thực tế,
họ đã biết không trụ đúng lúc nên đã bảo đảm được sự tiếp tục phát triển của
quang học.
Đến giai đoạn này, lịch
sử phát triển của quang học cũng đủ để thuyết minh cho tính cách sắc bén của
nguyên tắc "Trụ mà không trụ", trong mọi lĩnh vực phát triển.
Nhưng, quang học còn
phát triển hơn nữa. Và thành tích phát triển gần đây của quang học, lại chỉ rõ
hơn nữa rằng, văn minh Tây phương đã khoa học hóa và chính xác hóa nguyên tắc
"Trụ mà không trụ" để biến nó thành một kỹ thuật vô cùng hiệu quả để
phát triển.
Sau thế hệ các Nhà
Quang Học ba động, một thế hệ vật lý học giả khác lại phát minh ra nhiều hiện
tượng vật lý, mà thuyết "ánh sáng phát quang theo làn sóng" cũng
không thể giải thích được. Cũng như lần trước, các Nhà Quang Học chấm dứt đúng
lúc sự trụ vào quang học ba động. Nhưng lần này, các Nhà Quang Học đã xem việc
không nên trụ vào quang học ba động, như là một phương pháp phát minh. Thế hệ của
De Broglie lại trụ vào thuyết "ánh sáng phát quang thành ly tử di chuyển
theo làn sóng" để khảo sát, thí nghiệm và phát minh nhiều định luật về
quang học bao quát hơn thêm và phong phú hơn thêm. Tất cả sự nghiệp quang học xạ
tử ba động đều xây dựng trên thuyết mới này. Và những phát minh tối tân nhất hiện
nay về các quang tuyến đều căn cứ trên sự nghiệp quang học xạ tử ba động.
Nhưng sự nghiệp xạ tử
ba động sẽ không bao giờ có, nếu sự nghiệp quang học ba động không thành hình.
Và sự nghiệp ba động không bao giờ có nếu sự nghiệp quang học hình học không
thành hình. Nhờ trụ mà có quang học hình học. Rồi nhờ không trụ mà có quang học
phát triển. Rồi nhờ trụ mà quang học ba động thành hình. Rồi nhờ không trụ mà
quang học ba động phát triển. Rồi nhờ trụ mà quang học xạ tử ba động thành
hình.
Chúng ta có thể đoán
rằng, cơ thức "Trụ mà không trụ" sẽ theo đó mà tiếp tục diễn tiến, và
vạch con đường cho sự phát triển không ngừng của quang học.
Những sự kiện trên có giá trị, không phải
riêng cho lĩnh vực quang học mà cho tất cả các ngành của khoa học Tây phương.
Những sự kiện trên có
giá trị, không phải riêng cho lĩnh vực khoa học mà cho tất cả các ngành của
khoa học Tây phương, nghĩa là cho tất cả các lĩnh vực của đời sống, trong đó có
lĩnh vực chính trị như chúng ta sẽ thấy dưới đây.
Tóm lại "Trụ mà
không trụ" là một chân lý phát triển. Một điều đáng cho chúng ta nêu lên
làm một câu hỏi, là chính Đông Phương đã tìm ra chân lý trên, nhưng vì sao văn
minh Đông Phương, Ấn Độ, cũng như Trung Hoa, lại trụ vào một vị trí cố định từ
mấy ngàn năm ? Những trả lời câu hỏi này vượt ra rất xa khuôn khổ của lời kết
luận này.
Trở lại vấn đề chính
trị của Cộng Đồng Dân Tộc Việt Nam trong thời kỳ hiện tại, đề tài của tập sách
này, chúng ta nhận thấy các điểm sau đây:
Trong tình hình chính
trị thế giới hiện nay và trong trình độ tiến hóa của nhân loại hiện nay, các vấn
đề của Dân Tộc Việt Nam, trong thời kỳ này chỉ có thể tìm được một giải đáp nếu
chúng ta trụ vào vị trí Dân Tộc.
Đương nhiên là vị trí
Dân Tộc mà chúng ta đã quan niệm trong suốt mấy trăm trang của tập sách này,
không thể là một vị trí Dân Tộc bế quan tỏa cảng, hẹp và nông như dưới các triều
đại quân chủ xưa kia. Vị trí Dân Tộc mà chúng ta quan niệm là một vị trí Dân Tộc
nằm trong khung cảnh thế giới, với tất cả các dây liên hệ tinh thần và vật chất
cần phải có.
Nhưng vị trí trụ vào
phải là vị trí Dân Tộc.
Đến lúc nào chúng ta cần phải chấm dứt sự trụ
đóng vị trí Dân Tộc nói đây để bảo đảm cho sự phát triển tương lai của Dân Tộc,
đúng theo nguyên tắc "TRỤ MÀ KHÔNG TRỤ"?
Chắc chắn trong thời
kỳ này của Cộng Đồng Dân Tộc, chưa có sự chấm dứt nói đây. Thời kỳ này gồm nhiều
thế hệ sắp đến. Chúng ta phải tin tưởng vào sự sáng suốt của các nhà lãnh đạo
sau này, để quyết định đúng lúc sự thôi không trụ vào vị trí hiện tại.
Các nhà lãnh đạo cộng
sản ở miền Bắc đã trụ vào lý thuyết cộng sản trong thời kỳ tranh giành độc lập.
Chúng ta đã thấy trong các trang trên, sự đi đúng đường một phần nào của họ
trong một giai đoạn. Nhưng chúng ta cũng đã phân tích các lý do vì sao sự tiếp
tục trụ đóng vào phương tiện cộng sản hiện nay, là một lối bế tắc cho sự nghiệp
tiến hóa của Dân Tộc. Chẳng những như chúng ta đã phân tích, sự tiếp tục trụ
đóng vào lý thuyết cộng sản sẽ không làm sao giải quyết được công cuộc phát triển
cho Dân Tộc, mà lại còn mở cửa đưa các thế hệ sau này, vào một đời sống vô cùng
đen tối không lối thoát.
Trung Cộng tự mình
cũng chưa giải quyết được vấn đề phát triển cho Dân Tộc Trung Hoa. Từ ngày các
sự viện trợ của Nga đã chấm dứt, các công cuộc phát triển của Trung Cộng hoàn
toàn đình trệ. Do đó, tự đặt mình vào vòng ảnh hưởng của cộng sản, nghĩa là của
Trung Cộng, các nhà lãnh đạo Bắc Việt tự mình đã từ bỏ công cuộc phát triển cho
Dân Tộc.
Hơn nữa, sự phát triển
của một khối người gần 800 triệu dân như của Trung Cộng, là một mối đe dọa cho
toàn thế giới. Và vì vậy công cuộc tìm phát triển của Trung Cộng tự nó, dù mà Trung
Cộng không có gây hấn với ai cả, cũng gây nhiều kẻ thù. Những người này nhất định
sẽ cản trở không để cho Trung Cộng phát triển.
Các biến cố chính trị
gần đây đều xác nhận sự phân tích trên. Nay nếu chúng ta gắn liền số mạng của
Dân Tộc Việt Nam vào với số mạng của Trung Cộng thì hành động đó có nghĩa là
chúng ta sẽ từ bỏ công cuộc phát triển đang cần thiết cho sự sống còn của Dân Tộc.
Trung Cộng giải quyết
không được công cuộc phát triển của Dân Tộc Trung Hoa. Nhưng số người 800 triệu
dân cần phải nuôi, là một thực tế không thể phủ nhận được. Sự bành trướng mà
Trung Cộng bắt buộc phải thực hiện dưới áp lực nhân khẩu kinh khủng đó đã mở
màn. Nếu chúng ta không thức tỉnh thì một trong những nạn nhân đầu tiên của sự
bành trướng nói trên sẽ là chúng ta. Chỉ tưởng tượng đến viễn cảnh đó cũng đủ
cho chúng ta khủng khiếp.
Vì vậy cho nên, công
cuộc chống sự xâm lăng của miền Bắc, không lúc nào khẩn thiết cho Cộng Đồng Dân
Tộc Việt Nam bằng trong lúc này.
Và vì vậy cho nên,
chúng ta thành khẩn mong mỏi các nhà lãnh đạo miền Bắc, kịp thời nhận định đã đến
lúc, vì sự tiến hóa của Dân Tộc, không còn nên tiếp tục sự trụ đóng vào phương
tiện cộng sản nữa.
SÁCH THAM KHẢO
BAINVILLE (Jacques)
Histoire de France (Plon)
CHURCHIIL (S.
Winston) Mémoires sur la Deuxième guerre mondiale (I à VI) (Plon)
COOMARASWAMY (Awanda
K.) Hindouisme et Bouddhisme
DE GAULIE (Charles)
Mémoires de Guene (I à III) (Plon)
DURANT (Will)
Histoire do la Civillisation (I à IX)
ETIENNE (Gilbert) La
Voie Chinoise (Tiers Monde)
FALL (Bernard)
Indochine 1946-1962 (L histoire que nous vivous)
GEORGE (Piene)
Géographie sociale du Monde (Presses universitaires de France)
HAYWARD (Fernand)
Histoire des Papes
KOESTLER (Arthur) Le
Lotus et le Robot (Calmann-lévy)
LACOUTURE (Jean) La
Fin d une Guerre. Indochine 1954 (Editions du Seuil)
LE THANH KHOI
Histoire du Viet Nam
MAO TSE TUNG La
Guerre Révolutionnaire
MARX (Karl) Le
Manifester du Parti Communiste. La Lutte des Classes
MAUROIS (André)
Histoire d angletère
MENDE (Tibor)
Converstions avec Nehru. Aux Pays des Moussons. Asie du Sud-est. L inde devant
l orage. La Chine et son Ombre. Des Mandarins à Mao
MITTERAND (Francois)
La Chine au Défi
MIGOT (André) Le
Bouddha (le club francais du livre)
NEHRU (Jawaharlal)
The Discovery of India. Glimses of World History (Meridian books, London)
PERROUX (Francois) L
economie des jeunes nations; Industrialisation et groupement des nations
RIBBENTROP (Joachim
Von) De Londres à Moscou
RUSSELL (Bertrand) La
Philosophie Occidentale
SAINT PHALLES (Alexandre
de) Tour du Monde (I à VI)
SCHWEITZER (Dr
Albert) Les Grands Penseurs de l inde
SPENGLER (Oswald) Le
Déclin de l occident (I et II) (Gallimard)
TABOULET (Georges) La
Geste francaise en Indochine (I et II)
TOYNBEE (Amold) A
Study of History (I à XI) (Oxford). A Study of History (Abridgement by D. C.
Somerveil I et II). La civillisation à l épreuve. Guerre et Civillsation. L
histoire, un Essai d interpretation (Gallimard). Le Monde et l Occident
TOURNOUX (J.) Secrets
d’état (Plon)
TRUMAN (Harry)
Mémoires (I et II)
VU QUOC THUC Economie
Communaliste au Viet Nam
ENCYCLOPÉDIE DE LA
PLÉIADE Histoire Universelle (I à III); Litérature Universelle (I à III)
HISTOIRE ILLUSTRÉE DE
LA RUSSIE (Gallimard)
Ghi chú của bản đồ
Nam Tiến:
Từ Thế Kỷ 10 về trước,
biên giới nước ta từ Đèo Ngang trở ra Bắc. Năm 1069 Lý Thường Kiệt đánh Chiêm
Thành, đưa ranh giới nước ta đến Cửa Việt.
Năm 1306 Vua Trần
Nhân Tông gả Công Chúa Huyền Trân cho Vua Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy
Châu Ô và Châu Lý, tức Quảng Trị và Thừa Thiên ngày nay.
Năm 1558 Nguyễn Hoàng
vào trấn đất Thuận Hóa.
Đến thời Nguyễn Phúc
Tần (1620-1687), Nguyễn Phúc Chủ (1675-1725) tiến chiếm đất Chiêm Thành và Chân
Lạp.
Năm 1788 Nguyễn Phúc
Ánh chiếm đất Gia Định, nhưng chung quanh vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long còn có
12 lãnh chúa địa phương, mỗi người chiếm cứ một vùng. Phải mất một thời gian,
Nhà Nguyễn mới hoàn tất cuộc bình định trên đường Nam Tiến để có lãnh thổ như
ngày nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét