Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

7211 - Cần hiểu đúng về quyền im lặng

Nhiều người thấy khó hiểu vì sao lại cho bị can được quyền im lặng. Ví như bắt được một nghi phạm giết người thì phải bắt nó khai ra vì sao gây án, nguyên nhân động cơ mục đích là gì? Hỏi để làm rõ vụ án chứ sao lại cho nó quyền im lặng từ chối trả lời?
Vậy để xem nghi phạm có được quyền im lặng không ta hãy xét xem cái mục đích nêu trên có xác đáng không, từ đó xem việc lấy lời khai có phải là việc không thể thiếu được khi giải quyết một vụ án hình sự.
Thứ nhất, về vấn đề lấy lời khai để xác định nguyên nhân động cơ mục đích phạm tội. Tôi cho rằng đang tồn tại một cách hiểu sai xung quanh vấn đề này tồn tại trong chính giới cán bộ tư pháp và cộng đồng xã hội.
Tôi cho rằng việc xác định nguyên nhân động cơ mục đích gây án, đó là sự suy nghiệm của cán bộ điều tra nhằm mục đích khoanh vùng và xác định nghi phạm.
Cán bộ điều tra đứng trước hiện trường và các manh mối dấu vết, họ hình dung nhận định về nguyên nhân động cơ mục đích gây án để từ đó lần tìm ra nghi phạm.
Việc đoán định nguyên nhân động cơ gây án như vậy cộng với các nguồn dữ liệu thông tin khác sẽ giúp cơ quan điều tra xác định nghi phạm.
Như thế, việc xác định nguyên nhân động cơ mục đích gây án có ý nghĩa ở giai đoạn trước khi bắt được nghi phạm chứ không phải là bắt được rồi mới hỏi xem nguyên nhân động cơ mục đích gây án là gì.
Vì khi đã bắt được rồi dựa vào mối quan hệ nhân thân giữa nghi phạm và nạn nhân thì dễ dàng nhận ra nguyên nhân động cơ mục đích đằng sau, việc xác định không còn khó nữa.
Nếu hiểu vấn đề như thế sẽ thấy bớt đi một lý do phải lấy lời khai và có thể cho bị can được quyền được im lặng.
Vấn đề thứ hai, có ý kiến cho rằng phải lấy lời khai xem nó có thừa nhận không để mà kết tội chứ nó không khai thì làm sao kết tội được?
Tôi cho rằng dù nghi phạm chối cãi không nhận tội hoặc im lặng không khai báo thì vẫn có cơ sở để kết tội. Cơ sở để kết tội đó chính là những cơ sở bằng chứng nào đã giúp bắt được nghi phạm.
Những dấu vết bằng chứng nào đã giúp cơ quan điều tra xác định nghi phạm và bắt hắn, đó cũng chính là những bằng chứng để ra tòa để kết tội bị cáo.
Ví như những hình ảnh camera, dấu máu để lại xác định ADN, dấu vân tay để lại hiện trường, nhân chứng nhìn thấy về biển số xe, chiều cao, cân nặng, khuôn mặt .v.v.
Tóm lại là chính những dữ liệu bằng chứng đã giúp cơ quan điều tra xác định và bắt được nghi phạm, đó cũng chính là dữ liệu bằng chứng để tòa án kết tội bị cáo. Đó thường là những chứng cứ vật chất quan trọng hơn nhiều những bản ghi lời khai của bị can.
Cho nên nếu bị can im lặng không khai thì cũng không phải việc điều tra bị bế tắc.
Mặc dầu vậy về mặt nguyên tắc khoa học, trong hoạt động điều tra vẫn nên lấy lời khai, việc đặt câu hỏi và chờ đợi phản ứng của nghi phạm cũng giúp cho thấy được nhiều điều.
Đừng quên là quyền im lặng tồn tại trong ‘môi trường kết án’ có tính ‘đoán định’ và ‘phán xét’. Theo đó, đứng trước sự ‘đoán định’ thì ‘thái độ im lặng’ cũng cho thấy nhiều điều.
Nếu việc đặt câu hỏi là đúng mực không bức ép (vì đã có luật sư tham gia hoặc được ghi âm ghi hình lại) mà nghi phạm vẫn từ chối trả lời thì người ta có thể đoán định anh là thủ phạm.
Nếu nghi phạm không là thủ phạm thì không việc gì phải lo lắng mà cần hợp tác trả lời các câu hỏi để giúp cho việc điều tra phá án, giống như sự trả lời của một nhân chứng.
Còn đứng trước các tình tiết dữ kiện được nêu ra và khi bị đặt câu hỏi lại ấm ớ không đưa ra câu trả lời được thì người ta sẽ nghi ngờ anh đã phạm tội.
Cho nên quy định về quyền im lặng không phải là khép lại cánh cửa của cơ quan điều tra, mà nó chỉ đơn giản là đòi hỏi một cung cách làm việc khác với trình độ nghiệp vụ cao hơn mà thôi.
Và ngược lại Quyền im lặng cần được thực hiện để giúp bảo vệ sức khỏe danh dự nhân phẩm cho bị can tránh đi những tình trạng bức cung nhục hình.
Bộ luật tố tụng hình sự hiện tại đã quy định về quyền im lặng, theo đó luật quy định rằng: Bị can được quyền trình bày lời khai, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội.
Khai báo theo đó là quyền của bị can chứ không phải nghĩa vụ, và khi đã là quyền thì bị can có thể không thực hiện, tức là từ chối khai báo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét