Thứ Ba, 31 tháng 7, 2018

7315 - Cơ chế và gian lận thi cử

RFA

 Học sinh Ä‘ang ôn bài trÆ°á»›c hành lang lá»›p học. Ảnh chụp 07/18.
Học sinh đang ôn bài trước hành lang lớp học. Ảnh chụp 07/18. RFA

Gian lận thi cử và nguyên nhân

Trong thời gian vừa qua, sau khi kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 được công bố, nạn gian lận thi cử bị công luận lên án mạnh mẽ vì diễn ra ‘trắng trợn’ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Tiếng chuông cảnh báo về chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội lại được gióng lên?

Các đợt thi cử hàng năm vốn thu hút sự chú ý của cả cộng đồng về nhiều mặt như cách thức thi cử, cách thức xét tuyển, cấu trúc đề thi…và cả gian lận thi cử gắn liền với các đề án, chương trình thí điểm cải cách giáo dục trong nhiều năm qua.

Công luận lại phản ứng mạnh mẽ trước tệ nạn gian lận thi cử năm nay từ những phát hiện bất thường trong kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia tại tỉnh Hà Giang. Nhiều cư dân mạng đã có những bức tranh, dòng trạng thái châm biếm về chuyện này trên mạng xã hội ngay sau đó.

Theo nhà giáo Đỗ Việt Khoa, người thầy chống tiêu cực nhiều năm qua, những sự việc gian lận thi tốt nghiệp trung học phổ thông trước đây là do hiệu trưởng, ban giám hiệu trường sở tại, phụ huynh và học sinh các địa phương thực hiện. Thầy Khoa nhấn mạnh đến bản chất và sự liêm sỷ của con người trong các kỳ thi.

 “Trước hết là bản chất con người khi đã gian dối rồi, thì quy chế nào họ cũng luồn lách. Lợi ích địa phương, lợi ích con cháu của họ là họ sẽ can thiệp. Khác với thời điểm những năm trước, thì năm nay tiêu cực lại rơi vào chính tay những người làm công tác quản lý giáo dục, bộ máy lãnh đạo giáo dục.”

Căn bệnh trầm kha trong mọi ngành tại Việt Nam là “căn bệnh thành tích” vốn nhiều năm nay chữa mãi không khỏi. Mặt khác, từ năm 2015, ngành giáo dục liên tiếp có những thay đổi trong thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, như gộp hai kỳ thi làm một, giao cho các địa phương tự tổ chức thi rồi sử dụng kết quả để xét tuyển đầu vào các trường đại học, cao đẳng.

Thầy Đỗ Việt Khoa cho rằng, ngoài yếu tố về con người, thì quy chế thi, cơ chế, cách thức điều hành và quản lý của ngành giáo dục cũng góp phần tạo nên những thuận lợi cho gian lận thi cử.

“Kỳ thi này là kỳ thi 2 trong 1 rất là quan trọng, lấy kết quả để xét tuyển vào đại học, mà lại giao về địa phương. Đây là kẽ hở thứ nhất, khiến cho địa phương có con có cháu người ta tìm cách can thiệp sửa điểm. Thứ hai là khâu kiểm tra, giám sát, Bộ Giáo Dục cử về mỗi một sở chỉ có 2 người kiểm tra, giám sát, thì sao mà giám sát nổi. Một điểm nữa là tại sao Bộ không thu hồi hết các bài ngay sau khi thi, niêm phong gửi về Bộ. Bộ nên quét, rồi chấm, giao về các địa phương khác chấm chéo nhau đi. Cái đó khó mà gian lận lắm! Hay là cái phách cũng không có trong bài thi trắc nghiệm, cho nên trẻ nó viết tên lên trên phiếu trả lời, thì người gian lận người ta nhìn thấy ngay.”

PGS-TS. Nguyễn Văn Vịnh, Trưởng khoa Cơ bản, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cũng cho rằng, chính việc giao cho địa phương tổ chức thi là kẽ hở gây ra gian lận thi cử năm nay.

“Từ trước đến nay, chúng ta đã có vài hình thức thi. Bây giờ chập các kỳ thi vào làm một và giao cho các địa phương, thì đây chính là cơ hội. Thực ra các vùng sâu vùng xa, tôi chắc chắn rằng, người ta không thể có đầu tư giáo dục tốt như ở những thành phố lớn và không có các thầy tốt, nhưng tại sao kết quả của họ rất tốt là bởi vì họ được giao. Những người có quyền ở các địa phương trong thực tế họ giống như các chúa đất, cho nên con cái của họ sẽ là giỏi nhất.”

TS. Nguyễn Văn Vịnh nhìn nhận câu chuyện gian lận thi cử không phải bây giờ mới có, mà còn học, còn thi cử thì còn gian lận. Hệ thống pháp luật ở mọi xã hội, mọi thời kỳ đều có những quy định, chế tài để ngăn chặn, xử phạt những hành vi này.

Còn thầy Đỗ Việt Khoa chia sẻ từ kinh nghiệm cá nhân trong việc phanh phui, chống lại tiêu cực trong thi cử từ năm 2002 cho đến nay, gian lận là một quá trình kéo dài, lặp đi lặp lại nhiều lần, khó có thể chấm dứt trong thời gian gần.

“Cứ ngỡ sau năm 2014, rồi thì mọi việc chấm dứt, nhưng không phải. Đến năm 2017, khi mà Bộ giao về các địa phương tự chấm bài, thì Hà Nội đã xảy ra lùm xùm rồi, nhưng mà không hiểu sao người ta rất là khéo, dìm được vụ ấy đi, báo chí không đăng được tin gì cả. Trót lọt vụ năm ngoái, cảm thấy là dễ dàng sửa điểm, cấy điểm. Thế là năm nay khắp các địa phương bùng nổ, bắt chước nhau, từ miền núi đến miền xuôi. Bộ Giáo Dục coi như là vỡ trận, không có đủ lực lượng đi giám sát các tỉnh.”

Giải pháp hạn chế gian lận

Nhiều thế hệ học sinh Việt Nam như những lứa “chuột bạch” cho các đề án cải cách, chương trình thí điểm của ngành giáo dục cả về chương trình học và các kỳ thi. Tiến sĩ Vịnh có ý kiến:


“Tôi nghĩ rằng, tất cả các phương pháp (thi) đều thử, và đều có những cái sai và sẽ bắt buộc phải điều chỉnh. Vì vậy tôi tin rằng, trong thời gian tới, những người mà tư vấn trong lĩnh vực thi cử của Bộ Giáo Dục cũng sẽ phải có những thay đổi và có những cách thức giảm thiểu. Tôi nói là giảm thiểu, chứ không bao giờ tránh được.”

Xử lý những vụ vi phạm một cách nghiêm khắc theo đúng pháp luật là một yêu cầu trước mắt được thầy giáo Đỗ Việt Khoa nhấn mạnh.

 “Ngày xưa ông bà mình có cái án tử hình cho những kẻ sửa bài thi, ngày nay chúng ta bỏ tù. Nhưng rất tiếc, nhiều năm trước chưa một đối tượng nào làm sai bị bỏ tù cả. Từ vụ Phú Xuyên A của tôi, người bị nặng nhất chỉ là cảnh cáo, chuyển đi nơi khác chứ chẳng có ai bị buộc thôi việc hay bỏ tù cả. Hay như vụ Đồi Ngô, ở Bắc Giang, không có lãnh đạo nào bị bỏ tù hết, mặc dù chính lãnh đạo là người tổ chức gian lận.”

Cho đến nay, trong vụ việc gian lận thi cử tại Hà Giang, phía công an đã ra quyết định khởi tố điều tra vụ án, khởi tố điều tra bị can đối với trưởng phòng và phó phòng khảo thí của sở giáo dục. Còn những vụ việc sai phạm thi cử ở các địa phương khác thì chưa có quyết định khởi tố điều tra. Thầy Khoa còn cho rằng, nên xử lý theo quy chế thi đối với các thí sinh nhờ cậy nâng điểm.

Nhưng xét về lâu về dài, các kỳ thi, cách thức điều hành và quản lý của ngành giáo dục phải có sự thay đổi toàn diện, mạnh mẽ và loại bỏ bớt những thứ không còn phù hợp.

“Bây giờ ta chỉ xét tốt nghiệp là xong. Sau đó, giữ nguyên kỳ thi đại học, Bộ Giáo Dục ra đề chung cho các trường đại học, thi chung đề, chung đợt. Bộ chỉ làm công tác giám sát, quản lý thôi, để các trường tự tổ chức, tự chấm. Sai phạm ở đâu, xử lý các trường đến đấy.”

Cả thầy Đỗ Việt Khoa và PGS-TS Nguyễn Văn Vịnh đều nhấn mạnh đến việc giáo dục nhân cách học sinh từ tấm bé, giúp các em có lòng tự trọng, biết việc phải trái, và không làm điều gian dối. Mặt khác, quan điểm, triết lý giáo dục cần thay đổi và xác định lại mục đích của việc học không phải chỉ để vượt qua các kỳ thi, có bằng cấp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét