Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, ngoài thâm
hụt cán cân thương mại, ông D.Trump còn cho rằng Trung Quốc đã có sự gian lận
thương mại, đó là việc vi phạm sở hữu trí tuệ và trợ giá cho các sản phẩm nhập
khẩu vào Mỹ. Chính vì vậy, tổng thống D.Trump thực hiện việc đánh thuế vào các
sản phẩm của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, đồng thời chuẩn bị cho một cuộc chiến
tranh thương mại với Trung Quốc. Với sự chênh lệch của cán cân thương mại Mỹ -
Trung, Mỹ nhập khẩu hơn 500 tỷ đô la hàng Trung Quốc, nhưng xuất hàng sang
Trung Quốc chỉ đạt 170 tỷ đô la, như vậy chênh lệch hơn 300 tỷ đô la. Mỹ đã
tính toán đánh thuế theo từng giai đoạn, bắt đầu đánh thuế 25% vào số lượng
hàng hóa trị giá 34 tỷ đô la ngày 06/7 vừa qua, và đánh thuế vào lượng hàng hóa
trị giá 16 tỷ đô la sau hai tuần tiếp theo. Trung Quốc đã phản ứng lại bằng việc
đánh thuế tương đương vào số lượng hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc. Cuộc
chiến thương mại Mỹ - Trung đã được kích hoạt. Theo kế hoạch, đến ngày
30/8/2018, Mỹ sẽ tiếp tục đánh thuế 10% vào số lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ đô
la của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra, chỉ
với đợt đầu đánh thuế 25% vào hàng hóa trị giá 34 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc
nhập khẩu vào Mỹ, thị trường chứng khoán của Trung Quốc đã chao đảo. Giá trị thị
trường chứng khoán Trung Quốc đã mất đi 17%, tương đương 1.900 tỷ đô la, giá trị
đồng nhân dân tệ cũng bị giảm xuống. Trung Quốc ban đầu cũng sẵn sàng nghênh
chiến, nhưng thực lực thua sút, giới đầu tư và người dân hoảng loạn dẫn tới việc
sụt giảm thị trường chứng khoán. Hiện tại, Trung Quốc đang đưa ra tín hiệu để
được đàm phán với Mỹ về thương mại.
Một vấn đề cần đề cập, vì liên quan tới cuộc
chiến thương mại đang diễn ra, đó là cách thức quản lý, lãnh đạo nước Mỹ của tổng
thống D.Trump. Với chiến dịch tranh cử không giống ai, sau khi được bầu vào Nhà
Trắng, tổng thống Mỹ D.Trump vẫn không thay đổi phong cách của mình. Có thể
nói, hàng trăm năm qua ở Mỹ chưa có tổng thống nào có cách thức làm việc kỳ quặc
và kỳ lạ như ông D.Trump. Có thể tóm tắt thành hai vấn đề lớn trong phong cách
lãnh đạo của tổng thống D.Trump. Thứ nhất, ông D.Trump làm việc theo ý tưởng và
quan điểm chứ không hề vạch kế hoạch, chiến lược bài bản, lớp lang để thực hiện
các bước như tất cả các đời tổng thống trước đây. Thứ hai, Ông rất xem nhẹ những
phát ngôn, ứng xử của cá nhân ông trên phương diện một tổng thống. Vấn đề làm
việc không theo kế hoạch, chương trình và bài bản dẫn tới hệ quả là rất nhiều
người không quen nổi cách thức chưa từng có này và đã từ chức. Vấn đề thứ hai,
những người sống mô phạm và đạo đức thường khó chịu về cách ứng xử trên cương vị
tổng thống của Ông. Những vấn đề này đã gây ra một trạng thái kỳ lạ ở nước Mỹ.
Có những người thích ông D.Trump thì tung hô hết lời, những người không ưa thì
ghét cay ghét đắng. Tuy nhiên, có hai vấn đề cần quán triệt về kết quả từ phong
cách lãnh đạo kỳ lạ của vị tổng thống này.
- Dù yêu hay ghét, kết quả sau khi ông
D.Trump làm tổng thống về những tiêu chí cơ bản như tỷ lệ thất nghiệp, tăng trưởng
kinh tế và thị trường chứng khoán đều là những con số đáng tự hào… Và bất kể sự
đánh giá nào, cũng cần quy chiếu về những kết quả một tổng thống làm được cụ thể
cho người dân như vậy.
- Sự khó đoán, khó lường trong bước đi,
hành động của tổng thống D.Trump có thể gây khó chịu cho những người đã từng hoạt
động theo phong cách bài bản, lớp lang nhưng nó cũng đồng thời gây khó đoán,
khó lường cho tất cả các đối thủ của ông, nhất là với các quốc gia không có thiện
chí với Mỹ. Chính vì vậy, luôn có tính hai mặt của vấn đề, và điều cần thiết nhất
trong các đánh giá phải dựa trên lợi ích quốc gia và phúc lợi mà người dân được
hưởng (phúc lợi chung, chứ không phải riêng và khu biệt).
Với những vấn đề được phân tích nói trên,
cuộc chiến thương mại của tổng thống D.Trump phát động cũng không dễ dàng thực
hiện vì ngay trong lòng nước Mỹ có những tiếng nói phản đối Ông và các chính
sách của ông. Ngược lại, các nước không thiện chí với Mỹ cũng khó nắm bắt quyết
tâm cũng như đường đi nước bước của vị tổng thống kỳ lạ này.
III/ Kinh tế Việt Nam trong cuộc chiến
thương mại Mỹ - Trung
Trước khi tìm hiểu về ảnh hưởng của cuộc
chiến thương mại Mỹ - Trung tới nền kinh tế Việt Nam, chúng ta cần hiểu về ý
nghĩa cuộc chiến tranh thương mại và những hệ lụy của nó. Chiến tranh thương mại
là cuộc tấn công thương mại bằng thuế quan và hạn ngạch lên hàng hóa được xuất
- nhập khẩu vào thị trường giữa các nước. Khi nói tới chiến tranh thương mại là
nói tới việc bế tắc trong đàm phán thương mại và cả hai phía cuộc chiến đều bị
thiệt hại. Vấn đề chỉ là bên nào thiệt hại nhiều hơn và cuối cùng bên nào áp đặt
được yêu cầu của mình lên đối phương. Những hê lụy quan trọng của các nước tham
gia cuộc chiến thương mại như sau…
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét