Vũ "Nhôm" (áo trắng) tại Đà Nẵng, tháng Tư, 2016.
Trong toàn bộ vở bi hài kịch mang tên ‘Vũ Đã Về’, thật ra có một cơ sở tạm thuyết phục để Tòa án Hà Nội mà đứng phía sau cơ quan ‘án bỏ túi’ này hẳn là Bộ Công an, xếp vụ Vũ ‘Nhôm’ vào diện điều 25 bộ luật Tố tụng hình sự 2015 để xử kín: ngay từ thời điểm phát lệnh truy nã Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ vào cuối tháng Mười Hai năm 2017, tội danh áp cho Vũ ‘Nhôm’ đã được mặc định là ‘Cố ý làm lộ bí mật nhà nước’ - tức đã có một sự tính toán trước để tương hợp với cơ chế xử kín dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng Bảy năm 2018.
Chỉ là cái cớ
Thế nhưng vì sao trước bức xúc của rất nhiều dư luận xã hội và đặc biệt là đòi hỏi phải công khai ‘làm lộ tài liệu bí mật nhà nước là tài liệu gì?’ của giới cựu thần trong nội bộ đảng cầm quyền, cho tới nay Bộ Công an vẫn không công khai bất kỳ chi tiết nào về ‘tài liệu bí mật’ liên quan vụ án Vũ ‘Nhôm’?
Tính chất bí mật tuyệt đối trên của Bộ Công an lại lồng trong cảnh nạn bộ này đang xì tóe quá nhiều vụ bê bối tham nhũng, đấu đá nội bộ và cả vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, đã khiến dư luận không thể không liên tưởng chế độ bí mật và cơ chế xử kín vụ Vũ ‘Nhôm’ đó là nhằm bưng bít và che giấu cho những bí mật động trời khác thuộc về nội bộ Bộ Công an, còn việc viện dẫn điều 25 bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về ‘trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự’ chẳng qua chỉ là cái cớ quá sức thô thiển.
‘Tài liệu bí mật’ mà Vũ ‘Nhôm’ sở hữu là cái gì mà phải được xử kín? Danh sách tình báo viên, danh sách công ty bình phong của ngành công an, danh mục tài sản của các quan chức hay hình ảnh ăn chơi thác loạn của giới quan chức công an cùng các bộ ngành liên đới?
3 đỉnh của một tam giác
Nếu nhìn lại, có thể nhận ra là chỉ 3 tháng sau khi Vũ ‘Nhôm’ bị bắt, Tổng cục V (tình báo) Bộ Công an đã có một mùa gặt hái thắng lợi chưa từng có: một tướng tình báo cùng họ Phan với Phan Văn Anh Vũ - ông Phan Hữu Tuấn, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo Bộ Công an, đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố và tống giam về hành vi ‘Cố ý làm lộ bí mật nhà nước’ vào ngày 17/4/2018.
Cùng bị bắt với tướng Tuấn trong đợt đó là Nguyễn Hữu Bách, cán bộ Bộ Công an, cũng về hành vi ‘Cố ý làm lộ bí mật nhà nước’. Phan Hữu Tuấn và Nguyễn Hữu Bách là hai cái tên đầu tiên trong danh sách 7 người bị bắt và câu lưu của Bộ Công an.
Cho đến nay và liên quan đến tội danh “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, đã xuất hiện ít nhất một tam giác với 3 đỉnh: Phan Hữu Tuấn - Nguyễn Hữu Bách - Phan Văn Anh Vũ.
Tất cả đều là người của Tổng cục Tình báo Bộ Công an!
Nếu quả thực Phan Văn Anh Vũ có tài liệu bí mật và chủ ý làm lộ tài liệu bí mật ấy, tài liệu này có thể được chỉ đạo cung cấp bởi tướng Phan Hữu Tuấn, còn cán bộ Nguyễn Hữu Bách là người trực tiếp chuyển giao tài liệu.
Tài liệu nào?
Vào thời gian Phan Văn Anh Vũ bị truy nã, đã xuất hiện một luồng dư luận cho rằng Vũ có trong tay danh sách màng lưới tình báo viên cùng danh sách các công ty bình phong và công ty sân sau của ngành công an đang hoạt động ở trong và ngoài nước. Nếu bản danh sách này bị lộ ra thì đó sẽ là một chấn động không chỉ đối nội mà còn đối ngoại và mang tầm cỡ quốc tế, khiến không chỉ Tổng cục Tình báo mà cả Bộ Công an cũng “đi đứt”.
Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy có một danh sách như thế được công khai hóa trên mạng xã hội hay được đề cập bởi báo chí quốc tế.
Trong khi đó, thực tế có thể hình dung ngay là trong tay Vũ ‘Nhôm’ rất có thể đã nắm được những tài liệu mà khiến nhiều quan chức đang mất ngủ có thể là những tài liệu mang tính bằng chứng về mối quan hệ ngầm trong giới quan chức lãnh đạo, những phi vụ ‘xămxônai’ (cách gọi loại vali chứa đầy đô la) mà các quan chức “lại quả” cho nhau, hoặc những hình ảnh sống động về giới quan chức đã thác loạn với gái trên giường… Những tài liệu và bằng chứng này chắc hẳn là nhiều hoặc rất nhiều mà Vũ ‘Nhôm’ đã khai báo với cơ quan điều tra kể từ khi bị dẫn độ từ Singapore về Việt Nam vào đầu tháng Giêng năm 2018 đến nay.
Những tài liệu đó có thể liên đới số quan chức nào?
Tướng Thành ‘còn rất nhiều việc phải làm’?
Từ tháng Tư năm 2017, một bàn tay bí ẩn đã tung lên mạng xã hội hàng loạt văn bản đóng dấu ‘MẬT’ và kể cả ‘TUYỆT MẬT’, mang danh nghĩa Bộ Công an liên hệ với nhiều cơ quan và tổ chức, chủ yếu với chính quyền TP.HCM để giới thiệu Công ty Nova 79 của Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ ‘Nhôm’) là ‘công ty bình phong’. Dựa vào những văn bản này, Vũ ‘Nhôm’ đã tiến hành các phi vụ làm ăn mua rẻ bán đắt liên quan đến bất động sản ở Đà Nẵng, Sài Gòn và một số tỉnh thành khác. Chỉ trong một thời gian ngắn, Vũ ‘Nhôm’ đã được đồn đoán là một trong những quan chức giàu nhất Việt Nam với tài sản vừa bất động sản vừa cổ phiếu và tiền mặt có thể lên đến 50.000 tỷ đồng Việt (khoảng 2,3 tỷ USD), và đương nhiên phải chịu chung chi cho cấp trên không ít.
Theo các văn bản được công bố trên mạng xã hội, hai quan chức Bộ Công an ký tên nhiều nhất vào các văn bản của bộ này giới thiệu cho Vũ ‘Nhôm’ đi ‘quan hệ’ là Thượng tướng, thứ trưởng Trần Việt Tân (đã nghỉ hưu) và Trung tướng, thứ trưởng Bùi Văn Thành vẫn còn đương chức.
Cho tới nay, Bộ Công an hoàn toàn không có bất kỳ phản ứng (công khai) nào trước những văn bản được cho là của bộ này tung ra trên mạng xã hội.
Vào đầu tháng Bảy năm 2018, tức một tháng trước khi xử kín vụ Vũ ‘Nhôm’, Bộ Công an đã bất ngờ thông báo công khai, chứ không phải thông báo nội bộ như ‘truyền thống bảo mật’ trước đó, về một quyết định điều chỉnh nhiệm vụ hai thứ trường của bộ này, theo đó toàn bộ chức trách nhiệm vụ về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; hậu cần – kỹ thuật của viên thứ trưởng - Trung tướng Bùi Văn Thành đã được chuyển giao cho hai viên thứ trưởng khác là Thượng tướng Lê Quý Vương và Trung tướng Nguyễn Văn Sơn.
Vào thời gian trên, Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Bộ Công an và được cử làm người phát ngôn của cơ quan này, vội vã giải thích với báo Giao Thông: “Thứ trưởng Bùi Văn Thành còn rất nhiều việc khác phải làm, tham gia vào rất nhiều công việc khác của Bộ Công an. Có nhiều việc anh Thành hiện nay được giao nhưng liên quan đến bí mật Nhà nước chúng tôi không thể nói được”.
Nhưng lại thật khó hình dung ‘đồng chí Trung tướng Bùi Văn Thành’ còn việc gì để làm khi toàn bộ chức trách nhiệm vụ của ông ta đã bị chuyển giao cho người khác. Cùng lúc rộ lên nhiều đồn đoán về khả năng tướng Thành sắp phải vào ‘lò’.
Chỉ từ đầu năm 2018 đến nay, Thiếu tướng Lương Tam Quang đã bị ‘hố’ nặng hai vụ Phan Văn Anh Vũ và Phan Văn Vĩnh khi toàn phát ngôn ‘chưa có thông tin gì’, nhưng sau đó cả hai nhân vật này đều bị bắt.
Trường hợp giải thích về tướng Bùi Văn Thành có lẽ cũng ‘hố’ như thế. Đúng là tướng Thành còn rất nhiều việc phải làm, nhưng rất có thể phải ‘làm việc’, hay nói cách khác là phải ‘đi cung’ với chính những đồng chí đồng sự trong Bộ Công an.
Một tiết lộ nhỏ
Chỉ ít ngày trước khi phiên tòa xử kín Vũ ‘Nhôm’ diễn ra, lần lượt hai quan chức đầu não của Đà Nẵng đã một lần nữa xuất hiện để giải thích với cử tri thành phố này về tính chất bí mật của phiên tòa Vũ ‘Nhôm’. Trong khi bí thư Đà Nẵng là Trương Quang Nghĩa vẫn chỉ giải thích theo luật mà không nêu được bất kỳ cơ sở đáng thuyết phục nào, chủ tịch Đà Nẵng là Huỳnh Đức Thơ lại tiết lộ ‘nếu cơ quan công an không bắt Vũ thì sự việc phức tạp hơn vì liên quan đến nhiều cán bộ, lãnh đạo’, và khẳng định rằng sau phiên tòa này, tất cả những câu hỏi liên quan đến ‘quân hàm thượng tá’ và ‘nhiệm vụ’ của Vũ ‘Nhôm’ chắc chắn sẽ được giải đáp.
Sau cuộc chiến Huỳnh Đức Thơ - Nguyễn Xuân Anh vào năm 2017, ông Thơ là quan chức đã chỉ nhận hình thức xử lý cảnh cáo đảng và cảnh cáo về mặt chính quyền nhưng vẫn yên vị giữ ghế để cho tới nay nghiễm nhiên trở thành ‘một hổ một rừng’, trong khi Nguyễn Xuân Anh rơi vào thảm trạng ‘bị cách mọi chức vụ’.
Huỳnh Đức Thơ cũng là nhân vật được đồn đoán ‘thân anh Bảy Phúc’ (tức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc).
Tiết lộ của ông Huỳnh Đức Thơ có thể được hiểu là một trong những nội dung quan trọng nhất trong phiên tòa xử kín Vũ ‘Nhôm’ sẽ là lời khai của Vũ ‘Nhôm’ trước tòa, sau khi đã khai trước cơ quan an ninh điều tra, về quan chức công an cao cấp nào đã ký quyết định quân hàm thượng tá cho Vũ ‘Nhôm’ và ‘tạo mọi điều kiện thuận lợi’ để Vũ làm ăn trong thế giới ngầm.
Quan chức đó là ai?
‘Bèo’ nhất cũng phải là cấp thứ trưởng Bộ Công an.
Hẳn tính chất xử kín Vũ ‘Nhôm’ của Tòa án Hà Nội là nhằm bảo vệ cho ‘uy tín’ không biết còn lại được mấy phần trăm của Bộ Công an.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét