Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018

7285 - Ông Trương Minh Tuấn làm ‘thầy dùi’ cho Bộ Chính trị

Thảo Vy


Ông Trương Minh Tuấn sẽ làm gì khi ngồi vào ghế Phó ban chuyên trách Ban Tuyên giáo Trung ương?

Chiều ngày 27-7-2018, tại Ban Tuyên giáo Trung ương diễn ra hội nghị triển khai quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ. Theo đó, ông Trương Minh Tuấn, nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông vừa bị Chủ tịch Nước ký quyết định đình chức, đã được Bộ Chính trị phân công làm Phó ban chuyên trách Ban Tuyên giáo Trung ương.

Chuyên nghề thầy dùi

Dân gian gọi là ‘thầy dùi’ đối với người chuyên kiếm chuyện để xúi giục người này người khác gây xích mích, mâu thuẫn với nhau, để mình ở giữa kiếm lợi. ‘Thầy dùi’ hiểu theo nghĩa tốt đẹp hơn, đó có thể là người chuyên tham vấn, tư vấn cho đối tượng nào đó. Ở đây, theo quy định nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì ông Trương Minh Tuấn trên cương vị Phó ban chuyên trách (chưa rõ ông chuyên trách về vấn đề gì?), sẽ làm ‘thầy dùi’ cho ông Nguyễn Phú Trọng, tức người đứng đầu Bộ Chính trị.

Ban Tuyên giáo Trung ương có các quyền lực được ghi tại Quyết định số 80-QĐ/TW của Bộ Chính trị, ban hành ngày 28-8-2007. Theo đó, “Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, về chủ trương, quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực tuyên truyền, báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và một số lĩnh vực xã hội; đồng thời là cơ quan chuyên môn - nghiệp vụ về các lĩnh vực công tác này của Đảng” (trích Điều 1).

Ảnh minh họa.
Đi vào cụ thể, một trong những nhiệm vụ được Bộ chính trị giao là “Nghiên cứu tình hình tư tưởng trong Đảng và trong xã hội, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, nội dung, giải pháp xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng” (trích Điều 2.1). Nôm na, Ban Tuyên giáo Trung ương là một thứ cảnh sát chìm chuyên xoi mói, giám sát về quyền tự do ngôn luận, quyền suy nghĩ của các đảng viên.

Ông Trương Minh Tuấn liên quan đến vụ án Mobifone – AVG đã được khởi tố điều tra, nên theo đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bằng quyền lực Chủ tịch Nước, ông Trần Đại Quang đã ký quyết định tạm đình chỉ chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Xét về mặt Hiến pháp, ông Trương Minh Tuấn là một công dân... chưa có tội. Còn nếu căn cứ theo các quy định về tố tụng hình sự, thì ông Trương Minh Tuấn là đối tượng nằm trong diện nhận… “giấy triệu tập”. Nay, ông Trương Minh Tuấn được ‘cắt kiêm nhiệm’, để ngồi hẳn vào ghế ‘ông phó trùm’ của cơ quan ‘mật vụ tư tưởng’, thì liệu các điều tra viên trong vụ án Mobifone – AVG có thể làm tốt phận sự của mình? Bởi khác hẳn nếu so ông Đinh La Thăng ngồi vào ghế Phó Ban Kinh tế Trung ương vốn chỉ là hữu danh vô thực.

Liệu ông Trương Minh Tuấn có dùi vào tai ông Tổng Bí thư rằng ở đây AVG thuộc gia đình của Tập đoàn Vingroup, nếu tiếp tục ‘khui sâu’ vào đó sẽ gây ảnh hưởng đổ vỡ dây chuyền hàng loạt cổ phiếu trên sàn của Vingroup, bao gồm cả việc đe dọa phá sản dự án sản xuất xe hơi thương hiệu Việt đình đám…

Báo chí sẽ bị ‘bịt miệng’ triệt để hơn?

Ngay khi thông tin Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị triển khai quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ, phân công ông Trương Minh Tuấn làm Phó ban chuyên trách Ban Tuyên giáo Trung ương, thì làng báo Sài Gòn tin rằng rồi đây báo chí sẽ tiếp tục đối mặt với đe dọa đình bản, thậm chí cả việc bị thu hồi giấy phép, đóng cửa luôn tờ báo như từng xảy ra với báo Sài Gòn Tiếp Thị.

Cựu Tổng Biên tập báo Thanh Niên, ông Nguyễn Công Khế nói rằng bộ ba Đinh Thế Huynh, Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn chính là những người đã hạn chế quyền tự do báo chí ở Việt Nam thông qua cái gọi là bản đề án quy hoạch báo chí.

“Đề án quy hoạch báo chí mới này đã cố tình gạt ra rìa rất nhiều tờ báo có đông bạn đọc, kể cả tờ Thanh Niên và Tuổi Trẻ, với lý do Trung ương Đoàn và TP Hồ Chí Minh cũng chỉ nên có một tờ báo mà thôi. Hiến pháp đâu có quy định Hội - Đoàn nào là được xếp vào loại quan trọng để được cấp giấy phép cho xuất bản báo?.
Ông Nguyễn Công Khế (trái) trong một lần bắt tay Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (phải).
Quy hoạch lần này không đánh trúng được vào chỗ làm thế nào để báo chí Nhà nước đóng một vai trò tích cực hơn trong việc đưa đến người đọc những tin tức nóng hơn, trung thực và kịp thời hơn, ít vùng cấm hơn để lấy lại niềm tin từ đông đảo người đọc. Trái lại, nó có vẻ như bị lạc vào chỗ không cần thiết phải làm là tìm cách hạn chế quyền ra báo đối với các tổ chức Hội - Đoàn được Nhà nước cho phép hoạt động”. Ông Nguyễn Công Khế nhận xét.

Xem ra tiếng là ‘báo Nhà nước’ mà còn bị bóp nghẹt như than thở của ông Nguyễn Công Khế, thì vài tháng tới đây, khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, ắt hẳn quyền tự do ngôn luận sẽ chỉ còn là thứ tự do nói theo ý Đảng, trong khuôn phép định hướng của Tuyên giáo Trung ương, từ ông ‘thầy dùi’ Trương Minh Tuấn chẳng hạn (!?).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét