"Út" Trọc cũng chỉ mới là thượng tá.
Cuối tuần vừa qua, Bộ Chính trị của
Ban Chấp hành (BCH) Trung ương (TƯ) Đảng CSVN quyết định kỷ luật ba ông tướng, một
của quân đội và hai của công an. Theo đó, Thượng tướng Phương Minh Hòa – cựu Uỷ
viên BCH TƯ Đảng CSVN, cựu Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân
Việt Nam, cựu Bí thư Đảng uỷ kiêm Chính uỷ, cựu Tư lệnh Quân chủng Phòng không
Không quân – bị cảnh cáo. Hai ông tướng công an (Thượng tướng Trần Việt Tân - cựu
Uỷ viên BCH Đảng bộ Công an TƯ, cựu Thứ trưởng Công an và Bùi Văn Thành – cựu Ủy
viên BCH Đảng bộ Công an TƯ, cựu Thứ trưởng Công an đặc trách Tổng cục Hậu cần
- Kỹ thuật của Bộ Công an), cùng bị tước bỏ tất cả các chức vụ trong Đảng và bị
giáng cấp (1).
Nhìn một cách tổng quát, tướng
Hòa, tướng Tân và tướng Thành bị kỷ luật như đã kể đều vì độc đoán, chuyên quyền,
vi phạm đủ thứ qui định pháp luật về quản lý – sử dụng công thổ, công thự, không
chỉ để mặc mà còn tiếp tay cho một số thuộc cấp “vi phạm pháp luật rất nghiêm
trọng”, thậm chí ba ông tướng này còn trực tiếp nhúng chàm (phê duyệt nhiều văn
bản nguy hại cho quốc phòng, an ninh trái cả quy định lẫn thẩm quyền).
Chẳng riêng tướng Hòa, tướng Tân,
tướng Thành, bám sát, theo sau ba ông tướng này còn có sáu ông tướng nữa dính
líu đến hai scandal Định Ngọc Hệ (tự ‘Út Trọc), Phan Văn Anh Vũ (tự Vũ ‘Nhôm’):
Trung tướng Nguyễn Văn Thanh (cựu Bí thư Đảng ủy, cựu Chính ủy Quân chủng Phòng
không - Không quân) (2), Trung tướng Lê Văn Minh (Ủy viên BCH Đảng bộ Công an
TƯ, Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật), Trung tướng Bùi Xuân Sơn, (cựu
Ủy viên BCH Đảng bộ Công an TƯ, cựu Tổng cục phó Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật),
Trung tướng Nguyễn Văn Chuyên (Phó Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra BCH Đảng bộ
Công an TƯ, Tổng cục phó Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật), Trung tướng Ksor Nham (Ủy
viên Thường vụ BCH Đảng bộ Công an TƯ, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra BCH Đảng bộ
Công an TƯ, cựu Tổng cục phó Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật), Trung tướng Vũ Thuật
(cựu Phó Bí thư BCH Đảng bộ Công an TƯ, cựu Tổng cục phó Tổng cục Hậu cần – Kỹ
thuật) (3).
Nếu tính rộng ra một chút, chỉ
trong vòng bốn tháng, lực lượng vũ trang của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa
Việt Nam (bao gồm cả quân đội lẫn công an) “mất” tổng cộng 11 ông tướng. Quý
trước, Trung tướng Phan Văn Vĩnh, cựu Ủy viên BCH Đảng bộ Công an TƯ, cựu Tổng
cục Trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân và Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục
trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao đã bị tống giam do “tổ
chức đánh bạc” trên phạm vi toàn quốc.
***
Ở Việt Nam, từ khi quân đôi thôi
thề “trung với nước” để chuyển qua “trung với Đảng”, công an công khai tụng niệm
“còn Đảng, còn mình”, hàm “tướng” đã trở thành một món quà mà Đảng dùng để trao
tặng cho nhiều cá nhân. Cũng vì thế, “tướng” không chỉ trở thành một vấn nạn xã
hội, một đề tài cho thiên hạ bỉ bôi mà còn khiến hệ thống công quyền Việt Nam
đau đầu.
Tháng 12 năm 2014, khi tiếp xúc với
cử tri thành phố Đà Nẵng, ông Huỳnh Ngọc Sơn, lúc đó là Phó Chủ tịch Quốc hội
Việt Nam thú nhận, riêng quân đội có 489 ông tướng. Căn cứ theo Luật Sĩ quan
Quân đội nhân dân mà Quốc hội Việt Nam vừa bỏ phiếu sửa đổi hồi tháng 11 năm
2014 thì riêng quân đội Việt Nam dư tới 74 ông tướng. Để tránh chuyện tướng của
lực lượng vũ trang bị mỉa mai là “nhiều như chó con”, khi sửa Luật Sĩ quan Quân
đội nhân dân và Luật Công an nhân dân vào cuối năm 2014, Quốc hội Việt Nam ấn định,
quân đội không được phép có quá 415 ông tướng và công an không được phép có quá
205 ông tướng.
Bị cử tri truy vấn gay gắt, ông
Sơn biện bạch, trước đây, phong tướng tràn lan nên nay giảm xuống “họ” không chịu!
Dẫn sự kiện ông Phùng Quang Thanh, Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng “dọa” Quốc hội:
Không phong tướng, “anh em” tâm tư! - ông Sơn nói thêm: “Tâm tư” chỉ nằm ở chỗ
đó (không thể trước dễ, sau… khó). Có một điểm đáng ngạc nhiên là theo ông Sơn,
dù nhiều Đại biểu Quốc hội không ưng (tỉ lệ tán thành Luật Sĩ quan Quân dội
nhân dân mới chỉ khoảng 71%, tỉ lệ tương ứng đối với Luật Công an nhân dân mới
chỉ khoảng 74%) song hệ thống công quyền Việt Nam không thể giảm số lượng các
ông tướng của lực lượng vũ trang. Ngay cả ông Sơn – cựu Tham mưu trưởng Quân
khu 5 – cũng “chưa thật ưng” nhưng vì đặt định – khống chế số lượng tướng của lực
lượng vũ trang là “vấn đề rất khó, rất nhạy cảm, không đơn giản” nên ông Sơn đề
nghị dân chúng Việt Nam xem Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân mới và Luật Công an
nhân dân mới là “một cố gắng lớn” (4)!
Tuy nhiên “cố gắng lớn” ấy của Quốc
hội khóa 13 (2011 – 2016) đã bị vứt vào thùng rác. Ngay sau khi Luật Công an
nhân dân mới được thông qua vào tháng 11 năm 2014, Bộ Công an Việt Nam tiếp tục
vận động để thông qua Luật Công an nhân dân… mới hơn. Điểm chính – khiến tranh
luận về Luật Công an nhân dân… mới hơn trở thành gay gắt, khiến công chúng phải
quan tâm đến Luật Công an nhân dân… mới hơn vẫn là chuyện Công an nhân dân Việt
Nam cần nhiều tướng hơn! Bởi Công an nhân dân Việt Nam đòi phong tướng cho Giám
đốc Công an các tỉnh, thành phố nên Quân đội nhân dân Việt Nam đòi sửa Luật Sĩ
quan Quân đội nhân dân mới sửa năm 2014 vì có như thế mới thỏa đáng trong tương
quan giữa Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố với Giám đốc
Công an các tỉnh, thành phố (5). Cuối cùng thì dường như Bộ Công an Việt Nam vẫn
bảo vệ được quyền lợi của ngành. Ông Tô Lâm, Thượng tướng, Bộ trưởng Công an,
trấn an các Đại biểu Quốc hội, sau khi sắp xếp lại, Bộ Công an có 60 cục, nếu
phong tướng cho tất cả cục trưởng và giám đốc công an của 63 tỉnh, thành phố, cộng
thêm bảy lãnh đạo bộ đương nhiên là tướng thì số lượng tướng của ngành công an
cũng chưa tới… 200 (6)!
Ở những ngày cuối cùng thuộc kỳ họp
thứ năm của Quốc hội khóa 14 hồi trung tuần tháng 6 vừa qua, Bộ Công an Việt
Nam đã trình bày lần cuối Dư luật sửa Luật Công an nhân dân (7) . Nếu không có
gì thay đổi, trong kỳ họp thứ sáu của Quốc hội khóa 14 sẽ diễn ra vào tháng 10
năm nay, Việt Nam sẽ có Luật Công an nhân dân… mới hơn và lực lượng vũ trang sẽ
có thêm nhiều ông tướng!
***
Dẫu lực lượng vũ trang đã có hơn
500 và trong tương lai sẽ có hơn 600 ông tướng nhưng rõ ràng số lượng các ông tướng
tại Việt Nam tỉ lệ nghịch với nỗ lực cũng như khả năng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ,
bảo vệ trật tự xã hội của lực lượng vũ trang. Những đại án liên quan tới lực lượng
vũ trang cho thấy, trở thành tướng của lực lượng vũ trang chính là cơ hội để có
thể bán sỉ và lẻ nhiều thứ mà theo lẽ thường ít ai dám nghĩ tới như quốc phòng,
trị an. Những Hòa, Thanh của quân đội, Tân, Thành, Minh, Sơn, Chuyên, K’sor
Nham, Thuật, xa hơn một chút là Vĩnh, Hóa của công an khiến người ta thắc mắc,
tại sao các ông tướng có thể tự tung, tự tác, tự tin đến mức táo tợn trong một
thời gian dài tới như vậy? Nếu phải truy cứu trách nhiệm của lãnh đạo cao nhất
thì chỉ truy cứu trách nhiệm tới Thứ trưởng Công an và Ủy viên BCH TƯ Đảng CSVN
đã thỏa đáng chưa?
Không phải tự nhiên mà các ông tướng
từ quân đội đến công an đem “tâm tư” ra dọa Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.
Đứng đầu lực lượng vũ trang, tự nguyện biến lực lượng vũ trang trở thành “công
cụ” thực hiện “chuyên chính vô sản”, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, hoạt động đe
dọa quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng CSVN tại Việt Nam, dù muốn hay
không, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cũng không thể để các ông tướng “tâm
tư”. Dân “tâm tư” đã có quân đội, công an giải quyết chứ tướng của lực lượng vũ
trang mà “tâm tư” thì… phiền. Chuyện kỷ luật 11 ông tướng vừa quân đội, vừa
công an được ca ngợi như một bằng chứng cho thấy “không còn vùng cấm”. Ai tin
vùng cấm không còn? Nếu “không còn vùng cấm” thì tại sao ông Nguyễn Phú Trọng từ
chối, không cho phép công bố các bản kê khai tài sản dù tham nhũng liên tục tục
được khẳng định là giặc nội xâm (9).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét