Thứ Ba, 31 tháng 7, 2018

7317 - Dây kẽm gai


day-kem-gai
“Nhẹ hơn không khí, mạnh hơn whiskey, rẻ hơn đất. Đây là một phát minh vĩ đại trong lịch sử”. John Gates, một tay buôn đã quảng cáo về dây kẽm gai như vậy ở Texas năm 1876.
Năm 1862, Tổng thống Lincoln ký Ðạo luật Ðất đai, khuyến khích di dân về Miền Tây bao la. Bất cứ công dân nào, nam nữ hay nô lệ được trả tự do có thể sở hữu 160 mẫu đất. Họ chỉ việc đóng lệ phí giấy tờ chủ quyền và cam kết xây nhà, ở trên mảnh đất đó 5 năm.
Chuyện không đơn giản và dễ dàng. Miền Tây bát ngát rộng mênh mông đầy cỏ cao, khô cằn, hoang dã không một bóng cây. Miền đất mà di dân thoạt đầu gọi là hoang mạc. Nơi tổ tiên là người da đỏ bản xứ, phải sống du mục rày đây mai đó. Khi người Châu Âu, Tây Ban Nha đến, các cao-bồi cùng các đàn bò, ngựa đi theo. Những đàn bò, ngựa mặc sức thả rông gặm cỏ và tung vó trên đồng cỏ rộng mở đến tận chân trời, như không biên giới. Ðể chăn dắt, cao-bồi cần, mất nhiều công sức lùa bò lạc, bảo vệ mùa màng và tài sản. Hàng rào phải được dựng lên, phân định chủ quyền của điền chủ. Người ta bắt đầu dùng bất cứ thứ gì có được để làm hàng rào. Từ đá, cành cây, dây thừng và nhất là trồng các bụi cây gai. Di dân cho bụi gai là: “Giữ heo ủi, giữ ngựa cao và giữ bò mạnh”. Nhưng miền đất quá rộng, cây gai mọc chậm và ngựa bò vẫn thường xuyên phá rào, nhảy rào. Hàng rào gỗ được dựng nhưng tốn kém, khi phải mua gỗ và chuyển về từ miền Ðông xa xôi, mùa mưa lũ là trôi. Và miền Tây chỉ thực sự thay đổi cho đến khi dây kẽm gai ra đời.




day-kem-gai3
Gildden và quảng cáo công ty dây kẽm gai 

Tháng 11, 1874 Joseph F. Glidden ở, Illinois đã được tòa cầu chứng phát minh dây kẽm gai. Ðơn giản là 2 sợi dây kẽm xoắn lại giữ một cọng gai kẽm bén nhọn. Dù có vài đăng bộ phát minh dây kẽm trước đó, nhưng Glidden đã hoàn thiện và thành công. Dây kẽm gai được theo các nhà buôn, quảng cáo như Gates đem về miền Tây chào hàng ở San Antonio, được di dân ưa chuộng và trở thành hàng rào thiết yếu cho mỗi gia đình, trang trại. Dây kẽm gai đã thay đổi giá trị của đất đai, của sinh hoạt miền Tây, của đời sống dân cao-bồi. Máy quấn kẽm gai ra đời làm hạ giá thành còn 2 xu cho 1/2 kg. Di dân ca ngợi dây kẽm gai: “Không tốn đất, không chật chỗ, chống gió lốc, chống tuyết đổ, không cháy, lũ lụt không trôi, bền chắc và rẻ.”
Hàng rào kẽm gai làm dấy lên một cuộc chiến giành đất của các di dân miền Tây. Bắt đầu là sự kiện “Cắt hàng rào” năm 1883. Theo những tay cao-bồi, mảnh đất miền Tây mở rộng không thuộc về ai, rằng họ có quyền chăn dắt bò ngựa trên đồng cỏ bao la này. Thoạt đầu, các đàn bò ngựa được thả rông, tự do gặm cỏ, uống nước. Khi chủ quyền của các khu vực đắc địa như sông suối, giếng nước, đầm cỏ được ngăn chia, các cuộc xung đột xảy ra giữa các điền chủ và các tay cao-bồi không có đất đai, họ bị hạn chế khi dẫn các đàn gia súc. Dây kẽm gai làm bò ngựa bị thương, nhất là khi trời giông bão các đàn bò cuống cuồng tháo chạy… Cùng thời gian ấy, một sự kiện lịch sử khác ảnh hưởng đến nghề chăn nuôi bò ngựa ở miền Tây và dây kẽm gai gọi là Big Die-Up, do thiên tai làm chết đến 90% số bò miền Bắc. Trước 1880, ước chừng 6 triệu con bò ở các cánh đồng phía Bắc như Montana, Wyoming, Nebraska và Dakota được nuôi bán. Cao-bồi và chủ trại đã hạnh phúc với những mùa xuân mưa nhiều, cỏ xanh đầy tràn. Thế nhưng từ hè năm 1886, nắng hạn theo sau đó là mùa đông bão tuyết, tuyết ngập đến gối, âm 50 độ F, mưa đá và gió băng trải dài toàn tiểu bang phía Bắc. Số đàn bò sống sót tháo chạy về phía Nam. Các chủ trại ở  phía Nam từ New Mexico đến Oklahoma e sợ các đàn bò này sẽ gặm hết cỏ miền Nam, họ đã dựng các hàng rào kẽm gai hàng ngàn dặm dài. Các đàn bò bị dồn lại vì không thể đi qua được. Chúng chết thành đàn, chồng chất lên nhau trong giá rét. Nhiều chủ trại mất trắng các đàn bò và ngành chăn nuôi ở miền Bắc gần như phá sản. Các cao-bồi chừng như thất nghiệp.



day-kem-gai4
Miền đất rộng mở hoang vu ở Kansas 1880s.

Các chủ trại làm trên mảnh đất thuê dài hạn đã rào lấn qua vùng đất công, các hàng rào đã ngăn cách đường đi, trường học, công sở và nhà thờ, ngăn cản các chuyến giao thư của bưu điện. Thế là các dây kẽm gai bị cắt lén, thường vào lúc ban đêm, nhất là lúc Texas bị hạn hán bò khát nước suối. Các băng đảng mang súng như Con Cú, Quỷ Xanh, Javelinas đã lộng hành khắp phần lớn các hạt ở Texas. Vài vụ nổ súng xảy ra, ít nhất 3 người thiệt mạng. Báo chí và các trại chủ lên án. Tháng 4, 1884 tòa ra án trọng hình và 5 năm giam tù cho tội cắt dây kẽm gai. Chủ trại phải tháo bỏ dây kẽm gai băng qua các đường công cộng, nhiều cổng được xây cho mỗi 3 dặm, và các vụ cắt dây kẽm gai chấm dứt. Trong khi đó các hàng rào kẽm gai đã ngăn cản các con bò rừng Buffalo rong ruổi, người da đỏ bị đẩy dồn vào các khu tự trị, chấm dứt đời sống du mục và tự do, họ gọi dây kẽm gai là Dây Ác Quỷ. Vào năm 1880, xưởng sản xuất dây kẽm gai De Kalb đã rào hơn 263 ngàn dặm, tương đương rào quanh trái đất này 10 lần.
Dây kẽm gai trở thành tâm điểm tranh luận cho tư hữu hóa và quyền con người. John Locke, một nhà triết học người Anh vào thế kỷ 17 đã gây ảnh hưởng lớn lên các vị cha già sáng lập nước Mỹ. Locke cho rằng từ thuở xa xưa, con người không sở hữu gì. Khi bắt đầu dùng sức lao động của mình bỏ ra trên mảnh đất, làm lụng thì trở nên chủ nhân miền đất đó. Chủ thuyết “Vận mệnh hiển nhiên – Manifest destiny” đã đưa nước Mỹ mở rộng từ bờ Ðông sang Tây. Dây kẽm gai đã góp phần định hình nên sự tư hữu và miền Tây nước Mỹ. Tư hữu làm phát triển nền kinh tế đất nước và đời sống cư dân. Nghề cao-bồi giảm dần đáng kể từ khi dây kẽm gai ra đời. Nhưng một đất nước tư bản tự do, đa dạng mà hoàn toàn thống nhất sau nội chiến hùng mạnh ra đời.



day-kem-gai1
Razor wire fence 

Thế chiến I, chứng kiến sự gắn bó của chiến hào và kẽm gai, một chiến pháp phòng vệ hữu hiệu đầu tiên làm ngăn cản quân địch tấn công. Bức tường kẽm gai trở thành vô hiệu khi xe tăng ra đời. Nhưng vào Thế chiến II, kẽm gai lại là rào ngăn các trại giam Holocaust khổng lồ, nhà tù, các rào cản di trú, cho đến biên giới giữa các quốc gia ngày nay. Dù hơn trăm năm ra đời, kẽm gai vẫn là sợi kẽm có gai, thiết kế không thay đổi, dù có cải tiến thêm loại razor wire sắc như dao cạo.
Người Việt mình quen thuộc với dây kẽm gai, như 30 năm nội chiến từng ngày. Những sợi kẽm gai quanh các nhà tù, các trại tập trung cải tạo, trên các rào ngăn chống biểu tình. Sợi dây ác quỷ.



day-kem-gai2
Một nhóm băng đảng che mặt cắt rào kẽm gai ở Texas năm 1885

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét