Thứ Ba, 31 tháng 7, 2018

7313 - Kế họach lớn của Trump đối với Nga

Phạm Nguyên Trường dịch (VNTB)
Nguồn: Americanthinker


Tổng thống Donald Trump có lý: Quan hệ Nga-Mỹ đã rơi xuống mức thấp nhất trong mấy chục năm qua, và sự kiện này chủ yếu là lỗi của những người tiền nhiệm thời hậu-Chiến tranh lạnh của ông. Trump coi việc phục hồi quan hệ thiếu lành mạnh này là sứ mệnh của mình. Tôi cho rằng chính quyền Trump đang tìm cách đẩy Moskva ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc (hình thành sau khi Nga chiếm Crimea vào năm 2014) và trở lại với phương Tây.

Không, Vladimir Putin không phải là người dễ thương, tay ông ta chắc chắn là đã nhuốm máu (cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen). Nhưng, như cựu tổng thống Lyndon Johnson đã từng châm biếm J. Edgar Hoover, “để anh ta ở trong lều và đái ra ngoài thì tốt hơn là cho anh ta ra ngoài rồi đái vào lều”.

Tổng thống Nga V.Putin và người đồng nhiệm Mỹ - Donald Trump tại Hội nghị Apec, 2017, Hà Nội (Việt Nam). Ảnh: Jorge Silva/AFP via Getty Images
Hơn nữa, quân đội Nga có thể làm cho nước này trở thành lực lượng đối trọng tự nhiên của nước Trung Quốc đang vươn lên một cách nhanh chóng. Vụ tranh cãi diễn ra trong thời gian gần đây giữa phương Tây và Nga đã đẩy Nga sang phe Trung Quốc – Nga không còn là mối đe dọa đối với Trung Quốc, giúp Trung Quốc vươn lên nhanh chóng trong khu vực châu Á. Trump phải ve vãn Nga để đưa Nga trở về và kiềm chế quá trình vươn lên tưởng như không thể nào ngăn chặn được của Trung Quốc.

Lịch sử của vụ gây hấn

Giai đoạn cuối Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Nga đã có quan hệ tương đối thân thiện. Nhưng, năm 2004, khi Mỹ bắt đầu can thiệp bí mật vào Ukraine (gọi là "Cách mạng Cam"), thì Vladimir Putin tin rằng phương Tây tìm cách phá hoại chế độ của ông ta và giảm tối đa quyền lực của Nga. Năm 2007, Putin tham dự hội nghị an ninh Munich và tung ra bài diễn văn chỉ trích một cách gay gắt chủ nghĩa quân phiệt Mỹ ở Trung Đông và “mở rộng gấp đôi” NATO và E.U., lấn vào vùng ngoại vi của Nga.

Chưa tới một năm sau, quân Nga tràn vào Gruzia, và quan hệ Nga-Mỹ trở thành những lời lên án và khinh thường lẫn nhau.

Sau cuộc bầu cử Tổng thống Barack Obama, năm 2008, quan hệ giữa chính phủ mới ở Washington và Moskva đã ấm lên. Tổng thống Obama không lặp lại cái mà ông tin là thái quá về quân sự của chính quyền George W. Bush. Vì vậy, Obama quay sang với Nga. Nga chấp nhận đề nghị của ông này.

Đáng tiếc là, giai đoạn “thiết lập lại” quan hệ với Nga thiết lập lại thực sự thì ít mà đơn phương đầu hàng Moskva thì nhiều. Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới của Obama (thường được gọi là “BẮT ĐẦU MỚI”) đã hạn chế việc hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của Mỹ (và số lượng tên lửa) nhưng cho phép Nga hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình. Theo Larry Bell, Hiệp ước cũng “xóa bỏ các chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ”. Tuy nhiên, Hiệp ước này đã làm giảm được căng thẳng.

Như Thomas Grove viết cho Teaauter, tháng 3 năm 2011, cho Reuters, “Hiệp ước giới hạn vũ khí hạt nhân mới giữa Nga và Mỹ củng cố lời tuyên bố của cả hai phía rằng chiến tranh giữa Moskva và phương Tây là chuyện không thể nào tưởng tượng nổi và tạo điều kiện cho Điện Kremlin đưa thêm nguồn lực về phía đông”.

Vấn đề phía Đông của Nga

Vùng Viễn Đông của Nga là khu vực rộng lớn, có nhiều tài nguyên thiên nhiên quan trọng sống còn, nhưng dân cư thưa thớt. Vùng này lại có chung biên giới với đất nước đông dân nhất, phát triển nhanh nhất và tiêu thụ nhiều tài nguyên thiên nhất nhất thế giới: đấy là Trung Quốc. David Goldman từng nói, Trung Quốc coi các nước khác là chất đạm có giá trị để cho mình ăn. Vùng Viễn Đông của Nga đúng là như thế.

Trong 30 năm qua, người gốc Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng Viễn Đông dân cư thưa thớt và bắt đầu chèn ép người Nga bản địa. Chắc chắn là, vùng Viễn Đông của Nga sẽ trở thành lãnh thổ, trên thực tế, của Trung Quốc. Putin biết rằng chuyện đó đang diễn ra. Ông ta đang dùng hết sức bình sinh để giữ lại lãnh thổ châu Á của mình. Nhưng, do lực lượng quân sự tương đối mỏng, khả năng bảo vùng biên giới rộng lớn của ông ta là khá hạn chế.

Chúng ta biết rằng Putin muốn củng cố vùng Viễn Đông của Nga. Hiện nay, Moskva đang đưa các hệ thống phòng thủ ven biển di động K-300P Bastion-P và BAL đến quần đảo Kurile (nước này chiếm được vào năm 1945, bất chấp những lời tuyên bố về chủ quyền của Nhật Bản).

Tổng thống Nga V.Putin luôn muốn phát triển mạnh vùng Viễn Đông Nga.
Đáng tiếc là, Moskva không thể đưa lực lượng ra khỏi nơi mà người Nga coi là những điểm nóng hơn ở châu Âu và Trung Đông. Với ngân sách quốc phòng năm 2018 là 51 tỷ USD, Moskva đơn giản là phải lựa chọn: Bảo vệ vùng Viễn Đông rộng lớn, giàu tài nguyên của mình, không để Trung Quốc chiếm đoạt hay chống lại điều mà họ coi là phương Tây thù địch với lực lượng quân sự tiến tiến (xin nhớ: hai cuộc xâm lược lớn trong lịch sử Nga - Napoleon và Hitler – đều đến từ phương Tây).

Thái Bình Dương hấp dẫn hơn (hoặc phải hấp dẫn hơn) đối với một người Nga có tư tưởng đế quốc-dân tộc chủ nghĩa như Putin. Ở đây có những nền kinh tế năng động nhất thế giới; Thái Bình Dương tạo điều kiện để nước Nga gia tăng sự hiện diện về quân sự trong những khu vực giàu tài nguyên (đồng thời lập hàng rào phòng thủ nhằm bảo vệ các tuyến đường đi vào vùng Bắc cực của Nga - một nguồn tài sản quan trọng của nước Nga). Tiếp tục bị ám ảnh về châu Âu, hoặc tiếp tục để Liên bang Nga ốm yếu dính líu vào nền chính trị bộ lạc của Trung Đông không phải là lợi ích chiến lược lâu dài của Moskva.

Washington phải nhận thức được thực tế này và thiết lập quan hệ thân thiện hơn với Moskva. Nếu chuyện đó có thể xảy ra, Putin sẽ thực hiện được công việc bảo vệ an toàn vùng biên giới đang gặp nhiều rắc rối của mình. Sự thân thiện lâu dài giữa Mỹ, Châu Âu và Nga sẽ giúp ổn định vùng biên giới phía tây của nước Nga. Cùng với Mỹ (và Israel), Nga có thể nghiền nát những đồn lũy khủng bố còn sót lại trong thế giới Hồi giáo, góp phần củng cố khu vực phía nam của nước Nga. Lúc đó, bằng cách củng cố vị trí của mình ở Viễn Đông, Nga hoàn toàn có thể tập trung vào việc gây khó khăn cho chiến lược lớn của Trung Quốc.

Bước đi đó của Mỹ sẽ làm thay đổi một cách căn bản điều mà Zbigniew Brzezinski, nhà địa chiến lược Mỹ, từng gọi là “bàn cờ lớn”. Nó cũng sẽ làm suy yếu và làm mất giá vĩnh viện mối đe dọa mà nước Trung Quốc đang ngóc đầu dậy gây ra - không chỉ đối với Mỹ và châu Á, mà còn đối với toàn thế giới.

Brandon J. Weichert là nhà phân tích địa chính trị, quản lý The Weichert Report: World News Done Right and is a contributor at The American Spectator, đồng thời là biên tập viên của American Greatness. Ông viết cho nhiều báo lớn và đang làm nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ về quan hệ quốc tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét