Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

7197 - Vụ Trịnh Xuân Thanh khiến thất nghiệp gia tăng?

Phạm Chí Dũng


Không biết vô tình hay hữu ý, chỉ 3 ngày sau vụ Nguyễn Hải Long - một nghi can tham gia đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Đức - cúi đầu nhận tội tại tòa thượng thẩm Berlin vào ngày 17/7/2018, Chính phủ Cộng hòa Séc đã gây nên một cú sốc đối với chính thể độc đảng ở Việt Nam: quyết định tạm ngừng tiếp nhận đơn xin thị thực dài hạn cho mục đích lao động và kinh doanh đối với công dân Việt Nam - theo thông cáo đăng trên trang web của Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Hà Nội ngày 20/7/2018.

Với quyết định trên, có thể cho rằng Việt Nam đã mất đứt ‘thị trường xuất khẩu lao động truyền thống’ mà nước này luôn kỳ vọng. Điều thật trớ trêu là Séc lại là ‘quốc gia có nền kinh tế thân thiện nhất với Việt Nam’ - như cách tuyên truyền lấy lòng của giới ngoại giao và chóp bu Việt Nam.

Nguy cơ mất thị trường xuất khẩu lao động

Séc nằm trong số những thị trường xuất khẩu lao động trong khối Liên minh châu Âu (EU) mà lao động Việt Nam làm việc như Bulgaria, CH Síp, CH Séc, Phần Lan, Pháp, Itallia, Manta, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Rumani và Vương quốc Anh.

Theo thống kê, người Việt Nam ra nước ngoài theo hầu hết các loại hình di cư như di cư lao động, hôn nhân - gia đình, du học... Hiện nay có khoảng 500.000 lao động Việt Nam làm việc tại hơn 40 nước và vùng lãnh thổ, khoảng hơn 250.000 công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, trong đó phần lớn là phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Mỹ, Pháp, Australia... và trên 30.000 du học sinh Việt Nam ở nước ngoài.

Sau khi Malaysia đóng cửa thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam do tình trạng rất nhiều lao động Việt tự ý phá vỡ hợp đồng, vi phạm kỷ luật lao động, bỏ trốn ở lại làm việc sau khi hết hạn và kể cả hình thành tổ chức tội phạm, Việt Nam chỉ còn một số thị trường truyền thống thuộc khu vực Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan - chiếm tỷ trọng đến 94% số lao động Việt được đưa ra nước ngoài.

Nhưng cho đến nay, ngoài tình trạng lao động người Việt sang châu Âu vi phạm kỷ luật lao động và bỏ trốn ở lại, còn nhiều đối tượng, công ty lừa đảo người lao động với nhiều thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt tài sản hoặc đưa người lao động đi bất hợp pháp dưới hình thức buôn người, sự tồn tại da dẳng các đường dây đưa phụ nữ Việt Nam sang châu Âu, bán vào các ổ mại dâm, nhiều người lao động Việt Nam ở châu Âu đã có hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí ở mức nghiêm trọng… mà đã gây thiệt hại và mất uy tín nghiêm trọng cho lao động Việt Nam nói chung và các công ty xuất khẩu lao động nói riêng.

Gần đây, một số khảo sát bỏ túi cho biết có đến 80% hoặc hơn số du học sinh Việt du học ở Nhật Bản thực chất là lao động chui và tìm cách ở lại Nhật mà không chịu về nước. Đó là nguồn cơn chủ yếu mà trong những năm gần đây, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều đe dọa đóng cửa thị trường lao động Việt Nam ở những nước này.

Trước nhiều khó khăn chồng chất, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam gần đây đã phải tính cách mở rộng thị trường xuất khẩu lao động sang châu Âu, đặc biệt nhắm vào những quốc gia đã từng là ‘xã hội chủ nghĩa anh em’ với Việt Nam như Séc (trước đây là Tiệp Khắc), Đức, Nga, Bungaria…

Lẽ ra tình hình đã không đến nỗi tồi tệ mà khiến Cộng hòa Séc phải quyết định tạm ngừng tiếp nhận đơn xin thị thực dài hạn cho mục đích lao động và kinh doanh đối với công dân Việt Nam, nếu không có vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mà đã làm cho một ít cố gắng vận động và đàm phán của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam đổ sông đổ biển.

‘Việt Nam là tội phạm có tổ chức…’

Tạm ngưng thị thực lao động Việt không chỉ là một quyết định mang tính kinh tế thuần túy của Séc, mà rất có thể nguyên nhân sâu xa của nó bắt nguồn từ lý do chính trị và an ninh.

Vào tháng Sáu năm 2018, trong khuôn khổ bàn luận về vấn đề ngân sách tài chính năm 2017 của ngành ngoại giao Cộng hòa Séc, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện nước này là ông Zaoralek đã bất ngờ tung ra một phát ngôn chấn động mang tính khẳng định “Việt Nam là tội phạm có tổ chức và trở thành mối đe dọa an ninh quốc gia hàng đầu”.

Ông Zaoralek cho biết visa cho sinh viên Việt Nam vào Séc là công cụ để đưa tội phạm vào nước này. Ông cũng nói rằng các băng nhóm Trung Quốc và Việt Nam đang sản xuất chất gây nghiện Pervitin để bán vào Đức và Séc…

Bất chấp phản ứng ngày 24/6/2018 của ông Hồ Minh Tuấn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Séc, chứ không phải của Bộ Ngoại giao Việt Nam, về phát biểu của Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Cộng hòa Séc là “hoàn toàn không phù hợp với sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước những năm qua”, giới chóp bu Việt Nam đã lần đầu tiên như bị một cái tát nảy đom đóm từ chính đối tác mà họ luôn tự tin là ‘quốc gia có nền kinh tế thân thiện nhất với Việt Nam’.

Nếu nhìn rộng hơn, phát ngôn của ông Zaoralek không hẳn là một sự bất ngờ mà đã được tích tụ sau một khoảng thời gian đủ dài và chuỗi sự cố đủ dày. Phát ngôn này không chỉ liên đới mật thiết với quá nhiều bức xúc của cộng đồng người Việt ở Séc trước tình trạng Đại sứ quán Việt Nam tại nước này đã từ lâu biến cơ chế cấp visa thành một dịch vụ hay hơn thế nữa là vụ đầu cơ dành cho các quan chức của đại sứ quán, với giá thu visa gấp từ 4-5 lần so với mức quy định, mà còn nhằm chỉ trích nhiều thực trạng mà giới quan chức ‘ăn của dân không chừa thứ gì’ đã mang sang tận kinh thành cổ kính Praha.

Phát ngôn của ông Zaoralek lại phát ra trong bối cảnh vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ đã lan đến Slovakia - quốc gia mà cùng với Cộng hòa Séc đã được tách ra từ Tiệp Khắc trước đây.

Vào tháng Tư năm 2018 và liên quan đến phiên tòa của Tòa án Đức xử Nguyễn Hải Long, đã bất thần bùng phát một thông tin liên đới một cấp cao hơn rất nhiều: Slovakia phải làm việc với phía Đức để xác minh khả năng ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an Việt Nam, đã sử dụng chuyến thăm của mình đến nước này hồi tháng Tám năm 2017 để làm bình phong cho vụ bắt giữ Trịnh Xuân Thanh.

Tuy chưa có quan chức nào của Slovakia tuyên bố một cách chính thức về tình trạng thực ra đã rạn nứt đáng kể giữa Slovakia và Việt Nam qua vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, nhưng thông tin của báo chí Slovakia và báo chí Đức đều phản ánh mối quan hệ này đang xấu hẳn đi, với sự cảnh giác cao độ của người Slovakia đối với giới mật vụ và ngoại giao Việt Nam.

Tình trạng rạn nứt giữa Slovakia và Việt Nam còn khiến ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người đồng hương của Slovakia là Cộng hòa Séc với Việt Nam. Vào nửa đầu năm 2017, một quan chức cao cấp của Việt Nam là Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến Séc để vận động nước này ủng hộ Việt Nam vào EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu). Khi đó, có vẻ giới lãnh đạo Séc còn lưỡng lự.

Còn đến giờ, đã chẳng có bất kỳ phản hồi nào từ giới lãnh đạo của Chính phủ Séc đối với EVFTA.

Khi châu Âu ‘mở mắt’…

Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào tháng Bảy năm 2017 đã gây ra hiệu ứng nhận thức chưa từng có, khiến nhiều quốc gia dân chủ trong EU được ‘mở mắt’ khi chứng kiến chế độ chính trị ở Việt Nam ‘luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người’ là xảo ngôn và dối trá đến thế nào. Sau tháng Bảy năm 2017, mối quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa một số nước ở châu Âu với Việt Nam đã lạnh lẽo hẳn đi.

Không những thế, nhiều nước Tây Âu và cả Đông Âu sẽ có thể đặt Việt Nam vào một tầm ngắm mới và khởi tạo một hàng rào kiên cố nhằm ngăn chặn mật vụ Việt Nam hành xử theo ‘luật rừng’ ở Lục Địa Già.

Sau vụ Cộng hòa Séc tạm ngừng tiếp nhận đơn xin thị thực dài hạn cho mục đích lao động và kinh doanh đối với công dân Việt Nam, một khả năng có thể xảy đến trong thời gian tới là những quốc gia trong khối EU như Pháp, Bỉ, Hà Lan, Ý, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Anh và cả những nước từng là ‘xã hội chủ nghĩa anh em’ ở châu Âu sẽ có một số biểu cảm và hành động gần tương tự phản ứng của người Đức đối với Việt Nam qua vụ Trịnh Xuân Thanh. Những biểu cảm và hành động này sẽ liên đới mật thiết với viện trợ không hoàn lại, tín dụng cho vay, cũng khiến đầu tư nước ngoài của châu Âu vào Việt Nam có thể sụt giảm đáng kể. Những ưu đãi về hàng rào thuế quan trong nhập khẩu hàng Việt Nam cũng bởi thế sẽ được thả nổi theo mặt bằng thị trường chung. Thậm chí khách du lịch châu Âu - khi đã được báo chí lục địa này dồn dập cảnh báo về “nhà nước bắt cóc,” sẽ chẳng còn mấy tha thiết đi dã ngoại ở một Việt Nam đầy rủi ro rình rập.

Sau năm 2017 đầy sóng gió với cơn địa chấn khủng hoảng Đức - Việt sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, 2018 tiếp tục trở thành ‘năm thành công đối ngoại chưa từng có’ mà Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh đã tuyên rao không hề nhăn mặt vào cuối những năm 2016 và 2017.

Nếu thị trường EU không còn là nơi hứa hẹn tiếp nhận lao động Việt, hàng trăm ngàn lao động này sẽ bị dồn ứ trong nước mà không có lối thoát, trong cảnh nạn tỷ lệ thất nghiệp không phải chỉ khoảng 2% như báo cáo quá thiếu liêm sỉ của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam mà ‘thêm một con số 0 sau 2% vẫn đúng’ - như lời tán thán đầy bức bối của một dân biểu Việt Nam vào năm 2014, hoặc thậm chí còn cao hơn 20%. Tức chính thể độc đảng ở Việt Nam càng phải chịu sức ép căng thẳng từ các vấn nạn xã hội liên tiếp phát sinh do nạn thất nghiệp gây ra, thúc đẩy thêm đà hỗn loạn xã hội vốn đã tích tụ và ‘liên tục phát triển’ từ những năm trước, để đương nhiên sẽ khiến chân đứng chế độ càng thêm mau rệu mục mà có thể dẫn đến sụp đổ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét