Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

7203 - Ngoại thương và an ninh Đông Nam Á

Nguyễn Xuân Nghĩa

Lãnh đạo các quốc gia ASEAN và Tổng thống Mỹ Donald Trump chụp ảnh chung bên lề Thượng đỉnh kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN - Mỹ tại Manila, Philippine hôm 12/11/2017
Lãnh đạo các quốc gia ASEAN và Tổng thống Mỹ Donald Trump chụp ảnh chung bên lề Thượng đỉnh kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN - Mỹ tại Manila, Philippine hôm 12/11/2017

Mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã trở nên gay gắt hơn và gây ra mối lo cho các nước đang phát triển bị kẹt ở giữa theo kiểu “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”. Ngược lại, cũng có một số quan điểm theo đó, Trung Quốc sẽ phải dung hợp với áp lực từ phía Hoa Kỳ mà chuyển dịch khu vực chế biến của họ qua các nước khác và đấy là một cơ hội thuận tiện cho Việt Nam. Diễn đàn Kinh tế sẽ đi xa hơn chuyện này…
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào tái ngộ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, theo nhận xét của ông, Việt Nam có hy vọng gì trong kịch bản là khai thác được mâu thuẫn về mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc?

Ảnh hưởng của chiến tranh mậu dịch

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là không và xin được giải thích. Sau gần ba chục năm giao dịch trong tinh thần lạc quan về trào lưu “toàn cầu hóa”, các nước đã xây dựng một chuỗi cung ứng đan kết với nhau, cho nên sẽ cần vài ba năm để phân giải lợi hại khi trào lưu đó bị đẩy lui vì thực chất là xứ nào cũng truy tìm tối đa quyền lợi trong giao dịch mà vẫn lặng lẽ bảo vệ các khu vực trọng yếu của mình bằng chính sách bảo hộ ngấm ngầm. Ngày nay, Hoa Kỳ đòi xét lại mối quan hệ bất bình đẳng ấy.
- Thứ hai, trước áp lực của Hoa Kỳ, nhiều doanh nghiệp hay địa phương Trung Quốc có thể chuyển dịch cơ sở của mình qua xứ khác, thí dụ như Việt Nam, cơ bản thì cũng vẫn để bảo vệ quyền lợi của họ. Nhưng Việt Nam có nền kinh tế quá lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng lạc hậu, là cung cấp đất đai và nhân công rẻ để đem nguyên vật liệu của Trung Quốc về chế biến lại với trị giá gia tăng rất thấp rồi xuất khẩu ra ngoài dưới dạng “sản phẩm của Việt Nam”. Điều ấy không dễ qua mặt Hoa Kỳ có khi còn gieo họa cho Việt Nam.
- Thứ ba, trong kịch bản đánh tráo thành công, doanh nghiệp Trung Quốc vẫn mất vài ba năm, cho nên Việt Nam không lập tức có ngay các hãng xưởng ráp chế cho xứ láng giềng này. Có lẽ Việt Nam nên thấy thế giới đã đổi khác mà tự chuẩn bị cho việc đổi mới nữa.
Nguyên Lam: Nói về sự kiện thế giới đã đổi khác, Nguyên Lam xin được nhắc lại nguyên ủy của mâu thuẫn hiện tại. Trong Thượng đỉnh hồi Tháng Tư năm ngoái tại Mar-a-Lago của tiểu bang Florida, lãnh đạo hai nước là Tổng thống Donald Trump và Tổng bí thư Tập Cận Bình đề ra thời hạn 100 ngày để giải quyết các mâu thuẫn trong quan hệ kinh tế giữa đôi bên. Thời hạn ấy đã chấm dứt và cách nay đúng một năm, hôm Thứ Tư 19 Tháng Bảy năm 2017, Phó Thủ tướng Bắc Kinh là Uông Dương gặp Tổng trưởng Ngân khố là Steve Mnuchin và Tổng trưởng Thương mại Wilbur Ross trong khuôn khổ đối thoại chiến lược, hai bên không đạt thỏa thuận nào, dù chỉ là một bản thông cáo chung. Ngày nay, người ta mới thấy ra nguy cơ của một trận chiến mậu dịch. Ông nghĩ sao về chuyện đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ngẫm lại thì chúng ta đã có những thông tin sai lạc. Về mối quan hệ với Trung Quốc, thông tin sai lạc là ông Trump chỉ là con buôn nên vì quyền lợi kinh tế mà sẽ thỏa hiệp với Bắc Kinh. Sự thật là Chính quyền Trump không hề nhượng bộ Bắc Kinh về kinh tế nên phiên họp năm ngoái với Uông Dương đã tan vỡ, ông ta ra về mà tránh gặp báo chí để giải thích. Chúng ta biết Uông Dương là Ủy viên Bộ Chính Trị, từng là Bí thư Trùng Khánh rồi Bí thư Quảng Đông, với lập trường khá cởi mở chứ không giáo điều mà sau đó không thuyết phục nổi phái bộ Mỹ. Trong khi đó, phía Hoa Kỳ lại đưa ra nhiều đòi hỏi cụ thể, như về ngành thép và nhôm, bây giờ ta mới thấy rằng đó là màn đầu của nhiều mâu thuẫn gay gắt và đa diện hơn.
- Đó là Chính quyền Trump lại chấp thuận đề nghị của Bộ Quốc Phòng là tăng mức độ bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông trước sự bành trướng của Bắc Kinh. Điều ấy có khác với Chính quyền Barack Obama trước đó. Lý do là từ năm ngoái, ông Trump giàng vấn đề an ninh vào quan hệ ngoại thương, như kéo vụ hỏa tiễn Bắc Hàn vào việc mua bán với Trung Quốc, nêu vấn đề quân sự và phần đóng góp cho Minh ước NATO vào luồng giao dịch với Đức, và hứa hẹn cung cấp khí đốt cho Ba Lan và nhiều nước Đông Âu để họ khỏi bị Nga bắt chẹt trong khi tại thủ đô Warsaw của Ba Lan ông Trump nhắc lại điều 5 của Hiến chương NATO là phải bảo vệ các thành viên chứ không đòi xóa bỏ Minh ước NATO. Năm nay, chúng ta thấy lại chuyện đó nhân chuyến thăm viếng Âu Châu của ông Trump.
Nguyên Lam: Quả thật là nếu không theo dõi mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thì người ta dễ có ấn tượng sai rằng nước Mỹ sẽ nhượng bộ Bắc Kinh và có thể hy sinh quyền lợi của các nước Đông Nam Á, vốn là khu vực trọng yếu về an ninh theo quan điểm của Chính quyền Trump. Khi an ninh quốc gia là một phần của mậu dịch thì bài toán trở thành rắc rối hơn, như vậy, thưa ông phải chăng các nước Đông Nam Á không dễ gì bắt cá hai tay là dựa vào Trung Quốc về kinh tế nhưng dựa vào Hoa Kỳ về an ninh?
Nguyễn-Xuân Nghĩa – Thưa là như vậy. Cũng nói về yếu tố an ninh, ít ai chú ý là Trung Quốc ra sức xuất cảng nạn ô nhiễm môi sinh khi ào ạt đầu tư vào các nước khác. Dư luận đả kích Chính quyền Trump là ra khỏi Hiệp ước Chống Khí Thải tại Paris mà cho rằng Hoa Kỳ nhường Bắc Kinh vai trò lãnh đạo việc hạn chế khí thải. Sự thật thì Trung Quốc là vô địch thế giới về việc hủy hoại môi trường sinh sống bên trong lãnh thổ và sau khi hứa hẹn tung ra hơn 360 tỷ đô la để sản xuất năng lượng sạch vào năm 2020 thì tung tiền vào các nước đang phát triển để thực hiện các dự án thủy điện, khai thác dầu khí hay than đá vốn dĩ gây họa cho môi sinh nên ngày nay mới bị cư dân tại địa phương biểu tình phản đối.

Lập trường của các nước Đông Nam Á

Nguyên Lam: Nguyên Lam hiểu thêm vì sao ông nhấn mạnh là nên nhìn vào bối cảnh với giác độ mở rộng thay vì chỉ tập trung vào vài chuyện trước mắt mà không thấy toàn cảnh. Thí dụ như hôm 14 Tháng Bảy năm ngoái, Indonesia có một quyết định đáng chú ý là đặt tên vùng biển vây quanh quần đảo Natuna trong phạm vi đặc quyền kinh tế của họ là “Biển Bắc Natuna”. Điều ấy khiến các nước Đông Nam Á chú ý vì vùng biển đó cũng nằm trong khu vực mà Trung Quốc gọi là thuộc chủ quyền của mình với cái lưỡi bò chín khúc. Bây giờ ông nghĩ sao về lập trường của các nước Đông Nam Á trong luồng giao dịch gọi là công bằng với các nước khác?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Năm qua, Chính quyền Indonesia của Tổng thống Joko Widodo ra nhiều biện pháp chống lại việc Trung Quốc lấn lướt tại vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna, mà một phần bị Trung Quốc đưa vào trong đường lưỡi bò trên Biển Đông mà Bắc Kinh dùng làm cơ sở đòi chủ quyền. Thí dụ như Jakarta tăng cường lực lượng võ trang, ráo riết tuần tra và thực thi luật pháp trong vùng. Tổng thống Jokowi cũng hai lần thăm căn cứ quân sự của Indonesia tại Natuna để tỏ quyết tâm bảo vệ quyền lợi trên vùng đặc quyền kinh tế của Natuna.
- Trong khi ấy, ta cũng thấy Indonesia cùng Malaysia và Philippines tăng cường hợp tác quân sự chống lại quân khủng bố Hồi giáo trong khu vực với sự yểm trợ kín đáo của Hoa Kỳ. Vì vậy, quả thật là các nước Đông Nam Á đang là đối tượng tranh thủ của hai cường quốc tại hai bờ Thái Bình Dương.
- Nói về đổi tên biển thì tôi xin được nhắc lại thế này. Sau các nhà địa dư học Âu Châu, các nước trên thế giới đều quen gọi vùng biển tiếp cận với Trung Quốc là East China Sea, mà Bắc Kinh dịch là Biển Hoa Đông. Còn vùng biển Đông Nam Á mà ta gọi là Đông Hải thì họ gọi là Biển Hoa Nam, South China Sea. Điều ấy không hề có nghĩa là hai vùng biển đó thuộc về Trung Quốc như Trung Cộng ngày nay vẫn đòi, cũng như Ấn Độ Dương không thuộc về xứ Ấn Độ. Chúng ta không lạc đề đâu, khi nhắc lại những sự thật cơ bản bên dưới sinh hoạt kinh tế.

Thiếu cơ chế an ninh

Nguyên Lam: Bây giờ, khi nói về mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á thì ông thấy rằng thời sự nay mai có thể là những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin nói trước hết về  mâu thuẫn và nghịch lý của 10 nước Đông Nam Á, thành viên của Hiệp hội ASEAN ra đời vào năm 1967. Trước hết, các nước có quá nhiều khác biệt chứ không thuần nhất. Về địa dư thì có các nước quần đảo, với lãnh thổ tản mác qua 70 ngàn đảo như Philippines, hay 17 ngàn đảo như Indonesia, còn Malaysia thì lại chia làm hai, bên trong có nhiều sắc tộc hay tôn giáo và nói vài trăm thổ ngữ. Làm sao thống nhất để cai trị một xứ sở như vậy là bài toán sinh tử. Cũng về địa dư, ta có các nước nằm trong lục địa Á Châu như bán đảo, thí dụ là ba nước Việt, Miên, Lào trên bán đảo Đông Dương, hay Thái Lan và Miến Điện, thì lại bị núi rừng chia cắt và có dòng Mekong chạy ngang thì lại bị Trung Quốc phá hủy ngay từ thượng nguồn.
Ngoại thương và an ninh Đông Nam Á
Ngoại thương và an ninh Đông Nam Á AFP

- Các quốc gia Đông Nam Á từng có tranh chấp với nhau và thường chú ý vào an ninh ở bên trong sau khi cố giành lại nền độc lập từ sau Thế chiến II. Nhưng nghịch lý ở đây là ngần ấy nước, dù là quần đảo hay bán đảo, đều thiếu lực lượng hải quân tương xứng cho yêu cầu bảo vệ an ninh của họ! Ngoại lệ là Singapore, một quốc đảo nhỏ xíu có sức mạnh hải quân khả dĩ tự vệ mà không thể lãnh đạo cả khối!
- Đâm ra một khu vực trải rộng trên hơn bốn triệu cây số vuông, với hơn 650 triệu dân sản xuất được ba ngàn tỷ đô la, và sống nhờ buôn bán với nhau ở ngoài biển lại chỉ là một câu lạc bộ kinh tế thiếu khả năng bảo vệ an ninh, như một Minh ước Quân sự NATO bên Âu Châu. Xứ nào cũng muốn làm ăn với Trung Quốc mà trên đầu lại cần lá chắn của Mỹ và mong được Nhật Bản, Úc và Ấn Độ yểm trợ để khỏi bị Trung Quốc bắt nạt!
Nguyên Lam: Ông vừa nhắc đến vài sự kiện bất ngờ. Liên hiệp Âu châu với hơn 500 triệu dân, sản xuất khoảng hai chục ngàn tỷ đô la và có Minh ước NATO để bảo vệ. Hiệp hội ASEAN có hơn 650 triệu dân, sản xuất được ba ngàn tỷ nhưng thiếu cơ chế an ninh thống nhất để tự vệ và không có lực lượng hải quân hỗn hợp khả dĩ ngăn nổi sự bành trướng của Bắc Kinh nên phải trông vào Hoa Kỳ. Thưa ông, bây giờ làm sao các nước có thể duy trì quyền lợi an ninh và kinh tế với hai cường quốc trên bờ Đông Tây của Thái Bình Dương?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thật ra, địa dư phân tán của khu vực Đông Nam Á cũng lại là bài toán cho Bắc Kinh. Khu vực này có đường hàng hải sinh tử cho ba nền kinh tế có sức xuất khẩu rất cao là Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn, để bán hàng qua Âu Châu và Bắc Mỹ hoặc để mua nguyên nhiên vật liệu từ Úc và Trung Đông. Các đường hàng hải ấy phải đi qua năm eo biển chiến lược mà Bắc Kinh không kiểm soát nổi vì do Hoa Kỳ bảo vệ với sức mạnh của một siêu cường. Do đó, bài toán của ASEAN là làm sao cân bằng được sức ép của các cường quốc ở vòng ngoài và tìm cách dung hòa quan điểm với Hoa Kỳ để được bảo vệ.
- Khi Chính quyền Hoa Kỳ quyết liệt bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực chứ chẳng dễ thỏa hiệp với Bắc Kinh thì đấy là cơ may cho Đông Nam Á. Các nước phải cân nhắc lại quyền lợi kinh tế khi đi với Trung Quốc để kiếm ăn, nhưng vẫn cần sự yểm trợ quân sự của Hoa Kỳ để khỏi bị bóp cổ ngoài biển. Nửa thế kỷ sau khi thành lập và canh tân kinh tế, Hiệp hội ASEAN đang đối diện với thực tế phũ phàng đó mà không nước nào đủ mạnh để lãnh đạo toàn khối, hoặc có tiếng nói của một trưởng tràng. Ngẫm lại thì Việt Nam đã hụt cơ hội đó từ năm 1945 và nay còn mơ tưởng cơ hội trám vào khoảng trống do Trung Quốc để lại mà thực chất thì vẫn là kinh tế vệ tinh của Bắc Kinh!
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ ông  về cuộc phỏng vấn tuần này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét