(Theo Báo Thanh Niên)
Cá leo vẫn được bán ở các chợ nhưng mùa hội cá leo đã tuyệt tích -
THANH DŨNG
Lão ngư Nguyễn Văn Ngáo cười buồn:
“Mùa cá hội đã tuyệt tích rồi..." Giọng ông chùng xuống bởi từ lúc làm đê
bao, các loài cá kéo đi mất biệt.
Tháng này, nước lũ lại tràn về miền
Tây, nhìn con nước đục ngầu phù sa, lão ngư Nguyễn Văn Ngáo hi vọng năm nay
tôm, cá có nhiều giúp người hạ bạc có thêm thu nhập. Nhắc đến chuyện cá mắm,
lão ngư già lại tặc lưỡi hồi ức miên man mùa cá xưa, chuyện cá đầy đồng ngày
nào giờ chỉ còn là ký ức.
Nghe 'từ điển sống' kể chuyện cá, tôm
Ông Tư Ngáo (61 tuổi, ngụ xã Bình
Thạnh Đông, H.Phú Tân, An Giang) sống với nghề cá hơn 46 năm. Ở miệt này, ông
được ví như "từ điển sống" về cá, tôm do biết tường tận từng các loài
cá nước ngọt. Bạn cùng thời với ông nhiều người đã bỏ nghề, còn ông vẫn chưa dứt
hẳn.
Mùa cá chốt là mùa người dân tụm lại làm thuê náo nhiệt ở nông thôn nhưng ngày nay cá
chốt cũng ít dần ẢNH: THANH DŨNG
Cánh đồng ở cù lao Phú Tân được
bao bọc bởi những con sông lớn gồm sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao và vàm Cái
Đầm nên ngày xưa cá nhiều vô số.
Ông vẫn nhớ, con cá mở đầu cho
mùa hội là cá leo và cá ngựa. Ông Ngáo kể cá leo là cá da trơn, thường leo qua
bờ đất vào ruộng, nặng từ 1,5-3 kg. Còn cá ngựa (họ cá chép) thì từ sông rạch
“phóng” vào đồng nên ngư dân giăng lưới cao để tóm. Ông Ngáo tặc lưỡi, cá ngựa
nặng 1,5 kg, thịt béo lắm, kho lạt hay chưng tương rất ngon.
Mấy ai còn nhớ mùa hội cá khoai ở An Giang ẢNH: THANH DŨNG
Ông sôi nổi kể, khoảng 15.8 (âm lịch)
là mùa hội cá khoai. Ngày này cá khoai đi cả bầy trong đồng nên một ngày bắt cả
trăm kg cá là chuyện thường. Con cá khoai to nhất bằng ngón tay út, thân mình
thon tròn, dài khoản 5cm, kho ăn rất ngon. Đỉnh điểm của mùa hội là lúc cá linh
từ đồng sâu ào ào ra sông. Mùa cá linh kéo theo hội cá lìm kìm (hay cá nhái
sông, chuyên săn bắt cá linh gây xao động mặt nước).
Ông Ngáo kể: “Giăng lưới cỡ mắc
lưới 2 phân 2 (2,2 cm - PV) dính lúc nhúc cá lìm kìm, cá to gần bằng ngón tay
cái, đem kho hay làm khô ăn rất đã”.
Cá hô cũng không còn nhiều trong tự nhiên ẢNH: THANH DŨNG
Ông Ngáo nói loài cá cũng phân định
rạch ròi “đẳng cấp”, cá leo, cá ngựa đi "tiên phong" mở đường cho các
loài cá linh, lóc, rô, trê, chạch, sặc, lòng tòng, chốt, mè vinh, dảnh… tràn
vào đồng thì cá hô đất là con cá đánh dấu kết thúc. Ngư dân thả lưới trên đồng
bắt được nó là biết rằng các loài cá vào đồng hết. Ông mô tả :“Cá hô đất lạ lắm,
nó vào đồng trễ nhưng là loài cá đầu tiên ra sông, tháng 10 (âm lịch) bắt được
nó trên sông rạch ngư dân liền chuẩn bị ngư cụ vì biết đó là dấu hiệu cá sắp từ
đồng trở ra. Cá hô to lắm, khoảng 4kg một con nhưng đem thả nuôi trong đìa vài
mùa sau nặng mấy chục kg. Có đám tiệc bắt cá hô làm thịt đãi cả xóm”.
'Mùa cá hội đã tuyệt tích rồi...'
Sự rành mạch về cá đồng của ông
Ngáo làm cánh ngư dân trẻ kính nể. Ông Ngáo cười buồn: “Mùa cá hội đã tuyệt
tích rồi..." Giọng ông chùng xuống bởi từ lúc làm đê bao, các loài cá kéo
đi mất biệt. Ngày xưa, làm lúa mùa nổi nên đúng ngày 10.10 (âm lịch) là lúc cá
linh ra sông, khoản thời gian này không bao giờ xê dịch. Lúc này nước trong đồng
chuyển sang màu vàng au như nước trà quạu. Thứ nước ngư dân gọi là nước thúi,
có mùi hăng hắc khó chịu, làm cá tôm chết lềnh bềnh. Con tôm là con chết đầu
tiên vì chúng là loài ăn dơ nhưng ở phải sạch. Nước đó đuổi tháo cá linh, các
loài cá khác cuống cuồng ra sông, người dân gọi con nước đó là "mùa cá dại",
ông chặc lưỡi, giờ mùa cá dại không còn, mùa cá linh vẫn còn nhưng luồng cá
không ồ ạt như xưa.
Ông nói, loài cá lý thú lắm, ngư
dân hiểu nó nhưng không lý giải được. Như con cá rô biển, cá mang rỗ là loài cá
cuối cùng khép lại mùa cá đồng. Tháng 11 (âm lịch), ngư dân thấy 2 loài này là
biết rằng cá trong đồng đã rút ra sông gần hết. Ông nói :“Bắt cá rô biển bằng
tay dễ ợt, cứ ra bờ sông nào đó quậy cho nước sông đang trong trở nên đục ngầu
rồi mò xuống đất sình bắt từng con đang chúi trốn trong sình. Cá rô biển mình dẹp,
to bằng bàn tay xòe, nó khỏe lắm nhưng không hiểu sao lại kỵ nước đục đến thế.
Hồi đó, không có ai ăn cá này đâu. Giờ nó hiếm rồi, 1kg cả trăm ngàn đồng nhưng
kiếm mua không phải dễ. Còn cá hồng vện trước hay xuất hiện trong lũ nay cũng
không thấy”.
Một con cá leo khủng nặng 9kg bị sa lưới, ngày xưa cá leo to như thế rất
nhiều ẢNH: THANH DŨNG
Ổng Ngáo nói, ngày xưa, tháng này
cá tôm trên đồng nhiều lắm nên ngư dân bắt bán không xuể. Khi đó, chẳng ai bắt
cá linh non, cá lòng ròng ăn. Vậy mà nay chúng thành đặc sản. Nhìn xa xăm ra đồng
ruộng ông lại nhớ về lũ lớn năm 1992. Năm đó, khi nước rút ra sông, 1 ngày ông
bắt cả trăm kg cá chạch, bán được mấy trăm ngàn đồng, ông nhớ lúc đó giá vàng
hơn 400.000 đồng/ chỉ. Lũ năm 2014, tuy nhỏ, nước vào đồng thấp nhưng ông vẫn bắt
được nhiều cá lòng tong mương đem bán 50.000 đồng/1kg , loài cá này khi xưa ai
ăn.
Chỉ những ngư dân đang thả lưới
trên vàm Cái Đầm ông chậm rãi nói :“Xưa sống bằng nghề cá không sợ đói, cá có
mãn năm, hết mùa cá đồng lại đến cá sông. Cá sông có cá sửu, cá hú, cá tra, cá
lăn, cá sát, cá heo, éc, cóc…bắt không ngớt tay. Tôi và bao ngư dân khác sống
được, sắm được nhà, đất ruộng cũng nhờ tôm cá tự nhiên. Ngày xưa, cầm chài, cầm
lưới là có cá. Còn ngày nay đi bắt có khi về tay không. Lúc xưa, ngư dân không
cào xiệc điện như bây giờ nên nguồn lợi cá tự nhiên không bị hủy diệt”.
Thời buổi cá mắm ít, những lão ngư như Tư Ngáo giờ cá nhỏ, to gì dính
lưới cũng mừng ẢNH: THANH DŨNG
Ông Ngáo thở dài, chuyện tôm cá đầy
đồng mới đó nay đã là chuyện xưa. Ngày xưa ít ai ăn ốc đồng nhưng nay nó là đặc
sản mùa nước lũ. Chìa cho xem mớ cá rô, cá sặc roi roi vừa bắt được ông nói lúc
xưa đâu thèm chúng, giờ cá tôm đã cạn, ngư dân lão luyện như ông nào còn mộng
mơ cá nhỏ hay to.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét