Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018

7273 - Mẹ Nấm và các bà mẹ Việt Nam






Tôi đã có dịp coi phim tài liệu “Mẹ Vắng Nhà” do VOICE thực hiện, Clay Pham đạo diễn.
Tôi được biết phim này sẽ được chiếu rộng rãi tại Úc và nhiều nơi khác trong thời gian tới. Những ai chưa có dịp xem phim này nên dành chút thời gian đến xem và tìm hiểu. Nếu đã xem rồi, như tôi, thì vẫn nên tới, nếu có thể. Không phải để xem lần nữa, đối với tôi. Tôi tự biết cảm xúc của mình. Tôi thấy khó cầm lòng khi nhìn cảnh mẹ của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, vì tình thương dành cho mẹ, con và cháu của mình, mà phải gánh trên vai những trách nhiệm và những áp lực nặng trĩu oằn lên người. Bà Tuyết Lan phải vừa lo cho người mẹ của mình và hai cháu Nấm và Gấu từng ngày từng giờ, rồi lo cho sinh mạng của con mình đang ở trong tù, nhất là khi Như Quỳnh bị đối xử thâm độc đến mức phải tuyệt thực một thời gian dài. Coi các cảnh này tôi dễ bị bức xúc. Nó cũng làm cho tôi liên tưởng đến những tháng ngày Mẹ tôi vừa phải vất vả nuôi đàn con 10 đứa, vừa phải đi thăm nuôi ba tôi, trong cảnh cùng quẫn của một xã hội bị đảo ngược hoàn toàn sau 30 tháng Tư năm 1975. Hàng trăm ngàn gia đình Việt Nam cũng trong hoàn cảnh đó, không khác gì gia đình tôi.
Hơn bốn thập niên sau, xã hội Việt Nam đã thay đổi nhiều. Nhưng những cảnh trái ngang như thế vẫn đầy dẫy. Tại sao vô lý đến như vậy?
Tôi sẽ đến những nơi chiếu tại địa phương nếu có thể, không phải để xem, nhưng để bày tỏ sự cảm thông và lòng cảm phục vô hạn đối với bà Tuyết Lan, đối với Như Quỳnh, và tất cả những ai đang làm một cái gì đó, dù nhỏ nhoi đến mấy, để cùng góp một bàn tay, mang lại những thay đổi tích cực, cần thiết nhưng cũng vô cùng gian khó, hiện nay và sắp tới.
Hiện nay vẫn có những xã hội đầy dẫy bất công, không chỉ riêng gì Việt Nam. Sự bất công áp bức, khi đã ngự trị qua một thời gian dài, sẽ có những tác động vô cùng tiêu cực lên xã hội. Nó làm cho con người trở nên nhỏ mọn, ích kỷ, chỉ lo cho bản thân mình, bởi vì không ai bảo vệ được họ. Những người can đảm dám đứng lên bảo vệ người khác thì lại bị chế độ đàn áp, tù đầy hay bị áp lực tứ bề. Chúng ta cần thương hơn là trách móc. Lỗi không phải từ người dân. Không phải ai sinh ta cũng để làm anh hùng, và không biết sợ. Trong xã hội bất bình thường như Việt Nam, sợ là hậu quả của chính sách cai trị hà khắc, có chủ đích, kéo dài hơn bốn thập niên qua trên toàn nước, và được thi hành và củng cố bởi một bộ máy an ninh khổng lồ; các cơ chế và định chế khác của nó cũng không nằm ngoài mục đích đó.
Nhìn như thế, chúng ta càng thấy thương và cảm phục cho tất cả những ai đang khao khát tự do, độc lập và dân chủ, và đang góp phần thực hiện các mục tiêu này. Họ hiểu rõ rằng không có các giá trị này thì nhân phẩm không hề hiện hữu, và sống chẳng khác gì trong một nhà tù lớn, dù không có bốn bức tường chung quanh. Nhưng họ lại vô cùng cô đơn. Họ quả đúng là thành phần “phản động”, dám lội ngược giòng. Nhưng phản động đối với cường quyền và độc đoán để trở thành văn minh và tiến bộ thì là chuyển động. Tại sao không?
Coi phim này để thấy rằng cả một chế độ như thế mà lại đi làm những việc vô cùng hèn hạ, nhục nhã đối với gia đình bà Tuyết Lan. Chẳng hạn như thường xuyên sai người ném vào nhà bà nào gạch, nhớt, nước tiểu, phân vv... Nói chung là cực kỳ nhỏ nhen, ti tiện.
Tôi hy vọng phim này cũng sẽ được người ngoại quốc xem, càng nhiều càng tốt. Nếu được nên dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau ngoài tiếng Anh. Hy vọng nó sẽ được các đài truyền hình quốc gia trên khắp thế giới trình chiếu trên đài của họ.
Nên nhớ rằng một người bị hành hạ, ngược đãi, mà không ai lên tiếng, thì bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của hệ thống cai trị như thế.
Trên hết, tôi hy vọng người Việt, trong và ngoài nước, sau khi coi phim này, làm một số cử chỉ nhỏ, trong tầm tay mình, không có gì là nguy hiểm cả, để hỗ trợ cho bà Tuyết Lan, Như Quỳnh, và bao nhiêu người khác đang bị ngược đãi tại Việt Nam.
Một, quảng bá rộng rãi phim này đến người thân, bạn bè, đồng nghiệp, các người bạn ngoại quốc hay chính giới, khi các phim này có phụ đề bằng các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh. Ngoài ra, chúng ta tìm cách gọi về Việt Nam, đặc biệt bạn bè thân nhân mình quen biết, khuyến khích họ coi phim này khi được phổ biến rộng rãi trên YouTube, chẳng hạn.
Hai, khuyến khích những người sống ở gần gia đình bà Tuyết Lan cùng rủ nhau vào một ngày nào đó, mỗi người mang một bông hồng hay một biểu tượng gì đó, một nơ trắng, chẳng hạn, mang đến cài trước nhà bà. Hành động cảm thông, đoàn kết này không những làm kích lệ gia đình bà Tuyết Lan mà còn bao nhiêu tấm lòng đang ấp ủ chung một giấc mơ Việt Nam tươi sáng.
Tất nhiên chế độ sẽ tìm cách phá mọi nỗ lực liên kết và đoàn kết, mọi biểu tượng, ý chí hay hành động của người quan tâm. Nhưng đánh phá phương thức đấu tranh bằng biểu tượng tinh thần như thế không phải dễ. Hãy sẵn sàng để chụp hình quay phim hầu đưa các hình ảnh này đi khắp thế giới.
Ba, nhiều phong trào đấu tranh thành công trên thế giới đôi khi thu gọn lại trong một biểu tượng đoàn kết, trong đó có những con người tưởng mỏng manh yếu đuối nhưng thật ra là vô cùng kiên trì quyết tâm. Gia đình bà Tuyết Lan là một biểu tượng như thế. Cho nên quyết tâm đấu tranh để Như Quỳnh được về với mẹ, bà Tuyết Lan, để có cơ hội báo hiếu cho mẹ, và quyết tâm để Như Quỳnh được về với Nấm với Gấu, để chu toàn bổn phận làm mẹ, thì không còn lý do nào chính đáng hơn, ý nghĩa hơn, và vĩ đại hơn.
Hãy làm sao hàng vài ngàn, rồi vài chục ngàn người, rồi hàng trăm ngàn người, thường xuyên đi đến cài bông hồng hay nơ trắng lên nhà bà Tuyết Lan. Không cần nói ra, các biểu tượng này cũng có nghĩa hãy trả tự do cho Như Quỳnh vậy.
Tại sao gia đình bà Tuyết Lan là biểu tượng đấu tranh hiện nay?
Ngoài sự hy sinh và dấn thân của Như Quỳnh, gia đình bà Tuyết Lan là bốn thế hệ phụ nữ Việt Nam. Họ không hề yếu đuối. Họ chính là biểu tượng cho sức mạnh của dân tộc đằng sau hàng ngàn năm giữ nước của người Việt.
Bà ngoại, tức bà cố của Nấm, nay đã mất. Nhưng trong lúc thực hiện phim này, bà không còn đi đứng được nữa, không nói được nhiều, ngồi xe lăng suốt ngày. Nhưng qua vài câu ngắn ngủi, chúng ta hiểu được hai điều: một, tuy các việc làm của Như Quỳnh gây mọi thứ khó khăn cho gia đình, trong mắt bà ngoại, Như Quỳnh là người con (cháu) ngoan, giàu tình thương người, luôn giúp đỡ người khác mà bà tỏ vẻ tự hào; hai, Như Quỳnh không làm gì sai hay mất mặt gia đình cả.
Bà Tuyết Lan cũng nhìn Như Quỳnh như thế, qua các đoạn trong phim hay qua các cuộc đối thoại trực tiếp sau khi chiếu phim. Bà luôn khẳng định Như Quỳnh không làm gì sai cả.
Có lẽ vì bà ngoại và mẹ mình có tinh thần và niềm tin như thế nên dù khó khăn vô vàn, Như Quỳnh vẫn mạnh mẽ. Vẫn không chùng bước. Vẫn kiên trì suốt bao nhiêu năm qua cho đến khi bị bắt và bỏ tù.
Còn Nấm? Nấm không nói nhiều. Nấm có vẻ cô đơn, ở trường cũng như ở nhà. Nhưng với niềm tin và tinh thần mạnh mẽ như thế từ ba thế hệ trước mình, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu sau này Nấm sẽ là con người kiên cường, hiên ngang, dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải và sự thật.
Lúc đi thăm mẹ, cho đến giờ phút cuối, sau khi phải thương lượng với nhóm cai quản để được “khoan hồng”, thì mẹ con mới được ôm nhau một chút. Có thể nói đây là hình ảnh tiêu biểu nhất nói lên được bản chất thật sự của chế độ cầm quyền hiện nay. Những ai đã từng đọc “Đại Học Máu”, “Trại Đầm Đùn”, “Tôi Phải Sống” v.v… đều hiểu được cuộc sống trong tù cộng sản như thế nào. Dưới chế độ phong kiến, quân chủ hay thực dân, trẻ con đi thăm cha hay mẹ của mình trong tù có bị đối xử như thế không thì tôi không rõ. Nhưng chính sách đối xử tù nhân của cộng sản, nhất là tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm, thì có lẽ không có một chế độ tù nào tàn bạo và ác độc hơn. Tình mẫu tử thiêng liêng và bao la như thế mà sao họ có thể lạnh lùng đến mức đó! Như Quỳnh đâu có làm gì để phải bị xem như kẻ thù truyền kiếp, trong khi kẻ thù truyền kiếp thì họ lại coi còn hơn “16 chữ vàng”.
Cho nên qua bộ phim này, qua những con người thật việc thật, nó lại phơi bày hết bản chất và lột trần hết những tuyên truyền bóp méo lịch sử mà chế độ đã nỗ lực gần chín thập niên qua từ khi họ rước chủ nghĩa tai họa này để dán lên đầu dân tộc Việt Nam.
Sợ là một phản ứng tâm lý. Con người phải biết sợ thì mới xây dựng sự an toàn và an ninh tối đa cho mình trước những nguy hiểm đe doạ đến tính mạng, đến sự sống còn. Cho nên sợ có cả hai đặc tính chủ quan và khách quan. Sợ chủ quan là đánh giá không đúng đối tượng nguy hiểm, phần lớn là sợ quá để rồi nó lấn át cả lý trí của mình. Mọi chế độ độc tài đều muốn người dân của mình phải sợ như thế. Sợ khách quan là đánh giá đúng đối tượng nguy hiểm của mình, biết dùng lý trí để nhận định đúng mối nguy nằm ở đâu, cũng như nguồn gốc và nguyên do của nó.
Khi chính người dân nhận ra được rằng sợ, nhất là cái sợ chủ quan, không bổ ích mà còn lắm độc hại, thì đó là mốc điểm của sự chuyển hoá. Suy nghĩ lúc đầu như thế có thể làm người ta bất an, nhưng tập dần một thời gian, người ta sẽ nhận ra rằng nó thật sự tốt cho sức khoẻ, nhất là sức khoẻ tinh thần. Khi tin tưởng rằng mình có đủ khả năng để đối phó với cái sợ vô lý, đối phó với cái ác và cái bất công, để có một cuộc sống thật sự an toàn hơn thay vì những điều dối trá, điêu ngoa, thì não trạng của họ sẽ thay đổi. Đến lúc đó thay đổi sẽ đến.
Trước mắt, bốn thế hệ phụ nữ trong gia đình mẹ Nấm chẳng thấy họ sợ gì ngoài chân lý và lẽ phải.

(Úc châu, 27/07/2018)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét