Tiến sỹ Vũ Quang Việt, chuyên gia thống kê từ Hoa Kỳ, nhận định
"Vấn đề Đinh La Thăng" là vấn đề thuộc thể chế về quyền lực. Ủy ban kiểm tra trung ương vào đầu tháng này đề xuất kỷ luật
nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN Đinh La Thăng, người chịu trách nhiệm liên
quan đến nhiều vi phạm trong đấu thầu, đặc biệt là việc chỉ định nhiều gói thầu
lớn trái Luật Đấu thầu.
Trong bài viết đăng ngày 08/05 trên trang tin của Giáo sư Trần
Hữu Dũng, ông Việt nói đây là vấn đề chính chứ không phải sai phạm của ông
Thăng trong việc "chỉ định thầu".
Trong phần mở đầu bài viết, tác giả dẫn chiếu tới thực trạng
đẻ ra các tập đoàn kinh tế nhà nước lớn và kém hiệu quả thời Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng.
"Chỉ có thể hiểu được nguyên nhân sai phạm khi xem xét
nó trên cơ sở một chuỗi các quyết định rất chủ quan về điều hành kinh tế của Đảng
Cộng sản Việt Nam.
"Họ ảo tưởng rằng hình thành những tập đoàn lớn sẽ giúp
kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao….Và để tạo quả đấm thép này thì yêu cầu quan
trọng là giao cho một số lãnh đạo chính trị thực hiện quả đấm thép".
Kinh tế gia Vũ Quang Việt nói rằng trong khi ông Phan Văn Khải
thận trọng xem xét vấn đề thì Nguyễn Tấn Dũng nóng vội cho ra đời ngay trước và
sau khi lên nắm quyền nhiều tập đoàn lớn trong đó có Tập đoàn Than - Khoáng sản,
(VINACOMIN), Tập đoàn Tầu thủy (Vinashin), Tập đoàn Điện lực (EVN), Tập đoàn dầu
khí Petrovietnam (PVN)…
"Rõ ràng các quyết định thành lập hàng loạt tập đoàn,
nhằm cho phép chúng lập công ty con làm đầy đủ mọi thứ trên đời. Tệ nhất là cho
phép chúng liên kết lập ngân hàng huy động vốn một cách rất phiêu lưu khiến vốn
đi vay lớn hơn vốn tự có vài chục lần.
"Không những thế, Thủ tướng [Nguyễn Tấn Dũng] còn lệnh
cho các ngân hàng cấp vốn cho tập đoàn và công ty con cháu".
Theo tác giả Vũ Quang Việt, việc chỉ định thầu chính là cách
tạo ra sự sống cho công ty con cháu.
Ông Việt đặt câu hỏi về việc ông Thăng vi phạm Luật Đấu thầu
từ những năm 2005 mà không ai biết.
"Theo Luật Doanh Nghiệp 2003 thì mọi quyết định kinh tế
của ông Thăng nằm dưới quyền của Tổng chỉ huy Nguyễn Tấn Dũng, và trên đó là Đảng.
Luật Đấu Thầu cũng viết là khi liên quan đến "trường hợp cấp bách vì lợi
ích quốc gia" thì Thủ tướng có thể quyết định chỉ định thầu.
"Ủy ban Kiểm tra Trung ương có nói về việc ông Thăng lấy
tiền của PV góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương rồi mất vốn. Đây chính là quyền mà
Thủ tướng ký quyết định cho phép tập đoàn đầu tư vào ngân hàng.
"Những lỗi này xảy ra gần chục năm trước đây do yếu kém
năng lực, thế mà hệ thống Đảng vẫn tuần tự đưa ông ấy lên các chức vụ chính trị
cao và quan trọng hơn.
Như thế, theo tác giả, kết luận của Ban Kiểm tra rõ ràng là
chưa đi vào thực chất vấn đề và ông cho rằng vấn đề chính nằm ở điều ông gọi là
"nguyên nhân thể chế".
"Rõ ràng là quyền lập tập đoàn, doanh nghiệp mới, bổ
nhiệm người lãnh đạo thông qua dự án đầu tư đã được giao cho quan chức hành
chính (từ Thủ tướng trở xuống) mà không cần đến một cơ quan dân cử nào như Quốc
hội xem xét kỹ lưỡng và bỏ phiếu. Chủ trương coi kinh tế nhà nước là chủ đạo,
và dựa vào tập đoàn nhà nước và các công ty con cháu là quả đấm thép, do Đảng
chủ trương rõ ràng là nguyên nhân đưa đến đầy rẫy những trường hợp tương tự như
Đinh La Thăng.
Tác giả Vũ Quang Việt cho rằng "vấn đề
Đinh La Thăng là vấn đề thể chế về quyền lực"
"Và chủ trương đó đang làm giàu cho một số đảng viên
lãnh đạo, con cái và gia đình họ, và nhóm lợi ích bâu quanh. Còn nền kinh tế tiếp
tục đi xuống và xã hội ngày càng bất ổn.
"Vấn đề Đinh La Thăng là vấn đề thể chế về quyền lực,
chứ đâu phải chỉ định thầu. Quyền lực không kiểm soát là quyền lực tha hóa và bị
lạm dụng. Hệ thống quyền lực hiện nay vẫn không có gì thay đổi.
Quyền quản lý doanh nghiệp nhà nước và tài nguyên đất nước
đang tập trung vào tay một số cán bộ chính quyền hiện nay chỉ tạo cơ hội làm
giàu cho một số ít người có quyền. Và bằng mọi cách, họ sẽ bảo vệ quyền lợi này
của chính họ," tác giả kết luận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét