Thứ Tư, 10 tháng 5, 2017

Quá trễ để đền bù cho những ai thua thiệt vì toàn cầu hóa

Biên dịch: Nguyễn Hữu Quý An


Nguồn: Dani Rodrik, “Too Late to Compensate Free Trade’s Losers”, Project Syndicate, 11/04/2017.

 


Có vẻ như giới lãnh đạo kinh tế và chính trị thế giới ngày nay đã tìm ra được một sự đồng thuận về cách giải quyết xu hướng chống toàn cầu hoá, vốn đang bị những người theo chủ nghĩa dân tuý như Donald Trump tận dụng triệt để. Đã không còn những khẳng định mạnh mẽ rằng toàn cầu hoá mang lại lợi ích cho tất cả mọi người: giới tinh hoa giờ đây phải thừa nhận rằng toàn cầu hoá tạo ra kẻ thắng lẫn người thua. Nhưng đáp án thích hợp cho vấn đề này không phải là dừng lại hoặc đảo ngược xu thế toàn cầu hoá, mà là đảm bảo rằng những người thua thiệt được bù đắp.

Nouriel Roubini đã diễn tả một cách cô đọng xu hướng đồng thuận mới: sự chống đối xu thế toàn cầu hoá “có thể được kiềm chế và quản lý bằng các chính sách đền bù tổn thất cho những người bị thiệt hại”, ông lập luận. “Chỉ có như vậy họ mới có thể nghĩ tới việc dần dà gia nhập vào đội ngũ những người thắng cuộc”.

Luận điểm này dường như rất có lý, cả về mặt kinh tế lẫn chính trị. Các kinh tế gia từ lâu đã biết rằng toàn cầu hoá thương mại tạo ra sự tái phân bổ thu nhập và sự thua thiệt tuyệt đối cho một số nhóm người, dẫu nó khiến kích thước chiếc bánh kinh tế của một quốc gia tăng lên. Vì thế, các hiệp định thương mại hiển nhiên gia tăng sự thịnh vượng cho một quốc gia, nhưng chỉ khi những người chiến thắng bù đắp cho những người thua thiệt. Sự bồi thường đó cũng đảm bảo rằng việc mở cửa thương mại nhận được sự ủng hộ từ lực lượng cử tri đông đảo hơn và là một quan điểm chính trị tốt.

Trước khi ra đời nhà nước phúc lợi, mâu thuẫn giữa việc mở cửa và tái phân phối thu nhập chỉ được giải quyết bởi sự di cư trên diện rộng của nguồn nhân lực hoặc bởi việc tái áp đặt chính sách bảo hộ thương mại, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Với sự ra đời và lớn mạnh của nhà nước phúc lợi, sự căng thẳng dịu lại, tạo điều kiện cho tự do hoá thương mại gia tăng. Ngày nay những quốc gia tiên tiến với giao thương quốc tế lớn cũng là những nơi có hệ thống an sinh xã hội – hay các nhà nước phúc lợi – phát triển nhất. Nghiên cứu ở châu Âu cho thấy những người thua thiệt vì toàn cầu hoá thường mong muốn các chương trình an sinh xã hội và các biện pháp can thiệp vào thị trường lao động hơn.

Nếu sự chống đối tự do thương mại không trở nên quá mạnh mẽ ở châu Âu ngày nay, thì đó một phần là nhờ vào sự tồn tại mạnh mẽ của các hệ thống an sinh xã hội, dù chúng cũng đã suy yếu phần nào trong những năm gần đây. Sẽ không ngoa khi nói rằng nhà nước phúc lợi và nền kinh tế mở là hai mặt của một vấn đề trong phần lớn thế kỷ 20.

So với đa số các quốc gia châu Âu, Hoa Kỳ là kẻ đến sau trong cuộc chơi toàn cầu hoá. Mãi đến gần đây, thị trường nội địa rộng lớn và vị trí địa lý tương đối tách biệt đã bảo vệ Hoa Kỳ khỏi các mối lo về hàng hoá nhập khẩu, nhất là từ các quốc gia có chi phí nhân công thấp. Theo truyền thống, Hoa Kỳ cũng có hệ thống an sinh xã hội khá mỏng.

Khi Hoa Kỳ bắt đầu mở cửa cho hàng hoá nhập khẩu từ Mexico, Trung Quốc và các nước đang phát triển khác trong những năm 1980, người ta chờ đợi nó sẽ đi theo con đường của châu Âu. Thay vào đó, dưới sự dẫn dắt của Reagan, và tư tưởng thị trường tự do, nước Mỹ đã đi theo một hướng hoàn toàn ngược lại. Larry Mishel, chủ tịch Viện Chính sách Kinh tế đã kết luận rằng “việc làm ngơ những người thua thiệt là có chủ đích.” Năm 1981, “chương trình hỗ trợ điều chỉnh thương mại (TAA) là một trong những chính sách đầu tiên Reagan tấn công bằng cách cắt giảm việc chi trả hỗ trợ hàng tuần.”

Hậu quả vẫn tiếp diễn dưới thời các chính quyền của Đảng Dân chủ. Theo cách nói của Mishel thì “nếu những nhà thương mại tự do thực sự quan tâm tới tầng lớp lao động, họ đã có thể ủng hộ một loạt những chính sách hỗ trợ gia tăng tiền lương như: toàn dụng lao động, thương lượng tập thể, nâng cao tiêu chuẩn lao động, mức lương tối thiểu phù hợp, vv.” Tất cả những điều này đã có thể được thực hiện “trước khi tạo ra những “cú sốc” từ việc mở rộng thương mại với những nước có giá nhân công thấp.”

Liệu nước Mỹ có thể đảo chiều chính sách và đi theo những xu hướng mới? Quay lại thời điểm năm 2007, nhà khoa học chính trị Ken Scheve và nhà kinh tế học Matt Slaughter đã kêu gọi “một chính sách Kinh tế Mới dành cho toàn cầu hoá” tại nước Mỹ, một chính sách sẽ gắn việc can dự với nền kinh tế thế giới với việc tái phân phối thu nhập quy mô lớn.” Họ cho rằng chính sách này đồng nghĩa với việc áp dụng một hệ thống thuế liên bang mang tính lũy tiến hơn cho nước Mỹ.

Slaughter từng làm việc trong chính quyền của Đảng Cộng hoà dưới thời Tổng thống George W. Bush. Hiện nay nền chính trị Hoa Kỳ đã phân cực đến mức không thể tưởng tượng được một đề nghị như vậy lại có thể đến từ nội bộ Đảng Cộng hoà. Nỗ lực của Tổng thống Trump và các đồng minh trong Quốc hội để xoá đi chính sách bảo hiểm y tế mang dấu ấn của Tổng thống Barack Obama cho thấy rằng Đảng Cộng hoà kiên quyết thu hẹp chứ không phải là mở rộng các chính sách bảo trợ xã hội.

Sự đồng  thuận ngày nay về sự cần thiết phải bù đắp cho những nạn nhân của toàn cầu hoá dựa trên giả định rằng những người chiến thắng được cổ vũ bởi những lợi ích tự thân của họ – họ tin rằng bù đắp cho những người khác là cần thiết để duy trì một nền kinh tế mở. Nhiệm kỳ Tổng thống của Trump đã cho thấy một góc nhìn hoàn toàn khác: toàn cầu hoá, ít nhất là theo cách nó đang được diễn giải, dịch chuyển cán cân quyền lực về phía những người có kỹ năng và tài sản, giúp họ hưởng lợi từ nó, trong khi làm suy yếu bất kỳ sự ảnh hưởng nào từ việc tập hợp lại với nhau mà những người thua thiệt từng có. Như Trump đã cho thấy, sự bất mãn mới chớm đối với toàn cầu hoá có thể dễ dàng bị thao túng để phục vụ cho một mục đích hoàn toàn khác, có lợi cho giới tinh hoa hơn.

Các chính sách hỗ trợ luôn vấp phải một vấn đề mà các nhà kinh tế học gọi là “sự không nhất quán về thời gian.” Trước khi một chính sách mới, ví dụ như một thoả thuận thương mại, được ký kết, những người hưởng lợi đều có động cơ để hứa hẹn đền bù. Nhưng khi chính sách đã đi vào thực tế, họ không còn hứng thú thực hiện những cam kết đó nữa, có thể vì việc đó tốn kém và cũng có thể vì cán cân quyền lực dịch chuyển nghiêng về phía họ.

Thời gian phù hợp để tiến hành đền bù đã đến và đã trôi qua. Hai thập niên trước đây, có thể đó là một lối tiếp cận khả dĩ, nhưng hiện nay nó không còn là một phản ứng thiết thực đối với những tác động bất lợi của toàn cầu hoá nữa. Để bảo vệ những người thua thiệt, chúng ta cần cân nhắc thay đổi chính các quy luật của toàn cầu hoá.

Dani Rodrik là giáo sư ngành kinh tế chính trị quốc tế tại Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard. Ông là tác giả cuốn The Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World Economy, và gần đây nhất là cuốn Economics Rules: The Rights and Wrongs of the Dismal Science.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét