Ảnh ghép: Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (T) và tổng thống
Mỹ Donald Trump
REUTERS/KCNA handout via Reuters/File Photo &
REUTERS/Lucas Jack
Hiện giờ, trên hồ sơ Bắc Triều Tiên, chính quyền Donald
Trump vẫn tiếp tục chính sách gia tăng áp lực kinh tế lên Bình Nhưỡng, chủ yếu
là thông qua đồng minh và láng giềng Trung Quốc, đồng thời kèm theo lời đe dọa
hành động quân sự.
Chỉ mới tuần trước tổng thống Trump còn tuyên bố rằng, tuy
ông muốn giải quyết khủng hoảng Bắc Triều Tiên bằng con đường ngoại giao, nhưng
hoàn toàn có thể xảy ra một “cuộc xung đột lớn”. Nhưng hôm qua, ông lại nói sẵn
sàng gặp lãnh đạo Kim Jong Un.
Từ trước đến giờ chưa một tổng thống đương nhiệm nào của Mỹ
gặp một lãnh đạo của chế độ Bình Nhưỡng, kể từ thời Kim Nhật Thành, ông nội của
Kim Jong Un, cho đến thời Kim Jong Il, cha của ông.
Theo một số nhà phân tích được tờ New York Times trích dẫn
trong một bài báo đăng trên mạng ngày 01/05/2017, thái độ của ông Trump mở cửa
cho đối thoại phản ánh tác động của Trung Quốc, vì từ lâu Bắc Kinh vẫn thúc giục
Washington nói chuyện trực tiếp với Bình Nhưỡng. Kể từ khi tiếp xúc với chủ tịch
Tập Cận Bình vào tháng trước, tổng thống Trump đã ca ngợi lãnh đạo Trung Quốc
là rất sẵn sàng dùng ảnh hưởng của mình để làm thay đổi hành vi của chế độ Kim
Jong Un.
Theo lời ông Chritopher Hill, nhà ngoại giao lão luyện từng
là đặc phái viên về Bắc Triều Tiên dưới thời tổng thống George W. Bush, ông Kim
Jong Un chắc chắn rất mừng được gặp tổng thống Trump với tư cách lãnh đạo một
quốc gia hạt nhân này gặp lãnh đạo một quốc gia hạt nhân kia.
Trong những ngày qua, tổng thống Mỹ đã không ngớt lời thán
phục ông Kim Jong Un là đã “sống sót được” trên sân khấu chính trị đầy những
mưu mô thâm độc, tuy là một lãnh đạo trẻ, cụ thể là đã chống lại nỗ lực của người
chú Jang Song Taek nhằm giành quyền lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Sau khi bị thanh
trừng, người chú đầy quyền lực này đã bị ông Kim Jong Un ra lệnh xử tử không
thương tiếc.
Các tổ chức nhân quyền cũng nghi rằng chính ông Kim Jong Un
đã chỉ đạo vụ ám sát người anh cùng cha khác mẹ Kim Jong Nam ở sân bay Kuala
Lumpur, Malaysia, tháng 2 vừa qua. Không chỉ thanh trừng nội bộ, chế độ gia
đình trị họ Kim cho tới nay vẫn là một trong những chế độ tàn bạo nhất thế giới,
đưa Bắc Triều Tiên đến khánh tận và khiến tuyệt đại đa số người dân nước này vẫn
sống trong nghèo khó cùng cực.
Theo nhận định của New York Times, với việc tuyên bố sẵn
sàng gặp một nhà độc tài khát máu như Kim Jong Un, cũng như với việc mời đến
Nhà Trắng một lãnh đạo đã ra lệnh giết vô tội vạ hàng ngàn người trong chiến dịch
chống ma túy như tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ông Donald Trump muốn
tỏ cho thấy là ông có thể đạt thỏa thuận và nói chuyện với hầu như bất cứ ai,
như thể ông vẫn là một nhà doanh nghiệp tính toán chuyện làm ăn. Nói cách khác,
với Bắc Triều Tiên, tổng thống Trump sẵn sàng phá lệ, làm theo trực giác của
ông, thay vì theo đúng các chuẩn mực của ngoại giao.
Thế nhưng, theo các nhà ngoại giao và giới phân tích, đề nghị
đối thoại của ông Trump là quá sớm. Ngay chính phát ngôn viên của Nhà Trắng
Sean Spicer hôm qua cho rằng một cuộc gặp gỡ Donald Trump - Kim Jong Un sẽ
không sớm diễn ra. Còn phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ cũng ra tuyên bố rằng:
“Hoa Kỳ vẫn sẵn sàng cho các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều
Tiên, nhưng các điều kiện phải thay đổi trước khi tái lập thương thuyết, cụ thể
là Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân”. Về điều kiện này thì Bắc
Triều Tiên chẳng hề có ý định tuân thủ, vì người ta vẫn nghi là chế độ Kim Jong
Un đang chuẩn bị tiến hành vụ thử hạt nhân thứ sáu bất chấp các áp lực của quốc
tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét