Thứ Ba, 9 tháng 5, 2017

Việt Nam: Giáo dục lụn bại, lập dự án chỉ để lấy tiền



Hết thế hệ này đến thế hệ khác tại Việt Nam bị biến thành “chuột bạch” vì hàng loạt kế hoạch, chương trình thí điểm. (Hình: Người Lao Động)


Không chỉ kinh tế mà giáo dục Việt Nam cũng lụn bại. Lý do khiến lĩnh vực có tính chất nền tảng này lao xuống dốc là vì các viên chức chỉ quan tâm đến việc lấy thật nhiều tiền. Tờ Người Lao Động vừa công bố một loạt bài về các dự án giáo dục trị giá hàng ngàn tỉ chỉ đem lại hiệu quả duy nhất là gây rối loạn hoạt động giáo dục trên bình diện quốc gia.

Dẫn đầu về mức độ tốn kém là “Dự án Ngoại ngữ Quốc gia 2020”, trị giá 9.300 tỉ đồng. Dự án này được phê duyệt năm 2008 nhằm “đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học”. Theo dự án, vào năm 2015, sẽ có thay đổi rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực, đặc biệt là trong một số lĩnh vực được xác định là ưu tiên. Đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng có đủ năng lực về ngoại ngữ để tự giao tiếp, học hành, làm việc trong môi trường hội nhập đa ngôn ngữ, đa văn hóa.

Sau tám năm triển khai và đã ngốn hết 5.400 tỉ đồng, tháng 10 năm ngoái, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo, thú nhận với Quốc hội Việt Nam rằng khi hết thời hạn thực hiện (2020), “Dự án Ngoại ngữ Quốc gia 2020” vẫn không thể đạt mục tiêu.

Theo tờ Người Lao Động, tính đến cuối năm 2016, trên toàn Việt Nam chỉ khoảng 1,6 triệu/7,8 triệu học sinh ba lớp cuối bậc tiểu học được học tiếng Anh 4 giờ/tuần, trong khi “Dự án Ngoại ngữ Quốc gia 2020” xác định, đến 2020 sẽ có 100% học sinh học tiếng Anh trong mười năm (từ lớp ba đến lớp 12).

Sau tám năm thực hiện “Dự án Ngoại ngữ Quốc gia 2020”, điểm trung bình môn ngoại ngự trong kỳ thi tốt nghiệp cấp ba chỉ là 3,43/10. Điểm thi môn ngoại ngữ của 399.429 (tương đương 84%) thí sinh dưới trung bình.

Tờ Người Lao Động dẫn ý kiến nhiều chuyên gia nhằm chứng minh “Dự án Ngoại ngữ Quốc gia 2020” là một sự hoang tưởng và đáng lưu ý nhất là Bộ Giáo dục – Đào tạo Việt Nam không quan tâm đến tính khả thi mà chỉ chuyên chú vào chuyện giải chi (triển khai để rút tiền từ ngân sách).

Ngoài “Dự án Ngoại ngữ Quốc gia 2020”, Bộ Giáo Dục – Đào tạo Việt Nam còn lập “Dự án Mô hình trường học mới”, gọi tắt là VNEN. Tuy cơ quan này đã xài hết 84,6 triệu Mỹ kim viện trợ và 3 triệu Mỹ kim mà chính quyền Việt Nam góp thêm nhưng sau niên khóa 2012 – 2013 (niên khóa đầu tiên triển khai VNEN) phụ huynh nhiều nơi đã yêu cầu ngưng thực hiện VNEN vì học lực của con cháu họ sụt giảm.

Trước sự phản ứng quyết liệt của phụ huynh, chính quyền nhiều tỉnh như: Hà Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bà Rịa – Vũng Tàu,… đã chính thức gửi công văn cho Bộ Giáo dục – Đào tạo Việt Nam, đề nghị ngưng mở rộng VNEN theo kế hoạch. VNEN là sự sao chép một mô hình của Columbia trong giáo dục. Những đặc điểm giúp Columbia thành công lại không phù hợp với Việt Nam. Một chuyên gia giáo dục nói với tờ Người Lao Động rằng, VNEN thất bại vì giới lãnh đạo ngành giáo dục Việt Nam không thèm giải thích mà chỉ lẳng lặng triển khai cái mới rồi để cho các mô hình tự kết thúc trong im lặng. Dẫu 84,6 triệu Mỹ kim là tiền chùa thì cũng không thể phung phí, đặc biệt không thể biến học sinh của hơn 4.000 trường tiểu học thành đối tượng thí nghiệm trong một giai đoạn và kết quả ra sao thì không cần biết!

Tờ Người Lao Động cũng đã nhắc lại “Dự án phân ban ở bậc trung học”, thực hiện từ năm 1993. Theo dự tính ban đầu, chương trình giáo dục sẽ chia thành ba ban: A (tự nhiên), B (kỹ thuật), C (xã hội) cho học sinh cấp ba lựa chọn. Trong thực tế, không học sinh nào chọn ban B nên chỉ còn hai ban A và C. Năm 1998, Luật Giáo dục thủ tiêu “Dự án phân ban ở bậc trung học”.

Năm 2003, Bộ Giáo dục – Đào tạo Việt Nam lại tiếp tục thực hiện một dự án phân ban mới ở bậc trung học. Lúc này chỉ còn ba ban là cơ bản, tự nhiên và xã hội. Suốt từ đó đến 2014, Bộ Giáo dục – Đào tạo Việt Nam liên tục điều chỉnh các qui định về phân ban, có lúc chia thành… bốn ban A,B,C,D khi học sinh lên tới lớp 12 nhưng điều chỉnh thế nào thì phụ huynh và học sinh cũng chỉ chọn ban cơ bản. Năm 2014, đề thi vào đại học của tất cả các ngành chỉ hỏi về kiến thức tổng quát và được xem như dấu chấm hết cho nỗ lực phân ban sau khi Bộ Giáo dục – Đào tạo Việt Nam đã chi ra nhiều ngàn tỉ. Điểm đáng nói là cho đến nay, Bộ Giáo dục – Đào tạo Việt Nam không hề đả động gì đến hậu quả cũng như trách nhiệm của nỗ lực phân ban.

Dự án mới nhất mà Bộ Giáo dục – Đào tạo Việt Nam đang triển khai có tên là “Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông”. Dự án này trị giá 80 triệu Mỹ kim trong đó có 77 triệu là tiền vay của World Bank và bị nhiều chuyên gia giáo dục xem là “rất dễ thất bại” vì hết sức chung chung, giống như nhiều dự án trước đó.

Giống như tất cả các lĩnh vực khác, Bộ Giáo dục – Đào tạo Việt Nam rất thích thí điểm bằng các dự án. Nếu các kế hoạch, chương trình thí điểm thất bại thì chỉ cần “rút kinh nghiệm” là… xong! (G.Đ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét