Nghê Khuông là người nghiên cứu sâu nhất về Kim Dung tại Hồng
Kông. Theo Nghê Khuông, Lộc Đỉnh Ký – tác phẩm “phong bút” của Kim Dung, là “cuốn
tiểu thuyết xuất sắc nhất mọi thời đại, ở Trung Hoa cũng như trên thế giới.”
Ông còn lập ra một hệ thống phân loại các nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung,
trong đó Vi Tiểu Bảo được ông xếp hạng “thượng đẳng” vì tính cách rất đời thực
với đầy những lầm lỗi đặc trưng của con người, trái ngược với Quách Tĩnh hoàn hảo
nhưng nhàm chán (không được Nghê Khuông xếp hạng).
Tại cuộc hội thảo về Kim Dung tổ chức tại Đài Loan nhân dịp
các tác phẩm của ông được chính thức phát hành (sau một thời gian dài cấm
đoán,) những cuộc bàn luận về Vi Tiểu Bảo đã chiếm ba phần tư thời lượng chương
trình. Sức hút mạnh mẽ của Vi Tiểu Bảo khiến Lộc Đỉnh Ký trở thành trường thiên
tiểu thuyết đầu tiên của Kim Dung được dịch sang tiếng Anh, từ đó tiếng tăm của
tên “tiểu gia hỏa”(*) này càng trở nên lừng lẫy, thu hút đông đảo sự chú ý của
giới học thuật.
Vi Tiểu Bảo – kẻ “tiểu nhân” nhiều người muốn noi gương
Sự yêu thích đặc biệt của độc giả với Vi Tiểu Bảo không phải
là ngẫu nhiên. Trái ngược với những anh hùng khác của Kim Dung, Vi Tiểu Bảo
chúa ghét việc khổ luyện võ nghệ, chẳng có tấm lòng cứu nhân độ thế, lại càng
không dũng mãnh phi thường. Song những thành tựu chính trị mà Quách Tĩnh, Dương
Quá, Tiêu Phong, Trương Vô Kỵ đạt được đều thật nhỏ nhoi so với Vi Tiểu Bảo. Y
hành hung thành công Ngao Bái – khai quốc công thần của nhà Thanh, phá hủy Thần
Long giáo, đạt được hiệp ước biên giới với Nga, làm suy yếu thế lực của đại Hán
gian Ngô Tam Quế, điều đình với sứ giả Mông Cổ-Tây Tạng…
Không những thế, Vi Tiểu Bảo còn dính dáng rất sâu với các
thế lực giang hồ: y kiêm chức Hương chủ của Thiên Địa hội, Bạch Long Sứ của Thần
Long Giáo, bái Trường Bình công chúa nhà Minh làm sư phụ, lại có ơn với bọn Mộc
vương phủ, phái Vương Ốc, Lý Tây Hoa,… Có thể nói Vi Tiểu Bảo vừa là một đại
công thần của nhà Thanh vừa là một yếu nhân bậc nhất trong võ lâm. Không những
thế, Vi Tiểu Bảo còn là phú ông giàu có nhất, ông chồng nhiều diễm phúc nhất của
Kim Dung với kho báu Lộc Đỉnh Sơn và bảy người vợ như hoa như ngọc.
Thế nhưng bất chấp những chiến tích đó, Vi Tiểu Bảo vẫn là một
tên lưu manh dễ gần. Tiêu Phong, Quách Tĩnh giống núi Thái Sơn khiến người ta
cúi rạp mình ngưỡng mộ. Dương Quá, Viên Thừa Chí là cánh chim tiêu sái vô định
nằm ngoài tầm với. Vi Tiểu Bảo lại giống một người bạn mà ta có thể cùng chén
chú chén anh, thậm chí hứng chí lên còn vò đầu, đá đít y một cái.
Cách Kim Dung dẫn dắt câu chuyện khiến người đọc cảm thấy Vi
Tiểu Bảo có tài ứng biến khôn lường, luôn dễ dàng chuyển nguy thành an, song họ
cũng có thể làm được như vậy. Một tên vô lại thất học thì tài cán đến đâu cơ chứ!
Những cuộc phiêu lưu của Vi Tiểu Bảo luôn ly kỳ, nhưng không đến nỗi bất khả
thi. Học võ thì khó, làm anh hùng hào kiệt lại càng khó, chứ giàu có, vợ đẹp
như Vi Tiểu Bảo thì chỉ cần có chút vận may là được. Đây chính là nét hấp dẫn
“thoát ly thực tế” (escapism) của Lộc Đỉnh Ký.
Thấy phụ nữ là thấy tiềm năng lợi nhuận
Trên thực tế, tạo nên một Vi Tiểu Bảo tầm thường một cách
phi thường như vậy không phải dễ dàng. Kim Dung thú nhận đã từng có cảm giác
chán ghét Vi Tiểu Bảo khi bắt đầu viết Lộc Đỉnh Ký. Thế nhưng càng viết về y,
ông càng bị chính nhân vật của mình cuốn hút. Khi Lộc Đỉnh Ký đi đến hồi kết,
Kim Dung đã coi tên nhãi ranh tinh quái này là tri kỷ. Viết về Vi Tiểu Bảo là
cách Kim Dung rà soát lại những quan điểm của chính mình về các khái niệm anh
hùng, hiệp nghĩa, ái quốc, dân tộc. Trên hết, ông đã gửi gắm vào nhân vật này
những trăn trở, ám ảnh về tư tưởng nhất thống Trung Hoa.
Khi bắt đầu câu chuyện, Vi Tiểu Bảo nằm ở nấc thang cuối
cùng của xã hội phong kiến nam quyền, đơn giản bởi y là con trai của một kỹ nữ.
Xuất thân của y có hai tầng nhơ nhuốc: thứ nhất, y là kẻ không cha, nghĩa là
không có nguồn gốc. Thứ hai, mẹ y là món đồ chơi của tất cả các gã đàn ông có
tiền, tức là ai ai cũng có thể làm “cha hờ” của Vi Tiểu Bảo! Về khoản này,
chính Vi Tiểu Bảo đã thừa nhận:
Y nhón chân đi tới ngoài phòng mẹ, vừa thò đầu vào, thấy
trong phòng không có ai, biết mẹ đang tiếp khách, nghĩ thầm “Mẹ kiếp, không biết
lại là thằng khách ôn dịch nào đang chơi mẹ mình, làm cha hờ của mình đây”.
Khi vào cung, Vi Tiểu Bảo giả trang làm một thái giám nhỏ, lại
lấy tên là Tiểu Quế Tử. Bị triệt tiêu bộ phận sinh dục nam, các thái giám trong
cung là một tầng lớp đặc biệt trong xã hội: không phải đàn ông cũng không phải
đàn bà. Việc biến thành thái giám (dù chỉ là tạm thời) một lần nữa nhấn mạnh
khía cạnh “nhu nhược” của Vi Tiểu Bảo. Từ “quế” lại đồng âm với “quy” – con
rùa, do đó Tiểu Quế Tử cũng có thể được hiểu là ‘thằng rùa nhỏ.” Ở Trung Hoa,
chửi ai đó là “đồ rùa đen” là một sỉ nhục rất nặng, vì nó ám chỉ kẻ kia bị cắm
sừng. Chi tiết này tương ứng ứng với hoàn cảnh “con trai kỹ nữ” mà ta vừa nói đến
ở trên. Ở giai đoạn này, Vi Tiểu Bảo đã hoàn toàn bị tước đoạt những yếu tố nam
tính: từ xuất thân đến thể xác (ẩn dụ,) và cả tên gọi nữa. Y không có sự tôn trọng
của bất kỳ ai, kể cả đầy tớ trong Lệ Xuân Viện nơi y sinh ra cũng khinh thường
y.
Ước mơ của Vi Tiểu Bảo rất đơn giản: từ nhỏ y đã muốn vung
tiền trong Lệ Xuân Viện một phen ba ngày ba đêm cho thỏa chí bình sinh, nếu có
thể làm lão bản mở kỹ viện riêng thì càng tốt! Sau này khi trở thành quan đại
thần của nhà Thanh, mộng ước ngày xưa không thể thực hiện được nữa, y lại đưa mẹ
năm vạn lạng bạc để mở Lệ Hạ Viện, Lệ Thu Viện, Lệ Đông Viện cạnh tranh cho Lệ
Xuân Viện sập tiệm. Mỗi khi gặp một mỹ nhân nào, dù đó có là công chúa hay giáo
chủ phu nhân, việc đầu tiên của Vi Tiểu Bảo là tính toán mức độ “hút khách” nếu
nàng làm kỹ nữ, quả thực mật lớn bằng trời. Thậm chí thái hậu đương thời trong
mắt y cũng chỉ là “con đĩ già.” Ví dụ khi gặp Tô Thuyên kiều diễm âm độc, y
không sợ chết mà lại nghĩ như sau:
Vi Tiểu Bảo từ xa nhìn, thấy bàn tay đúng là như bạch ngọc tạc
thành, trong lòng lập tức nảy ra ý nghĩ “Nữ nhân này mà làm vợ mình cũng không
phải kém. Nàng mà tới Lệ Xuân viện làm ăn, thì khách chơi ở Dương Châu sẽ ùn ùn
kéo tới xô vỡ cả cổng lớn Lệ Xuân viện”.
Hay khi diện kiến đệ nhất mỹ nhân Trần Viên Viên – người khiến
cả Sùng Trinh, Ngô Tam Quế, Lý Tự Thành mê đắm, Vi Tiểu Bảo không mất công suy
ngẫm về lịch sử hay mối họa vong quốc mà chỉ nghĩ cách kiếm lời:
“Bà ta vừa đàn vừa nói chuyện thế này, rất giống các tiên
sinh kể chuyện ở Tô Châu vừa đàn vừa kể chuyện. Mình nói chuyện vài câu với bà
ta, phụ họa vài tiếng, trở thành người giúp việc của tiên sinh kể chuyện. Hai
người chúng ta mà tới quán trà ở Dương Châu làm ăn, đảm bảo sẽ làm chấn động cả
thành Dương Châu, cả quán trà cũng bị chen lấn vỡ toang. Mình dựa vào bảng hiệu
của bà ta, tự nhiên cũng sẽ nổi tiếng”
Rõ ràng đối với Vi Tiểu Bảo, phụ nữ là một thứ “tư bản”
(capital) – những vật thể có giá trị, có khả năng đo lường được sự giàu sang của
người sở hữu chúng. Thế giới quan của Vi Tiểu Bảo được môi trường kỹ viện hun
đúc mà nên, môi trường đó vừa rẻ rúng người phụ nữ, biến họ thành hàng hóa, vừa
tước đoạt bản ngã nam giới của Vi Tiểu Bảo, khiến y nung nấu ý chí báo thù. Mẹ
y là sở hữu của vô vàn đàn ông thì y sẽ sở hữu vô số đàn bà. Sự thèm khát phụ nữ
của họ Vi không đến từ nhu cầu tình dục đơn thuần. Đối với Vi Tiểu Bảo, thu thập
đàn bà là cách y bồi đắp cho mình một nhân thân mới, từ đó trở thành một nam
nhân thực thụ.
Về mặt này, Trương Hải Hồng đã nhận xét: “Vi Tiểu Bảo thân
không võ công, nhút nhát sợ việc, lại không phải bậc hảo hán nghi biểu đường
hoàng, về bề ngoài và tinh thần đều đáng xếp vào hàng anh hai thỏ. Nhưng nói tới
phụ nữ thì Vi Tiểu Bảo lại đặc biệt to gan, loại nào cũng dám chọc vào, đúng là
dũng cảm điên cuồng, mù quáng. Món điểm tâm Song Nhi trước bữa ăn, canh cay Yến
Ninh công chúa, uyên ương bỏ lò Phương Di, rau tươi thanh đạm Mộc Kiếm Bình, Phật
trèo tường A Kha,… y đều nếm tất. Ngay cả tôm rồng đầy gai Tô Thuyên y cũng nhận
lấy, nhấc đũa vung gươm khoái trá ăn luôn. Bản lĩnh của y là coi mọi người như
nhau, làm bừa làm bãi, kéo hết Mãn Hán vào một chiếu, có thể nói là nhà hàng ăn
đứng đầu trong dã sử. Đàn ông đều muốn làm Vi Tiểu Bảo, nhưng đều không làm được.”
Chinh phục gái: biểu tượng của thu phục về chính trị và văn
hóa
Thế nhưng quá trình gom vợ của Vi Tiểu Bảo không chỉ là câu
chuyện của một cá nhân. Rõ rệt hơn, nó là biểu tượng cho ý nghĩa nhất thống văn
hóa của Lộc Đỉnh Ký. Ở cuối truyện, tác giả hé lộ cho ta biết về lai lịch của
Vi Tiểu Bảo: mẹ y tiếp đủ mọi khách, chỉ thiếu người Tây Dương. Vi Tiểu Bảo là
sự kết hợp của năm dòng máu Hán, Mãn, Mông, Hồi, Tạng, nói cách khác, y chính
là ngụ ngôn của dân tộc Trung Hoa – một dân tộc kiêu ngạo, hãnh tiến, nhưng
không ít lần trải qua những giai đoạn “nhược tiểu.” Nếu giải pháp của Vi Tiểu Bảo
là sưu tập nữ nhân, thì giải pháp của dân tộc Trung Hoa là thu phục về chính trị
và văn hóa.
Thử nhìn lại lai lịch bảy người vợ của Vi Tiểu Bảo: Tô
Thuyên là phu nhân giáo chủ Thần Long Giáo gian hiểm, Song Nhi là người của
Trang gia bị hại bởi văn tự ngục, Kiến Ninh công chúa nhà Thanh nhưng thực ra gốc
gác thuộc Thần Long Giáo, Phương Di và Mộc Kiếm Bình của Mộc vương phủ Vân Nam,
Tăng Nhu phái Vương Ốc, A Kha con gái Sấm Vương Lý Tự Thành. Bảy người bọn họ đến
từ những tổ chức lớn nhỏ khác nhau nhưng cùng chung mục đích phản kháng triều
đình nhà Thanh. Về cuối truyện, họ đều bị Vi Tiểu Bảo thâu tóm bằng nhiều thủ
đoạn.
Quá trình chinh phục mỹ nhân của Vi Tiểu Bảo chính là ẩn dụ
cho quá trình chinh phạt các thế lực chống đối, quy Trung Hoa về một mối của
nhà Thanh. Ngay trong Lộc Đỉnh Ký, những cuộc tình của Vi Tiểu Bảo luôn diễn ra
song song với việc khuất phục “thù trong giặc ngoài” của Khang Hy: bức hàng họ
Trịnh ở Đài Loan, vô hiệu hoá Thiên Địa Hội, triệt thoái Nga La Tư-Mông Cổ-Tây
Tạng, dẹp loạn Tam Phiên,…
Cung cách của một Trung Hoa xâm lược và gây hấn
Thế nhưng trong quá trình viết Lộc Đỉnh Ký, Kim Dung luôn ý
thức được tính thái quá, lố bịch, thậm chí cực đoan trong nền móng cai trị của
Trung Quốc. Đối với nhân vật Vi Tiểu Bảo, việc tích luỹ đàn bà luôn sóng đôi với
thắng lợi chiến tranh và hạ nhục kẻ thù. Quá trình này bắt đầu với những sự việc
tưởng chừng rời rạc, nhưng khi nhìn một cách tổng thể, chúng đã khắc họa rõ nét
tâm lý xâm lược/gây hấn của y. Vi Tiểu Bảo ôm ấp Phương Di trong chăn, trên kiệu
chưa đủ, y phải chôn sống, đái lên đầu Lưu Nhất Chu người yêu nàng mới thỏa ý.
Y dùng bàn tay Lạt ma sờ lên má A Kha, trêu ghẹo nàng, cưỡng hiếp nàng vô cùng
khoái trá, nhưng y thích thú hành hạ tình địch Trịnh Khắc Sảng còn hơn thế. Vi
Tiểu Bảo ngủ với Tô Thuyên khiến nàng có thai, rồi lại giết chết Hồng giáo chủ
– kẻ bị y cắm sừng. Những cặp phạm trù hiếp/giết trên gây liên tưởng mạnh mẽ đến
những cuộc chiến tranh mà đàn bà bị cưỡng dâm, bắt làm nô lệ, đàn ông bị xử tử.
Do cách viết bông đùa của Kim Dung, những hành động của Vi Tiểu Bảo khiến chúng
ta bật cười thay vì tức giận, nhưng ẩn sau đó là tư tưởng chiếm đóng, xâm lấn của
dân tộc Trung Hoa.
Tâm lý này được phát tác đến đỉnh điểm trong chuyến xuất mã
thu phục “quỷ La Sát” (quân Nga) của Vi Tiểu Bảo. Tâm lý chiến được Vi Tiểu Bảo
áp dụng là lột truồng quân địch, dọa thiến chúng. Chiến lược đánh trận thật sự
của y lại bắt nguồn từ một trò chơi: y đái vào ống nước bắn lên thành, từ đó
nghĩ ra kế làm những vòi rồng (thủy long) phun nước nóng vào thành, khuất phục
quân địch. Ngay cả viên tướng Nga khi bại trận cũng bị chính lính của y lột trần
truồng. Những vòi rồng phun nước đầy tính phồn thực là biểu tượng cho sức mạnh
dương tính vượt trội của nhà Thanh, áp đảo quân thù. Món quà kỉ niệm chiến thắng
Vi Tiểu Bảo gửi cho công chúa Tô Phi Á (Sophia) chính là một bức tượng khỏa
thân của y với dòng chữ “Ta mãi mãi yêu cô” – Kim Dung còn thêm vào chi tiết
các phụ nữ Nga hay đến ve vuốt hạ thể bức tượng để cầu xin con trai. Hệ tư tưởng
“Chinese Supremacy” vậy là đã được đẩy đến cùng cực rồi. Cuối cùng, khi kí văn
tự Điều ước Ni Bố Sở (Treaty of Nerchinsk), Vi Tiểu Bảo chỉ viết nguệch ngoạc một
chữ Tiểu (小):
Vi Tiểu Bảo cả mừng, nghĩ thầm viết chữ Tiểu thì mình nắm chắc
trong tay, lúc ấy bèn nhấc bút lên, vẽ một hình tròn bên trái, một hình tròn
bên phải sau đó sổ một nét thẳng xuống ở giữa.
Sách Ngạch Đồ mỉm cười nói “Được rồi, viết rất đẹp”. Vi Tiểu
Bảo nghiêng đầu ngắm nghía chữ Tiểu, đột nhiên ngẩng lên trời cười rộ. Sách Ngạch
Đồ ngạc nhiên hỏi “Vi đại soái có gì mà cười?”. Vi Tiểu Bảo cười nói “Ngươi
nhìn chữ này một con chim hai quả trứng, há không phải là như thế sao?”. Các
quan lớn bên nhà Thanh không kìm được đều hô hô cười rộ, cả đám tùy tùng và
thân binh cũng cười thành tiếng.
Lộc Đỉnh Ký được coi là một kỳ thư, và cũng là tác phẩm Kim
Dung tự cho là hay nhất của mình. Nhân vật chính Vi Tiểu Bảo thì đã hóa thành một
phần không thể thiếu của văn hóa đại chúng Trung Quốc. Nhiều cuốn sách trở nên
rất ăn khách nhờ bàn về việc áp dụng tính cách của Vi Tiểu Bảo vào đời sống hay
kinh doanh, ví dụ như Vi Tiểu Bảo thần công của Liu Tianci, Sang Mỹ dự Lộc Đỉnh
Ký của Feng Liangnu, Vi Tiểu Bảo khải thị lục của Jin Ge, Khả dĩ để hiếu liêm:
Vi Tiểu Bảo thoại thuyết của Zhang Mu.
Cuộc đời của Vi Tiểu Bảo có nhiều cái “số Một”: y là học trò
của đệ nhất võ lâm Trần Cận Nam, đã từng diện kiến đệ nhất mỹ nhân Trần Viên
Viên, kết giao với đệ nhất gian hùng Ngô Tam Quế, biết được bí mật kho báu đệ
nhất thiên hạ Lộc Đỉnh Sơn. Thế nhưng Kim Dung không bao giờ cho phép người đọc
quên đi hai điều: thứ nhất là xuất thân thấp hèn của Vi Tiểu Bảo, thứ hai là
trình độ văn hóa vô cùng “ọt ẹt” của y.
Những người anh hùng trong tiểu thuyết Kim Dung đa phần là
những hán tử thô hào, lỗ mãng, ít năng khiếu văn thơ. Thế nhưng Vi Tiểu Bảo là
một trường hợp cá biệt. Y hoàn toàn mù chữ, nhưng lại mê truyện xưa tích cổ.
Trí nhớ của y lèm nhèm không tốt, nhưng lại có khả năng biến báo thần kỳ. Nền
văn minh vĩ đại của dân tộc Trung Hoa khi lọc qua Vi Tiểu Bảo đã biến thành một
phiên bản lỗ chỗ, “tạp pí lù,” chẳng khác nào phản chiếu của một tấm gương biến
dạng, thế nhưng phiên bản đó vẫn đặc sệt tư duy Đại Hán. Và tư duy đó chính là
nền tảng đem đến “đại công cáo thành” cho Vi Tiểu Bảo, dù không theo cách mà ta
mong đợi. Đó là những điểm mà chúng ta cần phân tích trong bài này.
Biến dạng văn hóa tầng thứ nhất: đụng đến chữ nghĩa là dùng
sai
Ở tầng thứ nhất của sự biến dạng văn hóa, Vi Tiểu Bảo thường
xuyên sử dụng sai các thành ngữ, tục ngữ, tên gọi. Những câu nói sai của Vi Tiểu
Bảo là một kho tàng truyện cười của Lộc Đỉnh Ký. Song chớ coi thường chúng. Kim
Dung đã sử dụng chính những trò đùa bông lơn này để khắc họa tính cách Vi Tiểu
Bảo. Một lời nói ra bốn ngựa (tứ mã) khó đuổi đã bị y thay bằng ngựa chết (tử
mã). Ngựa chết thì còn đuổi thế nào? Hay “Nghiêu Thuấn Vũ Thang” là mỹ từ để ca
tụng những vị vua tài đức, lấy từ danh hiệu của Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Đại Vũ,
Thành Thang. Biết Khang Hy thích được nịnh là Nghiêu Thuấn Vũ Thang, Vi Tiểu Bảo
rất chăm chỉ vỗ mông ngựa, song y luôn nói nhầm thành “điểu sinh ngư thang”
(canh chim-sinh-cá).
Vi Tiểu Bảo là một con vẹt lặp lại những câu nói hoa mỹ chứ
trong bụng y không có một mảy may chữ nghĩa thánh hiền. Ngoài ra, y cũng chẳng
hề tôn thờ những giá trị mơ hồ như nói lời phải giữ lấy lời, thương dân như
con, v.v,.. Đối với y, chúng chỉ là những lời rỗng tuếch, và y… không hẳn đã
sai. Thông qua Vi Tiểu Bảo, Kim Dung đã biểu lộ sự chán ngán với những khẩu hiệu
vô nghĩa, mị dân đầy rẫy trong lịch sử Trung Quốc. Đúng như Khang Hy nhận xét,
những lãnh đạo càng thích được ca tụng thì cai trị lại càng không ra gì!
Tư duy Đại Hán mà chúng ta đã bàn đến ở bài trước cũng bộc lộ
rất rõ ở tầng thứ nhất này. Người Hán luôn coi mình là chủng tộc đỉnh cao, họ
không chỉ coi thường các dân tộc lân bang, từ thời Xuân Thu đã gọi họ là Tứ di
(bốn thứ mọi rợ: nam Man, bắc Địch, đông Di, tây Nhung), mà còn khinh miệt cả
người Tây phương nữa. Vi Tiểu Bảo nói sai tiếng Trung Quốc chưa đủ, mà còn nói
sai cả… tiếng Nga. Hai viên sĩ quan cấp cao của Nga có tên Hoa Bát Tư Cơ và Tề
Nặc Lạp Phu bị y gọi chệch thành Vương Bát Tử Kê (gà chết khốn nạn) và Trư La
Noạ Phu (heo chó hèn hạ). Trong con mắt khinh thị của Vi Tiểu Bảo, người Tây
phương là công dân hạng hai, thậm chí chỉ nhỉnh hơn động vật một chút. Tư tưởng
Trung Quốc là trung tâm thế giới, cái rốn vũ trụ được biểu lộ rất rõ qua cách ăn
nói của Vi Tiểu Bảo.
Biến dạng văn hóa tầng thứ hai: nhìn đâu cũng ra cờ bạc và
gái đẹp
Ở tầng thứ hai của sự biến dạng văn hóa, Vi Tiểu Bảo đã bộc
lộ nhiều khía cạnh thú vị trong tâm lý bản thân. Vi Tiểu Bảo sống chết vì cờ bạc
và gái đẹp đến mức chúng ăn sâu vào tiềm thức, trở thành hệ quy chiếu của y.
Khi nghe về Gia Định tam đồ (ba lần tàn sát của quân Thanh ở Gia Định,) cái đầu
mê đánh bạc của y lại diễn giải thành:
“Lão Hoàng gia và hoàng thượng đều nói Gia Định tam đồ giết
quá nhiều người, là sự kiện rất thê thảm, tại sao đánh bạc ba lần mà lại giết
chết rất nhiều người? Không biết Gia Định ở đâu nhỉ? Người ở đó chắc đánh bạc
giỏi lắm, phải hết sức cẩn thận mới được”.
Một lần khác, Vi Tiểu Bảo đưa bảy người phụ nữ lên giường
trong trích đoạn đáng nhớ ở hồi 39. Y vừa kết bái thành huynh đệ với vương tử
Mông Cổ, mà A Kỳ lại là tình nhân của nghĩa huynh, vậy có nên bế luôn nàng lên
giường hay không? Vi Tiểu Bảo đã tự hội thoại với bản thân mình như sau:
Vi Tiểu Bảo thấy nàng dung mạo kiều diễm, hơi thở gấp rút, lồng
ngực không ngừng nhô lên hạ xuống, chợt thấy hối hận, “Mình kết nghĩa với đại Lạt
ma và vương tử Mông Cổ không phải là tâm đầu ý hợp, chẳng qua chỉ là mưu kế, lừa
cho họ không giết mình thôi. Đại ca nhị ca gì gì đều là thuận miệng nói bừa. Cô
nương A Kỳ xinh đẹp như thế mà phải gọi là nhị tẩu thì quá đáng tiếc, chẳng bằng
cứ lấy làm vợ luôn cho xong. Trong chuyện Tam tiếu nhân duyên cửu mỹ đồ, Đường
Bá Hổ có tới chín người vợ. Nếu mình tính luôn A Kỳ vào chẳng qua cũng chỉ có
tám mỹ, còn thiếu một mỹ. Phì, phì, phi! Con đĩ già vừa già vừa dữ, làm sao có
thể tính là một mỹ chứ?”.
So với Đường Bá Hổ thì thiếu một mỹ, còn phải trừ thái hậu
giả ra thì thiếu tới hai mỹ, quả thật kém hơn quá nhiều, lúc ấy liền bế A Kỳ
lên đi vào phòng. Nhưng đi được vài bước, chợt nghĩ “Quan Vân Trường ngàn dặm
đưa hoàng tẩu, cũng không đem Lưu đại tẩu biến thành Quan nhị tẩu. Vi Tiểu Bảo
bảy bước đưa vương tẩu, cũng không thể quá không biết nghĩa khí, thiếu hai mỹ
thì thiếu hai mỹ, sợ gì tương lai không tìm được cho đủ?”. Lúc ấy lập tức xoay
người, lại bế A Kỳ ra đặt lên ghế.
Đây là trích đoạn rất ngộ nghĩnh. Đường Bá Hổ hay Đường Dần
chính là một họa gia nổi tiếng đời Minh với các bức vẽ mỹ nhân phong tình. Ông
chính là tác giả bức tranh người đẹp lả lơi “Hải đường xuân thuỵ” đặt trong
phòng ngủ của Tần Khả Khanh và một loạt tranh Xuân Cung Đồ khác. (Thực ra trên
đời không hề tồn tại một bức nào của Đường Bá Hổ có tên “Hải đường xuân thụy” cả
– đây là biện pháp “trong thực có ảo” của Tào Tuyết Cần, nhưng xin để bài khác
bàn sau). Đường Bá Hổ có một người vợ tên là Thẩm Cửu Nương, tam sao thất bản,
thiên hạ tưởng ông có đến chín người vợ. Đây là Vi Tiểu Bảo “bé cái nhầm”,
nhưng lỗi này không quá nặng. Khối người mắc lỗi tương tự, thậm chí ngay ở Hong
Kong cũng có bộ phim Đường Bá Hổ điểm Thu Hương của Châu Tinh Trì, trong đó Đường
Bá Hổ có chín vợ thật! Điểm cốt yếu ở đây nằm ở tư tưởng “quyết không chịu thiệt”
của Vi Tiểu Bảo. Tuy ở những giây phút chênh vênh giữa chính và tà, Vi Tiểu Bảo
luôn hãm lại vừa đủ để không hóa thành kẻ phản diện, song tư tưởng này luôn chi
phối mọi hoạt động của y. Vi Tiểu Bảo có thể thua ai, chứ nhất quyết không kém
vế trong cờ bạc và đàn bà!
Biến dạng văn hóa tầng thứ ba: bóp méo và lợi dụng truyện
xưa tích cũ
Ở tầng thứ ba của sự biến dạng văn hóa, Vi Tiểu Bảo đã tiến
lên một cảnh giới mới. Tinh hoa văn học-lịch sử Trung Quốc đã bị Vi Tiểu Bảo
bóp méo và vận dụng nhuần nhuyễn cho các mục đích khác nhau. Ngay từ đầu, Lộc Đỉnh
Ký đã giới thiệu với bạn đọc sự yêu thích vô hạn của y với truyện xưa tích cũ.
Tại thành Dương Châu có rất nhiều người kể chuyện trong quán
trà, kể chuyện các anh hùng trong Tam quốc chí, Thủy hử, Đại Minh Anh liệt truyện
vân vân. Đứa nhỏ này ngày đêm ở trong kỹ viện, sòng bạc, quán trà, hàng rượu,
chui vào chui ra, đấm chân mua hàng, châm dầu rót nước giúp người ta kiếm chút
tiền thưởng, khi rảnh rỗi thì ngồi xổm cạnh bàn trà nghe kể chuyện. Y xưng hô rất
ngọt ngào với các trà bác sĩ đại thúc trong trà quán, trà bác sĩ cũng không đuổi
y ra. Y nghe kể chuyện rất nhiều, rất say sưa với các anh hùng hảo hán trong
chuyện cổ.
Bản tính thích nghe kể chuyện của y từ bé đến lớn không hề
thay đổi. Khi Vi Tiểu Bảo áo cao mũ dài trở về Dương Châu, hùng tâm đại chí y
ôm ấp trong lòng là… nhổ sạch hoa thược dược trong vườn chùa Thiền Trí để trả
thù cái nhục bị đánh ngày bé. Thế nhưng một viên quan khéo kể chuyện đã xuất hiện
làm xoay chuyển tình thế:
Bố chánh sứ Mộ Thiên Nhan bước ra rạp hoa, tới khóm thược dược
hái một đóa hoa to như cái bát, quay trở vào tiệc, hai tay đưa cho Vi Tiểu Bảo,
cười nói “Xin đại nhân gài đóa hoa này lên mũ, ty chức có một chuyện cổ xin kể
cho đại nhân nghe”.
Vi Tiểu Bảo vừa nghe lại có chuyện cổ, liền đón lấy đóa hoa,
chỉ thấy đóa hoa thược dược này cánh hoa màu đỏ rực, mỗi cánh đều có một vệt
ngang màu vàng, vô cùng tươi đẹp, liền cài lên mũ.
Mộ Thiên Nhan nói “Chúc mừng đại nhân. Loại thược dược này
có tên là Kim đới vi, là một giống thược dược vô cùng quý hiếm. Trong thư tịch
cổ có ghi chép, ai nhìn thấy loại Kim đới vi này về sau sẽ làm Tể tướng”.
Nhờ tài ứng biến của Mộ Thiên Nhan mà bấy nhiêu đóa thược dược
xinh đẹp tại Dương Châu đã thoát cảnh bị nhổ cho ngựa ăn.
Một lần khác, cẩu quan Ngô Chi Vinh rắp tâm mở một vụ án văn
tự ngục mới, oái oăm thay y lại tìm đến đúng Vi Tiểu Bảo mách tội. Chữ nghĩa có
to bằng hạt đào thì họ Vi cũng không hề quan tâm, chỉ nghe đến chuyện xưa tai y
mới vểnh lên:
Vi Tiểu Bảo từ nhỏ đã nghe tiên sinh kể chuyện kể Đại Minh
Anh liệt truyện, chuyện cũ nhà Minh khai quốc đã nghe thuộc lòng, vừa nghe y
nói tới hai đại tướng Từ Thường, lập tức tinh thần phấn chấn, khác hẳn với vẻ
thiu thiu muốn ngủ lúc y đọc văn thơ mới rồi, cười nói “Hai vị đại tướng quân ấy
oai phong tám mặt, rất là lợi hại. Ngươi có biết Từ Đạt dùng binh khí gì không?
Thường Ngộ Xuân dùng binh khí gì không?”.
Đam mê cái gì tất sẽ giỏi cái đó. Kiến thức chuyện xưa của
Vi Tiểu Bảo có thể nói là rất lợi hạ: những chi tiết nho nhỏ y có thể mù mờ,
nhưng những bài học tinh yếu thì y nắm rõ, lại áp dụng vô cùng uyển chuyển.
Lấy ví dụ trong Lộc Đỉnh Ký, khi Khang Hy muốn Vi Tiểu Bảo cắt
đứt quan hệ với lực lượng giang hồ phản Thanh phục Minh bèn ra lệnh cho y đích
thân xử tử Mao Thập Bát, mà người này lại là một bằng hữu thân thiết của y. Như
thường lệ mỗi khi lâm vào thế bí, y lại nghĩ đến chuyện xưa tích cổ:
Vi Tiểu Bảo nhìn Phùng Tích Phạm dưới đất, ngẫm nghĩ “Thằng
đầy tớ này thì xử trí làm sao là tốt? Tha y ra xong nhất định y sẽ bẩm cáo với
hoàng thượng. Cho dù không có bằng chứng gì là mình, ắt hoàng thượng cũng đoán
được là mình ra tay”. Y chắp tay sau lưng, đi qua đi lại trong sảnh, lại nghĩ
“Trời sáng là phải xử chém Mao đại ca, có cách nào cứu được tính mạng y không?
Cướp pháp trường như trong vở Đại Danh phủ thì không được rồi. Cướp pháp trường,
cướp pháp trường…”.
Đột nhiên lại nhớ tới một vở tuồng khác “Pháp trường hoán tử!
Đúng rồi! Tiết Cương gây họa, cả nhà chết chém, có lão già Từ gì đó râu trắng
đem con ruột mình đánh tráo đứa nhỏ Tiết gì đó trong pháp trường ra…”.
Y xem không ít tuồng hát, tên các nhân vật trong vở thì
không nhớ rõ lắm, nhưng cốt truyện thì nhớ rất rõ ràng. Vừa nhớ tới vở Pháp trường
hoán tử, lại nhớ tới một vở khác Sưu cỗ cứu cỗ. “Chuyện này cũng không khác lắm,
có một người tên Trình Anh râu đen, đem con trai mình thay vào con chủ, để con
mình bị giết mà cứu sống được con chủ. Nhưng không làm thế được, may mà Mao đại
ca tuổi tác khác hẳn con mình, nếu không mà bảo mình đem Hổ Đầu, Đồng Trùy tới
pháp trường giết đi, đổi Mao đại ca ra, tuy nói bạn bè nghĩa khí là trọng,
nhưng những việc như thế thì mình ngàn vạn lần không sao làm được. Tốt lắm, tốt
lắm!”. Y đá mạnh một cước vào Phùng Tích Phạm dưới đất, nói “Ngươi thật may mắn,
Vi đại nhân nhận ngươi làm con nuôi. Con ruột thì Vi đại nhân không bỏ được, chứ
con nuôi thì thương qua loa thôi”.
Kế hoạch của y từ đấy có ba phần: bước một: gây náo loạn để
bắt cóc Phùng Tích Phạm; bước hai: tráo người, cùng lúc đó dùng Xuân Cung Đồ để
đánh lạc hướng Đa Long; bước ba: đổ tội giết Phùng Tích Phạm cho ái thiếp của
y. Trò di hoa tiếp mộc của y lại một lần nữa diễn ra trót lọt, đến mức chính
người nhà Phùng Tích Phạm còn biết ơn y “phá án.”
*
Hết lần này đến lần khác, những kế sách trơn tru đã đem lại
cho Vi Tiểu Bảo tất cả: tiền bạc, địa vị, quan hệ, gái đẹp. Thế nhưng Vi Tiểu Bảo
mãi là một phản anh hùng. Cái xuất chúng của Vi Tiểu Bảo là chắt lọc lấy cái gì
có lợi cho mình, ngoài ra mọi thứ khác đều làng nhàng. Khi đặt Vi Tiểu Bảo lên
bàn cân so sánh với các nhân vật trước đó của Kim Dung, sự khác biệt của y càng
rõ rệt. Tinh thần thượng võ, dấn thân, lòng trung quân ái quốc, tình yêu chung
thủy – những giá trị cố hữu của Thiên Long Bát Bộ, Anh Hùng Xạ Điêu,… đã trở
nên xa lạ trong Lộc Đỉnh Ký. Tất cả những nhân vật mang lý tưởng cao đẹp trong
Lộc Đỉnh Ký như Trần Cận Nam, Tra Y Hoàng đều lui về làm nền cho Vi Tiểu Bảo:
khi đặt cạnh dáng vẻ tinh ranh, cơ hội, nhanh nhạy của y, họ trở thành những
con rối không hơn không kém.
Về kết cấu chặt chẽ, tình tiết hấp dẫn, cách viết điêu luyện,
Lộc Đỉnh Ký xứng đáng là tác phẩm xuất sắc nhất của Kim Dung, nhất là khi đem
so với những truyện thời kì đầu như Thư kiếm ân cừu lục, Anh hùng xạ điêu,… Thế
nhưng nhân vật Vi Tiểu Bảo lại là đại diện cho một xã hội kim tiền nhơ nhớp,
giá trị đảo lộn. Có người đã chia trường thiên tiểu thuyết của Kim Dung thành bốn
giai đoạn: hoàng kim của Thiên Long Bát Bộ, bạch ngân của Xạ Điêu tam bộ khúc,
thanh đồng của Tiếu ngạo giang hồ, và cuối cùng là hắc thiết của Lộc Đỉnh Ký.
Võ công, phẩm chất, tính cách các nhân vật càng về sau càng kém đi mà thủ đoạn
xảo trá lại tăng lên. Trong thời đại hoàng kim thì cao thủ võ lâm kiểu Nam Hải
Ngạc Thần cũng thơ ngây như thiếu nhi, trong thời đại hắc thiết thì thiếu niên
Vi Tiểu Bảo cũng chiêu trò không kém gì kẻ ác.
Lộc Đỉnh Ký không chỉ là một tiểu thuyết võ hiệp đơn thuần.
Xã hội hiện đại hóa ngày càng hối hả tác động bên ngoài, sự chiêm nghiệm khi về
già thúc đẩy bên trong, cả hai yếu tố đó đã góp phần làm nên sự biến đổi trong
tư duy sáng tác của Kim Dung. Cảm xúc lẫn lộn trước thời cuộc đổi thay đã được
Kim Dung chuyển hóa thành Lộc Đỉnh Ký, một cái kết hợp lý cho sự nghiệp lẫy lừng
của ông. Có thể nói Kim Dung đã dùng Vi Tiểu Bảo để phủ định chính những hình
tượng mà ông xây dựng lên. Lộc Đỉnh Ký là tác phẩm Kim Dung khiến ta cười nhiều
nhất, song nó cũng chứa đựng những dư âm chua chát nhất của thế sự.
————–
(*) đây là cách Kim Dung gọi Vi Tiểu Bảo trong bài viết “Wei
Xiaobao zhe xiao jiahuo” ( Vi Tiểu Bảo thằng vô lại nhỏ) đăng năm 1981.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét