Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

Văn-nhạc sĩ hải ngoại với tâm tình 30/4



Nhạc sĩ Trúc Hồ.


Có thể nói hầu hết những văn-nhạc sĩ của miền nam Việt Nam, dưới hai thời đệ nhất và đệ nhị Cộng hòa, đều cảm thấy đau buồn khi nhắc đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.



Cuộc sống họ đã thay đổi từ vật chất đến tinh thần. Cảm hứng sáng tác không còn nữa. Một số văn-nhạc sĩ, nếu không ra được nước ngoài thì phải chịu số phận bi thảm, tù đày, hay bị vứt ra ngoài lề xã hội ngay trên quê hương mình.



Nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh, một trong những người sáng lập Phong Trào Hưng Ca, từ thành phố New Orleans tiểu bang Louisiana sẽ về vùng Washington vào tháng 6 tới để ra mắt cuốn hồi ký có tựa đề “Vượt tù, Vượt biển”, chia sẻ cảm nghĩ về 30/4:



“Khi tôi mới qua Mỹ năm 1981 thì tôi hiểu ngày 30 tháng 4 không giống như bây giờ. Mỗi năm, mỗi 30 tháng 4, ý nghĩa của nó cao hơn, in đậm trong lòng mình hơn. Tôi gọi ngày đó là một đám tang lớn. Đám tang ngày 30 tháng 4, tôi nghĩ, còn ray rứt hơn nữa vì khi ba mẹ tôi mất thì có đám giỗ nhưng đám giỗ đó không nhìn thấy máu đổ, không nhìn thấy đọa đày của chiến hữu, của giống nòi hiện giờ đổ xuống.”



Liên hệ đến sự kiện lịch sử này, ông Ánh nói những tác phẩm văn nghệ của hai miền nam bắc Việt Nam cũng rất khác biệt:



“Hai dòng nhạc khác nhau, trước đây dòng nhạc miền bắc lơ lớ như nhạc Tàu, và luôn luôn sắt máu, kêu gọi nổi dậy, đứng lên, kể cả những nhà thơ cũng vậy như Tố Hữu, nhà thơ tiêu biểu nhứt miền bắc cũng kêu gọi giết, giết, giết. Trong văn, trong thơ của họ rất sắt máu. Họ kêu gọi phục vụ cho ai, cho Các-mác, cho Lê-nin. Nền văn học miền bắc là nền văn học sắt máu chỉ phục vụ cho chiến tranh, phục vụ cho tư tưởng cộng sản để nhuộm đỏ đất nước. Ngược lại miền nam có những bản nhạc nổi tiếng, những bản nhạc phản chiến, có những bản nhạc có thể cấm hát nhưng vẫn được hát. Văn học miền nam rất nhân bản, rất tình người. Văn học nghệ thuật để phục vụ cho giống nòi, cho nhân sinh và cho tư tưởng phóng khoáng tự do, nhân quyền của con người.”



Nhạc sĩ Trúc Hồ, Tổng Giám đốc hệ thống truyền hình SBTN ở hải ngoại, nguyên là Giám đốc âm nhạc của Trung tâm ASIA, chia sẻ suy nghĩ của một nhạc sĩ trẻ về ngày 30 tháng 4:



“Từ ngày qua Mỹ đến giờ, mỗi mùa tháng 4 mình đều buồn hết, bởi vì mình biết mình đã mất quốc gia, đã mất đất nước của mình, nhưng mà nhìn lại mình cũng thấy là mình cám ơn những người lính đã bảo vệ miền nam trong vòng hai mươi năm hơn, nên những người miền nam được có tự do. Có tự do cho nên những văn nghệ sĩ miền nam có quyền sáng tác và quyền sáng tác tự do đó vô cùng quan trọng bởi vì nhờ quyền tự do đó mà đệ nhất, đệ nhị Cộng hòa chúng ta có một tài sản quốc gia về văn hóa, từ sách vở cho tới thơ, nhạc. Mặc dù sau 1975, chính quyền cộng sản muốn tiêu diệt nền văn hóa đó, nhưng sau 42 năm rồi chúng ta vẫn thấy trên đường phố có những người hát những bản nhạc trước 75, ngay cả những ca sĩ trong nước bây giờ trình diễn những show, game cũng hát những bài nhạc đó chứng tỏ nền văn hóa đó là tài sản của quốc gia.”



Trong khi chính quyền trong nước tổ chức ăn mừng ngày 30 tháng 4 thì người Việt hải ngoại xem 30 tháng 4 là một ngày tang chế cho đất nước và nỗi nhớ thương, hoài niệm của họ lại day dứt hơn mỗi dịp tháng tư về.



Nhạc sĩ Vũ Thành An nổi tiếng vì những bài không tên trước năm 1975, hiện là phó tế tại một nhà thờ Công giáo thuộc thành phố Portland, tiểu bang Oregon, nói với VOA Việt ngữ:



“30 tháng 4 hoàn cảnh đã thay đổi hoàn toàn. Trước 30 tháng 4 không có giới hạn gì cả cho nên mình suy nghĩ cái gì mình cảm thấy thì mình viết ra và đề tài muôn thuở về tình yêu, mình nói lên những gì ở tận nơi sâu thẳm trái tim của mình. Đối với Vũ Thành An là một điều may mắn vì có một thời gian mấy năm trước đó, từ năm 1965 đến 1975, Vũ Thành An có 10 năm sống và sáng tác tự do cho nên có một số tác phẩm để lại trong đó có mấy bài không tên. Sau 30 tháng 4, không còn có không khí, có cuộc sống như trước đó nữa và trong hoàn cảnh sống như thế thì làm sao sáng tác được như trước.”



Nhạc sĩ Trúc Hồ nhận xét những nhạc phẩm sáng tác tại Việt Nam sau năm 1975 ‘chỉ tuyên truyền thôi’ chứ ‘không đi vào lòng người’:



“Sau một thời gian khi có mở cửa rồi thì đỡ hơn. Những nhạc sĩ trong nước cũng có cơ hội để viết những bài nhạc, không nhiều thì ít cũng có một số bài nói lên những tình cảm riêng tư của họ. Họ được quyền nói lên chuyện đó nhưng 42 năm so sánh với 20 năm âm nhạc của đệ nhất và đệ nhị Cộng hòa thì không so sánh nổi đâu. Còn những sáng tác của những người đi ra hải ngoại thì có nhiều bài hay khủng khiếp lắm vì đó là những trang nhật ký viết bằng máu và nước mắt. Nhạc tình thì cũng có nhiều bài khá hay nhưng nhạc đi sát với máu và nước mắt của người Việt thì loại nhạc đó lại nổi hơn nhiều và có giá trị thời gian tính lâu hơn.”



Trong khi chính quyền trong nước tổ chức ăn mừng ngày 30 tháng 4 thì người Việt hải ngoại xem 30 tháng 4 là một ngày tang chế cho đất nước và nỗi nhớ thương, hoài niệm của họ lại day dứt hơn mỗi dịp tháng tư về.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét