Trong bối cảnh ngân sách năm 2016 vẫn
tiếp tục bội chi đến 5,4% GDP và các nguồn thu từ trong nước lẫn từ quốc tế vẫn
tiếp tục eo hẹp nhanh chóng, đời Thủ tướng Phúc đã chẳng thể làm gì khác hơn thời
gian cuối đời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là bán đi những gì sẵn có.
Một trong những nguồn sẵn
có vẫn còn có thể bán được là phần vốn nhà nước nằm trong các doanh nghiệp.
Vào đầu tháng 5/2017, Bộ
Tài chính - cơ quan mà vào giai đoạn cuối đời Thủ tướng Dũng đã mang chức trách
chuyên đi vay nợ để cứu vãn ngân sách, sau này chính thức có thêm chức năng mới
là “bán vốn nhà nước” - đã kiến nghị Thủ tướng Phúc quyết định phương án bán tiếp
cổ phần Vinamilk.
Đồng thời, Chính phủ
cũng đã lên kế hoạch bán vốn
tại Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power). Thậm chí, Chính phủ còn
để ngỏ phương án có thể bán tới 49% vốn tại PV Power.
PV Power là một trong 3
nhà cung cấp điện lớn nhất cùng với Tập đoàn Điện lực (EVN) và Tập đoàn công
nghiệp Than - Khoáng sản (TKV). Dự
kiến, việc bán cổ phần có thể giúp Nhà nước thu về 700 triệu USD, và số tiền
thu được sẽ “sử dụng làm nguồn vốn đầu tư cho các dự án năng lượng khác” - theo
thông tin từ phía chính phủ. Tuy nhiên nhiều người thừa hiểu rằng một nền ngân
sách “thủng túi” chỉ có thể sống sót nếu được “tiếp máu” bằng tiền bán vốn nhà
nước tại các doanh nghiệp.
Cần nhắc
lại, thời điểm cuối năm 2015 đã chứng kiến Thủ tướng Dũng quyết định bán cổ phần
tại hàng chục doanh nghiệp nhà nước, kể cả “con bò sữa” như Vinamilk để “bù đắp
khó khăn ngân sách”, trong bối cảnh “ngân sách trung ương chỉ còn 45.000 tỷ đồng
mà không biết chi cho cái gì”.
Cuộc
cách mạng bán tháo vốn nhà nước lại diễn ra ngay vào đầu năm 2016, để đến giữa
năm phía chính phủ “xông xênh” bước ra trước Quốc hội với món tiền bán vốn được
10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chừng đó vẫn là quá ít so với túi thủng ngân sách.
Đến tháng
8/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải chỉ đạo tiếp tục bán vốn tại hàng loạt
doanh nghiệp khủng như Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn
(Sabeco), Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) và bán cổ phần
của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại 10 doanh nghiệp
như Công ty CP Sữa VN (Vinamilk), Tổng công ty CP Bảo Minh, Tổng công ty CP Tái
bảo hiểm quốc gia VN, Công ty CP nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, Công ty CP FPT,
Công ty CP viễn thông FPT...
Trong khi kế hoạch bán đường, bán cảng, bán sân bay… mà Thủ
tướng Dũng chỉ đạo các bộ ngành “nghiên cứu thực hiện” từ năm 2015 vẫn chưa đâu
vào đâu, đơn giản là vì chưa có ai mua, thì việc Thủ tướng Phúc rút tiền từ cổ
phần nhà nước trong các doanh nghiệp lớn là chóng vánh và thuận lợi nhất.
Một chuyên gia ngành tài chính ước tính, nếu bán hết vốn nhà
nước tại 10 công ty thuộc SCIC cùng Habeco, Sabeco, Nhà nước có thể thu được
tới 7 tỷ USD (khoảng 150.000 tỉ đồng).
Con số 150.000 tỷ đồng trên, bằng khoảng 13% chi ngân sách
năm 2016, là một số tiền lớn và đáng kể trong bối cảnh đảng không biết lấy tiền
đâu để chi xài sau những vụ suýt nữa vỡ nợ của các thành ủy Cà Mau và tỉnh ủy
Bạc Liêu vào cuối năm 2015, để sang năm 2016 còn nghe nói đảng đã phải dùng đến
“quỹ đen” (một loại quỹ dự phòng trong đảng) và đang phải tìm cách “nhất thể
hóa” giữa một số cơ quan đảng với cơ quan chính quyền để tiết giảm nguồn chi
ngân sách.
Thế nhưng 150.000 tỷ đồng cũng chỉ đủ để chi ngân sách
khoảng 1,5 tháng. Hoặc chỉ có thể bù đắp được gần 2/3 của
khoản bội chi ngân sách năm 2016 có
thể lên đến 254.000 tỷ đồng.
Vậy sau khi bán sạch những cổ phần ngon ăn và màu mỡ nhất tại các doanh nghiệp, Chính phủ Việt Nam còn gì để bán?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét