Thứ Bảy, 6 tháng 5, 2017

Quá khứ hay tương lai ?





Điều mà tôi sẽ nói ra sau đây có thể sẽ khiến tôi phải chịu các phản ứng nặng nề, hoặc nếu mượn một cụm từ đã trở nên quen thuộc, phải chịu búa rìu của dư luận. Nhưng trong tư cách một người làm phân tích xã hội, cần phải nói ra các kết quả phân tích của mình, kể cả khi phải đối diện với sự chỉ trích của dư luận.



Quan sát các hoạt động của phong trào đấu tranh ở hải ngoại (mở ngoặc để nói rằng tôi mới chỉ làm việc này từ vài năm nay), có thể nhận thấy rằng người Việt hải ngoại, về cơ bản (nghĩa là trừ một số nhỏ), đấu tranh cho một Việt Nam Cộng hoà trong quá khứ.


Điều này có nghĩa là họ  hướng cuộc đấu tranh về phía quá khứ, cho dù các phản ứng trong đa số trường hợp tuỳ thuộc vào các sự kiện của hiện tại (tham nhũng, mất biển đảo, phụ thuộc Trung Quốc, đàn áp dân oan, môi trường bị huỷ diệt…). Tại sao nói như vậy ?



Có nhiều dấu hiệu cho thấy khuynh hướng khôi phục quá khứ này, ví dụ khẩu hiệu : « Giành lại quê hương », hát Quốc ca Việt Nam Cộng hoà trong tất cả mọi hoạt động. Và đặc biệt là sự hiện diện của cờ vàng ba sọc đỏ, gọi tắt là cờ vàng. Cuộc đấu tranh cho sự hiện diện của cờ vàng đã giành được thắng lợi tại một số quốc gia khi cờ vàng được thừa nhận ở cấp tiểu bang của một nước như Mỹ, Úc, Canada. Và người Việt hải ngoại muốn cờ vàng xuất hiện trở lại trên lãnh thổ Việt Nam, trong sinh hoạt của người Việt Nam hiện nay. Không chỉ « muốn », họ đã nỗ lực để hiện thực hoá điều đó.



Cần tôn trọng mọi tình cảm, mọi ước muốn, mọi khát vọng, mọi hoài bão của mọi cộng đồng, dù lớn hay nhỏ. Vì thế tình cảm và ước muốn của cộng đồng người Việt hải ngoại cần được tôn trọng, cần được hiểu. Hoàn toàn có thể hiểu được ý nghĩa của cờ vàng trong tâm thức, trong tình cảm của những người Việt nam tị nạn. Điều này không cần phải bàn cãi.



Điều cần phân tích là : cờ vàng có ý nghĩa như thế nào trong cuộc đấu tranh cho một Việt Nam dân chủ ?



Tôi sử dụng cụm từ « cuộc đấu tranh cho một Việt Nam dân chủ », bởi vì theo quan sát của tôi, cuộc đấu tranh hiện nay có nhiều mục tiêu.



Trong một bài viết trước đây, tôi có đặt câu hỏi : « mục tiêu nào cho Việt Nam ? », chính là vì tôi nhận thấy trong giới đấu tranh hiện nay tồn tại những mục tiêu khác nhau, và đây chính là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự chia rẽ, hoặc nói cách khác, dẫn đến tình trạng không thể kết hợp với nhau, trong cộng đồng người Việt.



Đấu tranh để khôi phục lá cờ vàng là một trong những mục tiêu của cộng đồng người Việt hải ngoại. Mục tiêu khôi phục lá cờ vàng có thể xem là trùng khít với mục tiêu chống chế độ cộng sản. Nhưng khôi phục cờ vàng có nghĩa là gì ?



Một trong những câu trả lời (có thể rất phiến diện) : Khôi phục cờ vàng cũng có nghĩa là khôi phục Việt Nam Cộng hoà trong quá khứ. Đấy là lý do vì sao ở trên tôi nói rằng về cơ bản cộng đồng người Việt đấu tranh ở hải ngoại đang đấu tranh cho một quá khứ Việt Nam Cộng hoà.



Câu hỏi là : Liệu có thể khôi phục lại quá khứ Việt Nam Cộng hoà ?



Câu hỏi này gắn với một câu hỏi khác : Như vậy, liệu có phải đối với người Việt hải ngoại, luôn luôn có hai nước Việt Nam, và người Việt hải ngoại chỉ thừa nhận nước Việt Nam Cộng hoà, chỉ thừa nhận miền Nam, là đất nước của mình ?



Nếu trả lời đến tận cùng những câu hỏi này thì sẽ phải đối diện với một thực tế : khôi phục lại quá khứ Việt Nam cộng hoà là điều không thể, hoàn toàn giống như việc khôi phục mọi quá khứ là điều không thể. Không ai, và không có gì có thể khôi phục lại quá khứ, bất kể đó là quá khứ nào. Trở lại quá khứ là điều chỉ có thể thực hiện trong văn học, điện ảnh, nghệ thuật… nghĩa là bằng tưởng tượng và hư cấu mà thôi.



Và khôi phục quá khứ cũng không phải là nguyện vọng chung của chín mươi triệu người Việt Nam hiện nay đang sống trên xứ sở.



Nguyện vọng chung của chín mươi triệu người Việt hiện nay cũng chưa phải là hướng tới một Việt Nam dân chủ. Muốn dân chủ hoá Việt Nam thì dân chủ phải trở thành nguyện vọng của ít nhất một nửa dân số Việt Nam. Nhưng người dân hiện nay chưa quan tâm tới dân chủ.



Dân chủ chưa phải là nguyện vọng của người dân Việt Nam (kể cả ở những người dân mất đất do chế độ chính trị độc tài), là bởi vì nó chưa phải là mục tiêu chung của giới đấu tranh ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt nó chưa phải là mục tiêu của giới đấu tranh tại hải ngoại.



Dân chủ hoá là câu chuyện của tương lai, không phải là câu chuyện của quá khứ, hoặc không còn là câu chuyện của quá khứ. Cộng đồng người Việt hải ngoại có thể đóng góp rất nhiều cho tiến trình dân chủ hoá Việt Nam. Nhưng các dự án cho tương lai chưa được hình thành, trái lại, các dự án hiện nay vẫn hướng về quá khứ. Vì thế mà các liên minh mạnh không hình thành được, các tổ chức mạnh không hình thành được. Các nhóm nhỏ vẫn tiếp tục tồn tại trong tình trạng chia rẽ, nhỏ lẻ, sống với các hoài niệm quá khứ, và đóng góp cho việc nuôi dưỡng các hoài niệm quá khứ.



Xin phép cho tôi được nói thẳng, điều mà tôi nhận thấy, ngay trong diễn văn và trong phương pháp hoạt động của một số người Việt hải ngoại còn rất trẻ, thuộc thế hệ hai, đó là : họ tiếp tục tinh thần quá khứ của cuộc đấu tranh được truyền lại từ các thế hệ trước, họ tiếp tục đấu tranh cho một quá khứ của Việt Nam Cộng hoà.



Toàn bộ câu hỏi cho cộng đồng người Việt hải ngoại, nếu họ muốn dân chủ hoá thành công ở Việt Nam, là : liệu người Việt hải ngoại có thể nhìn về tương lai, hướng về tương lai và hành động vì tương lai hay không ? Hay người Việt hải ngoại sẽ tiếp tục hướng về lá cờ vàng của quá khứ, và tiếp tục đấu tranh cho một quá khứ Việt Nam Cộng hoà ?



Khi đặt những câu hỏi này, tôi đã hình dung và chấp nhận mọi phán xét, mọi búa rìu dư luận. Tôi chấp nhận hết mọi chỉ trích.



Với tất cả sự tôn trọng của tôi đối với chính thể Việt Nam Cộng hoà, đối với lá cờ vàng ba sọc đỏ, đối với nỗ lực sinh tồn và nỗ lực tự do của cộng đồng người Việt hải ngoại ; với tất cả hy vọng của tôi; tôi muốn nói rằng : sự tồn vong và phát triển của Việt Nam hiện nay đòi hỏi mọi người phải hướng tới tương lai, ủng hộ các dự án của tương lai và hình thành các dự án cho tương lai. Tương lai của một Việt Nam dân chủ, độc lập và tự cường. Tương lai chung của mọi người Việt Nam trên khắp ba miền và cả ở hải ngoại.



Paris, 4/5/2017



Nguyễn Thị Từ Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét