Pháp và Mỹ theo hai trường phái rất khác nhau liên quan đến
chủ nghĩa thế tục – khởi nguồn cho vấn đề cấm khăn trùm đầu của phụ nữ Hồi
giáo.
Trong chiến dịch bầu cử Tổng thống tại Pháp lần này, chủ đề
khăn trùm đầu của phụ nữ Hồi giáo lại là vấn đề bàn cãi của các chính trị gia.
Có nên mở rộng lệnh cấm các biểu tượng tôn giáo “rõ rệt” ở các trường học công
tới đại học, hay tới nơi công cộng, đó là điều mà mọi ứng cử viên tổng thống từ
cánh hữu đến cánh tả đều khai thác, tìm câu trả lời hợp lý nhất để lấy điểm trước
người dân Pháp.
Bên kia bờ đại dương, người Mỹ tỏ ra kinh ngạc trước hiện tượng
này ở Pháp, cũng như đã từng ngạc nhiên khi mùa Hè vừa rồi, nhiều thành phố biển
nước Pháp ra sắc lệnh cấm mặc “Burkini” (trang phục tắm biển che kín toàn cơ thể
cho phụ nữ Hồi giáo). Trên các mặt báo Mỹ, không thiếu những bài bình luận chỉ
trích gay gắt Pháp, cho rằng “tự do” bị hạn chế nặng nề bởi các lệnh cấm chống
trang phục phụ nữ Hồi giáo, hay đơn giản kết luận rằng Pháp là nước “kỳ thị” cộng
đồng người Hồi giáo. Tại sao hai cường quốc phương Tây hàng đầu thế giới Pháp
và Mỹ lại có quan điểm khác nhau đến thế?
Chủ nghĩa thế tục (tiếng Pháp là laicité, và tiếng Anh là
secularism) có thể được hiểu một cách chung nhất và đơn giản nhất là việc phân
tách nhà nước với các tổ chức tôn giáo cũng như sự bình đẳng giữa mọi công dân
theo các tôn giáo khác nhau hay không theo tôn giáo nào. Tuy nhiên, chủ nghĩa
thế tục lại phát triển theo hai hướng khác nhau tại Pháp và Mỹ, dẫn đến những
quan điểm hoàn toàn trái ngược trong trong vấn đề cấm khăn trùm đầu Hồi giáo.
Dè chừng hay trung lập
Tại “đất nước hình lục lăng”, chủ nghĩa thế tục luôn được
đưa ra làm cơ sở cho các quy định mà nước Mỹ đánh giá là mang tính “kỳ thị” tôn
giáo. Nguyên tắc thế tục Pháp được khẳng định qua một đạo luật ra đời cách đây
hơn 100 năm – Luật 1905 liên quan đến sự tách rời giữa nhà nước và tôn giáo. Điểm
chính của đạo luật này là cấm nhà nước cũng như chính quyền địa phương hỗ trợ
tài chính cho việc xây dựng các nơi thờ phụng tôn giáo, khẳng định nguyên tắc
“trung lập” của chính phủ trong các vấn đề tôn giáo, và cấm tổ chức “hội họp
chính trị” tại các “địa điểm tôn giáo”. Luật này cũng công nhận một ngoại lệ đối
với vùng Alsace-Loraine, từng bị sáp nhập vào Đức từ năm 1871-1918. Tại đây,
các giáo sĩ vẫn được nhà nước trả lương.
Lý do dẫn đến sự ra đời của đạo luật này là nước Pháp có một
thái độ khá dè chừng với tôn giáo, sau khi nhìn thấy hậu quả của các cuộc chiến
tôn giáo trong lịch sử cũng như hậu quả của việc tôn giáo can thiệp vào nhà nước
và ngược lại. Các nhà tư tưởng Pháp thời kỳ Khai sáng của thế kỉ XVIII như
Voltaire, Diderot và Montesquieu đều coi tôn giáo là yếu tố gây chia rẽ, mù
quáng và thiếu khoan dung. Cách mạng Pháp 1789 đã cố gắng xóa bỏ mọi ảnh hưởng
tôn giáo tại nước này. Thêm vào thái độ dè chừng đối với tôn giáo là niềm tin của
nước Pháp rằng tôn giáo là vấn đề đặc biệt riêng tư, chỉ nên thể hiện tại nhà
riêng, hay tại các nơi thờ phụng đức tin. Về điều này, ông Sudhir Hazareesingh,
người chuyên nghiên cứu về các phong trào trí thức Pháp, giảng viên Đại học
Oxford, nhận xét: “Người Pháp nhìn nhận tôn giáo như một tư tưởng thấp kém, một
hình thức xa lánh xã hội”. Nguyên tắc thế tục được khẳng định rất rõ bởi Điều 2
trong Hiến pháp 1958 của Pháp: “nước Pháp là một cộng hòa không thể phân chia,
theo nguyên tắc thế tục, dân chủ và xã hội”.
Đối với các nhà làm luật Pháp, việc ra các quy định cụ thể
liên quan đến trang phục mang tính tôn giáo là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc
thế tục của nước này. Năm 2004, Pháp
thông qua đạo luật cấm mang các biểu hiện tôn giáo “rõ rệt” tại các trường học
công phổ thông, với lý do điều này có thể khuyến khích việc truyền giáo tại trường
học, nơi các học sinh nhỏ tuổi có thể bị ảnh hưởng, lôi kéo. Cho dù luật áp dụng
đối với mọi tôn giáo, nó trực tiếp nhằm vào khăn trùm đầu của phụ nữ Hồi giáo.
Nên nói thêm rằng, nước Pháp chỉ ra luật này khi có những dấu hiệu truyền bá tư
tưởng cực đoan Hồi giáo tại trường học, chứ không phải từ khi có sự xuất hiện của
người Hồi giáo tại Pháp. Cũng theo luật này, việc mang các biểu tượng tôn giáo
một cách kín đáo thì không bị cấm, cũng như mang khăn trùm đầu trong trường đại
học. Trên thực tế, việc ra đạo luật này chứng tỏ sự hoài nghi của nước Pháp đối
với tôn giáo, mà cụ thể, chính là các tư tưởng cực đoan Hồi giáo. Nước Pháp lo
sợ sự trỗi dậy của các phong trào cực đoan Hồi giáo trong lòng 5 triệu dân theo
đạo đang sinh sống tại Pháp. Số đông trong họ lại có cuộc sống khó khăn, ngoài
lề xã hội và bị kỳ thị.
Hòa thuận và tự do
Khác với nước Pháp, nơi chủ nghĩa thế tục đã biến thành
nguyên tắc hạn chế sự can thiệp của tôn giáo và quyền lực cao hơn của nhà nước
đối với các tổ chức tôn giáo, ở Mỹ, chủ nghĩa thế tục mang hình bóng của sự tự
do tôn giáo. Học giả Ahmed Kuru, tác giả quyển Chủ nghĩa thế tục và Chính sách
của nhà nước đối với tôn giáo (2009), gọi chủ nghĩa thế tục ở Pháp là “thế tục
khẳng định” theo nghĩa nhà nước giới hạn sự thể hiện đức tin ở nơi công cộng và
ở Mỹ là “thế tục bị động”, nơi nhà nước bảo vệ quyền tự do thể hiện đức tin nơi
công cộng. Ở Mỹ, tranh cãi giữa phe ủng hộ sự tác động qua lại giữa nhà nước và
tôn giáo với phe phân tách nhà nước và tôn giáo cũng chỉ nằm trong giới hạn của
“chủ nghĩa thế tục bị động”, tức vẫn chỉ là vấn đề tự do tôn giáo.
Khi nhìn lại lịch sử, ta sẽ hiểu hơn nguyên tắc thế tục của
“xứ sở cờ hoa”. Các nhà tư tưởng Mỹ chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi tư tưởng của
John Locke – nhà triết học Anh thế kỷ XVII- XVIII. Locke, người theo Thiên Chúa
giáo, đã phát triển tư tưởng Chúa trời mang lại tự do, và cần phải tôn trọng sự
tự do này. Tự do tôn giáo vì thế cần được công nhận, Chúa trời muốn sự thờ kính
“chân thành”, không ép buộc. Ảnh hưởng của tư tưởng John Locke đến chủ nghĩa thế
tục Mỹ khá rõ ràng. Tu chính án đầu tiên của Hiến pháp Mỹ khẳng định quyền tự
do thực hành tôn giáo. Đây được coi là “quyền tự do số một” tại nước Mỹ. Chính
vì thế, sự tách biệt giữa tôn giáo và nhà nước tại Mỹ không đi đến kết cục khá
cứng nhắc như ở Pháp. Ở Mỹ, chủ nghĩa thế tục có nghĩa là nhà nước không nằm dưới
sự chỉ huy của quyền lực tôn giáo, cũng như không cá nhân hay tổ chức tôn giáo
nào phải tuân theo các quy định liên quan đến cách thức thực hành tôn giáo đặt
ra bởi nhà nước.
Ngược với Pháp, nước Mỹ không hề có thái độ dè chừng, mà có
sự hòa thuận trong khuôn khổ nguyên tắc
tách rời nhà nước và tôn giáo. Sự khác biệt giữa Pháp và Mỹ trong vấn đề này dẫn
đến việc ở Mỹ, chốn công cộng được coi là nơi tạo điều kiện cho tự do thực hành
tôn giáo. Ở Pháp, luật cấm thực hiện những điều tra thống kê dựa trên nền tảng
tôn giáo, thì ở Mỹ không hề có sự cấm đoán này.
Chính vì khác biệt cơ bản trong cách thực hiện chủ nghĩa thế
tục giữa hai quốc gia này, những sự kiện liên quan đến trang phục Hồi giáo gần
đây ở Pháp đã làm dấy lên một làn sóng phản đối ở Mỹ. Tuy nhiên, cần phải hiểu
rằng mỗi bên đều có quan điểm riêng, dựa trên những nền tảng tư tưởng, nguồn gốc
lịch sử khác nhau. Cùng một nguyên tắc tách rời nhà nước và tôn giáo, nhưng hai
cách nhìn khác nhau này dẫn đến thực tế rất khác nhau ở Mỹ và Pháp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét