Như vậy, Nguyễn Thiện Nhân đã trở
thành bí thư TP. HCM. Sự trở lại Sài Gòn của ông lần này nằm ngoài dự định nhân
sự của Trung ương. Nếu Đinh La Thăng không bị kỷ luật, ông Nhân vẫn còn ngồi ở
cái ghế mặt trận cho đến hết nhiệm kỳ và về hưu.
Nhiều người kỳ vọng, lần trở lại
này ông sẽ mang đến cho Sài Gòn diện mạo mới. Một thành phố văn minh, hiện đại
và phát triển theo đúng nghĩa. Nhưng không ít người cho rằng, ông Nhân hay bất
kỳ ai làm Bí thư, Sài Gòn cũng chẳng có gì thay đổi. Sài Gòn vẫn kẹt xe, ngập
úng, ô nhiễm, cướp giật, đàn áp biểu tình và còn đó những vụ kiện đất đai.
Tại sao lại nói vậy, trước hết là
do thể chế Chính trị Việt Nam. Đảng lãnh đạo toàn diện theo nguyên tắc tập thể
lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Theo đó, quyền lực không tập trung ở một người nhất
định mà thông qua một nhóm. Không ai có quyền tự quyết đơn lẻ về một chính
sách, đường lối. Cũng chính vì điều này, nên khi có sai phạm rất khó để truy tố
trách nhiệm cá nhân. Nói qua vậy để hiểu, Nguyễn Thiện Nhân, hay ai dù có tài
kinh bang tế thế cũng không vượt qua rào cản này.
Thứ hai, những vấn đề như là: kẹt
xe, ngập úng, ô nhiễm, cướp giật, khiếu kiện đất đai, vỡ quy hoạch do lịch sử
phát triển để lại, không thể giải quyết một sớm một chiều mà cần rất nhiều thời
gian và phải đồng bộ.
Nhiều người nhận xét, trong dàn
lãnh đạo cao cấp hiện nay, Nguyễn Thiện Nhân được đánh giá là người có phong
cách, có trình độ, được đào tạo bài bản ở những trường đại học danh tiếng Âu –
Mỹ. Về tính tình, ông cũng được cho là lành tính, nghiêm túc. Nhưng cũng có ý
kiến cho rằng, Nguyễn Thiện Nhân chỉ thích hợp làm nghiên cứu chuyên môn, ông
không có năng khiếu làm chính trị.
Xuất thân từ một gia đình trí thức,
có học hàm học vị, có trình độ ngoại ngữ, có phong thái lãnh đạo. Điều đó, khiến
ông có một sức hút đặc biệt. Chính vì vậy, một thời ông từng là thần tượng của
biết bao người.
Về năng lực, ông Nhân không được
đánh giá cao về tính hiệu quả. Khách quan mà nói, từ khi bước vào con đường
chính trị, ông chưa bao giờ thành công ở bất kỳ vị trí nào: Phó chủ tịch
TP.HCM, Bộ trưởng Giáo dục, Phó thủ tướng, Chủ tịch mặt trận. Thời ông làm Bộ
trưởng, nền giáo dục Việt Nam những tưởng sẽ có một cuộc cách mạng. Nhưng tiếc,
đó chỉ là những thay đổi nữa vời. Chính sự nửa vời đó đã tạo nên lộn xộn và di
sản để lại cho hôm nay: Những đề án giáo dục thất bại, hàng trăm ngàn cử nhân
thất nghiệp, bệnh thành tích, nạn chạy trường, chạy điểm, bạo lực học đường, đạo
đức giáo viên xuống cấp…
Nguyễn Thiện Nhân có thể ít bảo
thủ hơn những người tiền nhiệm. Nhưng nếu nói ông, một lãnh đạo kiến tạo thì e
là phiến diện. Với tính cách của Nhân, chắc rằng ông sẽ không ồn ào khi giải
quyết các vấn đề như Đinh La Thăng. Cho dù có cố gắng, nhưng rồi với cơ chế này
ông cũng chẳng làm được gì nhiều cho thành phố: Sài Gòn những năm tới sẽ không
có gì thay đổi, các vấn đề chính trị xã hội mà người dân bức xúc vẫn còn đó.
Trong bài phát biểu nhậm chức Bí
thư, ông Nhân có nhấn mạnh: Là công chức, cán bộ phải biết lắng nghe dân, biết
sợ khi dân không hài lòng, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo mức độ
hoàn thành nhiệm vụ của mình...” Để rồi xem, bộ máy hành chính và hệ thống công
chức TP.HCM dưới sự lãnh đạo của ông có đem lại sự hài lòng cho người dân như lời
ông nói.
Trên trang VOV của đài tiếng nói
Việt Nam có bài viết, Người dân đặt kỳ vọng vào tân Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn
Thiện Nhân. Đọc qua thấy, dân ta bao năm vẫn u mê, cái bệnh sùng bái cá nhân,
lãnh đạo vẫn còn nặng. Ngay đến cả tầng lớp trí thức cũng nhiều người mắc phải.
Hôm nay họ đặt kỳ vọng vào ông, cũng như từng đặt kỳ vọng khi ông làm Bộ trưởng
giáo dục. Rồi họ cũng sẽ thất vọng như vậy.
Đinh La Thăng, hơn một năm làm Bí
thư Sài Gòn cũng có nhiều chỉ đạo quyết liệt để giải quyết các vấn đề của thành
phố. Chẳng hạn, ông ra tối hậu thư cho ngành giáo dục TP phải chấm dứt tình trạng
dạy thêm, chạy trường, chạy lớp nhưng đến nay kết quả là con số không. Ông chỉ
đạo công an TP đầy lùi tội phạm, nhưng kết quả mang lại không mấy khả quan.
Đinh La Thăng đã thất bại, liệu Nguyễn Thiện Nhân có thành công ?
Xét cho cùng, Nguyễn Thiện Nhân
làm Bí thư TP. HCM là theo sự phân công của Đảng, chứ không phải là sự lựa chọn
của người dân. Là một Đảng viên, ông phải phục tùng tổ chức, vậy nên có làm gì
cũng phải thông qua Đảng. Các quyết định mang tính vĩ mô phải được sự đồng ý của
thường vụ, Trung ương, Bộ Chính trị. Và luôn phải đặt lợi ích của Đảng lên trên
hết. Cho nên, chẳng có gì để người dân kỳ vọng cả.
Biết đâu, Sài Gòn không có Bí
thư, có khi lại tốt hơn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét