Nguồn: Shahid Javed Burki, “Pakistan after the Peshawar
Massacre“, Project Syndicate, 19/12/2014.
Vào ngày 16 tháng 12, phiến quân Taliban đã tấn công một trường học của quân đội ở Peshawar và sát hại 132 trẻ em và 9 người lớn. Tám tên khủng bố trong đồng phục quân đội đã xâm nhập vào khuôn viên được canh phòng cẩn mật của ngôi trường và xả súng vào học sinh và nhân viên. Lực lượng biệt động quân đội Pakistan đã chiến đấu với những kẻ đột nhập trong nhiều giờ đồng hồ trước khi hạ gục tên cuối cùng.
Cuộc tấn công vào trường học quân sự này là cuộc tấn công
đơn lẻ đẫm máu nhất trong lịch sử Taliban. Vấn đề hiện nay là liệu sự kiện này
có trở thành một bước ngoặt đối với Pakistan trong quan hệ với nhóm vũ trang
này hay không. Quân đội Pakistan là thiết chế được tôn trọng và quyền lực nhất
của đất nước. Bằng cách tấn công vào con em của các gia đình quân đội, Taliban
làm gia tăng mạnh khả năng Pakistan sẽ kiên quyết có các bước đi chống lại nó.
Dĩ nhiên, điều này có thể sẽ cần thời gian. Một quyết định của
tòa án Pakistan cấp bảo lãnh tại ngoại cho Zaki-ur-Rehman-Lakhvi, kẻ bị cáo buộc
là chủ mưu vụ tấn công khủng bố năm 2008 làm chết 166 người ở Mumbai, cho thấy
thách thức của việc đưa mọi cơ quan chính phủ của Pakistan vào cuộc.
Pakistan hiện vẫn có một mối quan hệ phức tạp với Taliban.
Cơ quan tình báo của nước này từng nhúng tay vào việc hình thành nhóm vũ trang
này cũng như sự trỗi dậy nắm quyền của nó tại quốc gia láng giềng Afghanistan.
Nhiều nước trong cộng đồng quốc tế tỏ ra nghi ngờ rằng một vài cá nhân trong
quân đội Pakistan và mạng lưới gián điệp của nó vẫn tiếp tục hỗ trợ cho
Taliban, thậm chí sau khi quốc gia này tham gia chiến dịch mà cựu tổng thống Mỹ
George W. Bush gọi là “cuộc chiến chống khủng bố” vào năm 2001.
Tuy nhiên, gần đây hơn, ba biến cố quan trọng đã làm thay đổi
môi trường hoạt động của những kẻ hồi giáo cực đoan ở Pakistan. Khởi đầu là vào
tháng 11 năm 2013, thủ tướng Nawaz Sharif đã bổ nhiệm tướng Raheel Sharif làm Tổng
tham mưu trưởng quân đội Pakistan. Ông Sharif coi chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan
như một mối đe dọa hiện hữu cần phải được xử lý và tiêu diệt.
Trong cuộc hội đàm của tôi với vị tướng này khi ông ấy viếng
thăm Washington, D.C. vào tháng trước, ông đã đặt chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan
lên trước cả sự vận hành yếu kém của nền kinh tế và hệ thống chính trị thiếu
chín chắn của Pakistan trong danh sách các vấn đề mà đất nước này phải đối mặt.
Ông nói rằng Pakistan có sức mạnh, và giờ có cả quyết tâm chính trị, để dứt
khoát chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Trong tháng 6, quân đội Pakistan đã phát động chiến dịch
Zarb-e-Azb, một nỗ lực nhằm loại bỏ những nơi ẩn náu của chủ nghĩa khủng bố và
những vùng an toàn ở Bắc Waziristan, một trong những khu vực bộ lạc dọc theo
vùng biên giới với Afghanistan. Đối với tướng Sharif, cuộc tấn công này chỉ là
bước khởi đầu của một nỗ lực tổng thể mà chắc sẽ mất nhiều thời gian để có được
kết quả như mong đợi. Ông nói với tôi: “Sẽ có những khó khăn trên bước đường thực
hiện, và ba trong số chúng đã lộ diện”. Đó là ba sự kiện diễn ra trong mùa hè vừa
qua, gồm có cuộc tấn công vào sân bay quốc tế Karachi, một căn cứ hải quân, và
cuộc tấn công vào một đám đông đang tập trung dọc biên giới Ấn Độ – Pakistan để
theo dõi cuộc biểu dương lực lượng của biên phòng hai bên, và cuộc thảm sát
Peshawar là sự kiện thứ tư.
Diễn tiến then chốt thứ hai là việc Ashraf Ghani được bầu
làm tổng thống ở Afghanistan. Là một cựu chuyên viên cao cấp của Ngân hàng Thế
giới, điều mà ông Ghani quan tâm không chỉ là tìm ra giải pháp lâu dài đối với
vấn đề chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, mà còn là giúp cho đất nước của ông tiến bước
trên con đường phát triển kinh tế bền vững. Hơn nữa, ông Ghani nhận thức được rằng
ông cần sự trợ giúp của Pakistan trên cả hai mặt trận.
Một trong những động thái đầu tiên của Pakistan sau cuộc tấn
công vào trường học ở Peshawar là tiếp cận chính phủ của ông Ghani và đảm bảo rằng
giới chức Afghanistan sẽ phong tỏa các ngả đường tháo chạy của những kẻ liên
quan tới việc lên kế hoạch và thực hiện vụ thảm sát này. Quả thực, ông Sharif
đã ghé thăm ông Ghani ở Kabul chỉ vài giờ sau cuộc tấn công và ngay cả khi cuộc
đấu súng vẫn còn đang diễn ra, quân đội Pakistan đã triển khai một cuộc không
kích vào sào huyệt của những tên khủng bố dọc theo biên giới hai nước, sau khi
các cơ quan tình báo kết luận rằng cuộc tấn công đã được lên kế hoạch bởi một
nhóm vũ trang hoạt động trong khu vực này.
Diễn tiến thứ ba là sự trỗi dậy đột ngột của Nhà nước Hồi
giáo (IS) ở Iraq và Syria. Sự tàn bạo của tổ chức này chưa là gì so với cách thể
hiện niềm tin tôn giáo theo những truyền thống bộ lạc vốn hàng thế kỷ qua đã
hình thành nên một cách diễn dịch đạo Hồi hẹp hòi và cuồng tín. Đây chính là
nguồn cơn của rất nhiều những rắc rối ở Afghanistan cũng như ở Pakistan. Đem hệ
tư tưởng bộ lạc và những phong tục cố hữu của nó hòa mình vào dòng tư tưởng chủ
lưu và dưới sự kiểm soát của luật pháp sẽ là một nhân tố quan trọng góp phần vào
nỗ lực chấm dứt sự lộng hành của chủ nghĩa khủng bố ở cả hai nước.
Vùng biên giới nơi chiến dịch Zarb-e-Azb đang diễn ra nhấn mạnh
tầm quan trọng của cả ba diễn tiến trên. Cho tới nay, Afghanistan vẫn chưa công
nhận Đường Durand – đường được vạch ra bởi một nhà ngoại giao Anh vào năm 1893
và được áp đặt lên Afghanistan bởi những ông chủ thực dân Anh ở Ấn Độ – làm đường
biên giới chính thức với Pakistan. Afghanistan là nhà nước duy nhất phản đối việc
Pakistan gia nhập Liên Hợp Quốc khi nước này giành được độc lập khỏi sự đô hộ của
Anh vào năm 1947, điều góp phần vào những căng thẳng song phương trong gần 70
năm qua.
Đường Durand chia đôi lãnh thổ của một số bộ lạc Pashtun,
bao gồm cả các nhóm người Mehsud và Haqqani. Nhóm Mehsud cung cấp sự lãnh đạo
và lính bộ cho phiến quân Taliban, và nhóm Haqqani chiến đấu và thường gây ra
những hậu quả mang tính tàn phá nặng nề chống lại chính phủ ở Kabul, quân đội Mỹ
và NATO. Cả hai nhóm người này đều hướng tới mục tiêu thay thế các chính phủ của
quốc gia họ bằng chính phủ của một vương quốc Hồi giáo (Islamic caliphate), dựa
trên điều mà họ diễn giải là giáo lý cơ bản của đạo Hồi. Qua hàng thập niên,
các chính phủ ở Islamabad và Kabul chỉ có những động thái ít ỏi nhằm loại bỏ những
căn cứ ẩn náu của hai nhóm người này, các thành viên của chúng vẫn tự do qua lại
trên vùng biên giới chỉ được tuần tra lỏng lẻo.
Ngày nay, hai nước đã có cơ hội để thắt chặt mối quan hệ và
cùng hợp sức kiểm soát những kẻ Hồi giáo cực đoan ở cả hai phía biên giới. Vụ
thảm sát học sinh ở Peshawar tuần vừa qua có thể là giọt nước làm tràn ly.
***
Shahid Javed Burki, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Pakistan và cựu
Phó chủ tịch Ngân hàng Thế Giới, hiện là Chủ tịch Viện Chính sách Công tại
Lahore.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét