Hình ảnh một người phụ nữ ở chợ
Lương Văn Can, Hải Phòng ngồi thẩn thờ trước gian hàng thịt lợn (tức thịt heo
theo cách nói người miền Nam) bị tạt dầu nhớt và chất bẩn khi mang thịt lợn nhà
ra chợ ngồi bán vì giá thịt lợn quá rẻ, buộc phải tự mổ bán để vớt vát chút vốn
liếng làm gợi nhớ hình ảnh Nguyễn Văn Thạnh bị an ninh giả dạng tạt đầy mắm thối
và chất bẩn hay nhà của ông Huỳnh Ngọc Tuấn ở Tam Kỳ, Quảng Nam bị tạt đầy chất
bẩn… tất cả đều là đòn bẩn, cho dù kẻ giả danh hay kẻ ra mặt thực hiện. Và tất
cả cũng đều cho thấy, cái ác đã bá chủ thiên hạ, người ta hành xử với nhau bằng
tính ácvà lòng thú hận giống như ăn một gói mì tôm hay ăn một ổ bánh mì mỗi
sáng. Tại sao lại nên nông nổi như vậy?
Nói cho cùng, cái ác hay sự thiện
lành đều tiếm ẩn trong mỗi con người, nó cũng giống như bào tử nấm có sẵn trong
tự nhiên, với thời tiết, nhiệt độ thích ứng với loại bào tử nào thì loại nấm đó
sẽ mọc tỉ lệ. Khi thời tiết xấu, khí độc nhiều, đương nhiên là nấm đỏ, nấm độc
sẽ mọc nhiều, ngược lại, không khí trong lành, ẩm độ vừa đủ, nấm hương, mộc
nhĩ, nấm mối hay nấm rơm sẽ mọc. Cái ác và sự thiện lành trong xã hội cũng vậy,
khi mà môi trường giáo dục, văn hóa, ứng xử xã hội thiếu lành mạnh, thậm chí vô
luân thì nhất định người ta phải mang cái ác ra để đối đãi với nhau và đương
nhiên cái ác sẽ có cơ hội trỗi dậy, mọc ra như nấm sau mưa.
Xã hội Việt Nam hiện tại, dù cố gắng
che giấu kiểu gì thì cũng không thể che giấu được bản chất độc ác của người Việt
Nam, sự độc ác này lan tỏa từ nhà cầm quyền đến người dân, từ những người không
quyền thế cho đến những kẻ ăn trên ngồi trốc. Một sự độc ác được nhen nhóm và
lưu cửu thông qua huyết hệ Cộng sản. Không thể nói khác đi được, vì!
Vì trong mỗi gia đình, mỗi xóm
làng, mỗi cụm dân cư hiện nay, dấu vết của đấu tố của những năm 1950 vẫn chưa hề
phai, thậm chí, khi cần, tự nó phát tác đầy đủ màu sắc của nó. Bởi tính khí của
phần đông người Việt vẫn chưa bao giờ thoát khỏi tâm lý đám đông và tâm lý lệ
thuộc. Nghĩa là người ta trở nên nhỏ bé và sợ hãi khi đứng đơn độc nhưng người
ta dễ tạo thành cơn vĩ cuồng theo chiều hướng đám đông. Và sở dĩ tâm lý đám
đông này vẫn chưa bao giờ dứt khỏi phần đông người Việt bởi lịch sử phát triển
dân tộc học Việt Nam quá đặc biệt, nó trải qua ba thời kỳ: Bắc thuộc, Phong kiến
và Cộng sản xã hội chủ nghĩa. Miền Nam với chế độ tư bản, dân chủ chỉ là một vệt
nhỏ kéo qua chưa đầy hai mươi năm rồi chết ngúm trong một ngày 30 tháng 4,
trong một biến cố lịch sử nặng nề.
Thời kỳ Bắc thuộc, có thể nói ngắn
gọn là người Việt thời bấy giờ chưa hoặc không có ý thức gì về dân chủ hay quốc
gia, dân tộc gì cả, mãi cho đến thời phong kiến manh nha, khi mà Khúc Thừa Dụ,
rồi đến Dương Đình Nghệ, đến Ngô Quyền tổ chức những cuộc chiến chống phương Bắc,
dường như ý niệm dân tộc, quốc gia nhen nhóm hình thành nhưng chỉ giới hạn
trong nhóm người xuất chúng này thôi.
Đến Khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12
sứ quân và xưng vương thì câu chuyện quốc gia, dân tộc lại manh nha lần nữa
trong ý thức hệ phong kiến, quốc gia là của vua, dân tộc cũng là của vua. Và
giai đoạn phong kiến này kéo dài mãi cho đến khi vị vua thứ 13 của triều Nguyễn,
tức Bảo Đại thoái vị, một giai đoạn lịch sử mới hình thành với nửa phía Nam
manh nha dân chủ, nửa phía Bắc hình thành độc tài. Đến năm 1954, nửa phía Nam
vĩ tuyến 17 chính thức dẫm chân lên nền dân chủ, nửa phía Bắc chính thức đi vào
độc tài trên danh nghĩa “cách mạng toàn dân, cứu quốc”.
Và đến năm 1975, toàn cõi Việt
Nam chính thức bước vào thời đại mới với đầy đủ bóng đêm độc tài, toàn trị, tha
hóa, dối trá và hèn nhát. Cái bóng đêm đó phủ cho đến tận hôm nay, dường như
càng lúc, bóng đen càng nhuộm đen tâm hồn con người, không có lối thoát nào cho
dân tộc, khi mà tâm hồn Việt Nam trơ nên đen đúa, tàn độc, không những ác độc với
đồng loại mà người ta ác độc với cả bản thân của họ.
Những cuộc ruồng bố, bắt người,
giết người, cướp của một cách “chính danh” theo chiến dịch đấu tố, rồi đến chiến
dịch Mậu Thân 1968 với hàng triệu cái chết đau đớn, chiến dịch 1975 gọi là giải
phóng miền Nam, thêm hàng triệu cái chết thảm do vượt biên, chết trong trại cải
tạo, chết do uất ức vỉ mất mọi thứ, chết do bị đàn áp… Nói cho cùng, Việt Nam
chưa bao giờ chấm dứt tội ác. Mà động cơ mạnh nhất để giết người, cướp của (kể
cả cấp độ vĩ mô và vi mô) ở đây thường là vật dục. Để cướp nhà, cướp vợ của
quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, người ta sẵn sàng xuống tay, để đạt được mục đích
chiến tranh, chiếm lấy miền Nam, người ta sẵn sàng xả súng không nương tay, để
đạt được mục đích tận thu tài sản của người giàu, người ta sẵn sàng đấu tố một
cách nhiệt tình nhất… Cuối cùng, mãi hàng trăm năm nay, hết đi từ hèn nhát, sợ
sệt hay a dua đám đông, người ta chuyển sang hung tợn, hèn nhát và bầy đàn.
Và, cái ác không dừng ở chuyện đấu
tố chính trị hay chuyện chiến tranh, cái ác đi vào học đường với đầy đủ máu me
của nó trong trừng trang văn, từng tiết dạy công dân giáo dục hay triết học Mác
– Lê nin với tư duy vật dục làm kim chỉ Nam. Để cho đến hôm nay, xã hội trở
thành một tập hợp bầy đàn, những người có lương tri, còn lương tri cảm thấy lạc
lỏng trong xã hội Việt Nam và những kẻ cơ hội lại tranh thủ tâm lý bầy đàn để
thao túng, cát cứ.
Khi cái ác thực sự làm bá chủ,
lòng nhân đạo, tình yêu thương hay đạo đức lại trở thành thứ xa xỉ, không thể
dùng được trong xã hội. Con người bị cuốn cuồng trong cơn hỗn loạn và không tài
nào rút chân ra khỏi nó được, bởi nó “chính danh”, bởi nó áp đặt và toàn trị, bởi
nó thao túng mọi ngóc ngách từ xó xỉnh cuộc đời đến xó xỉnh tâm hồn, trí tuệ.
Khi cái ác thực sự bá chủ, cái ác
trở thành sức mạnh và công cụ để nhà nước trấn áp nhân dân, trấn áp những ai bất
đồng chính kiến với nhà nước, với đảng, thay vì lắng nghe, phân tích và nói lẽ
phải để đổi mới, tiến bộ, người ta dùng ngay công cụ của mình là hiện thân cái
ác, dùng ngay những kẻ đầu trâu mặt ngựa để đối phó nhân dân. Trường hợp Phan
Sơn Hùng thách thức lương tâm, thách thức lẽ phải và thách thức đạo đức để ra
tay uy hiếp, đánh đập một người phụ nữ, rồi sau đó lại tiếp tục thách thức pháp
luật, thách thức lương tri giang hồ, lương tri xã hội bằng những lives stream,
nó cho thấy cái ác đã thực sự bá chủ và có chỗ ngồi trong hệ thống công quyền
Việt Nam hiện nay.
Cũng như trường hợp một kẻ cũng
là phụ nữ, nỡ ra tay tàn độc (trường hợp này nên gọi là tàn độc!) với một phụ nữ
khác chỉ vì chị này mang thịt lợn nhà ra chợ bán với giá rẻ hơn giá lợn chợ.
Trong khi đó, người nuôi lợn tối kị việc giết mổ lợn mang ra chợ bán, người ta
có thể giết mổ để cúng tế, ăn thịt ngày Tết nhưng mang đi bán là điều kiêng kị.
Dám chấp nhận vượt qua điều kiêng kị để lấy lại chút vốn là một bước cam chịu của
người nông dân bởi quá khó khăn, thị trường lợn đã xuống đến mức người nông dân
hết chịu đựng được nữa. Lẽ ra phải thông cảm cho người nghèo, thậm chí giúp đỡ
cho người nghèo, đằng này lại dùng thủ đoạn bỉ ổi, đổ dầu nhớt và chất dơ vào
thịt của người ta. Hành vi này là hành vi của kẻ máu lạnh, của cái ác đã được kết
tụ thành sỏi trong tư duy và hành động.
Hay nói cách khác, khi cái ác bá
chủ thiên hạ, dường như sự lương thiện là một điều gì đó rất không tưởng và lạc
lỏng, người ta sẵn sàng mang cái ác ra để đối đãi với đồng loại, với thiên
nhiên và xem điều đó như ăn cơm hay uống nước. Ra nông nỗi này là do ai?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét