Thứ Tư, 3 tháng 5, 2017

Ông Đinh La Thăng ‘chưa phải là mục tiêu cuối cùng’?


Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng vụ ông Thăng "cho thấy Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đội ngũ của ông đang củng cố quyền lực bằng cách kiềm chế hay loại bỏ những nhân vật được cho là gần gũi với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng".


Vụ xem xét kỷ luật ông Đinh La Thăng tiếp tục gây ra nhiều đồn đoán, giữa lúc có ý kiến nói rằng đảng cầm quyền ở Việt Nam đang “cố gắng thiết lập kỷ cương”, và rằng bí thư thành ủy Sài Gòn “chưa phải là mục tiêu cuối cùng”.

Những đồn thổi về số phận của người từng được báo chí Việt Nam mệnh danh là “Đinh tư lệnh” dâng lên khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị tổ chức hội nghị lần thứ 5, và theo giới quan sát, vụ ông Thăng có thể nằm trong nghị trình.

Trong khi đó, hai ngày qua, báo chí nhà nước đồng loạt đăng tải nhiều bài viết được cho là ám chỉ tới người từng tuyên bố muốn khôi phục TP HCM trở lại vị thế “hòn ngọc Viễn Đông” trước kia.

Có thể đọc thấy những hàng tít như, “xử lý nghiêm cán bộ sai phạm” hay “hy vọng người dám nghĩ, dám làm thì cũng dám nhận sai phạm”.

Cuối tháng trước, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đề nghị kỷ luật ông Thăng vì liên quan tới các sai phạm trong khi lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Khi còn làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Thăng "xạc" nhà thầu Trung Quốc vì để xảy ra hai sự cố làm một người chết và ít nhất 3 người bị thương tại một dự án đường sắt trọng điểm ở thủ đô của Việt Nam năm 2015.

Nhận định với VOA Việt ngữ, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nhà quan sát chính trường Việt Nam, và đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nói rằng “đây là một động thái cho thấy Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đội ngũ của ông đang củng cố quyền lực bằng cách kiềm chế hay loại bỏ những nhân vật được cho là gần gũi với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”.

“Tuy nhiên, việc kỷ luật ông Đinh La Thăng, nếu diễn ra suôn sẻ như ý định của những người lãnh đạo Đảng, chắc chắn không chỉ là biểu hiện của việc đấu tranh phe phái đơn thuần”, chuyên gia này viết.

VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với ông Trọng để hỏi ý kiến của nhà lãnh đạo đảng cầm quyền ở Việt Nam về nhận xét của ông Hiệp.

Ông Hiệp trả lời qua email rằng “quan trọng hơn, ông Trọng và các cộng sự đang cố gắng thiết lập lại kỷ cương trong nội bộ Đảng Cộng sản cũng như toàn bộ xã hội” vì “thời gian qua đã có tình trạng các cán bộ của Đảng chạy theo quyền lực và các lợi ích vật chất, mạnh ai nấy làm, dẫn tới tình trạng theo cách nói của Đảng là tham nhũng, lợi ích nhóm, vi phạm điều lệ tổ chức, coi thường kỷ cương phép nước...”

Mới đây, báo chí trong nước đăng tải thông tin về 12 dự án “nghìn tỷ” bị thua lỗ, mà ông Hiệp cho là “gây bức xúc công luận”, “làm suy yếu uy tín, tính chính danh của Đảng Cộng sản, đe dọa tới khả năng cầm quyền của Đảng”.

Trong khi đó, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, cho VOA Việt Ngữ biết rằng “đây là chuyện kiểm tra, năm nào người ta cũng làm vài đợt, nhưng lần này đặc biệt là có đề nghị hình thức kỷ luật đối với một ủy viên Bộ Chính trị”.

Ông nói thêm rằng câu chuyện “đáng chú ý” này đang thu hút dư luận trong nước: “Một trong những mối quan tâm là người ta xem xem là đảng cầm quyền này xử lý các vấn đề làm không được việc, làm sai, làm hỏng hay phạm pháp như thế nào. Thứ hai, người ta cũng quan tâm xem sự đoàn kết nội bộ của chính quyền, đảng cầm quyền đang ở mức nào. Tiếp theo, người ta cũng quan tâm đến việc là nếu như có các động thái thay đổi, thì nó sẽ thay đổi theo hướng nào”.

Tiến sĩ Hợp nói rằng “hội nghị trung ương 5 họp mấy hôm nữa, người ta sẽ xem xét hình thức kỷ luật nào đấy, nhưng chưa biết hình thức kỷ luật sẽ là cái gì”.

Còn theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, “trước mắt, cần phải chờ xem liệu ông Trọng và đội ngũ của ông có thành công trong việc kỷ luật ông Thăng hay không, hay kịch bản kỷ luật ông Nguyễn Tấn Dũng hồi năm 2012 lại tái diễn”.

“Nếu lần này thành công, tôi nghĩ có thể ông Thăng chưa phải là mục tiêu cuối cùng. Việc cách các chức vụ trong quá khứ gần đây đã trở thành một tiền lệ trong Đảng Cộng sản, và không loại trừ khả năng hình thức này sẽ được áp dụng cho cả các nhân vật từng nằm trong "tứ trụ", ông Hiệp nói thêm.

5 năm trước, Bộ Chính trị Việt Nam đã đề xuất xem xét kỷ luật đối với ông Dũng “vì các vụ bê bối tài chính và bất ổn kinh tế”, nhưng sau đó, quan chức này “không bị thi hành kỷ luật”.

Trang tin Zing News hôm 3/5 dẫn lời ông ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho biết rằng trước ông Thăng, từng có 3 ủy viên Bộ Chính trị bị kiểm điểm, và thậm chí cách chức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét