Thứ Tư, 3 tháng 5, 2017

Gạt nhân quyền, Trump ‘ve vãn’ Đông Nam Á





Tổng thống Donald Trump đặt các lợi ích chiến lược lên trên vấn đề nhân quyền khi mời hai nhà lãnh đạo ở Đông Nam Á đang bị quốc tế lên án là Philippines và Thái Lan tới Tòa Bạch Ốc.



Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines dẫn đầu cuộc chiến đẫm máu chống ma túy gây tranh cãi và Thủ tướng Thái, Prayuth Chan-ocha, là người lên nắm quyền sau cuộc đảo chính 2014, củng cố sức mạnh quân sự và nhiều lần trì hoãn bầu cử.



Manila và Bangkok là đồng minh lâu năm của Mỹ và cả hai đều ‘xích mích’ với Washington vì những chỉ trích về hồ sơ nhân quyền.



Đông Nam Á từng thất vọng trước quyết định vội vàng của ông Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp ước tự do thương mại TPP. Theo bài phân tích của AP, một phần lý do khiến ông Trump phải chú ý tới khu vực Châu Á xuất phát từ chương trình võ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.



Đầu tuần này, phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Sean Spicer bênh vực lời mời của ông Trump dành cho ông Duterte rằng Philippines có thể giúp cô lập Bắc Triều Tiên về mặt kinh tế và ngoại giao. Vẫn theo lời ông Spicer, “Sẽ sai lầm khi cho rằng Tổng thống Trump sẽ không nêu vấn đề nhân quyền [với Philippines.]”



Những cân nhắc của tân chính quyền Mỹ tại Đông Nam Á đang được mở rộng.



Phó Tổng thống Mike Pence tháng rồi thăm Indonesia và loan báo Tổng thống Trump cuối năm sẽ công du khu vực này. Ngoại trưởng Rex Tillerson tuần này chủ trì cuộc họp của Ngoại trưởng 10 nước Đông Nam Á. Trong một cuộc điện đàm cuối tuần rồi, ông Trump cũng đã mời Thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long, tới Washington.



Bài nhận định trên AP nói các nước trong khu vực quan ngại về Trung Quốc hơn là Bắc Triều Tiên.



Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, Mỹ cải thiện quan hệ với Miến Điện, Lào, Việt Nam. Ông Obama cũng phái tàu chiến tới hoạt động trong vùng và mở đường cho lực lượng Mỹ dùng các căn cứ Philippines.



Tuy nhiên, nỗ lực của ông Obama phần nào bị cản trở bởi các quan ngại về nhân quyền, đặc biệt ở Thái Lan và Philippines.



“Đây chắc chắn là nỗ lực của chính quyền Trump vực dậy các mối quan hệ này. Mỹ cần duy trì liên minh với các nước giúp tiếp tục hỗ trợ một trật tự dựa trên luật lệ và đẩy lùi sự ức hiếp từ Trung Quốc,” nhà phân tích Amy Searight thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược nói.



Mọi chuyện vẫn tiếp tục biến chuyển.



Cuối tuần qua, ba tàu hải quân Trung Quốc thăm hữu nghị Philippines.



Tại thượng đỉnh ASEAN, nước chủ tịch Philippines không hề chỉ trích các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.



Thái Lan, trung tâm quân sự Mỹ, tuần rồi loan báo kế hoạch mua tàu ngầm của Trung Quốc.



Tổng thống Trump, với kế hoạch thăm Manila mùa thu năm nay nhân thượng đỉnh khu vực, cũng đã ‘đổi giọng’ với Philippines khi ghi nhận chính phủ của ông Duterte đã ‘đấu tranh cật lực bài trừ ma túy’ trong cuộc điện đàm với ông Duterte hôm thứ bảy.



Chưa rõ kết cục mọi chuyện sẽ như thế nào, nhưng đôi khi những ‘lời lẽ ngọt ngào’ lại kém hiệu quả hơn những lời chỉ trích công khai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét