Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

Ông Đinh La Thăng bị cảnh cáo, thôi ủy viên bộ chính trị

VOA Tiếng Việt



Hôm 7/5, Tổng bí thư ĐCS Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp về kỷ luật ông Đinh La Thăng (ảnh tư liệu)


Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức “cảnh cáo” và “cho thôi giữ chức” Uỷ viên Bộ Chính trị khoá 12.
Thông tin về việc kỷ luật ông Thăng, hiện là Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, được nêu trong thông cáo báo chí về phiên họp hôm 7/5 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 12, thường gọi là Hội nghị Trung ương 5.

Thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng cho biết Ban chấp hành Trung ương đã biểu quyết với tỉ lệ phiếu rất cao, trên 90%, về biện pháp kỷ luật ông Đinh La Thăng.

Để đi đến quyết định kỷ luật, Ban chấp hành Trung ương đã xác định rằng ông Thăng “đã mắc những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng” trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác nhân sự trong thời gian ông giữ cương vị Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 10, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn 2009-2011.

Ban chấp hành Trung ương nêu rõ rằng những khuyết điểm, vi phạm của ông Thăng đã “ảnh hưởng xấu” đến uy tín của “cấp uỷ”, “tổ chức đảng” và cá nhân ông Thăng, “gây bức xúc” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đến.

Thông cáo cho hay Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì phiên họp của Ban Chấp hành hôm 7/5 về xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ.

Tại phiên họp này, ông Đinh La Thăng đã phát biểu ý kiến nhưng thông cáo không cho biết ông đã bày tỏ những gì trước khi quyết định kỷ luật được đưa ra.

Những đồn đoán về chức vụ của ông Thăng bị lung lay đã xuất hiện từ cuối tháng 4 sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp 4 về các sai phạm ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), nơi ông Thăng từng nắm các chức vụ quan trọng nhất từ 2009-2011.

Ủy ban Kiểm tra khẳng định ông Thăng có những sai phạm gồm ký một nghị quyết của Đảng ủy Tập đoàn hồi năm 2009 “không phù hợp với quy định pháp luật” để tập đoàn và các đơn vị thành viên chỉ định nhiều gói thầu “trái pháp luật”; hành động quá quyền hạn khi ký thỏa thuận góp vốn hồi năm 2008 với Oceanbank; quyết định đầu tư tràn lan nhưng lại thiếu kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp; một số dự án bị dở dang, thua lỗ kéo dài, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Ngày 27/4, Ủy ban đã đề nghị Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng - hai cơ cấu quyền lực cấp cao nhất của đảng - “xem xét, thi hành kỷ luật” đối với ông Thăng.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với VOA, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định một khi Ban Chấp hành Trung ương kỷ luật ông Đinh La Thăng, vị trí bí thư thành ủy Tp.HCM “có lẽ sẽ không còn thích hợp” với ông. Tiến sĩ Doanh cho rằng “chắc chắn sẽ có một người khác về làm bí thư thành ủy Tp.HCM”.

Trước phiên họp của Ban chấp hành Trung ương về việc kỷ luật ông Thăng, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nói với VOA rằng nếu ông Trọng và đội ngũ của ông “thành công trong việc kỷ luật ông Thăng”, có thể “ông Thăng chưa phải là mục tiêu cuối cùng”.

Tiến sĩ Hiệp nói việc “cách các chức vụ trong quá khứ” gần đây đã trở thành một tiền lệ trong Đảng Cộng sản. Ông Hiệp nói thêm là “không loại trừ khả năng” hình thức này sẽ được áp dụng cho cả “các nhân vật từng nằm trong ‘tứ trụ’”, tức là bốn nhà lãnh đạo hàng đầu về mặt đảng, quốc hội và chính phủ của Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét