Nước Pháp có Tổng Thống mới: Emmanuel Macron, 39 tuổi, mới chập chững
bước vào chính trị từ 2 năm, mới lập đảng từ một năm nay. Như một chai
nước, người thấy chai nửa vơi sợ ông Tổng thống còn quá trẻ, thiếu kinh
nghiệm; người thấy chai nửa đầy, nghĩ ông ta là người của thời đại mới,
có phương pháp hành động khác hẳn những chính khách kỳ cựu, đã thi nhau
lãnh đạo, thi nhau thất bại, đã đưa một quốc gia đầy tiềm năng vào ngõ
cụt. Điều chắc chắn: Macron vừa mở một kỷ nguyên mới trong sinh hoạt
chính trị ở Pháp và ở Âu Châu. Macron đứng trước những trở ngại vạn nan,
cải cách một cường quốc tụt hậu, đã quen sống trên khả năng của mình và
không có thói quen hy sinh quyền lợi cá nhân.
Không phải chỉ nước Pháp, cả Âu Châu, cả thế giới chờ đợi kết quả bầu cử Tây. Không phải vô tình mà Obama từ nơi nghỉ hưu đứng ra kêu gọi dân Pháp dồn phiếu cho Macron. Nước Pháp, dù tụt hậu, vẫn là một trong hai quốc gia rường cột của Âu Châu. Liên hiệp Âu Châu, dù khập khễnh, vẫn là thị trường quan trọng nhất thế giới, vì đông dân (500 triệu) hơn Hoa Kỳ, và có mãi lực lớn hơn dân Tầu; đồng Euros, dù bị đe dọa thường trực , bên cạnh đồng dollars, vẫn là một trong hai đơn vị tiền tệ chủ chốt.
Vào
chung kết hôm Chủ Nhật (7.5.2017), Emmanuel Macron, phong trào En
Marche (Lên Đường) đã đè bẹp đối thủ, Marine Le Pen, ứng cử viên của
đảng cực hữu Front National FN, Mặt Trận Dân Tộc) với trên 66% phiếu
bầu. Bà Le Pen, 49 tuổi, đã thành công trong việc đưa một đảng quốc gia
cực đoan, trước đây chỉ đóng vai một nhóm phản kháng, vào ngưỡng cửa
điện Elysée. Nhưng bà ta đã tự làm hara-kiri trước 16 triệu cử tri trong
cuộc cuộc tranh luận trên TV ba ngày trước cuộc đầu phiếu. Không nắm
vững vấn đề, tránh né đề cập tới chương trình hành động, ăn nói như một
người đàn bà chua ngoa, lắm điều, khiêu khích, lỗ mãng, Le Pen cho cử
tri thấy bà ta không có tác phong của một nguyên thủ quốc gia. Xách động
trong những buổi meetings chỉ cần vài khẩu hiệu, nhưng tranh luận trước
hàng triệu người, phải có kiến thức, có hành lý văn hóa, chính trị ,
kinh tế.
Đóng hay mở, đi hay ở ?
Một chính trị gia nói về Jean Marie Le Pen, bố của Marine, người sáng lập FN: ông ta “chuẩn bịnh đúng, nhưng cho thuốc sai”.
Nhận xét ấy vẫn đúng với Marine.
Chẩn bệnh đúng : FN đã đặt lên bàn, không úp mở, những vấn đề nhức
nhối, mà các đảng khác tránh né : toàn cầu hoá đã gạt ra lề đường những
nguời không có khả năng thích ứng, vấn đè di dân ồ ạt, không kiểm soát,
vấn đề khủng bố hồi giáo, sự chung đụng càng ngày càng khó khăn giữa dân
địa phương và người Hồi giáo, vai trò của lien hiệp Âu Châu trong đời
sống chính tri, kinh tế quốc gia, hàng hoá nhập cảng tràn ngập khiến
hãng xưởng Pháp thi nhau đóng cửa.
Cho thuốc sai: FN đưa ra những giải pháp đơn giản (simplistes) trước những vấn đề cực kỳ phức tạp. Lập trường bất nhất : Marine Le Pen trước đây vẫn tuyên bố, nếu thắng cử, Pháp sẽ rút ngay khỏi liên hiệp Âu Châu, ra khỏi hệ thống đồng Euros. Khi thấy ba phần tư dân Pháp, dù chỉ trích liên hiệp, vẫn muốn ở lại, vẫn muốn giữ đồng Euros, Le Pen thay đổi 180 độ trong vài ngày: sẽ không tự quyết định, nhưng tổ chức trưng cấu dân ý về chuyện đi hay ở, sẽ không ra khỏi đồng Euros, nhưng làm hai thứ tiền: Euros dành cho ngoại thương, đồng Franc xài trong nước, giống như…Cuba. Bà ta lung túng khi giải thích, khiến ngưới ta nghĩ chính bà ta cũng không hiểu mình muốn gì.
Bầu Macron, cử tri Pháp tránh cho nước Pháp và Âu Châu một cuộc phiêu
lưu chính trị với hậu quả khó lường. Dân Pháp đứng trước một chọn lựa,
không phải chỉ lựa chọn giữa hai nhân vật chính trị, mà lựa chọn giữa
hai ngả đường: hoặc theo chủ nghĩa dân tộc quá khích, bế quan toả cảng
của đảng FN, cực hữu, hoặc sống với thời đại hoàn cầu hoá. Cử tri Pháp
đã lựa con đường thứ hai, dù vẫn chỉ trích một Liên hiệp Âu Châu bị thế
lực tư bản thao túng, thay vì liên hiệp của nhân dân, dù vẫn e ngại toàn
cầu hóa, đầy những đe dọa về kinh tế, an ninh, văn hóa, xã hội.
Cả thế giới nín thở nhìn về Paris, bởi vì đó không phải là một cuộc
bầu cử nội bộ, đó là một lựa chọn sớm muộn gì cũng đặt ra cho tất cả các
quốc gia, từ Âu sang Á.
Bầu cho Macron, cử tri Pháp đã từ chối chính sách bế quan tỏa cảng,
quốc gia quá khích của FN. Trong 11 ứng cử viên tranh cử vòng đầu,
Macron là người duy nhất ủng hộ Liên Hiệp Âu Châu một cách tích cực, chủ
trương phải mở cửa, sống với thời đại. Đó là một thái độ can đảm, bởi
vì bênh vực Âu Châu, cổ võ chuyện mở cửa, trong cơn thịnh nộ nổi dậy từ
bốn phía , không phải ai cũng dám làm, nhất là khi tranh cử.
Các ứng cử viên khác, từ cực tả sang cực hữu, đều chống Liên Hiệp Âu Châu, dùng liên hiệp làm con voi tế thần, đổ lên đầu liên hiệp tất cả những khó khăn của Pháp, trong khi, trên thực tế, tình trạng tụt hậu của người Pháp có thủ phạm chính là người Pháp, từ lãnh tụ tới công dân, những con ve ham vui, hát hết mùa hè, đông tới mới hốt hoảng chạy gạo.
Đi tìm đa số ở quốc hội
Với Macron, những khó khăn bắt đầu.
Khó khăn trước mắt : làm cách nào có đa số ở quốc hội sau cuộc bầu cử lập pháp tháng tới (vòng đầu : 11/06 , vòng hai : 18 /06).
Theo
hiến pháp Tây, tổng thống có toàn quyền, như một ông vua, với điều kiện
nắm đa số ở quốc hội. Được Tổng thống bổ nhiệm, thủ tướng chỉ là người
thừa hành, thi hành chính sách của Tổng Thống. Nhưng thủ tướng phải được
quốc hội tín nhiệm.
Nếu Tổng thống không nắm đa số ở quốc hội, chức Thủ Tướng sẽ rơi vào
tay đối lập. Và thủ tướng, với hậu thuẫn của quốc hội, sẽ thi hành chính
sách của đa số đối lập. Trong quá khứ, thường thường khi lựa một tổng
thống, cử tri bầu một quốc hội với đa số thuộc phe Tổng thống. Đã có
trường hợp Tổng thống không có đa số, chức thủ tướng rơi vào tay đảng
đối lập, như khi François Mitterrand, tổng thống tả phái đã bắt buộc bổ
nhiệm thủ tướng Jacques Chirac, hữu phái. Hay ngược lại, tổng thống hữu
phái Jacques Chirac phải trao quyền hành cho thủ tướng phe tả Lionel
Jospin. Đó là chế độ cohabitation, sống chung hoà bình, hay đúng hơn,
sống chung miễn cưỡng. Quốc gia trở thành con rắn hai đầu : Tổng thống
chỉ để tâm tới chính sách ngoại giao và quốc phòng, việc quản tri quốc
gia trong tay thủ tướng. Trong hoàn cảnh này, tổng thống có thể giải tán
quốc hội, với hy vọng dân đi bầu lại sẽ cho mình đa số. Hay chấp nhận
làm tổng thống giấy, chờ một ngày thuận lợi hơn.
Nhưng đó là kịch bản của quá khứ, trong một môi trường chính trị đơn giản, với hai chính đảng lớn, một tả một hữu, thay nhau cầm quyền, thay nhau nắm đa số trong quốc hội. Kịch bản đó sẽ khó tái diễn, vì chắc sẽ không có đảng nào chiếm đa số qua cuộc bầu cử lập pháp tháng Sáu.
Trong kỳ bầu cử Tổng thống vừa qua, cử tri Pháp đã mang một trái bom,
làm nổ tung hệ thống chính trị cũ. Hai chính đảng thay nhau cầm quyền
từ nửa thế kỷ chỉ còn là những đống gạch vụn: đảng Cộng Hoà (LR , Les
Républicains), hữu phái ôn hoà, chỉ chiếm 20% số phiếu, đảng Xã hội (PS,
Parti Socialiste) còn thê thảm hơn nữa: 6% . Bên cạnh là ba lực lượng
đang lên: phong trào En Marche, không tả không hữu, của Macron, FN (cực
hữu) của Le Pen, La France Insoumise (cực tả) của Mélenchon, chưa nói
tới UDI, đảng.. đứng giữa.
Bốn năm mảnh
Nước Pháp, trước đây chia làm hai, tả và hữu. Sau kỳ bầu cử vòng đầu,
nước Pháp chia thành bốn mảnh chính (trên dưới 20% số phiếu): phong
trào Macron; đảng cực hữu FN; đảng Cộng Hòa, hữu phái ôn hòa và nhóm cực
tả của Menlenchon. Sau kỳ bầu cử vòng hai, phải thêm một mảnh nữa: trên
20% những người không đi bầu, và con số kỷ lục phiếu bất hợp lệ hay
phiếu trắng, gần 10%, trên 4 triệu cử tri. Khó tưởng tượng một đảng sẽ
chiếm đa số ở quốc hội. Trong quốc Hội hiện nay, đảng Xã hội nắm đa số,
hơn đảng Cộng Hoà vài ghế. Không ai đoán sẽ có bao nhiêu dân cử thuộc
hai đảng này tai qua nạn khỏi, sẽ được tái cử. Một số đã đầu quân theo
Macron. Những người còn lại trong đảng sẽ chia năm, sẻ bẩy, đánh nhau
chí chóe. Đảng của Macron mới ra đời từ một năm nay, lần đầu đưa người
ra tranh cử. Cực hữu chỉ có 2 dân biểu. Cực tả: 0.
Đảng
nào cũng có lý do để tin sẽ thắng lớn trong kỳ bầu cử quốc hội. Macron
tin rằng dân Pháp đã chọn ông ta làm tổng thống, sẽ cho phong trào En
Marche của ông đủ đa số ở quốc hội để cải cách nước Pháp. Điều đó không
có gì bảo đảm, vì trên 50% cử tri bầu cho Macron với mục đích ngăn chặn
Le Pen. Đảng Cộng Hòa lạc quan vì nghĩ rằng ứng cử viên của họ, François
Fillon, bị loại vì lem nhem tiền bạc, nhưng tư tưởng hữu phái ( tự do
kinh tế, chống bao cấp đưa tới ỷ lại, cứng rắn với hồi giáo, dùng biện
pháp mạnh để cải cách đất nưóc ) hiện chiếm đa số. Cực hữu nghĩ Le Pen
thua vì lơ mơ về kinh tế, bất nhất về chuyện ra hay ở lại liên hiệp Âu
Châu, hệ thống tiền tệ Euros, để lộ một khuôn mặt đáng ghét trong buổi
tranh luận, nhưng vấn đề họ nêu ra (vấn đề di dân, hiểm họa ‘’ hồi giáo
hóa ‘’ nước Pháp, tai hại của hoàn cầu hóa) vẫn là mối bận tâm hàng đầu
của dân Pháp. Nhóm cực tả của Melenchon (19%), tin rằng sẽ thu đựơc một
số phiếu đông đảo của những người bất mãn trước sự lộng hành của thế lực
tài phiệt
Tháng Sáu, người ta sẽ chứng kiến một khuôn mặt chính trị hoàn toàn
mới, chưa hề thấy ở nước Pháp. Quốc hội sẽ gồm những mảnh vụn, không ai
tưởng tượng mặt mũi sẽ như thế nào. Tình trạng đó rất thường ở Đức, Hòa
Lan, ở Bắc Âu. Không đảng nào chiếm đa số, người ta thoả hiệp với nhau
để đi tới một đa số.
Nước Pháp chưa có thói quen đó, chưa có văn hoá thỏa hiệp. Câu hỏi
đầu tiên là Macron có đa số ở quốc hội hay không, hay có đủ khôn khéo để
đi tới một thỏa hiệp, để bổ nhiệm Thủ tướng thi hành chính sách của ông
ta hay không. Cuộc bầu cử dân biểu tháng tới sẽ gay go, sôi nổi . Hoặc
Macron có đủ đa số để thực hiện cải cách. Hoặc thiểu số, trở thành vua
không ngai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét