Lược dịch từ:
Benedict J. Tria Kerkvliet; Regime Critics: Democratization Advocates in
Vietnam, 1990s–2014; Critical Asian Studies 47:3; 2015.
Luật sư Nguyễn Văn Đài được coi là người tích cực cổ xuý cho
một hệ thống chính trị đa đảng phái tại Việt Nam. Ảnh: Đất Việt.
Trong kỳ trước, chúng ta đã nói về cách tiếp cận đảng dẫn dắt
trong chuỗi bài nghiên cứu “Bốn cách tiếp cận dân chủ hóa ở Việt Nam” của
Benedict J. Tria Kerkvliet, một học giả chuyên nghiên cứu về chính trị và dân
chủ châu Á. Đó là một cách tiếp cận nhấn mạnh vào vai trò lãnh đạo của đảng Cộng
sản Việt Nam (ĐCS) trong việc chuyển đổi hệ thống chính trị hiện tại sang hệ thống
dân chủ. Hai nhân vật tiêu biểu đại diện chính là Trần Độ và Trần Huỳnh Duy Thức.
Trong kỳ này, chúng ta sẽ chuyển sang tìm hiểu cách tiếp cận
đối đầu.
Nhóm ủng hộ đường lối này hướng tới kiểu đối đầu trực tiếp với
chế độ, với ý nghĩ rằng ĐCS sẽ không bao giờ tiến hành dân chủ hóa đất nước. Họ
cho rằng một khi không có các thiết chế dân chủ – đặc biệt là bầu cử đa đảng và
bảo vệ các quyền con người cơ bản – thì Việt Nam sẽ không thể phát triển được về
kinh tế, giáo dục, văn hoá, và chính trị để bắt kịp các nước khác trong cùng
khu vực.
Theo họ, cách mạng bạo lực là điều không khả thi cho Việt
Nam. Vậy nên, cách duy nhất để tiến hành dân chủ hóa chính là công khai thúc đẩy
một hệ thống đa đảng. Điều này đòi hỏi các tổ chức xã hội, bao gồm các đảng
chính trị, phải trực tiếp thách thức ĐCS. Các tổ chức này cũng sẽ giúp cho
phong trào dân chủ hóa được liền mạch và bền vững khi chính quyền bắt giữ và
ngăn cản các nhà hoạt động. Một câu hỏi thường xuyên được tranh luận trong giới
bất đồng chính kiến là, liệu có nên để các tổ chức hoạt động một cách riêng rẽ,
hay là nên hợp nhất chúng lại.
Vấn đề nữa là về vai trò của của người nước ngoài và người
Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều người theo đường lối đối đầu cho rằng những “người
nước ngoài” này đóng một vai trò hết sức quan trọng. Thậm chí còn có ý tưởng rằng
những người dẫn dắt cách tiếp cận đối đầu nên lánh ra nước ngoài, đợi đến khi
phong trào dân chủ hóa ở trong nước mạnh lên. Trong khi đó, một số lại lập luận
rằng phong trào phải dựa vào nguồn lực và sự lãnh đạo ở trong nước.
Nhà hoạt động Đỗ Nam Hải
“Tuyên bố về Tự do và Dân chủ” là một trường hợp nổi bật của
cách tiếp cận đối đầu. Tài liệu này được thảo ra vào tháng 4 năm 2006, yêu cầu
một hệ thống chính trị đa nguyên, cùng với các quyền tự do báo chí, hiệp hội,
tôn giáo, và các quyền con người khác. Nó cũng đòi hỏi phải chấm dứt sự cai trị
của ĐCS. Bản tuyên bố này cho rằng hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay “không
có khả năng đổi mới hay sửa chữa” và phải được “thay thế hoàn toàn”.
Một trong những tác giả chính của bản Tuyên bố là Đỗ Nam Hải.
Ông sinh năm 1959, bố mẹ ông là thành viên của ĐCS và cũng là cựu chiến binh
trong các cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ. Khi còn trẻ, ông theo học tại các
trường đại học ở Việt Nam, và sau đó chuyển sang học ở Úc. Tại đây, vào đầu những
năm 2000, ông bắt đầu đăng lên Internet những bài phê phán hệ thống độc đảng của
Việt Nam. Đến khi trở về Việt Nam vào năm 2002, ông vẫn tiếp tục giữ vững quan
điểm chính trị của mình. Chính điều này đã khiến ông bị mất việc khi đang làm
cho một ngân hàng trong nước.
Ông Đỗ Nam Hải (phải) có thể được coi là một trong những đại
diện của xu hướng đối đầu. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Lúc còn ở Úc, ông viết rằng sự cạnh tranh là một lợi thế
không thể chối cãi của hệ thống chính trị đa đảng so với hệ thống độc đảng. Khi
có nhiều đảng, các đảng đều phải tìm hiểu mong muốn của người dân, để có thể cạnh
tranh với nhau trong cuộc bầu cử. Theo ông, chính trị cũng giống như việc kinh
doanh. Nếu chỉ có duy nhất một công ty cung cấp một dịch vụ thì theo thời gian
công ty sẽ dần chẳng còn quan tâm tới khách hàng nữa. Tuy nhiên, nếu có hai hay
nhiều công ty cạnh tranh, thì khách hàng sẽ được hưởng lợi. Điều này cũng đúng
đối với chính trị.
Đỗ Nam Hải cho rằng, chính cái kiểu cai trị độc đảng đã tạo
ra một chính phủ tồi tệ: Việt Nam là một trong những nước nghèo nhất trên thế
giới, tham nhũng tràn lan, và phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng.
Cuối năm 2004, Đỗ Nam Hải viết rằng hệ thống độc đảng “đã,
đang, và sẽ là vấn đề của tất cả các vấn đề, là lý do của tất cả các lý do cho
nhiều thảm hoạ đau đớn và tình trạng tụt hậu đáng xấu hổ của đất nước”. Tuy thay thế nó bằng một hệ thống chính trị
đa đảng cũng không giải quyết tất cả những khó khăn, nhưng cần phải làm như vậy
để bắt đầu giải quyết các vấn đề ấy. Và ông cho rằng, “hệ thống độc tài, độc đảng
hiện nay sẽ không bao giờ có thể xây dựng một Việt Nam với dân giàu, nước mạnh,
hay là xã hội công bằng, dân chủ, và văn minh” (2008).
Theo ông, để thay đổi hệ thống thì người dân trên cả nước –
đặc biệt là các nhà trí thức – phải hợp sức gia tăng áp lực (một cách bất bạo động)
nhằm buộc ĐCS phải từ bỏ quyền lực. Đề xuất này của ông tương tự với các cuộc
biểu tình quần chúng đã làm sụp đổ các chế độ độc tài trong những thập kỷ gần
đây ở Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Đông Đức, Philippines và Indonesia.
Khác với Trần Độ và Trần Huỳnh Duy Thức, dường như ông không
cho rằng sự phẫn nộ của công chúng sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Đỗ Nam Hải
cũng không thúc giục chính quyền chủ động dân chủ hóa. Ông cho điều này là vô
ích, ĐCS phải rời bỏ quyền lực bởi áp lực của chính những người dân.
Đỗ Nam Hải hoạt động tích cực trong các nhóm ủng hộ dân chủ,
đặc biệt là Khối 8406. Ông là một trong những người sáng lập Khối này vào tháng
4 năm 2006, và thường là người phát ngôn của Khối.
Cùng với các tổ chức khác, Khối 8406 hướng đến việc gây áp lực
và buộc các nhà lãnh đạo của ĐCS phải từ bỏ quyền lực. Khối đã có nhiều hành động
để tạo áp lực, như tẩy chay các cuộc bầu cử cho đến khi chính quyền cho phép ứng
cử viên của đảng khác tham gia chạy đua, cổ vũ các cuộc biểu tình chống chế độ,
ủng hộ các cuộc bầu cử đa đảng, chống lại hành động khai thác bauxite của các
công ty Trung Quốc, và kêu gọi những người ủng hộ dân chủ mặc áo trắng vào ngày
đầu tiên và ngày mười lăm hàng tháng.
Trừ chiến dịch phản đối khai thác bauxite, các biện pháp còn
lại ít được người Việt Nam hưởng ứng. Tuy nhiên, Đỗ Nam Hải và những thành viên
của Khối đã chứng kiến bước tiến lớn của phong trào dân chủ hóa tại Việt Nam
trong giai đoạn 2006 – 2013. Họ cảm thấy vui mừng khi người dân Việt Nam ít e
ngại hơn khi chỉ trích chế độ và tham gia tích cực vào các tổ chức ủng hộ dân
chủ.
Để buộc Đỗ Nam Hải im lặng, chính quyền đã làm gần như tất cả
mọi thứ, trừ việc bỏ tù ông. Họ thường đột nhập vào nhà riêng để thẩm vấn ông
và quấy rối gia đình ông. Tháng 3 năm 2007, cảnh sát an ninh đã dọa bắt ông nếu
ông tiếp tục làm việc với Khối 8406 và các nhà hoạt động khác. Họ cũng đã thuyết
phục cha ông, một thành viên ĐCS lớn tuổi, và những người họ hàng của ông nhằm
khuyên ông dừng lại. Ông đã làm theo lời khuyên của gia đình, nhưng chỉ trong một
thời gian ngắn.
Luật sư Nguyễn Văn Đài
Một nhà bất đồng chính kiến khác cũng dùng cách tiếp cận đối
đầu là luật sư Nguyễn Văn Đài. Trong giai đoạn 2006-2007, luật sư Đài tham gia
vào Khối 8406, tạp chí Tiếng nói Tự do, và các tổ chức ủng hộ dân chủ khác.
Ông sinh năm 1969, lớn lên tại Hưng Yên, và là con trai của
một đảng viên ĐCS. Ông từng làm việc tại Đông Đức cho đến khi chế độ ở đó sụp đổ
vào năm 1989. Sau khi trở về Hà Nội, ông học luật, tốt nghiệp năm 1995 và tự
thành lập văn phòng luật của riêng mình vào năm 2003.
Trong khoảng thời gian đó, ông đã ứng cử vào Quốc hội với tư
cách ứng viên độc lập song không thành công.
Luật sư Nguyễn Văn Đài được Liên đoàn Thẩm phán Đức trao giải
Nhân quyền năm 2017. Tuy nhiên, ông vắng mặt do đang bị tạm giam. Người nhận
thay ông là ông Vũ Quốc Dụng (phải). Ảnh: Ba Sàm.
Với vị thế luật sư của mình, ông đã bảo vệ những khách hàng
bị bức hại vì niềm tin tôn giáo (như Mục sư Nguyễn Hồng Quang và nhà truyền đạo
Phạm Ngọc Thạch), và về sau ông đã trở thành một tín đồ của đạo Tin Lành.
Năm 2004, ông tham gia vào tổ chức Vì Công Lý, đây là một
nhóm luật sư cung cấp dịch vụ bào chữa miễn phí cho người dân. Đoàn luật sư Hà
Nội và chính phủ đã nhanh chóng trấn áp nhóm này. Nguyễn Văn Đài vẫn tiếp tục
công việc đại diện cho các khách hàng gặp rắc rối pháp lý vì niềm tin tôn giáo
và chính trị của họ.
Vào năm 2006, Nguyễn Văn Đài lên tiếng rằng phong trào dân
chủ hóa đòi hỏi phải có các đảng phái chính trị để thách thức các chính sách và
sự thống trị của ĐCS. Ông viết, người Việt Nam có đủ kiến thức và khả năng để
tham gia vào một hệ thống chính trị đa đảng. Việt Nam đã có một vài đảng chính
trị trong phong trào độc lập dân tộc từ thời thập niên 1930, rồi trong những
năm đầu giành được độc lập từ Pháp (1945-1946) và ở miền Nam Việt Nam những năm
1960-1975. Ngoài ra, theo cách giải thích của ông dựa trên Hiến pháp, thì việc
thành lập các đảng chính trị được Hiến pháp cho phép.
Chính quyền Việt Nam tuyên bố rằng các quan điểm và hành động
của ông đã vi phạm luật cấm tuyên truyền chống nhà nước. Lấy lý do này, vào năm
2007 chính quyền đã bắt và kết án ông với mức án năm năm tù. Bản án này sau đó
được giảm xuống còn bốn năm, và ông đã được thả vào năm 2011.
Ngay sau đó, ông tiếp tục các hoạt động của mình. Cuối năm
2011, ông kêu gọi rằng cần phải tạo ra một áp lực thật lớn lên ĐCS. Rằng cần có
“hàng ngàn, hàng chục ngàn người dũng cảm, dám đứng lên và đấu tranh cho dân chủ.”
Vì thế, theo ông, “chúng ta cần phải tạo ra một phong trào
thống nhất”. Mỗi một trong mười tổ chức xã hội dân sự phải đào tạo và giáo dục
năm thành viên nhiệt huyết trong một tháng. Sau đó, cứ một trong năm mươi thành
viên mới được đào tạo này sẽ tiếp tục đào tạo thêm năm người, kết quả là sang
tháng thứ hai sẽ có thêm 250 công dân đầy nhiệt huyết. Và mỗi một người trong số
này lại đào tạo thêm năm người, cứ thế tiếp tục trong những tháng tiếp theo.
Sau một năm, hàng ngàn người trên khắp đất nước sẽ là những người được chuẩn bị
để “cất lên tiếng nói cùng nhau, để xuống đường và hành động khiến cho chính
quyền phải lắng nghe. Nếu chính quyền không làm vậy, thì một cuộc cách mạng đường
phố có thể xuất hiện, giống như những gì đã xảy ra ở Bắc Phi, Trung Đông và nhiều
nơi khác”.
Cập nhật của người dịch: Vào năm 2015, luật sư Nguyễn Văn
Đài một lần nữa bị khởi tố và bắt giữ cũng với tội danh “Tuyên truyền chống Nhà
nước”, cùng với cộng sự là Lê Thu Hà. Cho đến nay (8/5/2017), sau ba lần gia hạn
lệnh tạm giam, chính quyền Việt Nam vẫn không công bố kết luận điều tra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét