Thứ Hai, 15 tháng 5, 2017

Những chuyện thật như đùa ở Việt Nam


Cảnh sát cơ động được người dân thả ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 22 tháng 4 năm 2017. AFP photo


“Miệng quan trôn trẻ”

Dư âm của vụ việc cưỡng chế đất đai tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội chưa kịp lắng xuống thì dư luận lại nổi sóng vì lời tuyên bố của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ vào hôm mùng 4 tháng Năm vừa qua. Trong cương vị là người phát ngôn của Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng nói rằng "Tinh thần của chúng ta là rất minh bạch, công khai, nếu ta sai, ta sẽ xin lỗi dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật" khi đề cập đến vấn đề người dân Đồng Tâm bắt giữ cán bộ, công an làm con tin để yêu cầu được đối thoại với chính quyền vì những xung đột đất đai mà tiếng nói kêu oan của họ không được giới chức địa phương lắng nghe.

Trong tuần qua, Ban Việt ngữ nhận được rất nhiều ý kiến của quý khán thính giả cùng độc giả gửi về xoay quanh lời phát biểu của Bộ Trưởng Mai Tiến Dũng. Số đông thính giả cùng nêu lên câu “Miệng quan trôn trẻ” khi nghe ông Bộ trưởng phát biểu như vừa nêu vì họ cho là lời phát biểu này chẳng khác nào đã mặc định Nhà nước Pháp quyền ở Việt Nam không tồn tại. Thính giả Nhan Nguyen hỏi Bộ trưởng Mai Tiến Dũng rằng “Ông làm chức cao to thế mà không hiểu biết về pháp luật vậy ông? Chúng tôi là dân thường mà còn biết trước luật pháp mọi người đều bình đẳng”. Thính giả Tám Thành Công đề nghị ông Bộ trưởng Mai Tiến Dũng “Ông nên lựa lời mà nói vì không phải làm lãnh đạo muốn nói gì cũng được”.

Trong khi đó, không ít thính giả lại nhận xét Bộ trưởng Mai Tiến Dũng là một người cương trực, đã nói rất chuẩn và rất đúng bản chất đích thực của nền pháp trị hiện tại do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo:

“Luật chỉ áp dụng với người dân thôi. Vụ Đồng Tâm chẳng là gì so với cuộc cải cách ruộng đất năm xưa, gần hai trăm ngàn người bị giết oan mà chỉ vài câu xin lỗi dân là xong.”

“Rõ ràng là vậy. Quan chức tham nhũng, làm sai gây thiệt hại hàng trăm ngàn tỷ đồng thì chỉ ‘kiểm điểm, rút kinh nghiệm’ và chuyển công tác là xong như trường hợp mới nhất của ông Đinh La Thăng. Còn người dân trẻ người non dạ, ăn giựt 2 ổ bánh mì vì đói mà không có tiền thì bị đi tù.”

“Từ trước đến giờ, chính quyền và tất cả cán bộ lãnh đạo đều nghĩ và tự cho mình cái đặc quyền sống ngoài vòng pháp luật nên bây giờ Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai tiếng Dũng mới phát biểu như vậy”.

“Luật pháp ở Việt Nam chỉ để trị dân. Người dân phải luôn chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhẹ thì cảnh cáo, nặng thì phạt hành chính, nặng hơn thì ở tù”.

“Ở đất nước Việt Nam này, còn có nhiều người không có tội nhưng bị tuyên án tù”.

“Chuyện thật như đùa”

“Tôi là Tiêu Cà Mau, thưa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các vị tướng lãnh Việt Nam, qua vụ án của Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén và Hàn Đức Long mà ngay cả Viện Kiểm sát và Tòa án cũng không có đủ trình độ để xét xử nên vụ án mới bị oan sai. Trước những hành vi vi phạm pháp luật của Linh mục Đặng Hữu Nam kích động giáo dân biểu tình gây ách tắc Quốc lộ A1, đập phá xe cơ quan chức năng, ném đá bị thương những người thi hành công vụ cho thấy Luật pháp Việt Nam rất yếu kém, không đủ tự tin để chế tài linh mục Đặng Hữu Nam nên bà Nguyễn Thị Hải Yến, Chủ tịch Liên hiệp Phụ nữ Nghệ An ra tay nghĩa hiệp, đăng đàn kêu gào đấu tố Linh mục Đặng Hữu Nam để đòi lại công lý, công đạo cho Thủ tướng và các vị tướng lãnh.”

Chia sẻ của thính giả Tiêu Cà Mau cũng là ý kiến phản đối của rất nhiều thính giả RFA trong cách hành xử của chính quyền tỉnh Nghệ An đối với hai vị Linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục. Trên trang nhà của Đài Á Châu Tự Do và qua trang Facebook RFA, thính giả đặt câu hỏi với Chính phủ Việt Nam rằng tại sao không đấu tố Formosa vì đã làm môi trường biển miền Trung bị ô nhiễm mà lại đấu tố những người chống lại Formosa để bảo vệ sự sống an toàn cho người dân?

Linh mục Đặng Hữu Nam (trái) và linh mục Nguyễn Đình Thục hướng dẫn giáo dân đi kiện Formosa. Courtesy of fvpoc.org

Thính giả Hoa Khanh Pham khẳng định:

“Lương giáo hay công giáo có lòng yêu nước thật sự đều đồng thuận chống lại Formosa hủy hoại môi trường môi sinh của VN. Vậy mà còn có những người Việt phản lại tổ tiên và dân tộc để ủng hộ Formosa, mặc tình dân chúng yêu cầu đuổi Formosa ra khỏi lãnh thổ quốc gia nhưng Hội đồng giám sát liên ngành của Việt Nam công bố quyết định cho phép tiếp tục vận hành.”

Thính giả TP Dang bày tỏ sự bức xúc không chỉ riêng của cá nhân mình:

“Miền Trung chưa xử lý xong giờ lại tới Kiên Giang. Dòng nước quê hương hình chữ ‘S’ rồi đây sẽ không còn chỗ nào trong sạch nữa. Dưới biển thì cá chết đàn đàn lớp lớp. Trên bờ thì thịt heo hôi thối mất vệ sinh, không an toàn chồng chất cả hàng tấn. Mấy ông lãnh đạo cứ ký giấy xác nhận cho các nhà máy đầu tư tha hồ hoạt động làm ăn, để mấy ông kiếm lợi nhuận trước mắt, còn hậu quả khó lường mai sau thì dân làng hứng chịu. Người dân xuống đường đòi hỏi công lý làm rõ sự thật, thì lại đem côn đồ đến bảo vệ những gì sai lầm mà các ông đã gây ra. Thật là một chế độ cầm quyền không hổ danh ‘Nhà nước của dân, do dân, vì dân’.”

Thính giả Bach Yen Nguyen cho việc chính quyền tỉnh Nghệ An tổ chức đấu tố Linh mục Đặng Hữu Nam và Linh mục Nguyễn Đình Thục là “chuyện thật như đùa”:

“Luật Biểu tình Quốc hội không thông qua. Cấm dân biểu tình mặc dù đó là quyền của người dân được ghi trong Hiến pháp. Còn chính quyền thì được quyền tổ chức biểu tình chống người dân.”

Và thính giả Bình Nguyên gửi đến tâm sự của một người dân từ trong nước rằng đất nước Việt Nam mà ông đang sống còn nhiều chuyện diễn ra hàng ngày vượt xa trí tưởng tượng của những nhà làm phim là côn đồ công khai thay mặt chính quyền dùng vũ lực trấn áp những tiếng nói phản biện ôn hòa, giới giang hồ được lòng dân chúng khi ra tay nghĩa hiệp bảo vệ sự an nguy cho họ, đồn công an là nơi mà người dân chọn để đến đó tự vẫn…Nguyên văn thính giả Bình Nguyên viết “Tôi ước ao gì điều mà tôi tưởng tượng sẽ sớm là sự thật trên quê hương tôi, rằng người phát ngôn của Chính phủ đăng đàn tuyên bố ‘Người thực thi pháp luật mà phạm luật bị xử phạt gấp đôi’, hai vị Linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục được nêu danh như những người lãnh đạo tinh thần năng nỗ cùng chính quyền giúp ổn định đời sống an cư lạc nghiệp cho giáo dân và người Việt Nam chan hòa trong tình thương yêu nòi giống, không ai phải buồn lòng hay thất vọng đến mức vào đồn công an tự sát để làm vướng bận các nhân viên công quyền. Mong lắm thay!”

Hòa Ái xin được trả lời tin nhắn của thính giả Vân ở California:

“Chào cô Hòa Ái, tôi là ông Vân, ở California. Xin có lời hỏi thăm rằng ít lâu nay chúng tôi không nghe được tiếng nói của các ký giả như Nguyễn Khanh, Nam Nguyên và Mặc Lâm. Theo ý chúng tôi, là một thính giả lâu năm của đài thì ba ‘lão tướng’ này đều rất có khả năng và có kinh nghiệm về truyền thông. Nếu vì lý do nghỉ hưu thì không nói làm gì. Nhưng ngoài lý đo đó mà vì lý do khác thì đúng là sự thiệt thòi không những cho Đài RFA mà cho toàn thể thính giả Việt Nam ở khắp năm châu. Xin cảm ơn cô trả lời thắc mắc của chúng tôi.”

Quý thính giả Vân kính, Hòa Ái chân thành cảm ơn tình cảm quý mến của ông dành cho ba vị “lão tướng” ký giả Nguyễn Khanh, Nam Nguyên và Mặc Lâm. Xin được thưa cùng ông và quý thính giả của đài, anh Nam Nguyên và anh Mặc Lâm đã nghỉ hưu, vui thú điền viên bên gia đình và với những kỷ niệm buồn vui cùng thính giả suốt nhiều năm gắn bó trong đài. Riêng ký giả Nguyễn Khanh vẫn còn làm việc với RFA trong cương vị Giám đốc Ban Việt ngữ. Quý thính giả thi thoảng mới nghe được giọng nói của anh Nguyễn Khanh vì do công việc lãnh đạo nên anh Nguyễn Khanh chỉ ở hậu đài là chính.

Một lần nữa, Hòa Ái xin được tri ân tấm lòng trân quý của ông Vân và toàn thể quý khán thính giả cùng độc giả dành cho anh chị em trong Ban. Kính mong quý vị tiếp tục cùng đồng hành với chúng tôi trong thời gian tới cũng như nhiệt tình đóng góp ý kiến để giúp các chương trình phát thanh và phát hình của Đài RFA ngày một tốt hơn. Quý vị có thể liên lạc qua email tại địa chỉ vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org, hoặc qua hộp thư thoại tại số 202-530-7775.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét