Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

‘Nhất Ðới, Nhất Lộ’: Giấc mộng đứng đầu thế giới của Trung Quốc




 

Khoảng 30 nguyên thủ quốc gia, trong đó có Việt Nam, cùng đại diện hơn 100 quốc gia khác, tham dự hội nghị “Belt and Road” (Một Vành Ðai, Một Con Ðường) theo sáng kiến của Trung Quốc. (Hình: Getty Images)


Trong khi Tổng Thống Donald Trump với chủ trương “Nước Mỹ Trước Hết” muốn giảm vai trò quốc tế để rút về chú trọng vào các mục tiêu quốc nội, thì Chủ Tịch Tập Cận Bình có thời cơ thuận lợi tiếp tục đề cao toàn cầu hóa và đẩy mạnh sáng kiến “Nhất Ðới, Nhất Lộ” (Belt and Road), một kế hoạch rộng lớn sẽ đưa Trung Quốc lên vị trí cường quốc hàng đầu thế giới.

Nhất Ðới, Nhất Lộ có nghĩa là “Một Vành Ðai, Một Con Ðường,” dựa theo quá trình lịch sử của “Con Ðường Tơ Lụa,” tức hệ thống đường giao thương Ðông-Tây trên biển và trên đất liền có từ hơn 2,000 năm trước giữa các dân tộc Châu Á với Châu Âu.

Sáng kiến có động lực chính là kinh tế này do Tập Cận Bình đề ra năm 2013, dùng khả năng tài chính dồi dào của Trung Quốc, với dự trữ ngoại tệ tới $3,000 tỷ, nghĩa là hơn 1/4 của toàn thế giới, để trợ giúp các quốc gia, đặc biệt là các nước Á-Phi quanh vùng phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng đường bộ và đường xe lửa, mở bến cảng giúp cho việc chuyển vận hàng hóa, gia tăng trao đổi mậu dịch. Kết quả sẽ đem quan hệ gần gũi đến hàng trăm triệu người và kết nối trao đổi giữa hàng trăm thị trường.

Chương trình “Vành Ðai và Con Ðường” như vậy có thể hợp lý, nhưng có vẻ chưa được hoàn toàn hợp tình vì cái mà Trung Quốc muốn chưa hẳn đã là quan điểm của các nước khác trong đó có các đối tác chiến lược quan trọng như Nga, Ấn Ðộ, Nhật Bản. Vả lại cho đến nay nhiều dân tộc và quốc gia hãy còn thiếu niềm tin cậy Trung Quốc nhất là các nước Ðông Nam Á trước tham vọng về biển đảo của Trung Quốc ở Biển Ðông. Một số dự án đầu tư trước kia của Trung Quốc ở Nam Á và Châu Phi đã bị hoài nghi về ý đồ không tốt đẹp trong sự hợp tác.

Hơn nữa dù đã đổ ra hơn $50 tỷ cho 62 nước trong ba năm qua, theo Tân Hoa Xã, “Vành Ðai và Con Ðường” sẽ còn đòi hỏi thêm hàng ngàn tỷ nữa. Những khó khăn về tài chính cũng bắt đầu xuất hiện vào lúc tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại, năm ngoái dự trữ dùng cho những dự án quốc tế giảm khoảng 6%.

Về mặt kinh tế, một trong những mục tiêu quan trọng của Trung Quốc là tiêu thụ những sản phẩm xây dựng như xi măng và thép đã được sản xuất qua dư thừa. Tiếp theo là sử dụng tài nguyên nhân lực và kỹ năng của chuyên viên cùng công nhân trong công tác xây dựng cầu đường, thiết lộ và bến cảng.

Giữa thế kỷ 19, nhiều công nhân lao động Trung Quốc đến Mỹ để làm đường sắt, còn hiện nay Trung Quốc là nước có một mạng lưới đường xe lửa cao tốc dài nhất thế giới đã được hoàn thành trong một thời gian kỷ lục. Phát triển hệ thống đường lộ ở Trung Á và Nam Á là một tiềm năng to lớn trong sáng kiến “Nhất Ðới, Nhất Lộ.”

Trong năm ngoái, “Vành Ðai và Con Ðường,” có hoàn cảnh tốt trên mặt quốc tế để tiến triển. Chủ nghĩa dân túy (populism) thắng lợi trong các cuộc bầu cử Anh, Mỹ làm suy yếu đường lối toàn cầu hóa ở Mỹ và Liên Âu. Chưa rõ trong tương lai, Mỹ sẽ thay thế chiến lược chuyển trục về Châu Á và Hiệp Ðịnh Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương (TPP) của chính quyền Obama như thế nào.
‘Nhất Ðới, Nhất Lộ’: Giấc mộng đứng đầu thế giới của Trung Quốc
Hội nghị bàn tròn các nhà lãnh đạo quốc gia tham dự Diễn đàn Nhất Ðới Nhất Lộ tại trung tâm hội nghị quốc tế Yanqi Lake, Bắc Kinh, hôm Chủ Nhật 15 Tháng Năm 2017. (Hình: Getty Images)

Vụ bắn hỏa tiễn Tomahawk vào Syria và đưa chiến đoàn 1 hải quân với hàng không mẫu hạm Carl Vinson đến vùng biển Nhật Bản khiến dư luận kỳ vọng vào phản ứng cứng rắn khi cần thiết của Tổng Thống Donald Trump, tuy nhiên những hành động này không có giá trị gì hơn là tính cách phô diễn.

Các nước Á Châu chưa đủ tin tưởng khi không thể rõ chính sách Á Châu của Mỹ bây giờ sẽ như thế nào. Thể hiện tâm lý ấy, Tổng Thống Rodrigo Duterte giải thích với tờ Manila Times rằng không thể trông đợi gì ở Mỹ lúc này và hòa hoãn với Trung Quốc là con đường duy nhất.

Ông nói: “Chiến tranh ư? Trong một ngày Philippines sẽ không còn quân đội và cảnh sát.”

Trung Quốc không chỉ nhân cơ hội để làm nước dẫn đầu thế giới về toàn cầu hóa bằng sự đẩy mạnh RCEP (Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện toàn khu vực giữa 10 nước ASEAN và 6 nước khác) cùng những thỏa hiệp tự do mậu dịch khác, mà còn bành trướng tới Biển Ðông và Ấn Ðộ Dương bằng việc xây dựng hải cảng cho Brunei và Sri Lanka, xây cầu “hữu nghị” trên quần đảo Maldives và căn cứ hải quân ở Djibouti miền Ðông Châu Phi, đặt đường ống dẫn dầu tại Pakistan. Những việc này đều nhân danh chương trình “Nhất Ðới, Nhất Lộ.”

Trong hai ngày Chủ Nhật và Thứ Hai vừa qua, Diễn đàn “Nhất Ðới, Nhất Lộ” họp lần đầu tiên ở Bắc Kinh với sự tham dự của 28 nhà lãnh đạo quốc gia và các đại diện gần 100 nước khác. Nguyên thủ các nước ASEAN đều có mặt trừ Thái Lan chỉ có đại diện cấp bộ trưởng. Ðại diện Mỹ là ông Matt Poottinger, phụ tá đặc biệt của Tổng Thống Trump. Ấn Ðộ và Nga là hai nước lớn liên quan mật thiết với Con Ðường Tơ Lụa hơn hết nhưng Tổng Thống Vladimir Putin đến Bắc Kinh còn Ấn Ðộ không có đại diện tham dự. Hiện diện còn có ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, ông Jim Yong Kim chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới và bà Chritine Lagarde giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế.

Ðây là hội nghị thượng đỉnh lớn nhất từ trước đến nay họp ở Bắc Kinh. Sự kiện này được coi là củng cố vị trí lãnh đạo đất nước cho Tập Cận Bình và nâng cao vai trò quốc tế của Trung Quốc.

Trong bài diễn văn khai mạc, ông Tập nói đến Trương Khiên, một quan võ và nhà ngoại giao thời nhà Hán hơn 2,000 năm trước, ông là người góp công mở ra Con Ðường Tơ Lụa. Trong thời gian từ năm 140 đến năm 115 trước Tây lịch, Trương Khiên hai lần đi sứ Tây Vực (các xứ phía Tây Trung Quốc) trong đó nhiều năm bị Hung Nô (dân bộ tộc thiểu số sống ở vùng sa mạc và thảo nguyên) bắt giữ nhưng không giết. Thời đó, quân đội của vua Hán Vũ Ðế đã chinh phục các xứ miền Trung Á, cưỡi ngựa hay đi bộ vượt qua vùng hoang mạc, tương lai Trung Quốc hy vọng sẽ làm đường xe lửa cao tốc đi ngang các vùng này.

Ông Tập cũng nhắc đến Trịnh Hòa, đô đốc thời nhà Minh, từ 1405 đến 1430 đã nhiều lần dẫn hạm đội gồm hàng trăm tàu thuyền lớn nhỏ thám hiểm các vùng biển từ Ðông Nam Á, Ấn Ðộ Dương đến Châu Phi. Dấu tích các nơi hạm đội của Trịnh Hòa ghé ngang vẫn được Trung Quốc sử dụng như là bằng chứng xác định chủ quyền của họ trên các quần đảo ở Biển Ðông.

Ông Tập cũng nhắc đến các nhà thám hiểm từ phương Tây đi đến phương Ðông như Marco Pollo, Ibn Batutah,… và theo lời ông, Con Ðường Tơ Lụa chính là nhịp cầu hợp tác hòa bình Ðông Tây, từ Châu Á đến Châu Âu và Châu Phi. Nhưng thật ra Trung Quốc không coi “Nhất Ðới, Nhất Lộ” chỉ là sáng kiến kinh tế trong một phạm vi khu vực mà là kế hoạch đưa Trung Quốc tiến tới vị trí cường quốc dẫn đầu thế giới.

Tân Hoa Xã cho biết, Chủ Tịch Tập Cận Bình nói với các phóng viên rằng tất cả các nhà lãnh đạo tham dự Diễn đàn “Nhất Ðới, Nhất Lộ” đều hoàn toàn đồng ý với sáng kiến này, nền móng mới cho sự hợp tác, tái quân bình toàn cầu hóa và chia sẻ tương lai của nhân loại. Kỳ họp sắp tới sẽ diễn ra vào năm 2019.

Bản tuyên cáo chung do hội nghị đưa ra hôm Thứ Hai mạnh mẽ lên án chủ nghĩa cô lập. Tuyên cáo viết: “Chúng tôi tái xác định cam kết xây dựng nền kinh tế mở cửa, bảo đảm hoàn toàn tự do mậu dịch chống lại mọi hình thức bảo hộ, phát triển một hệ thống toàn diện, đa phương, công bình, trên căn bản của WTO (Tổ chức Mậu Dịch Thế Giới).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét