Thứ Năm, 18 tháng 5, 2017

Nếu muốn mặt trời ló rạng



Báo Tuổi trẻ đăng như thế này đã là một sự dũng cảm và đáng trân quý đến tột cùng trong vô vàn những tờ báo đang nằm bất động về vấn đề biển miền Trung hậu thảm hoạ Formosa mà công ty này gây ra trong giai đoạn vận hành thử nghiệm nhà máy luyện thép từ đầu tháng 4/2016.



Chính nhiều cán bộ, lãnh đạo cấp trung ương đã phát ngôn và khẳng định chắc nịch về việc biển đã an toàn và đã có thể khai thác được, đáy biển đã tự phục hồi mà không cần đến việc khắc phục bằng phương pháp khoa học nào cả.



Nhưng sự thật có lẽ lại khác. Nếu biển đã sạch thì người ta không thể trước sau tuyên bố bất nhất về cùng một hiện trạng môi sinh của chính vùng biển đã xảy ra thảm hoạ chỉ trong một thời gian ngắn như thế.



Nhưng có lẽ do không chỉ những người dân ở vùng biển phải lo lắng vì việc đình thác biển, hay bị ảnh hưởng thu nhập từ kinh doanh dịch vụ biển, hải sản, mà chính những người đang sống trên mảnh đất này, kể cả quan chức cũng phải bỏ chút tâm tư mà lo lắng vì "hiểm hoạ" sẽ không chừa một ai nếu chẳng may vì thứ gì đó ta cứ im lặng để mặc dân chúng khai thác mà không công bố hay lên tiếng chút gì. Vì những sản phẩm hải sản ấy sẽ được khai thác để trực tiếp bán ra thị trường, làm mắm, các chế phẩm đông lạnh hay nước biển làm muối có thể nhiễm độc tố - có thể trở thành món ăn trên mâm cơm của bất kỳ gia đình nào. Và ngay cả nếu không rõ ràng về tình trạng biển bằng công bố khoa học, nghiêm túc thì quốc tế cũng sẽ gắt gao trong vấn đề xuất khẩu hải sản chung đối với toàn bộ nền kinh tế nước này. Đó mới là thiệt hại vô cùng lớn cho tăng trưởng quốc dân.



Người ta ắt hẳn vẫn còn nhớ những di chứng khiến cả gần 2.000 người chết và hàng chục ngàn người sống trong cảnh bệnh tật dai dẳng (về thần kinh) ở Nhật Bản cách đây hơn 70 năm với tên gọi Minamata (do người dân vùng này bị nhiễm độc Thuỷ ngân có chứa trong chất thải được xả ra liên tục trong nhiều năm từ một công ty tại đó) bởi họ đã không lường trước được hết hậu hoạ kinh hoàng của nó mà ban đầu họ không quá bận tâm.



Ở một nơi khác, vụ đắm tàu chở dầu của hãng BP trên vùng biển Hoa Kỳ đã khiến công ty này phải bỏ ra một số tiền khổng lồ tương đương với khoảng 96 tỷ đô la cho việc bồi thường những người dân bị ảnh hưởng bởi sự kiện đó, chi phí khắc phục hậu quả cho đến khi môi trường biển hết ô nhiễm, bồi thường cho chính phủ,... và đương nhiên sự kiện đắm tàu chở dầu đó không hề nghiêm trọng và cũng không huỷ diệt cả một vùng biển dài như thảm hoạ do Formosa gây ra trên đất nước chúng ta.



Cái giá của chúng ta sao lại rẻ đến vậy? Và tương lai, sinh kế của hàng triệu dân sao định giá nhanh chóng và hời hợt đến vậy? Không những thế là sự xuê xoa, là sự xem nhẹ đối với việc khắc phục hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mà kéo dài của nó để có một vùng biển sạch, an toàn.



Có vị quan chức nào đó còn phát biểu, mong rằng có một cơn bão lớn quét qua vùng biển miền Trung thì sẽ làm giảm nồng độ độc tố trong nước biển và sẽ làm sạch được biển. Hay cũng có vị bộ trưởng nói rằng biển đã sạch vì có cơ chế tự đào thải độc tố. Thật vô trách nhiệm với vai trò một nhà quản lý mà nó thuộc chức trách của mình.



Chẳng có cơn bão nào có thểm làm được điều đó nếu con người chúng ta không bắt tay vào bằng những hành động thiết thực, bằng khoa học, và trước tiên là thành thật với những thông tin và công bố dựa trên sự thật để nhân dân được biết.






Đó chính là khởi điểm của bình minh, nếu muốn có mặt trời ló rạng, trên bờ biển quê hương mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét