Thứ Ba, 9 tháng 5, 2017

Luật pháp hay Luật giang hồ?



Cảnh sát cơ động ngăn chặn người nghiện ma túy trốn khỏi trung tâm cai nghiện tỉnh Đồng Nai hôm 7/11/2016. Ảnh minh họa. AFP photo 



Qua vụ việc ba phụ nữ ở quận 2, Sài Gòn bị côn đồ hành hung cũng như công khai đe dọa tấn công nhiều người khác nữa trên mạng xã hội và vụ việc một người dân bị chết trong đồn Công an Vĩnh Long với vết cắt quanh cổ gây hoang mang và phẫn nộ gần đây. Người dân không biết Pháp luật Việt Nam có hiệu lực như thế nào khi nhiều người cho rằng chính quyền hành xử không chính danh mà lại sử dụng biện pháp “côn an trị”.



“Côn đồ đỏ”



Chưa bao giờ những tay anh chị trong giới giang hồ tại Việt Nam lại được dân chúng có thiện cảm như trong những ngày vừa qua. Một số người tự xưng là người của giới “xã hội” khắp từ Nam chí Bắc “livestream” trực tuyến nói rằng sẽ “xử” Phan Sơn Hùng, chủ tài khỏan Facebook với tên Phan Hùng, người đăng tải video clip trên mạng xã hội về vụ một nhóm côn đồ xâm nhập gia cư và hành hung tàn bạo ba người phụ nữ vào chiều ngày 2 tháng Năm, tại quận 2, Sài Gòn mà chính Phan Hùng tham gia. Rất nhiều cư dân mạng tỏ ra phấn khích và lên tiếng ủng hộ những người trong giới “xã hội” ra tay nghĩa hiệp xử lý tên côn đồ Phan Hùng khi nghe được tuyên bố họ phải “xử” vì Phan Hùng đánh phụ nữ và đánh người Việt Nam.



Đài Á Châu Tự Do liên lạc với một thanh niên ở Hải Phòng, từng là người thuộc băng nhóm giang hồ đã hoàn lương và được nghe anh chia sẻ vì sao bản thân cũng như rất nhiều cư dân mạng khác mong Phan Hùng sẽ bị giới “xã hội” xử lý thay vì pháp luật:



“Em nói riêng cá nhân em nhé, em nhìn nhận thằng Phan Hùng được công an dùng nó để hành xử một cách côn đồ với những người có tiếng nói, mà thằng đấy em nói thật không phải là côn đồ. Phan Hùng chỉ là thằng lưu manh, ăn cắp vặt thôi. Nó chỉ xăm trổ, được công an bợ đỡ thôi chứ thằng đấy không có tên gì trong ‘bản đồ’ mà được gọi là ‘giang hồ’. Các anh đăng lên Facebook nói tìm thằng Phan Hùng xử lý thì bọn em ủng hộ. Bởi vì bây giờ công an cũng dùng côn đồ trị thì chẳng còn luật pháp gì ở đất nước này nên để cho côn đồ trị nhau là chuẩn nhất.”



Theo ghi nhận của RFA, diễn tiến của vụ việc nhóm côn dồ hành hung ba phụ nữ ở quận 2 vì cho họ là “phản động” càng gây hoang mang trong dư luận do cách xử lý của phía công an đối với nghi can Nguyễn Sơn Hùng. Mặc dù, Nguyễn Sơn Hùng tuyên bố trên trang Facebook cá nhân rằng đây là “màn chào mừng thành viên cờ vàng 3 sọc đỏ” cũng như hăm dọa sẽ ra tay đối với những ai muốn xuyên tạc, kích động, lăng mạ lãnh tụ, bạo loạn; nhưng đại diện Công an Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định vụ việc không mang màu sắc chính trị. Và tuy rằng báo giới trong nước loan tin Công an quận 2 xác nhận đã tạm giữ hành chính nghi can Phan Sơn Hùng để điều tra, thế nhưng chủ tài khoản Facebook Phan Hùng vẫn còn “livestream” thách thức dư luận tại hội trường trong văn phòng nơi nghi can này được Công an quận 2 mời về làm việc. Qua đó, nhiều người cho rằng nhóm côn đồ của Phan Hùng được công an bảo kê, như cư dân mạng Nguyễn Thiện Nhân lên tiếng “Có côn đồ nào được chế độ ưu đãi vậy không? Chỉ có côn đồ đỏ thôi”. Thông tin sau cùng liên quan vụ việc là Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tướng Lê Đông Phong cho biết đang xác minh danh tánh và động cơ của nhóm người hành hung này, nhưng không nói rõ Phan Hùng có bị tạm giữ để điều tra hay không.



“Côn an trị”




Công an và dân phòng Việt Nam ngăn cản người dân chụp hình họ. Ảnh minh họa. AFP photo



Nhóm côn đồ Phan Hùng được dư luận cho là chính quyền đứng phía sau trong việc tấn công ba phụ nữ ở quận 2, trong đó có người cất tiếng nói phản biện chính quyền và tham gia các hoạt động xã hội. Nhiều cư dân mạng tại Việt Nam khẳng định đây là một động thái chính quyền trấn áp những tiếng nói đối lập trong nước, mà đỉnh điểm là vụ việc ông Nguyễn Hữu Tấn chết trong đồn Công an Vĩnh Long với vết cắt xung quanh cổ mà phía công an thông báo là tự tử, khi người này bị bắt vào ngày 2 tháng Năm để điều tra về hành vi phát tán tài liệu chống phá nhà nước, theo Điều 88 Bộ luật Hình sự. Thân phụ của nạn nhân, ông Nguyễn Hữu Quân nói với RFA cái chết của người thân bị khuất tất vì đoạn video mà ông được xem không rõ ràng nên không thể nhận diện mặt mũi của người trong phim và không một ai trong gia đình tin rằng nạn nhân tự sát.



Không chỉ giới đấu tranh dân chủ cho Việt Nam mà cả những người dân quan tâm đến tình hình đất nước cũng xác nhận với Đài Á Châu Tự Do vụ việc liên quan cái chết của ông Nguyễn Hữu Tấn sẽ được xem như là cách thức nhà cầm quyền Hà Nội dùng để đe dọa đối với công dân là những người có tư tưởng bất đồng chính kiến.



Anh Nguyễn Văn Trọng, cư ngụ ở Sài Gòn, người từng bị Công an phường Bến Nghé và huyện Bình Chánh bắt về đồn đánh đập khi anh xuống đường vì môi trường vào thời điểm Fomosa xả thải có độc tố ra khu vực biển miền Trung hồi năm ngoái, nói với RFA giống như nhiều người dân khác ở trong nước, anh không tin ông Nguyễn Hữu Tấn tự tử:



“Chẳng ai tin lời của công an kêu là anh ấy tự tử. Em cũng trải qua ở trong đồn rồi nên em cũng hiểu chuyện đó. Dao rọc giấy làm sao cắt đứt gần hết cái cổ theo như lời người nhà là cắt đứt cả cuống họng. Không thể nào cắt nổi như vậy được. Nói thẳng trước đây em làm nghề lóc thịt bò, làm nghề đó thì dao của em bén cỡ nào mà chẳng bao giờ cắt đứt cuống họng dễ dàng như dao rọc giấy được”.



Không chỉ người dân trong nước nghi ngại về tình trạng công an giả danh côn đồ để đánh đập dân chúng, nhất là những người bất đồng chính kiến hay tra tấn, dùng nhục hình đối với những người bị bắt đưa về đồn công an để thẩm vấn, hỏi cung. Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền-Human Rights Watch, ông Brad Adams trong cuộc trả lời phỏng vấn với RFA về tình hình nhân quyền Việt Nam năm 2016, cũng nhận định “nhà cầm quyền Việt Nam bắt đầu sử dụng những kẻ mà chúng tôi gọi là côn đồ để đánh đập những người dám lên tiếng chống chính quyền”.



Cần minh bạch và công khai



Trước làn sóng phẫn nộ của dư luận cho rằng nhà cầm quyền dùng “côn an trị” qua 2 vụ việc mới nhất vừa nêu để trấn áp và dập tắt phong trào dân chủ hóa tại Việt Nam, câu hỏi đặt ra Chính phủ Hà Nội cần phải làm gì để xóa được sự nghi ngờ trong dân chúng. Chúng tôi nêu vấn đề với Luật sư Trần Vũ Hải và được nghe ý kiến của ông đề nghị với giới chức có thẩm quyền ở Việt Nam. Trước hết, Luật sư Trần Vũ Hải nói về vụ việc nhóm côn đồ Phan Hùng hành hung ba phụ nữ:



“Đối với vụ việc như thế này thì tôi cho rằng bên công an cần khởi tố vụ án ngay và điều tra những đối tượng khác. Bởi vì vụ này đủ yếu tố hình sự để khởi tố. Và riêng các đối tượng gọi là hung hãn, bất chấp pháp luật, coi thường người dân cần phải có biện pháp ngăn chặn, tạm giam để tránh trường hợp họ liều mạng hoặc họ cho rằng không ai dám làm gì nên họ làm tiếp. Và tôi nghĩ rằng người dân cũng không nên manh động để tấn công những kẻ đó. Như thế, bạo lực nối tiếp bạo lực, sẽ rất phức tạp.”



Đối với vụ việc liên quan cái chết của nạn nhân Nguyễn Hữu Tấn, mặc dù Phó Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long, Đại tá Phạm Văn Ngân cam kết sẽ cho gia đình ông Nguyễn Hữu Tấn xem lại đoạn băng ghi hình người nhà tự sát một lần nữa, nhưng Luật sư Trần Vũ Hải đề nghị Công an Vĩnh Long cần mời luật sư của gia đình cùng các chuyên gia độc lập để xem trực tiếp băng ghi hình và phân tích thực hư về hành động cắt cổ tự sát của nạn nhân. Luật sư Trần Vũ Hải cũng cho rằng Bộ Công an và Viện Kiểm sát Tối cao cần vào cuộc để “Những việc như thế này cứ minh bạch, công khai rõ ràng thì sẽ giảm bớt nghi kỵ của người dân”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét