Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Lợi ích nhóm của Bất Động Sản







Hồi nãy chạy xe ôm qua một tòa nhà cao cấp của một dự án bất động sản sang trọng. Rồi nhìn thấy quá trời căn nhà cấp 4 xung quanh. Tôi mới tự hỏi “Tại sao giá bất động sản cứ mãi tăng trong khi đại đa số người dân thì rất nghèo? Ai là lợi ích nhóm?” Với tinh thần tò mò của một thằng chạy xe ôm, lập tức khi về nhà, sau khi ăn tô mì gói và húp ly nước trà tôi liền chạy ra tiệm nét 5k/tiếng để gõ những dòng sau đây. Ai là lợi ích nhóm của bất động sản? Ai lại muốn giá bất động sản phải liên tục tăng mà không giảm? Đó chính là những người sau đây.



    * Các công ty Bất Động Sản – Cái này nói luôn các công ty nội địa và quốc tế. Cái này hiển nhiên rồi. Người ta đã bỏ tiền đầu tư thì đương nhiên không muốn giá giảm mà muốn nó luôn tăng. Ở trong nước thì là Novaland của mấy con Quạ Chìm và VinCom của anh Vượng. Công ty nước ngoài thì có Nam Long (Singapore, Nhật Bản), Capitaland (Singapore), Vina Capital và Hưng Thịnh. Miếng cơm của người ta mà.


    * Các nhân viên ngành bất động sản – Ngành bất động phất lên trên sự in tiền của nhà nước đã tạo ra một ngành công nghiệp giả tạo kèm những bộ phận nhân sự ảo đi kèm. Từ anh nhân viên môi giới, mấy em gái tư vấn xinh xinh cho tới mấy tay cò nhà đất. Tất cả đều sinh sống và phát triển nhờ trên sự giả tạo của giá bất động sản. Đương nhiên mấy người này không muốn giá sụp rồi.


    * Những người sở hữu nhà – Cái này nói chung. Giờ bạn có căn nhà, bạn muốn giá nhà bạn tăng hay giảm? Đương nhiên là tăng rồi, bạn dám nói bạn muốn nó giảm đi. Dân đen muốn căn nhà mình tăng giá để làm đại gia ổ chuột. Khá giả hơn thì muốn nhà nước in tiền để thu nhiều tiền trọ tiền cho thuê hơn. Chẳng ai muốn giá sụp cả.


    * Những người đã mua nhà – Giờ bạn mới mua nhà, bạn nợ giả sử 1 tỷ thì bạn muốn giá nhà mình mới mua tăng hay giảm? Đương nhiên là tăng rồi. Giá mà giảm thì mắc nợ ngân hàng thì tiền đâu mà trả. Cho nên miệng thì than nhà tăng giá nhưng bên trong âm thầm nước nhà nước in thật nhiều tiền để nó tăng.


    * Ngân hàng – Giờ bạn là ngân hàng cho một khách hàng vay 1 tỷ để mua nhà. Giờ về mặt quản trị rủi ro thì việc giá nhà giảm giá là điều hết sức nguy hiểm. Vì khi chủ nhà bán lại thì bạn không thể lấy lại tiền đã cho vạy. Nhìn lớn hơn thì các dự án bất động sản chính là sức sống của các ngân hàng. Nên ngân hàng càng muốn cho vay để giữ cái bong bóng này tồn tại.


    * Quan chức – Từ ủy ban nhân dân, sở tài nguyên môi trường cho tới thanh tra xây dựng. Ai cũng muốn ngành bất động sản tồn tại và phát triển, dù chỉ là sự giả tạo. Ông quan thì muốn càng nhiều dự án để ăn tiền cà phê, anh cán bộ thì muốn thanh tra nhiều dự án để có tiền mua mì gói và anh ủy ban nhân dân thì luôn muốn người ta tới đút lót để xin giấy phép. Tất cả gom lại thành một nhóm lợi ích.


    * Chính phủ Việt Nam – Ngành bất động sản góp 10% cho GDP của đất nước, một con số không hề nhỏ. Đó là chưa tính những ngành phụ đi kèm như vật liệu, xây dựng và những dịch vụ đi kèm. Chính phủ muốn nuôi ngành bất động sản để tạo ra sự phồn vinh giả tạo. Nó sụp thì biết đầu tư cái gì bây giờ?



Vì nhận thức có giới hạn nên thằng xe ôm này chỉ có thể nói nhiêu đó. Suy cho cùng, ai cũng muốn giá bất động sản tăng, ai cũng muốn giá nhà tăng – trừ những ai chưa có nhà. Ai cũng mở miệng chửi giá bất động sản quá cao nhưng lại âm thầm muốn nhà nước in thật nhiều tiền để thổi phòng giá nhà lên để mình tiếp tục làm đại gia với giá trị ảo. Nhìn mấy dự án bất động sản mà tôi đau lòng vì không biết chừng nào mới chạy đủ cuốc xe để mua một căn hộ trả góp,ước tính thì tầm 30-40 năm. Thôi làm ly trà sữa, nhìn mấy em xinh xinh nói chuyện rồi mơ mộng về một tương lai xa vời vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét