Trên lý thuyết,
nghệ sỹ và phóng viên không có mấy điểm chung ngoài việc cùng có khát
khao truyền tải tác phẩm, làm lay động được khán thính giả, độc giả của
mình.
Bản thân người nghệ sỹ không bao giờ thấy trăn trở, khó xử
khi thực hiện công việc của mình ("làm sao ta hiểu được người vũ công từ
một vũ điệu?", như nhà thơ người Irland William Butler Yeats từng hỏi),
nhưng đạo đức nghề nghiệp đặc trưng lại đòi hỏi người phóng viên không
bao giờ được lấn sang câu chuyện mình muốn kể cho công chúng nghe. Một
bên là chủ quan, còn bên kia phải khách quan.
Thế nhưng lý thuyết
tồn tại là để bị bác bỏ, như trong hình ảnh đặc biệt được ghi lại trong
tháng Tư vừa qua ở khu vực ngoại ô thành phố Aleppo của Syria cho thấy.
Trong
cảnh bị tàn phá tan hoang, nơi một trái bom vừa nổ gây ra cảnh hỗn
loạn, phóng viên ảnh người Syria Ab Alkader Habak rơi vào tình thế buộc
phải lựa chọn giữa việc đặt mình đứng ngoài những gì đang diễn ra và
việc phải đặt máy ảnh sang một bên để có hành động thực tế hơn.
Nơi hiện trường, một em nhỏ nằm sấp mặt xuống đất sau khi bị hất văng lên do sức ép của vụ nổ.
Những
người quanh đó ngỡ rằng cậu bé đã tử vong, nhưng cậu khiến Habak chú ý
khi anh thấy ngón tay cậu còn khẽ đụng đậy. Bất ngờ, Habak bế cậu bé
trên tay, chạy băng tới nơi an toàn, nơi có chiếc xe cứu thương đang đỗ,
và quay trở lại chỉ ít phút sau đó để cứu thêm một bé gái đang gào
khóc.
Được ghi lại bằng ống kính của người khác, người phóng viên
trở thành người được tường thuật - người ghi lại hình ảnh trở thành hình
ảnh.
Cảnh Habak cứu các em nhỏ gợi nhớ một hình ảnh cảm động khác về tính anh hùng, nhân văn.
Hồi năm 1854, họa sỹ người Anh John Everett Millais
bỗng dưng ở trong tình huống được chứng kiến một hình ảnh về sự can
trường và ông tin rằng nếu không được ghi lại thì nó sẽ không được ai
biết đến.
Kết quả là ông đã vẽ được một bức tranh về lòng quả cảm, thể hiện rõ nét tâm trạng không chút sợ hãi cho cả một thế hệ.
Bị
mê hoặc bởi hình ảnh một đám cháy dữ dội ở gần trong bầu trời sớm mai,
Millais yêu cầu người lái xe taxi chạy xe về hướng đám cháy.
Khi
người nghệ sỹ và em trai ông tới gần, ông lặng người khi chứng kiến lòng
can đảm của hai người lính cứu hỏa đứng trong tình thế cheo leo rất
nguy hiểm trên một cây cột trụ vốn đã bị sức nóng của ngọn lửa làm cho
yếu đi.
Họ cố gắng dùng vòi nước dập lửa, và rồi đột ngột mái nhà sập xuống - "kéo theo toàn bộ rui mái và hai người đàn ông dũng cảm".
Xúc
động trước những gì vừa chứng kiến (và "trước những tiếng kêu thét xé
rách không gian"), Millais quyết tâm vinh danh những người lính cứu hỏa
thầm lặng.
"Những người lính và những chàng thuỷ thủ đã được ca
tụng trên tranh hàng ngàn lần. Bức tranh sắp tới của tôi sẽ là về những
người lính cứu hỏa."
Để thể hiện được một cách tinh tế nhất,
Millais đã cẩn thận tái hiện trong xưởng vẽ của mình bầu không khí của
trận hỏa hoạn dữ dội đó, khéo léo làm biến dạng những tấm kính màu và
đốt cháy những tấm gỗ để tạo khói và tâm trạng sợ hãi.
Kết quả là bức chân dung Cứu hộ (The Rescue - 1855) được ra đời.
Millais
đã thuê một người mẫu đóng vai người lính cứu hỏa mạnh mẽ, người đã
chống chọi quyết liệt với giới hạn thể lực để cứu được ba em nhỏ, hai
đứa nhỏ trên lưng và một trên tay.
Trong những năm sau đó, Millais
luôn tận dụng mọi cơ hội có thể để đi cùng người bạn, người đứng đầu
lực lượng cứu hoả, tới rất nhiều các điểm có hỏa hoạn ở quanh London.
Đó
là lúc lực lượng cứu hoả trở thành một lực lượng công chuyên bảo vệ
cuộc sống của con người thay vì chỉ cứu cho các ngôi nhà bị hư hại.
Khi
được đặt bên cạnh bức ảnh được chụp tháng trước tại Syria, bức tranh
The Rescue có thể được coi như một bức chân dung tự hoạ khiến người xem
mê mẩn về hình ảnh người nghệ sỹ đã làm được những gì mà Millais đã
không thể làm được trong cái buổi sáng đó.
Và điều mà Habak đã làm là cứu được những sinh mạng em nhỏ, quý giá hơn bất kỳ một tấm hình nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét